Antonio Graceffo
Bắc Kinh đang xuất cảng thương hiệu công lý của mình trên toàn cầu thông qua một loạt các trao đổi về thực thi pháp luật cũng như bằng cách cung cấp huấn luyện và trang thiết bị.
Năm 2011, chính phủ Ecuador đã đổi dầu của mình lấy các khoản vay từ Trung Quốc, sau đó sử dụng số tiền này để lắp đặt một hệ thống giám sát do Trung Quốc thiết kế trên khắp đất nước. Ngày nay, tội phạm vẫn tung hoành ngang dọc, nhưng cảnh sát và cộng đồng tình báo trong nước có thể theo dõi bất cứ ai họ muốn.
Qua các cuộc đàn áp tàn bạo ở Hồng Kông và các biện pháp khống chế bằng công nghệ giám sát kỹ thuật số tối tân ở Tân Cương, [có thể thấy] Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) là một chuyên gia sành sỏi trong việc sử dụng lực lượng an ninh công cộng như là công cụ đàn áp.
Dưới thời lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình, Trung Cộng đã khuếch đại sự khống chế đối với xã hội dân sự, bằng việc thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia, cũng như tăng cường sử dụng công nghệ như một công cụ kiểm soát xã hội.
Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương báo cáo trực tiếp cho Trung Cộng, và được giao nhiệm vụ bảo vệ “chỉnh thể an ninh quốc gia” chống lại các mối đe dọa an ninh cả trong lẫn ngoài nước. Ngoài ra, một trong những lý do chính cho việc thành lập ủy ban an ninh này là để cải thiện việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các bộ máy quân sự, tình báo, và an ninh công cộng.
Bạch thư “Chiến Lược Quân Sự” năm 2015 của Trung Cộng tuyên bố rằng an ninh của Trung Quốc có liên quan đến an ninh của thế giới. Và đây là lời biện minh của Trung Cộng cho việc mở rộng phạm vi tiếp cận của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), Bộ An ninh Quốc gia (cơ quan gián điệp của Trung Cộng) và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, ra ngoài biên giới Trung Quốc.
Những cơ quan chính quyền này không chỉ cố gắng bảo đảm sự an toàn của Trung Quốc bằng cách tấn công các phần tử khủng bố và tội phạm, mà còn từng bước nâng cao năng lực giám sát và thu thập thông tin tình báo của Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Cộng đang lợi dụng việc huấn luyện cảnh sát và viện trợ vật chất như một loại hình ngoại giao, để lôi kéo các chính phủ ngoại quốc, thu phục lòng người, và cài cắm các sĩ quan thân Trung Quốc vào đảm nhiệm các chức vụ cao trong lực lượng an ninh của ngoại quốc.
Bắc Kinh đang nỗ lực để khẳng định vị thế của mình như một đối tác an ninh quốc tế, đồng thời mở rộng phạm vi nhiệm vụ cho lực lượng an ninh của riêng mình, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động gián điệp và thu thập thông tin tình báo. Trong 15 năm qua, Trung Cộng đã không ngừng mở rộng vai trò an ninh ở nước ngoài của PLA thông qua việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu trợ thiên tai, và chống khủng bố trên khắp thế giới.
Một bạch thư khác về chiến lược quân sự của Trung Cộng đã vạch ra các nhiệm vụ ngoài lãnh thổ của PLA, chẳng hạn như bảo vệ các lợi ích ở hải ngoại của Trung Cộng, rút lui khẩn cấp, và hỗ trợ phát triển kinh tế quốc gia. Văn kiện này cũng cũng kêu gọi PLA tăng cường hợp tác an ninh quốc tế tại những địa khu mà Trung Quốc đầu tư mạnh tay.
Tương tự, Hội nghị Hợp tác Quốc tế về Công tác An ninh Công cộng năm 2017 cũng kêu gọi “quốc tế hóa công tác an ninh công cộng”, cũng như thiết lập một “hệ thống hợp tác an ninh chấp pháp quốc tế mang bản sắc Trung Quốc.”
Trung Quốc đã tiến hành huấn luyện cảnh sát ở Liberia trong năm 2014. Các quan chức chấp pháp ngoại quốc được mời đến huấn luyện cảnh sát ở Trung Quốc. Học viện cảnh sát ở tỉnh Sơn Đông tổ chức một khóa huấn luyện hàng năm cho các nhân viên chấp pháp của Phi Châu. Trường Cao đẳng Cảnh sát Vân Nam ở Côn Minh, liên kết với Học viện Chấp Pháp Trung Quốc-ASEAN, nơi cung cấp huấn luyện và đào tạo miễn phí cho các nhân viên chấp pháp từ ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á). Sở Công an thành phố Bắc Kinh đã ký thỏa thuận hợp tác với 10 thành phố ở Trung Á, và sở này cũng tổ chức các hội nghị chuyên đề về cảnh sát quốc tế cho các sĩ quan cảnh sát ngoại quốc.
Bắc Kinh hỗ trợ các nhà sản xuất camera, máy ghi hình, và thiết bị an ninh lớn của Trung Quốc bằng các ưu đãi thuế và các khoản vay từ các ngân hàng quốc doanh để tài trợ cho các dự án an ninh ở hải ngoại. Những ưu đãi tài chính này làm giảm chi phí, giúp các công ty an ninh Trung Quốc dễ dàng giành được các hợp đồng ở các nước trên thế giới. Trung Cộng rất hồ hởi khi bán những công nghệ này cho các chế độ độc tài [ngoại quốc].
Iran đã áp dụng hệ thống tín dụng xã hội của Trung Cộng, nhằm giám sát và kiểm soát các hành vi xã hội và [hoạt động] tài chính của công dân. Năm 2010, Iran đã ký một thỏa thuận trị giá 130 triệu USD với ZTE, một công ty công nghệ Trung Quốc có sở hữu một phần của nhà nước, để lắp đặt một hệ thống giám sát trên các mạng điện thoại và mạng internet do chính quyền quản lý.
Ở Phi Châu, công nghệ an ninh của Huawei đang được sử dụng để bí mật theo dõi các đối thủ chính trị, phá hoại nền dân chủ. Trung Cộng và Bolivia đã ký một thỏa thuận do Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc (Export-Import Bank of China) tài trợ để xây dựng một hệ thống chỉ huy và kiểm soát tích hợp cho an ninh tiểu vùng. Tại Jamaica, Trung Cộng đã quyên tặng trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát. Tại Quintuco, Argentina, PLA đã xây dựng một trạm kiểm soát vệ tinh và nhiệm vụ không gian trị giá 50 triệu USD, với khả năng giám sát và nghe lén [hoạt động] quốc tế.
Tại Ecuador, hơn 3,000 nhân viên an ninh công cộng tại 16 trung tâm giám sát, xem lại cảnh quay từ 4,300 camera như một phần của hệ thống giám sát và kiểm soát video do Trung Cộng thiết lập. Cảnh sát không chỉ xem lại cảnh quay mà còn gửi các đoạn phim này đến lực lượng tình báo nội bộ của quốc gia, nơi xưa nay luôn theo dõi, đe dọa và thủ tiêu các đối thủ chính trị.
Hiện có 18 quốc gia đang sử dụng các hệ thống giám sát tình báo do Trung Quốc sản xuất. 36 quốc gia đã nhận được khóa huấn luyện về “định hướng dư luận” của Trung Quốc. Ngoài giám sát video, các hệ thống này còn giúp các quan chức an ninh theo dõi điện thoại di động, và một số hệ thống hiện đang bổ sung tính năng nhận dạng khuôn mặt.
Sự hợp tác an ninh ngày càng lớn mạnh của Trung Cộng ở Phi Châu và Châu Mỹ Latinh đặt ra một mối đe dọa đối với những lợi ích của Hoa Kỳ ở những khu vực đó. Hơn nữa, hoạt động này cũng làm suy yếu bản chất của nền dân chủ, cung cấp cho các nhà độc tài những phương tiện tốt hơn để kiểm soát người dân của mình.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.)
Yến Nhi biên dịch