​​Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra lệnh cho các gia đình nhân viên đại sứ quán rời Kyiv

Melanie Sun

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kyiv, Ukraine, vào ngày 01/10/2020. (Ảnh: Gleb Garanich/Reuters)

Tối Chủ Nhật (23/01), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra lệnh cho các thành viên gia đình của các nhân viên chính phủ Hoa Kỳ trong Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kyiv phải rời thủ đô Ukraine và cho phép các công chức không thiết yếu tự nguyện rời đi.

“Việc cho phép rời đi trao cho những nhân viên này lựa chọn rời khỏi nếu họ muốn; việc họ rời khỏi không phải là bắt buộc,” Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết. “Lệnh rời khỏi đất nước này đối với các thành viên gia đình là bắt buộc.”

Cơ quan này cho biết thêm: “Tình trạng di tản của Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ được đánh giá trong vòng 30 ngày tới.”

Theo thông tin cập nhật mới nhất của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kyiv trên mạng xã hội, quyết định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là một cảnh báo đặc biệt “do những nỗ lực không ngừng của Nga nhằm gây bất ổn cho đất nước này và phá hoại an ninh của công dân Ukraine cũng như những người khác đến thăm hoặc cư trú tại Ukraine.”

Bộ Ngoại giao cho hay Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kyiv “vẫn mở cửa” và các dịch vụ lãnh sự theo các hạn chế COVID-19 sẽ tiếp tục mà không thay đổi hoặc ảnh hưởng đến “cam kết tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết việc tăng cường quân đội đang gây lo ngại sâu sắc của Nga ở trong và xung quanh Ukraine.”

“Chúng tôi tiếp tục tái khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi đối với người dân Ukraine và làm như vậy trong khi cam kết thực hiện một trong những ưu tiên cao nhất của Bộ, đó là sự an toàn và an ninh của các nhà ngoại giao của chúng ta và người dân Mỹ,” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.

Thông báo này, được đưa ra vì “thận trọng”, trong bối cảnh chính phủ Ukraine ở Kyiv, cùng với Hoa Kỳ và các đồng minh NATO, tiếp tục giám sát các hoạt động tại biên giới Nga-Ukraine trong bối cảnh những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết những tranh chấp khu vực kéo dài hàng thập niên gặp phải tình trạng bế tắc rõ ràng. 

Sau cuộc đàm phán với người đồng cấp Nga, Ngoại trưởng Anthony Blinken cho biết hôm thứ Năm (20/01) rằng Hoa Kỳ đã nói rõ họ sẽ coi bất kỳ hoạt động di chuyển nào của Nga qua biên giới Ukraine là “một cuộc xâm lược mới” – mà sẽ bị đáp trả bằng “phản ứng nhanh chóng, nghiêm khắc, và thống nhất từ Hoa Kỳ và các đối tác cùng đồng minh của chúng tôi.”

Quốc hội Nga sẽ bỏ phiếu về một đề nghị của các thành viên đảng cộng sản Nga yêu cầu Điện Kremlin công nhận nền độc lập của các khu vực đang bị tranh chấp Donetsk và Luhansk ở Ukraine.

Nếu nhận được sự ủng hộ của Điện Kremlin, vốn thận trọng về đề nghị này, hành động này có thể khiến căng thẳng trong khu vực leo thang, nhưng Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn.

Ông Alexander Borodai, cựu “thủ tướng” tự xưng của Donetsk trong thời kỳ cao điểm của cuộc xung đột vào năm 2014, nay là nhà lập pháp của Đảng Nước Nga Thống Nhất, đã lên tiếng ủng hộ đề nghị này. Ông nói với Reuters rằng “chiến tranh sẽ trở thành một nhu cầu trực tiếp” nếu đề nghị này được thông qua.

Ông Blinken nói với NBC hôm Chủ Nhật (23/01) rằng trong khi Hoa Kỳ đang “xây dựng khả năng răn đe và phòng thủ cho Ukraine,” các nhà ngoại giao cũng vẫn tiếp tục tham gia hoạt động ngoại giao, đó là “con đường tốt hơn cho tất cả mọi người.”

Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ, với thông tin tình báo của đồng minh rằng hành động quân sự của Nga có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thông báo hôm Chủ Nhật (23/01) được đưa ra nhằm giúp công dân Hoa Kỳ lập kế hoạch trong trường hợp xảy ra hành động quân sự, bao gồm cả các phương án bay thương mại để rời đi, vì “chính phủ Hoa Kỳ sẽ không có khả năng di tản công dân Mỹ trong trường hợp bất ngờ như vậy.”

Họ nhấn mạnh rằng “Nga đã đẩy chúng ta vào con đường hiện tại.”

“Trong khi Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi con đường đối thoại và ngoại giao, nếu Nga chọn leo thang và chịu hậu quả to lớn do hành động quân sự đáng kể nhằm vào Ukraine, thì các điều kiện an ninh khó lường hiện nay, đặc biệt là dọc theo biên giới của Ukraine, ở Crimea do Nga chiếm đóng, cũng như ở miền đông Ukraine do Nga kiểm soát, có thể sắp xấu đi mà không có dấu hiệu báo trước,” Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ukraine cảnh báo.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nâng cấp khuyến nghị “Không Đi Lại” Cấp 4 dành cho Ukraine và Nga để thêm vào các khu vực Crimea, Donetsk, Luhansk, vì “các mối đe dọa an ninh dọc theo biên giới Ukraine”.

Hôm Chủ Nhật (23/01) , Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov xác nhận rằng chuyến hàng thứ hai gồm gần 90 tấn “hỗ trợ an ninh có tính sát thương” (các vũ khí gây sát thương) từ 200 triệu USD do chính phủ Tổng thống Biden chấp thuận hồi tháng 12/2021 đã đến Kyiv để hỗ trợ Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Cô Melanie Sun là một phóng viên và biên tập viên người Úc chuyên về tin tức thế giới. Cô có kiến thức chuyên môn về nghiên cứu môi trường.

An Nhiên biên dịch

Related posts