Andrew Thornebrooke
Định hướng chiến lược tiếp theo mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) công bố sẽ nhằm mục đích đối phó với việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra hải ngoại. Đây sẽ là lần đầu tiên liên minh này coi Trung Quốc là một ưu tiên chiến lược. Các chuyên gia cho rằng cần phải có sự tiếp xúc chặt chẽ, có nguyên tắc.
Khái niệm Chiến lược năm 2022 sẽ chỉ là chiến lược chưa được phân loại thứ tư mà NATO ban bố. Bản gần đây nhất được phát hành vào năm 2010. Khái niệm Chiến lược năm 2022 sẽ được thông qua vào tháng Sáu năm nay tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid.
Bản Khái niệm Chiến lược này là văn kiện quan trọng thứ hai trong NATO, sau Hiệp ước Washington năm 1949, vốn hình thành cơ sở pháp lý của liên minh. Nó tái khẳng định các giá trị và mục đích của NATO, đưa ra một bản đánh giá chung về môi trường an ninh hiện tại, và định hướng cho sự phát triển chính trị và quân sự của NATO.
Điều đó khiến sự hiện diện của Trung Quốc với tư cách là một ưu tiên chiến lược trở thành một sự kiện quan trọng.
Năm ngoái (2021), các nhà lãnh đạo của liên minh 30 quốc gia này lần đầu tiên đồng ý rằng Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa đặt ra một thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế. Vì thế, họ đã công bố Bản Thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh Brussels, khái quát hiểu biết chung của họ về CHND Trung Hoa và các hành động của nhà cầm quyền này trên toàn cầu.
Bản thông cáo này cho biết: “Những tham vọng và hành vi hiếu chiến rõ rệt của Trung Quốc đặt ra những thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cũng như đối với các lĩnh vực liên quan đến an ninh của Liên minh.”
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc duy trì các cam kết quốc tế và hành động có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế, bao gồm cả trong lĩnh vực không gian, mạng, và hàng hải, phù hợp với vai trò là một cường quốc lớn.”
Muộn còn hơn không
Trong khi trọng tâm mới về Trung Quốc có thể sẽ được nhiều người hoan nghênh, các chuyên gia và những người trong NATO nhận thức rõ rằng có một nỗi thất vọng ngày càng tăng về sự chậm chạp rõ rệt của NATO trong việc đáp trả các hoạt động của chính quyền Trung Quốc.
Bà Stefanie Babst, một trợ lý nghiên cứu cao cấp của Mạng lưới Lãnh đạo Âu Châu, một nhóm các nhà lãnh đạo làm việc về các vấn đề chính trị và an ninh, đã nói về phản ứng chậm chạp của NATO trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Kinh trong một hội thảo trên web do quỹ German Marshall Fund của Hoa Kỳ tổ chức hôm 19/01.
“Chúng tôi đã muộn,” bà Babst nói. “Chúng tôi đã muộn trong cuộc chơi này.”
Bà Babst nói rằng NATO đã chậm để thấy rằng ảnh hưởng xấu của CHND Trung Hoa không chỉ giới hạn ở Á Châu, và thừa nhận Trung Quốc là một cường quốc đại lục thực sự, nắm giữ một loạt các công cụ ngoại giao trong tay.
Liệu sự chậm trễ của NATO trong việc chấp nhận thực tế về một Trung Quốc đang lên có được chỉnh đốn kịp thời để ngăn chặn sự thay đổi đáng kể của trật tự quốc tế hay không vẫn cần được xem xét. Về vấn đề này, bà Babst cho rằng cơ chế ngoại giao của NATO đã chậm hơn bình thường.
Bà Babst nói thêm: “NATO luôn hơi trễ trong cuộc chơi khi thừa nhận rằng có điều gì đó thực sự quan trọng ngoài kia trên bầu trời chiến lược. Nhưng về Trung Quốc, tôi nghĩ, chúng tôi đặc biệt đến muộn.”
Tuy nhiên, muộn còn hơn không có vẻ là tâm trạng của hội thảo trên web, và bà Babst nhấn mạnh điều mà bà cho là có nhiều điểm chung hay lợi ích chung mà NATO và chính quyền Trung Quốc có thể cùng hợp tác.
Bà nhấn mạnh việc kiểm soát vũ khí, chống khủng bố, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, và an ninh hàng hải là những sân chơi chín muồi để các bên cùng tham gia.
Bà Babst nói, điều quan trọng là những vấn đề này có thể được tiếp cận theo một cách có ý nghĩa và có định hướng sứ mệnh, mà không bị sa lầy vào quá nhiều cuộc thảo luận cao cấp.
Ví dụ, liên quan đến biến đổi khí hậu, bà Babst lưu ý rằng NATO và CHND Trung Hoa có thể tham gia trực tiếp vào việc lên kế hoạch cho các trường hợp khẩn cấp dân sự và thảm họa. Trong khi đó, việc kiểm soát vũ khí có thể được tiếp cận với các hiệp ước cụ thể giữa các quốc gia riêng lẻ.
Bà Babst đưa ra luận điểm rằng, tuy trước đây chính quyền Trung Quốc thích quan hệ song phương hơn quan hệ đa phương, nhưng giới lãnh đạo của họ đã ngày càng thành thạo trong việc thao túng các tổ chức đa phương khác, chẳng hạn như NATO, chống lại chính họ.
Vì vậy, bà cho rằng cần phải tạo ra một khuôn khổ chung để giải quyết hiệu quả các hành vi xâm nhập vào các hệ thống quốc tế với dụng ý xấu của CHND Trung Hoa.
Cần ‘tiếp xúc có nguyên tắc’
Một trong những khó khăn lớn nhất mà NATO phải đối mặt hiện nay là cân bằng giữa nhu cầu bảo vệ chống lại sự hung hăng của chính quyền Trung Quốc và mong muốn kết giao với Bắc Kinh trong các công việc quốc tế có ý nghĩa.
Vì vậy, bản Khái niệm Chiến lược này được kỳ vọng sẽ cung cấp định hướng quan trọng.
Ông Robert Dresen, một cố vấn hoạch định chính sách tại trụ sở của NATO, cho biết: “Bản Khái niệm Chiến lược này tái khẳng định các giá trị, mục đích, nhiệm vụ tổng thể của NATO, và nó đưa ra đánh giá chung rất quan trọng của các đồng minh về môi trường an ninh của chúng tôi.”
Ông Dresen lưu ý rằng sự hội nhập của Trung Quốc trong cộng đồng toàn cầu cả về kinh tế lẫn ngoại giao có nghĩa là cần phải có sự tiếp xúc thực chất, và phải tránh đối đầu trực tiếp trừ trường hợp hoàn toàn không thể tránh khỏi.
“Trung Quốc đang trở nên tích cực hơn trong khu vực của chúng tôi và ở các khu vực xung quanh chúng tôi,” ông Dresen nói. “Trung Quốc đang tác động đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Và vì vậy, chúng tôi có nghĩa vụ xem xét điều đó và phát triển một chiến lược về nó.”
Ông Dresen nói: “Chúng tôi cần có sự tiếp xúc có nguyên tắc với Trung Quốc dựa trên mối quan tâm của họ nhưng cũng dựa trên lợi ích của chúng ta, vì lợi ích chung của chúng tôi.”
Do đó, chính sách đang phát triển của NATO đối với CHND Trung Hoa là một điều gì đó theo lối thân thiện nhưng kiên quyết.
Các nhà lãnh đạo liên minh sẽ cần phải kiềm chế sự thù địch nhưng cũng phải giữ vững lập trường của mình, ông Dresen nói. Họ sẽ cần phải tránh tìm kiếm các cuộc đối đầu nhưng phải thực tế trong kỳ vọng của họ về các vấn đề là điểm nóng của tranh luận. Hơn nữa, họ sẽ cần phải duy trì các giá trị mà liên minh được xây dựng dựa trên: tự do, dân chủ, nhân quyền, và pháp quyền.
Ông Dresen nói rằng điều đó sẽ đòi hỏi sự tương tác hiệu quả hơn với các đối tác của liên minh trong khu vực.
Ông Dresen nói: “Điều rất quan trọng đối với NATO là tăng cường quan hệ của chúng tôi với các đối tác và các bên liên quan khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ông lưu ý rằng Úc, Nhật Bản, New Zealand, Nam Hàn là những đối tác chính cần được tham vấn chặt chẽ. Ông cho rằng các quốc gia khác như Singapore và Ấn Độ nên được tiếp cận để mở rộng đối thoại thông qua các diễn đàn mới.
“Những cuộc trò chuyện này cũng rất quan trọng khi chúng tôi tiếp tục vạch ra một con đường hướng tới Trung Quốc, bởi vì những quốc gia này hiểu rất rõ cách hành xử của Trung Quốc và chúng tôi có thể học hỏi nhiều điều từ họ,” ông Dresen nói.
Tuy nhiên, ông Dresen nhấn mạnh rằng mặc dù các đồng minh đã đi đến sự đồng thuận về việc làm sao để đi đến thống nhất các cách tiếp cận CHND Trung Hoa của họ, nhưng NATO không có tham vọng vươn xa hơn sứ mệnh của mình với tư cách là một tổ chức xuyên Đại Tây Dương.
Ông Dresen cho biết: “NATO không có tham vọng trở thành một bên tham gia quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng các hành động và tham vọng của nhà nước Trung Quốc có tác động đến cấu trúc an ninh, cả trong các khu vực đồng minh của chúng tôi và các khu vực kế bên họ.”
“Chúng tôi đang nói về một cách tiếp cận với Trung Quốc – không phải là đối đầu, mà là thực tế – và bảo đảm rằng liên minh này sẽ có thể ứng phó được với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm tới.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Minh Ngọc biên dịch