Antonio Graceffo
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken công nhận Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với Hoa Kỳ. Ông đề ra chính sách của Hoa Kỳ trong việc hạn chế quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời tăng cường các mối quan hệ với các đồng minh của Hoa Kỳ.
Hồi tháng Ba năm 2021, ông Blinken đã nói trong bài diễn thuyết đầu tiên về chính sách ngoại giao chính của mình rằng, “Trung Quốc là quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, và công nghệ để thách thức nghiêm trọng hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở.”
Do đó, ông nói rằng chính phủ phải bảo vệ việc làm của Hoa Kỳ, cải thiện mối quan hệ với các đồng minh, duy trì lợi thế quân sự của Hoa Kỳ, phản đối các hoạt động thương mại không công bằng, và hạn chế quyền lực của ĐCSTQ.
Căng thẳng của Hoa Kỳ với Trung Quốc có liên quan đến nhân quyền ở Tân Cương, quyền tồn tại như một quốc gia độc lập của Đài Loan, quyền tự chủ của Hồng Kông, nguồn gốc của đại dịch virus corona, các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc, sự bành trướng trên toàn cầu của quân đội Trung Quốc, quyền tiếp cận các tuyến đường hàng hải của tất cả các quốc gia, và sự xâm lấn của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các đồng minh của Hoa Kỳ đang chịu tổn thất dưới bàn tay của ĐCSTQ. Các hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc đang làm tổn thương các quốc gia Đông Nam Á. Thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã cho vay tiền với các điều khoản không rõ ràng, thúc đẩy tham nhũng và gia tăng gánh nặng nợ nần của một số quốc gia nghèo nhất. Các công ty Trung Quốc xây dựng các dự án đồ sộ ở ngoại quốc, sử dụng lao động Trung Quốc, đã làm giảm số lượng việc làm được tạo ra cho người dân địa phương. Thông thường, tiêu chuẩn chất lượng của các dự án BRI không được đáp ứng, dẫn đến cơ sở hạ tầng được xây dựng kém và đó là những gì mà nước chủ nhà phải trả giá. Ngoài ra, nhà cầm quyền Trung Quốc buộc các quốc gia đang phát triển phải bòn rút tài nguyên và chịu cảnh suy thoái môi trường.
Trước sức ảnh hưởng ngày càng mở rộng của ĐCSTQ, ông Blinken cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ củng cố mối quan hệ bền chặt hơn với Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Thái Lan, và Philippines, cũng như ASEAN. Ông cũng kêu gọi tăng cường hợp tác trong các vấn đề hàng hải, an ninh, quản lý tài nguyên, và bảo tồn ngư trường.
Diễn thuyết tại Đại học Indonesia ở Jakarta hôm 14/12, ông Blinken nói rằng Hoa Thịnh Đốn sẵn sàng làm việc với các đồng minh của mình để “bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ” và đảm bảo rằng các quốc gia có quyền “lựa chọn con đường của riêng mình”.
Theo ông Blinken, so với trước đây, Hoa Kỳ hiện đang liên kết với các đồng minh của mình chặt chẽ hơn và ở vị thế mạnh mẽ hơn để chống lại Trung Quốc. Ông tái khẳng định rằng Hoa Kỳ ủng hộ Lithuania, một quốc gia nhỏ gần đây đã gây xôn xao quốc tế khi đứng lên chống lại sự bắt nạt của Bắc Kinh vì mối quan hệ với Đài Loan. Hơn nữa, ông nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng để đẩy lùi ĐCSTQ.
Ông Blinken khẳng định tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đồng thời cảnh báo ĐCSTQ hãy dừng các “hành động gây hấn” trong khu vực. Ông cáo buộc ĐCSTQ hạn chế quyền tiếp cận biển, trợ cấp cho các công ty nhà nước, và cấm giao thương với các nước đứng lên chống lại sự xâm lược của Bắc Kinh. Ví dụ, Trung Quốc đe dọa Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu vì đã lên tiếng chống lại nạn diệt chủng ở Tân Cương cũng như ủng hộ phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Hơn nữa, ĐCSTQ thường xuyên đe dọa các quốc gia có quan hệ với Đài Loan. Tại một hội nghị trực tuyến giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden hồi tháng 11/2021, ông Tập nói rằng việc ủng hộ Đài Loan “giống như chơi với lửa” và rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện “các biện pháp kiên quyết” nếu Đài Loan tiến tới độc lập.
ĐCSTQ đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi chứng kiến sự vận chuyển hàng hóa trị giá 3 ngàn tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các nguồn tài nguyên của vùng biển tranh chấp, mặc dù năm quốc gia khác, bao gồm cả Đài Loan, có những tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau. PLA cũng đã đồn trú vũ khí trong khu vực tranh chấp, bao gồm cả hỏa tiễn chống hạm và đất đối không, mặc dù thực tế là vào năm 2016, một tòa án quốc tế đã tuyên bố rằng Trung Quốc không có cơ sở lịch sử để tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông.
PLA đã tăng tần suất các cuộc tập trận ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khai triển nhiều chiến đấu cơ J-16, oanh tạc cơ tầm xa H-6, phi cơ giám sát và chống tàu ngầm – vi phạm vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan.
Nhật Bản cảm thấy đặc biệt bị đe dọa bởi việc quân đội Trung Quốc nhắm vào Đài Loan, vì Nhật Bản coi Đài Loan là một thành phần quan trọng trong an ninh quốc gia của mình. Chính phủ Nhật Bản cũng coi sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, kết hợp với sự gia tăng gây hấn của nước này, là mối đe dọa đối với sự thịnh vượng và an ninh của Nhật Bản.
Hồi tháng 11/2021, ông Blinken khẳng định Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ “hành động” nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Ông cũng bảo đảm với người đồng cấp Nhật Bản rằng Hoa Kỳ cam kết bảo vệ cả Đài Loan và Nhật Bản. Ông đặc biệt thận trọng khi đề cập rằng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật Bản-Hoa Kỳ đối với quần đảo Senkaku đang có hiệu lực.
Điều 5 nêu rõ, “Mỗi Bên thừa nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang đối với Bên kia trong các lãnh thổ dưới sự quản lý của Nhật Bản sẽ gây nguy hiểm đến hòa bình và an toàn của chính họ và tuyên bố rằng họ sẽ hành động để giải quyết mối nguy hiểm chung đó.” Về căm bản, ông Blinken xác nhận rằng Hoa Kỳ công nhận quần đảo Senkaku đang tranh chấp là lãnh thổ của Nhật Bản, không phải của Trung Quốc.
ĐCSTQ vẫn đang không ngừng bắt nạt, lợi dụng, và đe dọa các quốc gia khác. Ông Blinken khẳng định: “Các quốc gia trong khu vực muốn hành vi này phải thay đổi – chúng tôi cũng vậy. Ông tiếp tục nói rằng Hoa Kỳ sẽ củng cố các liên minh hiện tại của mình, đồng thời xây dựng các liên minh mới, hợp tác quân sự và kinh tế với các quốc gia Á Châu để duy trì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực .
Theo ông Blinken, chiến lược mới của Hoa Kỳ sẽ xuất phát từ vị thế của một cường quốc, đồng thời có sự chia sẻ ngoại giao, sức mạnh quân sự, và thông tin tình báo với các đối tác Á Châu của Mỹ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc) và “A Short Course on the Chinese Economy” (Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc).
Bình Hòa biên dịch