Mới Nửa Chừng Xuân

Vào một ngày đẹp trời ở Melbourne, Quỳnh Hương (QH) và tôi quyết định đi học nhảy, một phần được tập thể dục, một phần muốn vui trở lại với một đam mê mà mình hằng mơ ước. Cứ mỗi lần thấy người ta nhảy thì hai hai đôi chân của tôi lại ngứa ngáy như muốn xổ lồng, nhưng khổ một nỗi là mỗi khi tôi nhảy với ai thì người đó bị què chân hoặc mỏi tay.

Nghe người ta đồn là ở Maribyrnong Community Centre, có dạy ballroom sequence dancing, QH và tôi mừng ơi là mừng, vì có cơ hội được thành dancing stars.
Thế rồi một buổi chiều, khi bước vào dancing hall, tôi rất bất ngờ vì thầy và cô dạy nhảy rất ‘cao niên’. Nhưng khi nhìn hai vị tung tăng trên sàn nhảy, tôi mới thấy mình cổ lỗ sĩ, đầu óc đầy thành kiến. Đúng vậy, Thầy Chương và cô Dung, tuy trên 80 nhưng khi nhạc Tango, Waltz, Rumba, Jive, Cha cha cha, hoặc Swing trổi lên thì hai vị này cho thế giới biết “dancing is ageless.”

Nhìn thầy cô linh động yêu đời, đam mê dancing, làm tôi nhớ bài ca Anh thì không tạm viết lại là Thầy cô thì không:

Có người hời hợt, nhưng thầy cô thì không.
Có người quạu cọ, nhưng thầy cô thì không.
Có người hay quên, nhưng thầy cô thì không.

Học trò ai ai cũng thần tượng thầy Chương và cô Dung, vì dancing làm cho hai vị này trẻ mãi, trông như đôi uyên ương mới… nửa chừng xuân.

Thầy Chương năm nay lớn tuổi rồi
Thầy là thần tượng của đời tôi
Dù đông lạnh lẽo trời mưa gió
Thầy vẫn bên tôi chẳng ngại ngùng.
(Tamar Le)

Cô Dung thì rất là bao dung và kiên nhẩn; cứ mỗi lần ‘học trò’ lạc lối quên đường về trong những điệu nhảy khó, cô không bao giờ gõ đầu trẻ, chỉ hiền hòa mỉm cười: “không sao đâu, nhảy hoài riết rồi cũng quen chân.” Vì đây là community activity, nên ‘học trò’ khiêu vũ thuộc nhiều hạng tuổi, già trẻ lớn bé, đen đỏ trắng vàng không thành vấn đề, nếu ai yêu dancing thì tham dự. Cô Dung rất được ‘học trò’ quý mến:

Đầu xuân này, con lại đến thăm cô
Mái tóc đen huyền đã chuyển màu sương trắng
Tuổi gần tám mươi mặt vẫn ngời sắc nắng
Vẫn nụ cười rạng rỡ năm nao. (NHV)

Người ta bảo càng già càng dễ quên, nhưng cô Dung thì trái lại. Cô có một trí nhớ tuyệt vời: bước đi, nhịp điệu, múa tay, đá chân, quay lưng, nhìn qua nhìn về, v.v… có những hình thái di chuyển riêng, thế mà cô nhớ hết. Trí nhớ tốt như vậy chắc là nhờ dancing.
Bác sĩ thần kinh Robert Katzman nhận xét rằng khiêu vũ freestyle trong mấy community dancing như Foxtrot, Waltz và Swing cần phải nhanh trí, do đó sẽ giúp người nhảy duy trì khả năng trí tuệ. (Freestyle social dancing, such as foxtrot, waltz and swing, requires constant split-second, rapid-fire decision making, which is the key to maintaining intelligence).

Từ ngày qua Melbourne sống, QH và tôi có nhiều cơ hội vui chơi với những nhóm bạn bè khác nhau trong xã hội, mỗi nhóm có cá tính riêng, cái hay và cái ‘ít hay’, nhưng với nhóm Maribyrnong community sequence dancing, chúng tôi thấy yêu nhạc, yêu dancing, yêu người và yêu đời hơn. Mọi người trong nhóm rất thoải mái, take life easy, và ‘thích vui hơn buồn.’

Nếu vì lý do nào đó, sau này QH và tôi không còn tiếp tục ‘Sunday dancing’ với thầy cô và nhóm bạn bè quý mến này, chắc chắn chúng tôi sẽ buồn lắm. Dù sao trái tim mình cũng luôn luôn “ghé tới bến cũ, để hết bơ vơ.”

Dù ta xa cách bến vắng, cuộc đời triền miên.
Mà lòng còn như trôi trên dòng sông nắng ấm.
Ðời ta bao lúc cuốn sóng, triền miên không ngưng;
Là ta ghé tới bến cũ để hết bơ vơ.
(Phạm Duy)

Note: Cám ơn Danh và Huê, Thái và Chánh đã bỏ rất nhiều công lực và thời giờ quản lý lớp học và sinh hoạt của nhóm Maribyrnong community sequence dancing.

Tamar Le
.

Related posts