Tin thế giới sáng thứ Bảy

Tân đại sứ Trung Quốc tại Úc thể hiện giọng điệu hòa giải

Daniel Y. Teng

Cột cờ của Quốc hội Úc được nhìn thấy đằng sau mái nhà của Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra, vào ngày 17/09/2021. (Ảnh: AAP Image/Lukas Coch)

Tân đại sứ của Bắc Kinh tại Úc, ông Tiếu Thiên (Xiao Qian), đã thể hiện một giọng điệu hòa giải trong tuyên bố chính thức đầu tiên của mình khi đến nước này.

Vị cựu đặc phái viên của Trung Quốc tại Indonesia này đã đáp xuống Úc vào ngày 26/01 — Ngày Quốc khánh Úc — cho biết ông đang thực hiện một “sứ mệnh cao cả”.

Ông Tiếu cho biết trong một tuyên bố trên trang web chính thức của đại sứ quán rằng ông sẽ nỗ lực để tăng cường tương tác và giao tiếp, “xóa bỏ mọi hiểu lầm và nghi ngờ”, đồng thời “cùng thúc đẩy” mối bang giao Úc-Trung trở lại đúng hướng.

Ông Tiếu đã đảm nhiệm vị trí của cựu đại sứ Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) khi ông này hết nhiệm kỳ công tác của mình vào tháng 10/2021.

Ông Thành là gương mặt đại diện cho chính sách ngoại giao “chiến lang” của Bắc Kinh. Điều này thể hiện rõ qua việc quan chức này áp dụng những luận điệu đối đầu hơn chống lại Úc, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi động một chiến dịch chèn ép kinh tế đang diễn ra nhằm trả đũa lời kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19 của Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne.

Các biện pháp cưỡng bách chống lại hoạt động xuất cảng của Úc, bao gồm việc kiểm tra và thanh tra biên giới tùy tiện, áp đặt thuế quan, và sự chậm trễ không có lý do xác đáng trong việc niêm yết công ty xuất cảng và cấp giấy phép nhập cảng.

Mặc dù ông Tiếu đã gợi mở về một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn trên con đường ngoại giao, thế nhưng vị đại sứ mới này đã không ngần ngại phát huy những luận điệu cứng rắn trong vị trí mà ông từng đảm nhiệm trước đây.

Tháng 09/2021, ông viết trên tờ Jakarta Post rằng việc thủ đô Hoa Thịnh Đốn thúc đẩy một cuộc điều tra mới về COVID-19 là một “trò hề chính trị”.

“Cái gọi là cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc của chính phủ Hoa Kỳ vốn được cộng đồng tình báo của họ thực hiện rõ ràng đang chính trị hóa vấn đề truy tìm nguồn gốc,” ông viết trong một bài bình luận. “Hành động như vậy làm xáo trộn và phá hoại hợp tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc và cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.”

Ông Tần Tấn (Chin Jin), chủ tịch Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ, đã cảnh báo vào năm 2007 rằng bất kể ai là đại sứ, dưới chế độ do Trung Cộng cai trị này, quan điểm cá nhân của họ sẽ bị gạt sang một bên [để ưu tiên] lợi ích của chế độ cộng sản.

“Vị đại sứ kế nhiệm này sẽ tiếp tục chính sách thuyết phục và dụ dỗ nhất quán đặc biệt nhắm đến phá hoại liên minh Hoa Kỳ-Úc, và củng cố mối bang giao Úc-Trung,” ông viết trong một bài bình luận.

Ông nói, “Năng lực mua khổng lồ của Trung Quốc đối với nguyên liệu thô của Úc và các thị trường tiêu thụ nội địa cực lớn của nước này sẽ được sử dụng như những công cụ hữu hiệu để dẫn dắt Úc xích lại gần Trung Quốc hơn trong việc giải quyết các mối bang giao cũng như các xung đột lợi ích quốc tế hoặc khu vực trong tương lai.”

“Trong quá trình này, tình trạng hoàn toàn không có dân chủ của Trung Quốc ,và hồ sơ kinh khủng của họ về nhân quyền bị bỏ qua hoàn toàn. Thương mại và tiền bạc được cho là quan trọng hơn.”

Hồng Ân biên dịch

Đảo ngược quyết định, giải Úc mơ rộng cho mặc áo ‘Bành soái ở đâu?’

Đặng Trần

Bành Soái (ảnh: Từ video của TODAY)

Các nhà tổ chức giải Úc mở rộng cuối cùng đã đồng ý cho phép người hâm mộ Tennis mặc áo phông với dòng chữ “Peng Shuai [Bành Soái] ở đâu?” sau áp lực từ phương tiện truyền thông quốc tế.

Vào thứ bảy (29 tháng 1), 1.000 áo thun sẽ được phân phối miễn phí bên ngoài trận chung kết giải nữ mở rộng của Úc để ủng hộ Peng.

Peng, nữ ngôi sao tennis của Trung Quốc, vào tháng 11/2021 đã cáo buộc rằng cô bị cựu Phó Thủ tướng Zhang Gaoli (Trương Cao Lệ) tấn công tình dục. Sau đó, Peng mất liên lạc với thế giới bên ngoài, và chính quyền Trung Quốc đã chặn các bài đăng về Peng. Sự cố của Peng đã khiến công chúng trên thế giới tức giận, đặc biệt là những nhà hoạt động dân chủ và vận động viên thể thao.

Vào ngày 26 tháng 1, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Thomas Bach, cho biết thông qua người phát ngôn rằng ông đang mong đợi được gặp Peng trong Thế vận hội mùa đông, và cô ấy đã liên lạc với ông vào tuần trước.

Bach vừa gặp nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.

Peng từng xuất hiện nhiều lần để thể hiện rằng cô vẫn an toàn. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ rằng việc Peng xuất hiện được sắp xếp bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì cô luôn xuất hiện cùng với các quan chức của tổ chức này.

Vào ngày 24 tháng 1, Ban tổ chức giải Úc mơ rộng đã nhắc lại rằng “quần áo [quảng cáo cho] thương mại hoặc chính trị” không được phép mặc trong giải Úc mở rộng.

Quyết định này gây ra sự phẫn nộ trong giới thể thao quốc tế. Ngôi sao tennis Mỹ Martina Navratilova đã gọi quyết định này của Ban tổ chức giải Úc mở rộng là “thảm hại và hèn nhát”.

Ngôi sao tennis Pháp Nicolas Mahut đặt câu hỏi trên Twitter, “Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Thật là thiếu lòng can đảm! Hay sợ vì không có nhà tài trợ Trung Quốc?”.

Các chính trị gia Úc cũng đã yêu cầu một lời giải thích từ Ban tổ chức giải Úc mở rộng. James Paterson, chủ tịch Ủy ban An ninh và Tình báo của Nghị viện Úc, đặt câu hỏi rằng tại sao “chính trị” lại liên quan đến một vận động viên tiết lộ rằng cô ấy đã bị tấn công tình dục và bị giám sát?

Paterson nói rằng, mọi người không nên chấp nhận chiến dịch bôi nhọ của Đảng Cộng sản Trung Quốc về vấn đề này, cũng không nên giúp họ ngăn chặn những người muốn quan tâm tới Peng.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc John Dutton nói với Sky News vào ngày 25 tháng 1 rằng, “Chúng tôi không muốn kéo các môn thể thao vào chính trị, nhưng đó không phải là một vấn đề chính trị. Đó là một vấn đề nhân quyền”.

Trước phản ứng mạnh mẽ của truyền thông quốc tế, Chủ tịch giải Úc mở rộng Craig Tiley cho biết vào ngày 25/1 rằng, người hâm mộ có thể mặc áo phông ủng hộ Peng miễn là họ không gây ra bất kỳ sự cố an ninh nào.

Kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 6.9%, vượt mức dự báo trong quý 4/2021

Tom Ozimek

Một nhân viên làm việc tại Xưởng đúc Kirsh ở Beaver Dam, Wisconsin, hôm 12/04/2018. (Ảnh: Timothy Aeppel/Ảnh tư liệu của Reuters)

Nền kinh tế Mỹ đã mở rộng với tốc độ hàng năm là 6.9% trong quý cuối cùng của năm 2021, cao hơn nhiều so với dự báo đồng thuận là 5.5%, được thúc đẩy một phần bởi sự tích tụ của hàng tồn kho và chi tiêu tiêu dùng vững chắc.

Các số liệu tăng trưởng kinh tế công bố hôm 27/01 cũng cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ trong cả năm 2021 tăng 5.7%, đánh dấu kết quả hoạt động cả năm mạnh nhất kể từ năm 1984. Nền kinh tế Hoa Kỳ suy giảm 3.4% trong đại dịch năm 2020.

Ông Dean Baker, nhà kinh tế cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho biết trong một tweet: “Nền kinh tế đang tiến gần đến mức bình thường, nhưng tiêu dùng dịch vụ vẫn còn suy giảm. Đầu tư đang rất mạnh, chi tiêu của tiểu bang và địa phương đang bị tụt hậu.” 

Sự gia tăng trong đầu tư vào hàng tồn kho tư nhân, chi tiêu tiêu dùng cá nhân, xuất cảng, và đầu tư cố định của người không phải là thường trú nhân đã làm tăng GDP. Những khoản lợi nhuận này đã mất đi một phần do sự giảm chi tiêu của chính phủ liên bang, tiểu bang, và địa phương.

Nhập cảng tăng đã trừ đi 2.43% so với tính toán GDP hàng quý và 1.87% so với số liệu hàng năm. Sự gia tăng nhập cảng đã đưa thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ trong tháng 12 lên mức cao kỷ lục hàng tháng là 101 tỷ USD, đồng thời nâng tổng mức thâm hụt cho cả năm 2021 lên hơn 1 ngàn tỷ USD, đây cũng là mức thâm hụt đầu tiên lớn như thế này trong lịch sử.

Hàng tồn kho, tăng 173.5 tỷ USD hàng năm trong quý 4, đã cộng thêm 4.9% vào con số tăng trưởng GDP của quý 4.

Ông Baker viết trong một tweet tiếp theo, “Lượng hàng tồn kho tăng mạnh cho thấy các vấn đề về nguồn cung đang giảm bớt. Điều này sẽ gây áp lực giảm giá trong những tháng tới.”

Lạm phát gia tăng, trong năm tính đến tháng 12 đạt mức cao nhất trong nhiều thập niên là 7%, đã khiến Cục Dự trữ Liên bang đẩy nhanh tốc độ khắc phục các thiết lập tiền tệ lỏng lẻo của mình. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra một lưu ý diều hâu hôm 26/01, nói với các phóng viên sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày rằng các quan chức đang xem xét thời điểm trong tháng Ba để bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế giá phi mã.

Ông cũng nói rõ Fed dự định tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay.

“Bùng nổ” là cách ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, mô tả về tăng trưởng kinh tế trong quý cuối cùng, đồng thời nói thêm rằng Fed nên nắm bắt cơ hội và “tăng càng nhanh càng tốt”.

Tiêu dùng cá nhân tăng 3.3% trong quý cuối cùng và 7.9% cho cả năm 2021, số liệu của Bộ Thương mại cho thấy.

Vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch và lạm phát, nền kinh tế Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đây đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ xuống 4% cho cả năm 2022, một mức giảm mạnh so với dự báo tháng 10 là 5.2%.

Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’

Bình Hòa biên dịch

TT Biden cho biết ông sẽ đề cử một phụ nữ người Mỹ gốc Phi vào Tối cao Pháp viện

Nick Ciolino

Tổng thống Joe Biden, với Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đang chuẩn bị về hưu Stephen Breyer, nói chuyện tại Phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc hôm 27/01/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Hôm 27/01, Tổng thống (TT) Joe Biden thông báo rằng ông sẽ bổ nhiệm một phụ nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào cuối tháng Hai.

TT Biden đưa ra thông báo này cùng với Thẩm phán Tối cao Pháp viện đang chuẩn bị về hưu Stephen Breyer, người đã chính thức tuyên bố ý định sẽ từ chức vào cuối nhiệm kỳ mùa hè năm 2022 của Tối cao Pháp viện.

“Trong khi tôi đang nghiên cứu lý lịch và bài viết của các ứng cử viên, tôi không đưa ra quyết định nào ngoài quyết định này,” ông Biden nói. “Người mà tôi đề cử sẽ là một người có trình độ, tư cách, kinh nghiệm, và tính chính trực phi thường, và người đó sẽ là một phụ nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên từng được đề cử vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Theo ý kiến của tôi thì điều này lẽ ra cần phải làm từ lâu rồi.”

Ông đã thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2020 là bổ nhiệm một phụ nữ người Mỹ gốc Phi vào Tối cao Pháp viện khi có vị trí trống.

Theo TT Biden, việc bổ nhiệm một thẩm phán Tối cao Pháp viện là “một trong những trách nhiệm hiến định quan trọng nhất mà tổng thống có được.” Ông lưu ý rằng quá trình lựa chọn của chính phủ của ông sẽ được [tiến hành] một cách “nghiêm ngặt” và ông sẽ tìm kiếm sự cố vấn và đồng thuận của các thượng nghị sĩ của cả hai đảng, cũng như các học giả và luật sư về hiến pháp làm việc ngoài chính phủ.

Ông cho biết Phó Tổng thống Kamala Harris cũng sẽ một đóng vai trò cố vấn trong quá trình lựa chọn này — đồng thời viện dẫn chuyên môn của bà với tư cách là tổng chưởng lý của California và là thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện.

Một số người đã suy đoán rằng bà Harris có thể sẽ được chọn cho vị trí trống này trong Tối cao Pháp viện. Tuy nhiên, hôm 26/01, tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã lặp lại tuyên bố trước đó của mình, nói rằng TT Biden dự định tái tranh cử vào năm 2024 cùng với bà Harris ở vị trí phó tổng thống.

Ông Breyer, 83 tuổi, đã phục vụ với tư cách là một thẩm phán của Tối cao Pháp viện trong hơn 30 năm. Trong một phần của tuyên bố nghỉ hưu, ông nói về “cuộc thử nghiệm” [của nền dân chủ] Hoa Kỳ và bày tỏ sự lạc quan rằng cuộc thử nghiệm này sẽ tiếp tục hoạt động.

“Đó là thế hệ tiếp theo và cả thế hệ sau nữa – cháu của tôi và các con của chúng – chúng sẽ xác định xem việc thử nghiệm này có còn hoạt động hay không,” ông Breyer nói. “Và tất nhiên, tôi là một người lạc quan, và tôi khá chắc chắn nó sẽ hoạt động. Quý vị có ngạc nhiên không khi đó là suy nghĩ xuất hiện trong đầu tôi ngày hôm nay?”

Ông Breyer được Tổng thống Bill Clinton, một thành viên Đảng Dân Chủ, bổ nhiệm, và được coi là một phần của cánh tả cấp tiến của Tối cao Pháp viện.

Trong những năm gần đây, các cuộc bổ nhiệm của Tối cao Pháp viện luôn là những sự kiện chính trị gây nhiều tranh cãi, với gần như tất cả các thành viên Đảng Dân Chủ đều bỏ phiếu để chặn ba lựa chọn của Tổng thống Donald Trump đương thời. Các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội đã bày tỏ lo ngại rằng TT Biden sẽ chọn một ứng cử viên nhằm xoa dịu nhóm cấp tiến của Đảng Dân Chủ.

Hôm 26/01, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã đưa ra thông báo ban đầu về việc nghỉ hưu của ông Breyer và cho biết người được TT Biden đề cử “sẽ có một phiên điều trần ngay lập tức tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện và sẽ được toàn bộ Thượng viện Hoa Kỳ đánh giá và xác nhận với tất cả sự thận trọng.”

Ông Nick Ciolino đưa tin về Tòa Bạch Ốc.

Thanh Tâm biên dịch

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Nord Stream 2 sẽ không hoạt động nếu Nga xâm lược Ukraine

Katabella Roberts

Hôm thứ Tư (26/01), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói với NPR rằng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối Nga với Đức sẽ không đi vào hoạt động nếu quân đội Nga xâm lược Ukraine.

Việc xây dựng Nord Stream 2 bắt đầu vào năm 2018 và đến năm 2019, nó hoàn thành ở vùng biển của Nga, Phần Lan và Thụy Điển, với phần lớn công việc cũng hoàn thành ở vùng biển của Đức và Đan Mạch.

Đường ống này trải dài khoảng 760 dặm qua Biển Baltic từ Nga đến Đức và sẽ tăng gấp đôi công suất của Nord Stream trong việc vận chuyển khí đốt tự nhiên ở Bắc Cực của Nga đến quốc gia Âu Châu.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý thị trường năng lượng của Đức hồi tháng Mười Một đã thông báo rằng họ đã tạm thời đình chỉ quy trình chứng nhận cho đường ống này sau khi phán quyết rằng nhà điều hành của họ ở Đức không tuân thủ các điều kiện do luật pháp Đức đặt ra.

Nordstream cũng bị các quan chức Ukraine phản đối vì lo ngại nó có thể bị Nga sử dụng như một vũ khí chống lại họ.

Trong khi khí đốt hiện không chảy qua đường ống này và đường ống hiện không hoạt động, ông Price nói với NPR rằng Nord Stream đóng vai trò là “đòn bẩy” cho cả Hoa Kỳ và Đức cũng như cộng đồng xuyên Đại Tây Dương.

Ông Price nói: “Tôi nói rõ, đường ống này không phải là đòn bẩy cho [Tổng thống Nga] Vladimir Putin. Tôi muốn làm rõ một vấn đề: Nếu Nga xâm lược Ukraine, bằng cách này hay cách khác, Nord Stream 2 sẽ không đi vào hoạt động, và chúng tôi muốn làm rõ điều đó.”

Bình luận của ông Price được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia phương Tây ngày càng lo ngại sau khi ông Putin được cho là đã dồn hơn 100,000 binh sĩ gần biên giới Ukraine, làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc xâm lược.

Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.

Hồi tháng 12/2021, Nga yêu cầu NATO từ chối Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ với tư cách là thành viên của liên minh này, đồng thời yêu cầu các thành viên NATO giảm quy mô khai triển quân ở Trung và Đông Âu.

Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh NATO đã từ chối các yêu cầu của Nga nhưng đã đưa ra một số đề xuất và nhiều lần nói rằng họ sẵn sàng đối thoại với Moscow.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng đã đặt 8,500 quân trong tình trạng “sẵn sàng cao độ” để hỗ trợ việc bảo vệ các đồng minh NATO nhưng lưu ý rằng “chưa có quyết định điều động” bất kỳ binh lính nào vào thời điểm này.

Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư với NPR rằng liệu Hoa Kỳ “thực sự có đủ đòn bẩy” và liệu các hành động của họ có khả năng ngăn cản Nga hay không, ông Price nói rằng ông Putin là người duy nhất có thể quyết định liệu “đây có phải là con đường đối thoại và ngoại giao mà chúng ta theo đuổi hay đó là con đường phòng thủ và răn đe.”

Ông Price nói: “Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để đưa ra những dấu hiệu theo những cách có ý nghĩa và chân thành rằng đối thoại và ngoại giao là những gì chúng tôi mong muốn đồng thời chúng ta tiếp tục bước dần ra khỏi con đường phòng thủ và răn đe đó.”

“Năm ngoái, chúng ta đã cung cấp hơn 650 triệu USD vào việc hỗ trợ an ninh phòng thủ. Đó là gần 300 tấn [vũ khí] để hỗ trợ an ninh phòng thủ cho người dân Ukraine. Trong lúc chúng ta đang nói chuyện ở đây thì nhiều lô hàng nữa đang trên đường chuyển giao,” Ông nói thêm, “chúng ta đã nói nhiều về phản ứng nhanh chóng, nghiêm khắc, và thống nhất mà Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta sẽ thực hiện nếu Nga tiếp tục hành động xâm lược của họ.”

Hoa Kỳ và liên minh an ninh phương Tây NATO đã cung cấp cho Nga các đề nghị bằng văn bản vào thứ Tư nhằm giải quyết các mối lo ngại của Nga đồng thời tăng cường an ninh của các quốc gia thành viên NATO.

Trong khi đó, bà Emily Haber, đại sứ của Đức tại Hoa Kỳ hôm thứ Tư cho biết trên Twitter rằng, “Hoa Kỳ và Đức đã cùng tuyên bố vào mùa hè năm ngoái: nếu Nga sử dụng năng lượng làm một loại vũ khí hoặc nếu có hành vi vi phạm chủ quyền của Ukraine, Nga sẽ phải trả giá đắt.”

Bà nói thêm rằng Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock “đã tuyên bố rõ ràng: mọi vấn đề đều đang được cân nhắc, kể cả Nord Stream 2”.

Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.

An Nhiên biên dịch

Các nhà khoa học Trung Quốc tìm thấy chủng virus corona mới

Phan Anh

Gần đây, các nhà khoa học đến từ Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) đã cảnh báo về mối đe dọa an toàn sinh học tiềm ẩn với tỷ lệ tử vong và tốc độ lây truyền cao, do một dòng virus corona mới xuất hiện gây ra, có thể lây lan từ động vật sang người và không thể bị “vô hiệu hóa chéo (cross-neutralized)” bởi các kháng thể nhắm vào COVID-19. Nói cách khác, những kháng thể chống lại bệnh COVID-19 có thể không bảo vệ được con người trước chủng virus corona mới.
Chủng virus corona mới mang tên NeoCoV và được phát hiện ở Nam Phi. Các nhà khoa học cho rằng NeoCoV và “họ hàng gần” của nó là PDF-2180-CoV có thể sử dụng hiệu quả một số loại enzyme ACE2 để xâm nhập vào tế bào của con người. Chủng NeoCoV mới này hiện chỉ tấn công vào loài dơi.

Virus SARS-CoV-2, được xác định lần đầu tại tỉnh Vũ Hán và sau đó gây ra đại dịch COVID-19, cũng sử dụng ACE2 để xâm nhập vào cơ thể người.

Báo cáo được đăng tải trên cổng thông tin khoa học bioRxiv cho hay rằng NeoCoV không thể bị miễn dịch chéo bởi các kháng thể nhắm vào SARS-CoV-2 hoặc MERS-CoV.

Thừa nhận bản chất của NeoCoV vẫn còn là điều bí ẩn, các nhà khoa học Trung Quốc đã cảnh báo về mối đe dọa an toàn sinh học tiềm ẩn của chủng virus trên đối với con người, với tỷ lệ tử vong và tốc độ lây truyền cao.

Một số nghiên cứu khác do các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành gần đây đã chỉ ra rằng “tổ tiên” của biến thể Omicron, chủng gây ra làn sóng lây nhiễm mới trên khắp thế giới, đã lây lan từ người sang chuột và nhanh chóng được tích lũy đột biến có lợi, sau đó lại nhảy sang con người.

4 lý do China Unicom bị rút giấy phép kinh doanh tại Mỹ

Ngày 27/1, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã bỏ phiếu thu hồi giấy phép hoạt động của công ty con China Unicom tại Mỹ.
Ngày 27/1/2022, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã bỏ phiếu thu hồi giấy phép hoạt động của công ty con China Unicom tại Mỹ. (Ảnh: Yu Gang / Epoch Times)

FCC đã bỏ phiếu với tỷ lệ 4 – 0 để thu hồi giấy phép hoạt động tại Mỹ của China Unicom đã được cấp cách đây gần 20 năm. Đây là động thái mới nhất của các các cơ quan quản lý của Mỹ nhằm cấm các nhà khai thác viễn thông Trung Quốc vào Mỹ vì lo ngại an ninh quốc gia.

China Unicom Americas phải chấm dứt các dịch vụ viễn thông giữa các tiểu bang và quốc tế tại Mỹ trong vòng 60 ngày, kể từ ngày FCC ban hành mệnh lệnh.

Trong một tuyên bố, FCC viết rằng dựa trên ý kiến của cơ quan thực thi pháp luật, phản ứng của công ty (China Unicom) trong thủ tục này, hồ sơ công khai và việc xem xét kỹ lưỡng phân tích lợi ích công của FCC theo luật, ủy ban tin rằng hành động hôm nay có thể bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia tránh khỏi các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn.

Vào tháng 4/ 2010, với tư cách là cơ quan quản lý viễn thông của Mỹ, FCC lấy lý do rủi ro an ninh quốc gia để đưa ra “lệnh yêu cầu nói rõ lý do”, cảnh báo rằng China Unicom Americas, Pacific Networks và các công ty con thuộc sở hữu toàn bộ của họ có thể bị thu hồi giấy phép. Đồng thời yêu cầu những công ty này nói rõ rằng họ độc lập với Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) như thế nào và tại sao FCC không nên thu hồi giấy phép hoạt động của họ tại Mỹ.

Ngày 17/3/2021, FCC đã bỏ phiếu nhất trí tiến hành quá trình thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại Mỹ của China Unicom Americas, Pacific Networks và công ty con ComNet thuộc sở hữu hoàn toàn của China Unicom.

Trong một tuyên bố hôm 27/1, FCC viết rằng: “Hôm nay, dựa trên phân tích lợi ích công cộng và hồ sơ toàn diện của FCC, Ủy ban tin rằng việc China Unicom Americas duy trì thẩm quyền theo Mục 214, đã không còn phù hợp với lợi ích cộng đồng, tính tiện lợi và tính cần thiết ở hiện tại và tương lai.”

Cơ quan quản lý này cũng liệt kê 4 lý do thu hồi giấy phép hoạt động của China Unicom trong tuyên bố:

FCC xác định rằng China Unicom Americas, một công ty con tại Mỹ của doanh nghiệp có vốn sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã bị Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) lợi dụng, gây ảnh hưởng và kiểm soát. Do đó rất có thể sẽ bị buộc phải tuân thủ theo yêu cầu của Trung Quốc (ĐCSTQ) trong tình huống không có các thủ tục pháp lý giám sát tư pháp độc lập và đầy đủ.
Xét thấy môi trường an ninh quốc gia liên quan đến Trung Quốc đã thay đổi kể từ khi FCC ủy quyền cho China Telecom Americas cung cấp dịch vụ viễn thông tại Mỹ gần hai thập kỷ trước. FCC cho rằng quyền sở hữu China Unicom Americas và sự kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra những rủi ro đáng kể về an ninh quốc gia và thực thi pháp luật. Việc cung cấp cho China Unicom Americas, các tổ chức mẹ và Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) cơ hội tiếp cận, lưu trữ, làm gián đoạn và / hoặc sai thông tin liên lạc của Mỹ cho phép họ tham gia vào các hoạt động gián điệp và có hại khác chống lại Mỹ.
Hành vi của của China Unicom Americas và những trần thuật của công ty trước Ủy ban và Quốc hội thiếu chân thực, độ khả tín và đáng tin cậy. Điều này đã làm suy yếu mức độ tin cậy cơ bản mà Ủy ban và các cơ quan chính phủ khác của Mỹ dành cho các nhà khai thác viễn thông.
FCC cũng nhận thấy rằng các biện pháp xoa dịu tiếp theo sẽ không giải quyết được những lo ngại về an ninh quốc gia và thực thi pháp luật quan trọng này.

Ngày 26/10/2021, FCC đã thu hồi giấy phép hoạt động tại Mỹ của China Telecom Americas, nói rằng công ty “bị Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) lợi dụng, chịu ảnh hưởng và kiểm soát”.

Năm 2019, FCC đã từ chối gói thầu của China Mobile để cung cấp các dịch vụ viễn thông tại Mỹ với lý do rủi ro bảo mật.

Theo Lý Hoàn Vũ, Epoch Times

Related posts