Tin Việt Nam sáng thứ Bảy: Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang tử vong ở cơ quan

Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang tử vong ở cơ quan

Hiểu Minh

Trụ sở Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang (ảnh: T.B/Thanh Niên).

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, cơ quan công an đang điều tra làm rõ việc ông Trần Hải Dương (sinh năm 1970, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang) chết trong tư thế treo cổ tại tầng 4 của trụ sở cơ quan, theo Zing.

Khoảng gần 8h ngày 28/1, một số cán bộ, nhân viên Sở Tư pháp lên tầng 4 của đơn vị để dọn dẹp, kê bàn ghế, chuẩn bị bày hoa quả Tết. Lúc này, họ phát hiện ông Trần Hải Dương chết trong tư thế treo cổ.

Công an đã đến hiện trường để khám nghiệm sau đó.

Thông tin về vụ việc trên, chiều 28/1 ông Nguyễn Duy Sụn, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang cho hay, những ngày trước ông Dương vẫn làm việc bình thường, không có dấu hiệu mâu thuẫn với đồng nghiệp; trước khi chết ông Dương có để lại thư tuyệt mệnh.

“Những lúc rảnh buổi chiều, anh Dương thường sang phòng tôi nói chuyện, hai anh em tâm sự cũng không thấy anh than phiền gì về việc gia đình”, ông Sụn nói thêm trên báo VnExpress.

Ông Trần Hải Dương phụ trách công tác hộ tịch, quốc tịch, công chứng, chứng thực, đấu giá tài sản, thanh lý tài sản; trực tiếp theo dõi và chỉ đạo phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; phụ trách công tác Tư pháp các huyện, Quản bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam bị khởi tố vì nhận hối lộ

Từ trái sang phải: Bà Nguyễn Thị Hương Lan – cục trưởng Cục Lãnh sự, ông Đỗ Hoàng Tùng – phó cục trưởng Cục Lãnh sự (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Tối 28/1, báo chí nhà nước đồng loạt đăng tải thông tin Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) vì tội “Nhận hối lộ”.

Cùng tội danh trên, Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục Lãnh sự); Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh văn phòng Cục Lãnh sự); Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao).

Theo Bộ Công an, các bị can này có hành vi “trục lợi cá nhân” khi xét duyệt cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.

Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cho biết trong năm 2021 đã tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân thuộc diện ưu tiên về nước; cách ly tập trung tại các cơ sở do quân đội quản lý. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với bộ, ngành, đặc biệt thành viên Tổ công tác 5 bộ để tổ chức hơn 400 chuyến bay đưa về nước hơn 70.000 người, cách ly tại cơ sở dân sự theo hình thức tự nguyện trả phí. Như vậy tổng số chuyến bay về nước trong năm 2021 là gần 600 chuyến và đưa khoảng 120.000 người về nước.
“Trục lợi chuyến bay giải cứu sẽ bị trừng trị”

Tại buổi họp báo vào hôm 20/1, trả lời câu hỏi về “có hay không việc trục lợi từ các chuyến bay giải cứu” bởi “người Việt về nước theo các chuyến bay giải cứu phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn”, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết “chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam”

“Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Trong quá trình triển khai đưa công dân về nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nhu cầu về nước, đăng tải công khai minh bạch thông tin về các điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký trên website chính thức và mạng xã hội.

Để tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào.

Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”, bà Hằng nói.

Phạm Toàn

Thu giữ phong tỏa hơn 1,200 tỷ đồng vụ Việt Á

Cơ quan điều tra thu giữ, phong tỏa tổng tài sản giá trị 1,220 tỷ đồng (khoảng 76 triệu Úc kim) liên quan vụ Việt Á, theo trung tướng Tô Ân Xô.

Trả lời VnExpressvề tiến độ mở rộng điều tra vụ án kit test của Công ty Việt Á tại họp báo Chính phủ chiều 28/1, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết trong số tiền đã kê biên, phong tỏa nói trên có 380 tỷ đồng tiền mặt và khoảng 840 tỷ đồng giá trị bất động sản.

Cơ quan điều tra đang phối hợp để xử lý vì “liên quan rất nhiều cá nhân”.

Trước đó ngày 18/1 một Thứ trưởng Công an cho biết, liên quan Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt bị cáo buộc nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 lên khoảng 45%, chi “hoa hồng” gần 800 tỷ đồng.

Hiện, Bộ Công an đã khởi tố hơn 20 người về nhiều tội danh: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa và Nhận hối lộ.

Cháy lớn tại Ba Hòn (Kiên Giang): Hàng loạt tàu cá bốc cháy

Ngọn lửa từ các ghe tàu bùng phát dữ dội tại cống Ba Hòn. (Ảnh chụp clip)

Tối 28/1, hàng loạt tàu cá neo đậu tại cống Ba Hòn (thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Khoảng 19h30 ngày 28/1, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại khu vực cống Ba Hòn (thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang).

Ngọn lửa nhanh chóng bùng cháy tại 1 tàu cá rồi lan sang hàng loạt tàu neo đậu gần đó.

Lực lượng chữa cháy địa phương đã huy động toàn bộ phương tiện tới ứng cứu, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp từ TP. Hà Tiên và huyện Giang Thành, Hòn Đất gần đó.

Theo người dân địa phương, khu vực cống Ba Hòn đang có hàng chục tàu đánh cá vào bờ neo đậu ăn Tết, chờ khoảng mùng 3 Tết Nhâm Dần 2022 sẽ ra khơi.

Hiện, nguyên nhân và thiệt hại từ vụ cháy đang được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.

Related posts