Theo Minghui.com, từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2021, 68 quan chức của các Ủy ban Chính trị và Pháp luật Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) các cấp đã bị kết án, một số trong đó nhảy lầu tự tử. Một điểm chung của các quan chức này là đều từng tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Bài báo của Minghui viết: “Cuộc đàn áp Pháp Luân Công do cựu lãnh đạo ĐCSTQ, Giang Trạch Dân khởi xướng đã kéo dài 22 năm. Trong cuộc bức hại, một số lượng lớn các quan chức của Ủy ban Chính trị và Pháp luật đã tích cực đi theo nhóm của Giang để bức hại Pháp Luân Công nhằm có được các vị trí quan trọng ở cấp địa phương và cấp cao nhất của ĐCSTQ, và bàn tay của họ dính đầy máu. Nhìn bề ngoài thì họ bị sa thải vì tham nhũng, nhưng văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của Trung Quốc tin rằng thiện ác hữu báo. Trước đó, vào ngày 9/2/2019, Minghui.com đã công bố một báo cáo có tiêu đề ‘Hơn 20.000 người đã bị trừng phạt vì đàn áp Pháp Luân Công trong 19 năm qua’, phơi bày những trường hợp thực tế gặp quả báo sau khi bức hại Pháp Luân Công của [quan chức] ĐCSTQ”.
Sau đây là một số trường hợp:
Ngày 12 tháng 10 năm 2021, Viện Kiểm sát Tối cao đã bắt giữ Vương Lập Khoa (Wang Lijun), Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Tỉnh ủy Giang Tô kiêm Giám đốc Sở Công an, vì tình nghi tội nhận và đưa hối lộ. Trong nhiệm kỳ của mình ở Liêu Ninh và Giang Tô, Vương Lập Khoa đã đích thân tổ chức, chỉ đạo và tham gia vào cuộc bức hại vô nhân đạo đối với các học viên Pháp Luân Công. Ít nhất 99 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, hơn 3.000 người bị bắt cóc và hàng trăm người bị kết án bất hợp pháp.
Cam Vinh Khôn (Gan Rongkun), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Vào ngày 1/6/2021, ông Cam Vinh Khôn bị điều tra vì vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng. Ông Cam Vinh Khôn chịu trách nhiệm chính trong việc kết án và bắt cóc các học viên Pháp Luân Công cũng như đàn áp các học viên Pháp Luân Công đến chết.
Vào tháng 6 năm 2021, Hà Kiện Dân (He Jianmin), Phó bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hắc Long Giang, bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật và pháp luật” nghiêm trọng. Trong nhiệm kỳ của Hà, tỉnh Hắc Long Giang là một trong những tỉnh đàn áp Pháp Luân Công nghiêm trọng nhất, số lượng học viên Pháp Luân Công bị bắt cóc, giam giữ và kết án bất hợp pháp luôn đứng đầu Trung Quốc, ít nhất ba học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.
Tiết Hằng (Xue Heng), cựu Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Liêu Ninh và cựu Giám đốc Sở Công an Liêu Ninh, bị tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật, ông Tiết đã ra đầu thú và bị điều tra. Vợ và những người thân liên quan của Tiết cũng bị điều tra. Trong nhiệm kỳ hai năm của Tiết Hằng, một số lượng lớn các vụ bắt cóc học viên Pháp Luân Công đã xảy ra ở tỉnh Liêu Ninh. Các vụ đàn áp gia tăng, các học viên Pháp Luân Công bị bắt cóc, giam giữ, tống tiền và tra tấn, 29 học viên Pháp Luân Công đã chết vì bị bức hại.
Vợ của ông Tiết Hằng, bà Dương Cửu Anh (Yang Jiuying), thư ký của Ủy ban Luật thành phố Cẩm Châu từ tháng 6 năm 2008. Bà Dương Cửu Anh cũng đứng đằng sau cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Liêu Ninh.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Minghui.com, vào năm 2021, có ít nhất 553 người đã bị trừng phạt vì tham gia cuộc bức hại Pháp Luân Công, và các quan chức của Ủy ban Chính trị và Pháp luật cũng nằm trong số đó.
Những cánh tay phải của cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân như cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang, Cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Thượng tướng Từ Tài Hậu, cựu Thứ trưởng Bộ công an Lý Đông Sinh, và cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phó Chính Hoa đều đã bị báo ứng.