Ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đăng những bức ảnh trẻ em nhặt vỏ bom đạn để kiếm sống do phóng viên chụp tại Syria, và nói rằng đó là hậu quả mà quân đội Mỹ để lại ở Afghanistan. Ông Triệu đã phải xóa bài đăng kể trên sau khi bị bị tác giả bức ảnh phát giác.
Phóng viên ảnh Ali Haj Suleiman – tác giả của những bức ảnh nói trên – đã đăng một bức ảnh chụp màn hình lên Twitter vào ngày 28/1 và nói: “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng bức ảnh tôi chụp ở Idlib và tuyên bố rằng ‘đây là những gì mà Hoa Kỳ mang đến cho trẻ em Afghanistan’. Nhưng trên thực tế, đây là những gì mà chế độ Syria và quân đội Nga mang đến cho những đứa trẻ ở Idlib”.
Thân hình yếu ớt vác những vỏ bom còn sót lại sau trận oanh tạc, đôi bàn tay nhỏ bé thô ráp bưng đầy vỏ đầu đạn… Những đứa trẻ Syria lớn lên trong chiến tranh kiếm sống bằng nghề phân loại phế liệu tại địa phương. Đó là những bức ảnh phản ánh sự đau khổ, máu và nước mắt mà những người dân Syria ở tỉnh Idlib phải chịu đựng do ông Suleiman chụp được.
Ông Suleiman đã dùng ống kính máy ảnh để ghi lại cuộc sống khó khăn của những đứa trẻ Idlib trong ngọn lửa chiến tranh. Những tác phẩm này đã giành được giải thưởng danh dự trong cuộc bình chọn thường niên của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) vào năm ngoái.
Tỉnh Idlib, nằm ở phía Tây Bắc Syria, là thành trì cuối cùng còn sót lại của phe đối lập Syria. Năm 14 tuổi, ông Suleiman và những người thân khác đã đến nơi này sau khi cha ông bị chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bắt giữ. Ông Suleiman trở thành phóng viên năm 18 tuổi và làm việc cho nhiều hãng truyền thông khác nhau.
Năm 2020, khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận đề xuất mở rộng viện trợ xuyên biên giới cho những cư dân nghèo khó ở Tây Bắc Syria, Nga và Trung Quốc đã nhiều lần dùng quyền phủ quyết của mình để ngăn viện trợ nhân đạo.
Vào ngày 24/1, phát ngôn viên Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đăng tải 4 bức ảnh đoạt giải của ông Suleiman lên Twitter và viết rằng, “Đây là những gì mà Hoa Kỳ mang đến cho trẻ em Afghanistan sau 20 năm chiến tranh”.
Thông tin sai sự thật lan truyền trên Internet Trung Quốc
Vào ngày 27/1, ông Suleiman phát hiện ra rằng các tác phẩm của mình đã được sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch. Ông đã gắn thẻ phát ngôn viên Trung Quốc Triệu Lập Kiên lên Twitter của mình và đính chính lại bối cảnh chụp những bức hình đó.
Phóng viên ảnh Suleiman nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng ông thực sự rất tức giận: “Ông ta sử dụng những bức ảnh này mà không có sự cho phép của tôi, hơn nữa vị quan chức này còn cố ý thay đổi sự thật. Mặc dù ông ta (Triệu Lập Kiên) đã xóa tweet hôm 28/1 nhưng không hề liên lạc với tôi, cũng không nói xin lỗi”.
Một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là bà Hoa Xuân Oánh cũng đã đăng lại nguyên văn thông tin sai lệch mà ông Triệu Lập Kiên đưa lên mạng xã hội. Sau đó, bà Hoa cũng đã xóa bài đăng liên quan.
Không những tung tin giả trên Twitter ở nước ngoài, mà phát ngôn viên Triệu Lập Kiên còn lan truyền thông tin này lên Weibo – mạng xã hội nội địa Trung Quốc; thậm chí còn kèm theo lời chế giễu “Một quả bom, Một con đường của Hoa Kỳ” (cách đặt tên tương tự sáng kiến ‘Một vành đai, Một con đường’ của Trung Quốc). Hiện tại, bài đăng trên Weibo của ông Triệu cũng đã bị xóa.
Tuy nhiên, phóng viên của The Epoch Times phát hiện ra rằng một đoạn video có tên “Một quả bom, Một con đường của Hoa Kỳ” do kênh truyền thông chính thống China Daily (Trung Quốc Nhật báo) sản xuất đã được lan truyền rộng rãi trên Weibo. Hình ảnh được sử dụng trong video là những bức ảnh của phóng viên Suleiman mà ông Triệu đăng trên Twitter. Một đoạn video có tên “Một quả bom, Một con đường của Hoa Kỳ” do kênh truyền thông chính thống China Daily (Trung Quốc Nhật báo) sản xuất đã được lan truyền rộng rãi trên Weibo. (Ảnh chụp màn hình)
Đây không phải là lần đầu tiên ông Triệu Lập Kiên bóp méo sự thật
Vào ngày 30/11/2020, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên cũng đăng một hình ảnh tổng hợp lên Twitter và vu khống binh lính Úc giết hại trẻ em Afghanistan. Trong bức ảnh, một người lính Úc đang cầm một con dao đẫm máu cắt ngang cổ một đứa trẻ Afghanistan đang ôm một con cừu, đầu của đứa trẻ được quấn bằng lá cờ Úc.
Vụ việc đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Úc. Chính phủ Canberra đã lên án ông Triệu Lập Kiên vì đã đăng tải “những bức ảnh ngụy tạo” và lan truyền thông tin sai sự thật. Thủ tướng Úc Scott Morrison đã yêu cầu ông Triệu Lập Kiên xóa các bức hình và yêu cầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải xin lỗi công khai. Nhưng chính quyền Trung Quốc đã từ chối.
Đông Phương