Bryan Jung
Hôm 27/01, Liên minh Âu Châu (EU) đã nộp đơn kiện Trung Quốc cộng sản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các thông lệ thương mại phân biệt đối xử thay mặt cho quốc gia thành viên của mình là Lithuania, liên quan đến mối liên hệ của nước này với Đài Loan.
Hành động này diễn ra sau khi Trung Quốc thực hiện những gì đang trở thành một lệnh cấm vận kinh tế theo nghĩa đen đồng thời hạn chế các dịch vụ đối với quốc gia vùng Baltic nhỏ bé này hồi tháng trước.
EU đã đưa ra một yêu cầu gặp đại diện của CHND Trung Hoa tại Geneva, sau khi thu thập được những gì họ coi là rất nhiều bằng chứng từ các cuộc phỏng vấn với các doanh nghiệp Lithuania bị ảnh hưởng trong tháng vừa qua.
Yêu cầu này là bước đi chính thức đầu tiên hướng tới một loại hình tố tụng của WTO vốn có khả năng kéo dài nhiều năm trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
EU cho biết: “Những hành động này, có vẻ là phân biệt đối xử và bất hợp pháp theo các quy tắc của WTO, đang gây tổn hại cho những nhà xuất cảng cả ở Lithuania lẫn các nơi khác trong EU, vì chúng cũng nhắm mục tiêu vào các mặt hàng có chứa thành phần của Lithuania được xuất cảng từ các quốc gia khác của EU.”
“Vì những nỗ lực giải quyết vấn đề song phương này đã thất bại, nên EU đã phải dùng đến phương cách đó là bắt đầu các thủ tục giải quyết bất hòa chống lại Trung Quốc.”
Trung Quốc đã yêu cầu EU không can dự vào vấn đề mà họ coi là một mối bất hòa song phương đơn thuần với Lithuania.
Tháng Tám năm ngoái, Bắc Kinh đã triệu hồi đại sứ của mình tại Lithuania và yêu cầu họ triệu hồi đại sứ của họ ở Bắc Kinh để đáp lại quyết định thắt chặt liên hệ với Đài Loan của Lithuania, nơi mà chính quyền Trung Quốc tuyên bố là một tỉnh nổi loạn.
Lithuania cho phép Đài Loan hiện diện ngoại giao tại thủ đô Vilnius và đồng ý rằng văn phòng Đài Loan sẽ có danh xưng là Đài Loan thay vì Đài Bắc Trung Hoa, vốn là một danh xưng đại diện cho Trung Hoa Dân Quốc được hầu hết các nước có liên hệ với Bắc Kinh sử dụng.
Vào tháng Mười Hai, Trung Quốc bắt đầu áp đặt một lệnh cấm xuất nhập cảng đối với Lithuania đồng thời gây áp lực quốc tế lên các công ty trong EU nhằm ngừng chuỗi cung ứng và các hoạt động logistics ở quốc gia Baltic này.
Chế độ cộng sản Trung Quốc sau đó đã chặn hàng hóa từ Pháp, Đức, và Thụy Điển có chứa các bộ phận được sản xuất tại Lithuania.
Kim ngạch xuất cảng của Lithuania sang Trung Quốc giảm hơn 90% trong tháng Mười Hai so với cùng kỳ năm trước.
Nhà cầm quyền Trung Quốc sau đó tuyên bố rằng bất kỳ hành động chính trị nào ủng hộ Đài Loan đều vi phạm “tinh thần của bản thông cáo chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Lithuania.”
Các hành động của Trung Quốc chống lại Lithuania đã bị Brussels coi là một cuộc tấn công vào thị trường đơn nhất của khối mà Lithuania đã tham gia vào năm 2004.
Khối thương mại này coi bất kỳ hành động kinh tế nào chống lại một quốc gia thành viên là một cuộc tấn công thương mại chống lại cả khối.
EU đã chính thức kháng nghị hành vi vi phạm các quy định của WTO của chính quyền Bắc Kinh, trong một bức thư do Đại sứ EU tại WTO João Aguiar Machado gửi cho người đồng cấp Trung Quốc Lý Thành Cương (Li Chenggang).
Ông Machado cho biết: “Các biện pháp này chủ yếu liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ từ hoặc trên đường đến Lithuania hoặc được liên kết theo nhiều cách khác nhau với Lithuania, nhưng cũng có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trên toàn EU.”
Đáp lại việc đệ đơn kiện này, phát ngôn viên về vấn đề ngoại giao của Trung Quốc Cộng sản Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nhấn mạnh rằng Brussels nên can thiệp để chống lại các hành động của Lithuania.
“Chúng tôi cũng khuyên EU nên phân biệt đúng sai, cảnh giác trước những nỗ lực của Lithuania nhằm kiểm soát mối liên hệ giữa Trung Quốc và EU, đồng thời thuyết phục Lithuania, giống như các quốc gia thành viên EU khác, làm tròn cam kết chính trị mà họ đã đưa ra khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc,” ông Triệu cảnh báo.
“Chúng tôi kêu gọi Lithuania ngay lập tức đính chính lại sai lầm của mình,” ông nói thêm.
Ủy viên Thương mại Âu Châu Valdis Dombrovskis đã bảo vệ lập trường của EU trong một tuyên bố.
“Khởi kiện lên WTO không phải là một bước mà chúng tôi xem nhẹ. Tuy nhiên, sau nhiều lần thất bại trong nỗ lực giải quyết vấn đề song phương, chúng tôi không thấy được cách nào khác ngoài việc yêu cầu WTO tham vấn giải quyết bất hòa với Trung Quốc,” ông Dombrovskis nói.
“EU được định rõ là phải hành động như một [chỉnh thể] và nhanh chóng chống lại các biện pháp vi phạm các quy định của WTO, vốn đe dọa tính toàn vẹn của Thị trường Đơn nhất của chúng tôi.”
Ông Dombrovski nói: “Trung Quốc đang gây áp lực buộc các công ty quốc tế từ bỏ việc sử dụng các thành phần của Lithuania trong hoạt động sản xuất của họ, hoặc nếu không, họ có thể phải đối mặt với các hạn chế nhập cảng.”
Ông nói thêm, “Chúng tôi đang song song theo đuổi các nỗ lực ngoại giao của mình để tháo ngòi tình hình căng thẳng này,” nhưng cho hay “mối liên hệ của chúng tôi đòi hỏi sự tôn trọng lẫn nhau.”
“Tôi xin nói rõ: các biện pháp này là mối đe dọa đối với tính toàn vẹn của thị trường chung EU, do đó nó ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động thương mại của EU và chuỗi cung ứng của EU, và chúng có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp của EU.”
Chính phủ Lithuania cho biết họ rất biết ơn sự hỗ trợ từ các đồng minh.
“Bước đi này là một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng EU sẽ không dung thứ cho các hành động chèn ép kinh tế có động cơ chính trị”, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết.
Bắc Kinh phủ nhận rằng họ có liên quan đến việc trực tiếp gây áp lực buộc các công ty quốc tế bỏ mặc Lithuania và các thị trường liên quan khác.
EU khẳng định những lời phủ nhận này là sai sự thật, nói rằng các biện pháp đó “là do Trung Quốc” và rất có thể là “sự phối hợp với chính quyền”, ông Machado nói.
Brussels nói rằng họ có nhiều bằng chứng về việc Trung Quốc tích cực ngăn chặn các nhà xuất cảng của Lithuania và các nhà xuất cảng Âu Châu khác khỏi thị trường của mình là vi phạm các quy định của WTO.
EU cho biết trước tiên họ sẽ chính thức yêu cầu Bắc Kinh tham vấn để làm rõ các hành động chống lại Lithuania của họ, nhằm giải quyết tranh chấp thương mại này.
Chính quyền Trung Quốc có quyền chấp nhận hoặc từ chối cuộc tham vấn nhằm nhanh chóng phân xử mối bất hòa này mà không cần đến một quy trình kéo dài trước khi đưa ra quyết định với WTO.
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Hồng Ân biên dịch