Frank Yue
Khoảng 9 giờ tối ngày 21/01 vừa qua, bộ phim “Unsilenced” (Tạm dịch: Lời kêu gọi trong im lặng) vừa kết thúc buổi trình chiếu tại Sảnh số 10, Rạp chiếu phim Cinemark ở Fairfax County, Virginia. Bộ phim đã khiến khán giả đã hoàn toàn sững sờ trong suốt buổi trình chiếu.
10 giây, 20 giây, thậm chí 30 giây trôi qua… không ai nói gì hoặc đứng dậy khi màn hình tiếp tục chạy danh sách tên của dàn diễn viên. Một số người đang lau nước mắt, dường như họ vẫn chưa thể đưa mình trở lại thực tại trong thời gian ngắn như vậy.
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa xem xong bộ phim cũng tại rạp chiếu đó. Ông gọi bộ phim là “một bản cáo trạng xúc động, trung thực, gay gắt đối với Trung cộng.”
Ông Mike Pompeo đã viết trên twitter của mình “Không thể phủ nhận về sự thất bại triệt để và những nỗi kinh hoàng từ tham vọng bá quyền do ông Tập và những người tiền nhiệm gây ra.” Ông đã kêu gọi mọi người hãy xem bộ phim và chia sẻ rằng, “Bộ phim là lời kêu gọi những người Trung Quốc ưu tú đừng im lặng nữa.”
Tại các rạp ở Mesa, Arizona và Raleigh, North Carolina, khán giả đã nhiệt thành hoan hô khi bộ phim kết thúc.
Kể từ lần đầu ra mắt vào ngày 21/01, bộ phim “Unsilenced” đã được trình chiếu tại 30 thành phố của Hoa Kỳ, bao gồm New York, Los Angeles, Chicago, Houston, Philadelphia và San Diego. Đến nay, lịch chiếu đã được kéo dài thêm một tuần nữa cho đến ngày 03/2/2022.
Đạo diễn người Canada Leon Lee đã kể lại câu chuyện về hai đôi sinh viên đang theo học tại một trường đại học ở Trung Quốc, những người đã mạo hiểm tính mạng của mình để vạch trần cuộc bức hại kinh hoàng của Trung cộng đối với những học viên Pháp Luân Công lương thiện. Với sự giúp đỡ của một nhà báo đến từ Chicago, họ đã thành công khi phơi bày các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung cộng trước cộng đồng quốc tế.
Pháp Luân Công là một môn thực hành tâm linh với ba nguyên lý chủ đạo là chân, thiện và nhẫn, cùng năm bài tập động tác nhẹ nhàng. Sau khi Pháp Luân Công được truyền ra công chúng lần đầu tiên vào năm 1992, số người thực hành môn tu luyện ở Trung Quốc đã tăng lên ước tính từ 70 triệu đến 100 triệu người vào năm 1999. Trung cộng coi sự phổ biến của môn tu luyện này là một mối đe dọa và đã phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm tiêu diệt môn tu luyện này.
Bộ phim được sản xuất dựa trên những sự kiện có thật về một học viên Pháp Luân Công tên là Wang Weiyu, một sinh viên tài năng đã tốt nghiệp trường Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc. Wang đã hứng chịu sự tra tấn trong tám năm rưỡi khi bị giam cầm tại Bắc Kinh vì không từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công. Một trong những phương pháp tra tấn phải kể đến là việc chịu sốc điện hàng giờ liền bằng dùi cui điện. Vào năm 2013, anh đã đào thoát khỏi chế độ cộng sản ở Trung Quốc và cùng gia đình di cư đến Hoa Kỳ.
[Bình luận về bộ phim], nhà biên kịch Maximilian Kempf làm việc tại New York đã mô tả “Unsilenced” là một “bộ phim pháp lý kinh dị,” và khiến khán giả đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Trong một buổi phỏng vấn với tờ The Epoch Times, ông Kempf nói “Hẳn quý vị cũng biết, bộ phim luôn khiến tôi phải đặt nhiều nghi vấn. Quý vị buộc phải dồn hết tinh lực và sự tập trung của mình để xem trọn bộ phim này.”
Ông cho biết bộ phim có tính chuyên nghiệp cao về đồ họa, âm nhạc, hành động và đặc biệt là mạch truyện, ngay cả những cảnh tra tấn cũng được khắc họa một cách đắt giá.
Ông cũng đồng thời đánh giá cao cách nhìn nhận rất Tây phương của bộ phim, điều này [khiến bộ phim] trở nên lôi cuốn với khán giả quốc tế. Ông nói rằng đội ngũ sản xuất bộ phim đã chuyển tải được tính nhân văn và lòng nhân ái, và đó chính là những giá trị phổ quát.
Nhà biên kịch kêu gọi, “Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người truy cập vào trang web của bộ phim. Bộ phim cần được công chúng biết đến rộng rãi hơn, tôi rất hy vọng điều này có thể xảy ra.”
Bà Margarita Marin-Dale, một giảng viên đã nghỉ hưu và là một luật sư nhân quyền, chia sẻ với phóng viên của The Epoch Times sau khi đã xem xong bộ phim với hai người con trai của mình.
Bà nói “Tôi đã hoàn toàn bị thu hút bởi bộ phim, trên rất nhiều phương diện. Bởi tôi rất quan tâm đến quyền tự do cá nhân, tự do tôn giáo và tự do ngôn luận. Tôi cho rằng bộ phim đã đưa những mâu thuẫn và khó khăn khi đứng lên bảo vệ sự thật hiển hiện rõ ràng trước mắt khán giả”.
Bà nói, “Tôi cho rằng bộ phim khiến công chúng chú ý đến bản chất chuyên đàn áp và bức hại của chế độ Trung cộng, mặc dù quốc gia này đang…có một nền kinh tế rất phát triển.”
Bà cũng đồng thời dành nhiều lời khen ngợi cho các học viên Pháp Luân Công vì sự quả cảm của họ khi đã đứng lên chống lại chế độ toàn trị của Trung Cộng. “Và với tư cách là một công dân Hoa Kỳ luôn tin vào dân chủ và tự do, tôi cho rằng chúng ta cần hết lòng ủng hộ họ,” vị luật sư nhân quyền cho biết.
Bà cũng đã luôn tin rằng chế độ cộng sản Trung Quốc sắp đến hồi sụp đổ. Bà nói “Nó giống như một nồi nước đang sôi sùng sục. Nếu bạn có luôn cố ấn nắp nồi xuống, cuối cùng rồi cái nồi sẽ nổ tung. Vì thế, để tự do chiếm ưu thế là một điều vô cùng quan trọng.”
Bộ phim cũng đã dành mọi sự chú ý của hai người con trai của bà, William Dale và Philip Dale.
Anh William Dale nói: “Cảm giác như quý vị đã thực sự ở đó. Tôi đã rơi một vài giọt nước mắt trong suốt bộ phim, thật sự là như vậy. Bộ phim khiến tôi vô cùng xúc động.” Anh trai của William Dale là Philip Dale bình luận: “Tôi thích cách bộ phim khắc họa tính nhân văn của tất cả các nhân vật trong hoàn cảnh [đặc thù] ấy.”
Bà Mary Lien Nguyen là một chuyên gia công nghệ thông tin đã nghỉ hưu, bà từng làm việc trong Chính phủ Liên bang gần 30 năm. Bà đã đào thoát khỏi Việt Nam và di cư đến Hoa Kỳ vào năm 1979.
Bà chia sẻ với The Epoch Times rằng bộ phim đã khiến bà xúc động đến bật khóc.
Là một người dân nhập cư đào thoát khỏi chế độ cộng sản Việt Nam, bà Nguyen cho biết bà đã hiểu rõ sự kinh khủng của chế độ cộng sản. Bà lên tiếng cáo buộc Trung cộng đã che giấu sự thật về Pháp Luân Công và cố gắng làm mọi cách để bịt miệng những người tố giác can trường ấy, giống như các sinh viên đại học trong phim.
Bà cảnh báo [với mọi người] rằng những người theo chủ nghĩa cộng sản đang cố gắng huỷ hoại nhân loại. Đối với bà, chế độ đó là một điều vô cùng khủng khiếp và bà hy vọng rằng sự thật được mô tả trong bộ phim sẽ có thể lan tỏa khắp thế giới.
Khán giả để lại rất nhiều đánh giá tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội.
“Hôm nay tôi và đứa con trai nhỏ của mình đã xem một bộ phim đáng kinh ngạc,” một người dùng internet tên là Kerry Debois cho biết. “Từ sâu trong đáy lòng mình, tôi hy vọng mọi người đều đến xem một bộ phim có tính trọng yếu và vô cùng hoàn thiện này. Tôi đã hoàn toàn bị cuốn hút trong suốt thời gian xem phim.”
Một khán giả có thể là Karen Evanek đã để lại một lời nhắn như sau, “Số lượng các tài khoản ẩn danh thật đáng kinh ngạc. Cầu mong cho họ/các bạn, tất cả đều bình an.”
Đây là lời bình từ Iris Neal, “[Tôi] vừa mới xem một bộ phim khiến tôi mở rộng tầm mắt hôm nay. … Tôi đặc biệt đề xuất mọi người xem bộ phim này. … Đáng buồn là rất nhiều người tham gia sản xuất bộ phim phải xuất hiện bằng cách ‘ẩn danh’.”
Một phụ huynh tự xưng là Hawa Agnes-Hass cho biết, “Tôi đang đi với chồng và các con của tôi để cùng đi xem bộ phim này! Những đứa trẻ của tôi phải hiểu những gì đang xảy ra ở đất nước Hoa Kỳ của tôi.”
Bộ phim “Unsilenced” đã đạt được giải thưởng ở hạng mục Khán giả bình chọn của Liên hoan phim Austin năm 2021. Và vào ngày 25/01 vừa qua, bộ phim đã được đề cử phim hay nhất về Nhân quyền cũng như triển lãm phim hay nhất năm 2022 của Hiệp hội điện ảnh chính trị.
Đạo diễn Leon Lee cũng là đạo diễn bộ phim tài liệu“Human Harvest” (2014) (Tạm dịch: “Thu hoạch nhân thể”). Bộ phim đã phơi bày việc Trung cộng mổ và bán nội tạng từ các tù nhân lương tâm mà phần lớn nạn nhân là những học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ. Bộ phim đã được phát sóng tại hơn 25 quốc gia và đạt được giải thưởng Peabody vào tháng 04/2015.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Frank Yue và Sherry Dong thực hiện
Thiên Minh biên dịch