Xuân con hổ nói chuyện người tuổi hổ

Minh Bảo

Năm Dần luận hổ: hình tượng con hổ sánh với anh hùng hào kiệt trong danh tác văn sử. (Ảnh: Tổng hợp)

Năm 2021 Tân Sửu với bao buồn thương mất mát vì đại dịch rồi cũng sắp qua đi. Tuy nhiên không ai dám chắc một năm 2022 sắp đến sẽ như thế nào trong hoàn cảnh rối ren hiện nay. Vậy năm Nhâm Dần sẽ có xu hướng như thế nào là điều mà mọi cùng cùng muốn biết, nhất là với người tuổi Dần.

Văn hóa truyền thống phương Đông với mấy nghìn năm tinh hoa học thuật chứa nhiều điều huyền diệu. Những môn khoa học cổ xưa đó biết đâu lại có khả năng giúp chúng ta dự đoán được những điều có thể xảy ra trong tương lai, qua đó phần nào yên tâm và sắp xếp tốt cho cuộc sống chính mình. Hãy cùng nhau tìm hiểu thêm đôi điều về năm Nhâm Dần qua lăng kính của văn hóa truyền thống phương Đông nhé.

Đặc điểm người tuổi Dần

Hổ là con Giáp thứ Ba trong 12 Địa chi, thường gọi là Dần. Tuy đứng thứ ba nhưng lại là một con Giáp rất đặc biệt vì bản tính mạnh mẽ, khả năng chiến đấu và uy thế vô địch nơi rừng rậm, nên nó còn được gọi là chúa tể sơn lâm. Do đó người tuổi Dần phần nhiều bẩm sinh có cá tính mạnh, tài năng và gan dạ hơn người.

Trong 12 tháng, tháng Dần lại là tháng đầu tiên của mùa Xuân năm mới, mùa của vạn vật đâm chồi nẩy lộc đầy sức sống, do đó tính tình người tuổi Dần rất phóng khoáng, khảng khái và trọng nghĩa khí. Họ luôn nổi bật giữa đám đông, lý trí sáng suốt nhưng lại trọng tình trọng nghĩa.

Ngoài ra, uy thế của Hổ là một loại uy thế đặc hữu không một loài nào có, do đó người tuổi Dần là mang trong mình khí chất của người làm việc lớn, cùng khả năng lãnh đạo bẩm sinh. Phong thái tự tin của họ luôn khiến cho mọi người phải kính trọng và kiêng nể. Dù cuộc đời họ lắm khi trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm nhưng bản chất không khuất phục và kiên cường sẽ làm cho họ trở thành kẻ chiến thắng cuối cùng.

Duy chỉ có tính cách mạnh mẽ quá mức cùng tâm kiêu ngạo đôi khi đem đến hậu quả xấu, khiến cho người tuổi Dần phải rơi vào khốn cảnh. Đó là cảnh ngộ “hổ lạc bình nguyên bị chó nhờn”. Nếu giữ tâm cho chính, luôn lý trí và nhẫn nại thì người tuổi Dần là đối thủ vô cùng khó chịu cho bất kỳ ai trên thương trường, họ sẽ cố gắng đến cùng cho đến khi đạt mục tiêu cuối cùng.

Ngoài ra, với tính cách kiêu hãnh bẩm sinh, người tuổi Dần sống khá nội tâm, ít khi biểu lộ cảm xúc hay tâm sự ra bên ngoài, đơn giản vì họ không cần và cũng không muốn phải làm thế. Họ là chính họ, và vấn đề của chính họ phải do họ tự giải quyết một cách công bằng thẳng thắn và nhanh chóng nhất.

Những người cầm tinh con Hổ cũng được nhận xét là người trung thành, luôn làm tròn bổn phận và chức trách của mình. Dù đôi khi sự thẳng thắn quá mức cùng tâm lý mạnh mẽ sẽ làm chậm bước tiến sự nghiệp của người tuổi Hổ, nhưng cũng không hề gì, vì bản chất cuộc đời của một con Hổ thực sự luôn không bao giờ dễ dàng. Họ luôn xông xáo và thích đương đầu những khó khăn, để tìm kiếm những điều mới lạ và thú vị, từ đó mà làm nên nghiệp lớn.

Hơn nữa, những tính tốt khác như lòng trắc ẩn, uy tín và tâm thái tích cực lại là thứ mà không ai có thể che lấp đi hào quang của người tuổi Hổ. Họ là viên ngọc quý, sự cọ xát mài dũa sẽ làm cho nó trở nên sáng hơn và uy thế của một viên Hổ tướng chính là tạo dựng trên chiến trường máu lửa, chứ không phải lúc thanh bình nhàn hạ. Đó là chân ý nghĩa của một cuộc đời vô cùng nhiệt huyết, sôi động và đầy màu sắc, cuộc đời của những vĩ nhân đáng kính.

Tranh dân gian ngũ hổ (Nguồn wikipedia)

Danh nhân tuổi Dần trong lịch sử

Tuổi Dần với tài năng sẵn có, cộng thêm tư chất lãnh tụ bẩm sinh rất dễ thành công trong đời, làm nên những thành tựu to lớn. Lịch sử nước ta có rất nhiều danh nhân tuổi Dần và cũng là những người có đóng góp quan trọng bậc nhất trong suốt nghìn năm qua.

Đầu tiên là tuổi Giáp Dần

Đây là tuổi Dần ứng với Thiên can Giáp đầu tiên trong 10 Thiên can. Giáp là Can thuộc Mộc, Dần ở phương Đông cũng là Tam hội Mộc (Dần Mão Thìn), nên Giáp Dần là năm Mộc vượng. Chữ Giáp tượng trưng cho cây cao bóng cả, là loại gỗ cổ thụ lâu năm, sinh ở phương Đông hành Mộc nên sức sống vô cùng mạnh mẽ. Giáp Mộc không bị Canh Kim khắc và không sợ Hỏa thiêu, ngược lại Hỏa Kim lại càng giúp Giáp Mộc trở nên có ích, có thể trở thành cột chống, là trụ cột của quốc gia, một lãnh đạo mạnh mẽ quyết đoán với lòng trung thành vô cùng kiên định như gốc rễ của cổ thụ trên núi cao vậy.

Người tuổi Giáp Dần trong lịch sử là bậc đại thần đức cao vọng trọng, là bậc lương đống chống đỡ cho triều đình, mưu lược toàn tài và vô cùng trung thành. Vì tâm tướng cương trực, thanh liêm nên đa số họ đều được hưởng thọ và chức vụ rất cao cho đến cuối đời, nếu không thế thì cũng vẫn thọ và có nhiều thành tựu lưu lại cho đời sau. Danh nhân tuổi Giáp Dần ở Việt Nam có các vị như sau:

Trần Thủ Độ (1194 – 1264) thụy hiệu là Trung Vũ Đại Vương, ông là khai quốc đại công thần thời Trần. Ông là người đã góp phần lớn vào việc giúp nhà Trần lấy được ngai vàng của nhà Lý. Bản thân ông là một lãnh đạo quyết đoán lại giỏi ứng biến, nhiều mưu lược, đã thành công phò giúp triều Lý chống dẹp các cuộc phản loạn, giúp ổn định ngai vàng cho họ Trần. Năm 1234 ông thăng chức Thống quốc Thái sư (Tể tướng), trở thành trụ cột triều Trần và lãnh đạo nhân dân toàn thắng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1258. Câu nói bất hủ đầy khí phách của ông khi quân Nguyên Mông xâm lấn đến nay vẫn làm nức lòng hậu nhân: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác”. Đây là câu nói thể hiện rõ nhất bản chất rường cột của tuổi Giáp Dần vậy

Lương Văn Can (1854 – 1927): Chí sĩ thời cận đại nhà Nguyễn. Ông sinh ra trong một gia đình bình dân, là một nhà Nho có tư tưởng tiến bộ. Sau khi thi đỗ cử nhân năm 21 tuổi, được giao chức Giáo thụ phủ Hoài Đức nhưng ông không nhận mà ở nhà mở trường dạy học, cùng vợ buôn bán ở số 4 Hàng Đào (Hà Nội). Tháng 3 năm 19097 ông cùng các chí sĩ yêu nước mở trường Đông Kinh nghĩa thục và khởi xướng phong trào Duy tân yêu nước. Tuy bị thực dân Pháp giải tán vào tháng 11 cùng năm, nhưng trường đã lưu lại nhiều tác phẩm giáo dục có giá trị Tân đính Luân lý Giáo khoa thư, Văn minh Tân học sách, Quốc dân độc bản, Nam quốc địa dư, Cải lương mông học Quốc sử Giáo khoa thư. Không như các nhà Nho thủ cựu có thành kiến với việc kinh doanh thương mại, Lương Văn Can có thể xem như một nhà Nho tiên phong trong việc làm kinh tế với triết lý là “Thương Đức” và “Thương tài”, ông từng nói: “Nhà buôn cần có đủ thương đức thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới”. Hai tác phẩm “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học phương châm” của ông được coi là những tác phẩm tiên phong dành cho giới kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ hai là tuổi Bính Dần

Thiên can Bính thuộc Hỏa, tượng trưng cho mặt trời, lửa của Trời đem lại sức sống và sự ấm áp cho vạn vật, do đó những người này thường sẽ là những nhân vật hết lòng vì dân vì nước và đồng thời cũng có học vấn cũng như trí tuệ siêu phàm. Cùng phối với Bính là địa chi Dần, tượng trưng cho uy nghiêm, chính trực và lòng nhân ái, nên họ là những hình mẫu lý tưởng để phò tá nhà vua trong lúc loạn lạc đem lại thái bình cho thiên hạ. Tuy nhiên ánh nắng mặt trời không phải lúc nào cũng được huy hoàng rực rỡ, nó chỉ có thể rực rỡ đến nửa ngày và sau đó chỉ còn những dư quang chiều tà mà thôi, nên những người tuổi Bính Dần nếu sinh gặp thời, được trọng dụng thì sẽ rất đắc thế mà giúp ích cho đời, không thì cũng chỉ như ánh nắng chiều tà sáng rọi được 1 chốc rồi lặn. Nhưng trí tuệ của họ luôn được đời sau kính nể.

Lưu Đình Chất (1566 – 1627): Danh thần thời Lê trung hưng, Năm Đinh mùi 1607 ông đỗ nhị giáp tiến sĩ đình nguyên, 41 tuổi, làm Đô cấp sự trung, rồi thăng Tự khanh, tước Nhân Linh Bá. Năm Quý Sửu 1613, ông làm chánh sứ sang nhà Minh (Trung Quốc), khi về thăng Tả thị lang bộ Lại, tước Hầu. Năm Đinh mão 1627 ông mất thọ 61 tuổi được truy tặng Thiếu sư. Tấm lòng với dân với nước của ông vẫn còn ghi trong sử sách qua lời biểu năm 1618.

Mùa Đông tháng 10 năm Mậu Ngọ 1618, Lưu Đình Chất dâng khải nói rằng:

“Nay chính sự thi hành không bằng năm trước. Mệnh lệnh ban bố mà các tướng đều không theo ý khoan hồng của người trên, chỉ chăm lo điều tàn ngược [18b], vét hết tài sản của dân. Những tiếng than sầu khổ cũng đủ để cảm động đến trời, mà trời răn bảo bằng điềm lạ, người làm chúa trông thấy thế phải nên tự xét. Kính xin kính cẩn sự răn bảo của trời, thương nuôi dân mọn, phàm một tí gì tiện lợi cho dân thì đều làm, một chút gì có hại cho dân thì đều bỏ. Lại càng phải thi hành nhân chính cho dân. Dân phố phường kinh thành là đáng thương xót, nên truyền lệnh các tướng cấm cướp đoạt. Dân Thanh Hoa và tứ chính là đáng thương xót, nên nhắc bảo các tướng không được quấy nhiễu. Như thế thì người ở gần được đội ơn trạch, người ở xa nghe tiếng mà đến. Thế là được lòng dân. Lòng người vui ở dưới, thì đạo trời ứng ở trên, sẽ thấy sao tai dị chuyển thành sao sáng lành, mưa tai dị chuyển thành mưa ngọt lành. Các thứ phúc đều đến hết, thế là vương đạo lại thành vậy”.
(Đại Việt sử ký toàn thư)

Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803): Danh sĩ thời Lê mạt và Tây Sơn. Tuổi trẻ tài cao, từ nhỏ đã thành danh trên đường văn học. Mười sáu tuổi đã viết cuốn “Nhị thập tứ sử toát yếu”. Mười chín tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương. Năm 1775, 29 tuổi ông đỗ tiến sĩ, làm quan cho triều Lê Trịnh. Năm 1788, khi Nguyễn Huệ ra Bắc tìm kiếm nhân tài, ông đã theo về với nhà Tây Sơn và trở thành một trọng thần đắc lực của Bắc Bình Vương. Nhờ vào ý kiến của ông mà quân Tây Sơn an toàn rút về phía Nam để chuẩn bị đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh.

Sau đại thắng mùa xuân 1789, Quang Trung Hoàng đế đã giao cho Ngô Thì Nhậm chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Ông là người đứng đầu một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa. Chính sách ngoại giao khôn khéo của nhà Tây Sơn đối với Mãn Thanh, đã xoa dịu lòng tự ái của Càn Long, khiến nhà Thanh công nhận triều Tây Sơn, phần lớn là nhờ công lao và tài văn học của Ngô Thì Nhậm. Ngoài ra ông cùng với Trần Văn Kỷ cũng trợ giúp đắc lực cho vua Quang Trung xây dựng và kiện toàn bộ máy nhà nước thời Tây Sơn.

Thứ ba là tuổi Mậu Dần

Mậu Dần với thiên can Mậu Thổ, tượng trưng cho mặt đất bao la, bao dung hết thảy vạn vật. Hợp với Dần mộc là một vùng đất trù phú ấm áp đầy sức sống, có thể sinh ra muôn loài. Do đó người mang mệnh Mậu Dần có lòng bao dung rộng lớn, khí độ và nghị lực hơn người, có thể làm nên đại nghiệp với sự trợ giúp của nhiều nhân tài. Ngoài ra Dần Mộc còn tượng trưng cho việc tu hành, người tuổi này sẽ sớm có duyên với việc tu luyện nên nếu theo đường tu cũng sẽ có thành tựu không nhỏ.

Trần Thái Tông Trần Cảnh (1218 – 1277): Vua khai nghiệp nhà Trần. Ông là nhân vật chính trong vở kịch chính trị để giành lấy ngôi vua từ nhà Lý khi được vợ là được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho lúc 8 tuổi. Dưới triều đại ông, nhà Trần dần ổn định nội trị, dẹp yên phản loạn. Năm 1258, dưới sự trợ giúp của các danh tài văn quan võ tướng, ông là người đã lãnh đạo quân dân thành công chiến thắng lần xâm lược thứ nhất của quân Mông Cổ, đem lại cho đất nước hơn 30 năm thái bình để dưỡng sức chống lại lần xâm lăng tiếp theo.

Đỗ Thúc Tĩnh (1818 – 1862), húy Như Chương, tự Cấn Trai. Ông là danh tướng thời Nguyễn, mưu lược, dũng cảm, văn võ song toàn. Năm 1848 đỗ tiến sĩ. Năm 1853 làm tri phủ Diên Khánh, đã giúp triều đình vỗ về dân chúng, mộ dân phu nghèo khai hoang lập ấp.  Năm 1859 ông cùng Tôn Thất Dương và binh sĩ đã ngăn chặn thành công việc tấn công Nha Trang của tàu Pháp. 1859, sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ, ông tấu lên triều đình xin vào Nam đánh giặc nhưng không được. Năm 1861, ông nhận chức Khâm sai Quân vụ, vào Nam Kỳ tổ chức kháng Pháp lập được nhiều chiến công. Ông mất năm 44 tuổi khi vẫn đang làm việc trong quân đội.

Thứ tư là tuổi Canh Dần

Canh Dần với Thiên can Canh Kim, với đặc tính là sắc bén, cứng cỏi và là hành duy nhất cắt được các hành khác trong Ngũ Hành. Canh Kim khắc Dần Mộc là cây gỗ lớn, khiến nó trở nên mạnh mẽ, trở thành rường cột nước nhà. Do đó đa số người tuổi Canh Dần luôn là những người rất thông minh, chịu được gian khổ để thành công và để lại những thành tựu lớn.

Lê Văn Hưu (1230 – 1322) là Danh nho và sử gia nổi tiếng thời Trần. Là tác giả bộ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, là bộ quốc sử đầu tiên của nước ta. Năm Đinh Mùi (1247), niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình đời vua Trần Thái Tông, ông đi thi và đỗ Bảng nhãn khi mới 17 tuổi. Đây là khoa thi đầu tiên có danh hiệu Tam Khôi (Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) nên ông chính là bảng nhãn đầu tiên của nước ta vậy. 

Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) tên thật là Trần Tung, ông là tông thất hoàng gia, tướng lĩnh và cũng là Thiền sư nổi tiếng thời Trần. Ông đã từng tham gia vào 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần 2 (1285) và 3 (1288) và lập chiến công. Tuy là tông thất quý hiển lại có quân công và được phong tước, nhưng Trần Tung lại đặt chí ở việc tu hành Thiền tông. Sau chiến tranh, ông tập trung vào việc tu Thiền với thiền sư Tiêu Dao, là một cư sĩ tại triều đình. Ông được vua Trần Thánh Tông nể vì do kiến thức uyên bác về nội ngoại điển, được vua tôn làm đạo huynh. Ông cũng là người hướng dẫn cho vua Trần Nhân Tông về việc tu Thiền, là một trong những người đặt nền tảng cho việc thành lập Thiền phái Trúc Lâm sau này.

Thứ năm là tuổi Nhâm Dần

Nhâm Dần với Thiên can  Nhâm Thủy tượng trưng cho nước lớn mạnh của sông biển nên nó rất mạnh mẽ phóng khoáng và có trí tuệ lớn, hình mẫu của một trí thức tài năng trác việt và lương thiện. Tuy nhiên bản tính phóng khoáng không theo khuôn phép của Nhâm Thủy lại không phải là điều hứa hẹn một sự nghiệp tốt đẹp, mà lại là một sự thăng giáng thất thường cũng giống như cơn lũ trên sông hàng năm tàn phá làng mạc hai bên bờ của nó. Tuy nhiên bản chất của Nhâm Thủy phối cùng Dần Mộc là đem đến sức sống mới sau những năm thiên tai hoạn nạn, nên họ thường sẽ để lại cho đời những tác phẩm giá trị cao về tri thức cũng như ứng dụng.

Phan Huy Chú (1782-1840) tự là Lâm Khanh hiệu Mai Phong, sinh tại làng Thụy Khê, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông là con của Phan Huy ích, nổi tiếng hay chữ từ nhỏ, thi đỗ Tú tài năm 1821. Minh Mạng biết tiếng, triệu ông vào kinh làm biên tu ở Viện Hàn lâm. Từng làm phó sứ qua nhà Thanh rồi bị cách chức, thân trải qua nhiều chức vụ thăng giáng thất thường.

Nghiệp quan trường không làm nên một Phan Huy Chú sống mãi với lịch sử, mà chính những tác phẩm ông viết mới là di sản rất hữu ích cho người đời sau. Bộ sách Lịch triều Hiến chương loại chí, gồm 49 quyển với 10 năm biên soạn là công trình biên khảo đồ sộ của ông. Đây có thể xem là “bộ bách khoa toàn thư” đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, ông còn biên soạn các cuốn sách khác như: Hoàng Việt dư địa chí, Hoa thiều ngâm lục, và Hoa trình tục ngâm. Kế tiếp, đáng kể nữa là bộ Hoàng Việt dư địa chí là một bộ sách ghi chép về địa lý Việt Nam khá đầy đủ và có giá trị nghiên cứu cao.

Minh Bảo

Related posts