Ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất để duy trì sự ổn định.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác ở các nước phát triển đang chuẩn bị kiềm chế lạm phát cao bằng cách cắt giảm các biện pháp kích thích đại dịch và tăng lãi suất, thì lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang cố gắng kích thích nền kinh tế Trung Quốc, vì ông lo sợ tình hình bất ổn của công chúng.
Theo một tuyên bố gần đây của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ): “Một khi rủi ro kinh tế và tài chính được xử lý sai, chúng có thể dễ dàng lây lan sang lĩnh vực chính trị và xã hội.”
Bắc Kinh tuyên bố rằng GDP của Trung Quốc tăng 8.1% vào năm 2021, nhưng họ đang thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng vì tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2020 chỉ là 4%, thấp hơn nhiều so với mức 5% mà Trung Cộng cho là có thể chấp nhận được. Nhiều chuyên gia tin rằng ông Tập đã ra lệnh cắt giảm lãi suất để hàn gắn nền kinh tế và tránh bất hòa xã hội.
Năm ngoái, ông Tập đã thực hiện một số chính sách có tác động tiêu cực đến nền kinh
Tế Trung Quốc. Các quy định nhằm giảm thiểu ô nhiễm, bằng cách hạn chế sử dụng than, đã gây ra sự chậm lại trong sản xuất, trong khi nỗ lực quản lý giá điện đã dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng. Các dịch vụ gia sư vì lợi nhuận đã bị đặt ngoài vòng pháp luật một cách hiệu quả, quét sạch hàng trăm tỷ USD khỏi nền kinh tế. Đồng thời, Trung Cộng đưa ra các quy định “chống độc quyền” để kiềm chế “sự bành trướng của tư bản một cách vô trật tự”. Những chỉ thị này phần lớn tác động đến lĩnh vực công nghệ và địa ốc, cả hai lĩnh vực này vẫn đang bị ảnh hưởng.
Trung Cộng đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với các đợt IPO ở ngoại quốc. Cơ quan quản lý không gian mạng đã công bố các quy định mới, yêu cầu các công ty công nghệ tìm kiếm sự chấp thuận cho các giao dịch đầu tư. Do đó, cổ phiếu lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc lại giảm nữa. Tương tự, cổ phiếu địa ốc cũng sụt giảm mạnh vào năm 2021, do ông Tập cắt bỏ các khoản tín dụng dễ dàng. Khi đất nước bước sang năm 2022, lĩnh vực địa ốc suy thoái đang kéo phần còn lại của nền kinh tế đi xuống.
Để hồi sinh lĩnh vực địa ốc và hy vọng vực dậy nền kinh tế, Trung Cộng đang nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất cho vay chuẩn. Ngân hàng trung ương đang giảm lãi suất cho vay cơ bản một năm và lãi suất cho vay trung hạn một năm. Cơ quan này cũng đang cắt giảm lãi suất cơ bản của khoản vay 5 năm, bao gồm cả các khoản vay thế chấp. Tuy nhiên, bất chấp việc cắt giảm lãi suất, Bắc Kinh vẫn giữ chính sách “Không – COVID”, chính sách đang gây ra các đợt phong tỏa, hạn chế, và gián đoạn lẻ tẻ.
An Dương, một thành phố với hơn 5 triệu dân, đã bị phong tỏa vào giữa tháng Giêng/2022. Vào nhiều thời điểm khác nhau, việc phong tỏa đã được áp dụng tại một số thành phố lớn nhất như Thiên Tân, Tây An, và Thâm Quyến. Việc hạn chế du lịch liên tục đang ngăn cản ngành du lịch phục hồi. Những hạn chế vẫn còn đối với xe tải và nhà kho, trong khi việc xét nghiệm và cách ly hàng loạt đang làm giảm nguồn cung nhân công. Các nhà máy tiếp tục đóng cửa và các cảng đang đối mặt với tình trạng tắc nghẽn. Chi phí của các biện pháp này là rất lớn. Ví dụ, sự chậm trễ một tuần tại cảng Ninh Ba có thể ảnh hưởng đến thương mại có giá trị khoảng 4 tỷ USD .
Nhiều công ty lớn, chẳng hạn như Toyota, Volkswagen, và Samsung, đã báo cáo bị ảnh hưởng bởi các hạn chế COVID. Các biện pháp kiểm dịch đã làm gián đoạn Shenzhou International Group, một công ty dệt may cung cấp cho Nike, Adidas, và Uniqlo. Công ty Micron Technology Inc. có trụ sở tại Hoa Kỳ báo cáo rằng các vụ đóng cửa ở Tây An đã làm giảm số lượng công nhân làm việc tại chỗ, điều này ảnh hưởng đến sản lượng vi mạch bán dẫn ghi nhớ DRAM của họ.
Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp lý Trung ương cảnh báo rằng “với suy thoái kinh tế, một số vấn đề sâu xa có thể xuất hiện.” Các quan chức Trung Cộng đã cảnh báo rằng tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ có thể gây ra sự bất đồng. Tỷ lệ thất nghiệp đối với những người từ 15-24 tuổi đã tăng lên 14.6% vào tháng 10/2021. Tương tự như vậy, số lượng lao động nhập cư, những người làm việc trong lĩnh vực xây dựng và chế tạo, đã giảm 4 triệu người kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Mất việc làm trong lĩnh vực công nghệ được cho là hơn một triệu, trong khi số việc làm bị xóa sổ trong lĩnh vực giáo dục ước tính là khoảng 3 triệu. Ngành du lịch được cho là đã mất 16 triệu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp trong lĩnh vực địa ốc khó định lượng hơn, vì nó ảnh hưởng đến mọi thứ, từ xây dựng và bán nguyên vật liệu cho đến các dịch vụ chuyên nghiệp. Theo một số ước tính, 14% tổng số việc làm ở khu vực thành thị có liên quan đến địa ốc. Do đó, sự sụp đổ của lĩnh vực địa ốc có thể xóa sổ hàng chục triệu việc làm.
Trong một cuộc họp do ông Tập chủ trì vào tháng trước, Bộ Chính trị đã xác định ổn định kinh tế là ưu tiên hàng đầu cho năm 2022. Báo cáo của Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc nêu rõ: “Công tác kinh tế năm tới phải lấy “ổn định” làm khẩu hiệu”. Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương cảnh báo, “Nếu rủi ro kinh tế và tài chính không được xử lý đúng cách, chúng có thể dễ dàng lây lan sang các lĩnh vực chính trị và xã hội.”
Trong bài phát biểu tại diễn đàn kinh tế Davos ngày 17/01, ông Tập nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá khí đốt tăng có thể gây ra bất ổn. Ông nêu ví dụ về Kazakhstan, nơi bạo lực bùng phát gần đây do lạm phát chung và giá xăng tăng. Hạ lãi suất là nỗ lực của Trung Cộng nhằm thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc và tránh ảnh hưởng tiêu cực từ hai năm làm luật tai họa. Ông đã thúc giục các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, không tăng lãi suất. Lời khuyên này đã được đưa ra, bất chấp thực tế là tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ vượt quá mức trước COVID trong quý cuối cùng của năm 2021. Tuy nhiên, Trung Cộng có thể có xung đột lợi ích trong việc khuyến nghị các quốc gia khác cắt giảm lãi suất của họ, khi lãi suất cao hơn ở Hoa Kỳ sẽ thu hút đầu tư ngoại quốc vào Hoa Kỳ và rời xa Trung Quốc.
Những thay đổi về lãi suất cho vay có thể giúp kích thích thị trường nhà ở của Trung Quốc, nhưng các lĩnh vực khác khó có thể phục hồi. Khi các hạn chế đối với lĩnh vực công nghệ ngày càng gia tăng, công việc sẽ không quay trở lại. Tương tự, trừ khi các lệnh cấm được gỡ bỏ khỏi lĩnh vực dạy thêm, những công việc đó sẽ biến mất vĩnh viễn. Chính sách “Không-COVID” sẽ tiếp tục tàn phá ngành du lịch, loại bỏ mọi hy vọng phục hồi ở đó. Hơn nữa, niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng có thể không được phục hồi đủ để tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế. Điều này đặc biệt đúng đối với những nhà đầu tư và người tiêu dùng bị mất việc làm hoặc mất cơ hội do các chính sách của ông Tập.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Bình Hòa biên dịch