Chi Anh
Bất chấp thúc ép từ Mỹ và đồng minh, OPEC+ duy trì mức tăng nhẹ sản lượng dầu thô. Trong khi đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu thế giới. Giá dầu hiện ở mức cao nhất trong 7 năm, gây áp lực lên cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và lạm phát ở Mỹ.
OPEC+ duy trì việc tăng nhẹ sản lượng dầu
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sản xuất dầu thô, được gọi chung là OPEC+, đã thống nhất tăng sản lượng – một cách hạn chế – giống như lịch trình đã được phê chuẩn trước đó. Quyết định này nhiều khả năng sẽ duy trì giá dầu vốn đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Tại cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC và ngoài OPEC vào ngày 02/02/2022, được tổ chức qua cầu truyền hình, nhóm hợp tác về dầu lửa và các đồng minh đã tái khẳng định cam kết trước đó là tiếp tục nâng dần sản lượng khai thác dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng.
Các thành viên OPEC do Ảrập Xêút dẫn đầu và các nước không phải thành viên do Nga dẫn đầu đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 3/2021. Với động thái này, OPEC+ đang bám sát cam kết trước đó về việc đảo ngược dần việc cắt giảm sâu 10 triệu thùng/ngày vào năm 2020, khi đại dịch và các đợt đóng cửa kéo theo đã làm suy yếu các nền kinh tế, từ đó khiến cho nhu cầu dầu suy giảm.
Khi các nền kinh tế phục hồi sau suy thoái từ đại dịch và nhu cầu tăng trở lại, giá dầu đã leo thang, qua đó làm tăng giá xăng và góp phần làm gia tăng lạm phát. Mỹ và các đồng minh đã thúc ép OPEC phải bơm thêm dầu. Tuy nhiên, OPEC đã từ chối. Nhóm này tiếp tục thực hiện kế hoạch từng bước từ từ nâng sản lượng lên mức trước đại dịch.
Nguồn cung khan hiếm & căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá dầu giữ mức cao
Quyết định của OPEC+ về việc tăng hạn ngạch sản lượng theo lịch trình cũ được đưa ra trong bối cảnh Nga-Ukraine leo thang căng thẳng. Mâu thuẫn giữa 2 nước láng giềng đã làm dấy lên lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung dầu và khí đốt cho châu Âu vào thời điểm chi phí năng lượng đang ở mức cao.
Ông Ben Cahill, thành viên cấp cao của chương trình an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Viễn cảnh xung đột giữa Ukraine và Nga gây căng thẳng cho thị trường dầu mỏ. Trong một thị trường cung không đủ cầu, bất kỳ sự gián đoạn lớn nào về nguồn cung cũng có thể đẩy giá dầu lên cao hơn 100 USD/thùng”.
Phản ứng trước các thông tin, vào thứ 4 (02/02/2022), giá dầu thế giới đã dao động quanh mức cao nhất trong 7 năm qua. Cụ thể, giá dầu thô WTI (West Texas Intermediate) hợp đồng tương lai chạm mức 89,43 USD/thùng; giá dầu Brent đạt 90,17 USD.
Việc OPEC+ giữ vững kế hoạch sản xuất rất có thể khiến giá dầu duy trì mức cao. Một số thành viên – như Angola và Nigeria – không thể tăng sản lượng do những hạn chế trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ bơm dầu. Iraq cũng đang gặp nhiều vấn đề trong sản xuất dầu. Nga nói rằng nước này gặp khó trong quá trình phát triển các mỏ dầu. Ảrập Xêút, nước có thể sản xuất thêm dầu, lại từ chối sản xuất bù cho các nước khác.
Nhóm OPEC+ cho rằng việc giá dầu tăng cao là do các nước tiêu thụ dầu đã không đầu tư đủ vào nhiên liệu hóa thạch khi những nước này chuyển hướng sang năng lượng xanh. Một vài thành viên đổ lỗi cho căng thẳng Nga-Ukraine.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Phil Flynn của công ty The PRICE Futures Group đã viết trong ấn bản Báo cáo năng lượng mới nhất của mình: “OPEC chính thức [tuyên bố] sẽ theo sát kế hoạch và nâng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày. Chúc may mắn với điều đó”.
Ông Cahill cho biết thêm, các thị trường đang lo ngại rằng sẽ có ít quốc gia đủ khả năng dự phòng cho các cú sốc và rằng “viễn cảnh về sự gián đoạn nguồn cung – dù khó xảy ra – đang thúc đẩy tâm lý tăng giá”.
Một số nhà phân tích dự đoán giá dầu thô sẽ lên mức 100 USD/thùng do cung không đủ cầu và do căng thẳng địa chính trị. Các nhà phân tích của Morgan Stanley dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt mức 100 USD/thùng và giá dầu WTI sẽ đạt mức 97,50 USD/thùng vào mùa hè. Goldman Sách dự đoán gần tương tự cho cùng thời kỳ. Trong khi đó, Bank of America dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt mức 120 USD/thùng và giá dầu WTI sẽ đạt mức 117 USD/thùng vào tháng 7.
Vào thời điểm tháng 11/2021, thị trường dầu lo sợ biến thể Omicron mới xuất hiện sẽ làm sụt giảm nhu cầu đi lại. Tuy nhiên biến thể Omicron đã không gây ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu dầu so với các làn sóng Covid-19 trước đây. Khi ngành hàng không hồi phục, cùng với việc các nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại, sẽ làm nhu cầu về dầu tăng cao.
Trong khi giá dầu thô cao hơn sẽ làm lợi cho ngân sách của các thành viên OPEC+, nhóm này cũng cần tránh để giá tăng cao quá mức; vì giá cả tăng cao có thể làm xói mòn nhu cầu từ giao thông và từ nền công nghiệp.
Chi Anh