Vũ Hiến
Khi Trung Quốc tổ chức Thế vận hội đầu tiên của họ năm 2008, Tổng thống George W. Bush của Hoa Kỳ là một trong hơn 80 nguyên thủ quốc gia có mặt tại Bắc Kinh. Mười bốn năm sau, Thế vận hội Mùa Đông 2022 cũng được tổ chức tại cùng thành phố đó nhưng tình hình thế giới đã hoàn toàn khác hẳn, một thế giới vẫn đang bị bao trùm bởi đại dịch và một Trung Quốc hùng mạnh hơn nhưng cũng ngày càng thêm mâu thuẫn với Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân kêu gọi hãy tổ chức một Thế vận hội “đơn giản, an toàn và tuyệt vời” – là một thử thách rất lớn trong khi các trường hợp nhiễm Covid tiếp tục gia tăng trên toàn cầu cùng với sự chỉ trích của quốc tế đối với thành tích nhân quyền của Trung Quốc và nhiều vấn đề khác.
Ðiều thực tế mà ai cũng phải nhìn nhận rằng kể từ năm 2008 cho tới nay, Trung Quốc đã phát triển và tiến bộ ở mọi mặt: Tự tin hơn vào khả năng của chính họ và cùng lúc là bảo đảm sự vươn lên ở vị thế cường quốc thế giới. Thế vận hội 2008 là “bữa tiệc ra mắt” và Thế vận hội 2022 là để xác nhận những thành quả đạt được trong hơn một thập niên qua.
Ngay cả khi không phải đối diện với áp lực để chứng tỏ vị thế mới của mình trên toàn cầu thì sự thành công trong việc tổ chức Thế vận hội không chỉ là vấn đề của niềm tự hào dân tộc. Ðối với Bắc Kinh, Thế vận hội 2022 còn là một minh chứng về những thành quả đạt được dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình và hướng đi của quốc gia mà ông ta đang lèo lái. Ðối với riêng cá nhân của họ Tập, tầm quan trọng của Thế vận hội lần này đã được phản ảnh qua số lượng thời giờ mà Tập đã đầu tư trong việc giám sát công việc chuẩn bị: Năm lần viếng thăm các địa điểm tổ chức Thế vận hội để kiểm tra mức độ tiến bộ kể từ khi tiến trình chuẩn bị bắt đầu vào năm 2017, trong khi mọi quyết định đều phải được xuất phát từ trung ương, phù hợp đúng với phong cách lãnh đạo tập trung quyền lực của Tập.
Ðể giới hạn tình trạng lây lan của con vi khuẩn, Bắc Kinh đi thêm một bước xa hơn so với Tokyo khi thành phố này tổ chức Thế vận hội Mùa Hè vào năm ngoái, để bảo đảm an toàn sức khoẻ cho khoảng 11,000 khách tham dự được dự trù đến từ khắp nơi trên thế giới – bao gồm các lực sĩ, ký giả và nhân viên phái đoàn – tất cả sẽ bị cô lập và cách ly với dân chúng ở chung quanh. Bị nhốt trong một môi trường hoàn toàn cách biệt, họ sẽ được đưa rước qua ba khu vực ăn ở và thi đấu chính bởi 4,000 xe riêng, chạy trên những làn đường riêng biệt mà dân chúng địa phương đã được cảnh báo không được quyền vượt, thậm chí ngay cả trong trường hợp có tai nạn. Sau khi các giới chức y tế phát hiện một trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Bắc Kinh trong khoảng hai tuần trước khi Thế vận hội diễn ra, giới chức chính quyền Trung Quốc tuyên bố là vé coi Thế vận hội sẽ không bán ra cho dân chúng, với chỉ một vài nhóm được đặc biệt lựa chọn để được phép vào trong khu vực cách biệt để coi thi đấu.
Theo một bài báo của hãng thông tấn Bloomberg, dựa trên một nguồn tin ngoại giao giấu tên, để tránh cho Thế vận hội bị lu mờ bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine, đích thân Tập Cận Bình đã yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin đừng động binh tấn công trong khi các cuộc tranh tài đang diễn ra. Ðương nhiên là bộ ngoại giao Trung Quốc đã cực lực phủ nhận tin này và cho đây không chỉ là âm mưu bôi nhọ và khiêu khích nhắm vào mối quan hệ Trung-Nga mà còn có chủ ý phá hoại Thế vận hội.
Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố khác nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc, đặc biệt là sự chỉ trích ngày càng gia tăng của quốc tế cũng như sự chất vấn mạnh mẽ hơn bao giờ hết đối với hồ sơ nhân quyền của họ, bao gồm chính sách kìm kẹp và áp chế các nhóm thiểu số người Duy Ngô Nhĩ tại tỉnh Tân Cương và các cuộc đàn áp quyền tự do chính trị và dân sự tại Hồng Kông. Thế vận hội cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều người lo ngại về sự mất tích của cô Bành Suý (Peng Shuai) hồi tháng 11 năm ngoái, sau khi tay vợt nữ này tố cáo một giới chức hàng đầu của đảng cộng sản Trung Quốc đã tấn công tình dục cô. Mặc dù cô này sau đó đã xuất hiện trở lại trước công chúng qua một số đoạn video và hình ảnh được dàn dựng một cách cẩn thận, sự việc đã đưa tới một cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) trong khi các thắc mắc về sự an toàn của tay vợt nữ này vẫn chưa được trả lời thoả đáng.
Sự tham dự các sự kiện thể thao quốc tế lớn của các giới chức cao cấp trong chính phủ, trong đó bao gồm các nguyên thủ quốc gia và các nhà ngoại giao, đã giảm nhiều kể từ khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, trong một dấu hiệu khác cho thấy tình trạng căng thẳng ngoại giao đã gia tăng giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây, Hoa Kỳ và một số đồng minh thân cận nhất – như Vương quốc Anh, Canada, Úc và Ðan Mạch (có thể cộng thêm Nhật Bản) – đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao sự kiện thể thao này. Thất vọng nhất là nhiều quốc gia trong khối Liên Âu, trong đó Pháp công khai phản đối cuộc tẩy chay, cho đó là hành động “không đáng kể”, trong khi Ðức và Tây Ban Nha thì … vẫn chưa quyết định. Họ sợ Trung Quốc chăng? Nhưng cho dù việc tẩy chay ngoại giao có gây được ảnh hưởng hay không thì hành động này cũng khiến cho Bắc Kinh ít nhiều khó chịu.
Ðể kết luận, ta có thể gọi Thế vận hội Mùa Ðông Bắc Kinh là Thế vận hội cô lập: Trung Quốc tự cô lập chính họ với thế giới bằng những chính sách và biện pháp mà họ theo đuổi; người dân bị cô lập không được bén mảng tới khu vực thi đấu mà đáng lẽ ra đây là sự kiện thể thao để tất cả mọi người dân trong nước cùng chung vui, và các lực sĩ tham gia không được hưởng dù một chút tự do đi lại tối thiểu mà chỉ được phép thi đấu và sau đó bị đưa trở lại sống cô lập trong những toà nhà có rào chắn cẩn thận. Ít ra thì họ cũng học được bài học thế nào là sống mất tự do.