Du Uyên
Đội nón càng rộng thì càng có khả năng tránh nắng tránh mưa. Còn đội giá càng cao thì càng có khả năng gặp sóng gặp gió.
Buôn bán thì ai cũng muốn hàng của mình có giá cao một chút, để lời nhiều hơn một chút. Mà để bán được hàng giá cao hơn người ta, ngoài nâng cao phẩm chất món hàng, người bán còn nâng cao phẩm giá, danh tiếng của bản thân hoặc món hàng đó. Nhưng nâng cỡ nào cũng phải có một mức độ nhất định của nó, vì không phải người mua nào cũng mù mờ giá thị trường. Trừ khi, người ta không còn cách nào khác, phải cắn răng chịu mức giá trên trời.
Một chuỗi ngọc trai nuôi nước ngọt bình thường, sẽ được bán với giá 50 USD. Nhưng chuỗi ngọc trai đó được bán từ tiệm vàng, nó sẽ có giá 200 USD, vì có giấy kiểm định. Nếu được bán từ một thương hiệu xa xỉ, chuỗi ngọc trai đó có khi lên tới hàng ngàn USD. Nhưng nếu đằng sau chuỗi ngọc trai đó có câu chuyện, như từng được công chúa nước Anh đeo hoặc từng là vật đính ước của nhà vua nào đó, thì nó sẽ vô giá, được người người săn đón, là món hàng “đinh” cho các buổi đấu giá bạc triệu USD. Tôi mê ngọc trai lắm, bởi vậy lâu lâu tôi tìm khắp google để tìm hình vị công nương, công tước, tài tử, nhân vật phim… nào đó đang đeo ngọc trai (tựa tựa dây mình đang có) để đăng kế bên hình tôi đeo ngọc trai. Cho người ta tưởng dây ngọc trai tôi đeo mắc tiền dữ lắm. Hoặc tưởng tôi đẹp, sang y chang mấy vị công nương, công tước, tài tử, nhân vật phim… mà tôi chôm hình.
Một bài viết trên mạng xã hội, trung bình sẽ được 20 like. Bài viết y vậy, nhưng của một người được nhiều người biết tới đăng lên, sẽ được 200 like. Cũng bài viết đó, nhưng có trích dẫn thêm vài câu nói của người nổi tiếng, vĩ nhân cấp thế giới nào đó, sẽ có 300 like. Cũng là bài viết 300 like đó, nhưng hướng về vấn đề nóng của xã hội, sẽ được 500 like. Là bài viết 500 like đó, nhưng đi ngược với đám đông, thu hút tranh cãi, sẽ được 5000 like.
Một cô gái điếm làm nghề mại dâm ở cột đèn, quán karaoke, bia ôm, quán nhậu… sẽ có giá vài trăm ngàn VND mỗi đêm. Nhưng một cô mua giải hoa hậu, người mẫu, hot girl, tài tử… (nói chung là người có tiếng tăm) bán dâm thì sẽ có giá từ vài triệu, vài trăm triệu VND mỗi đêm. Một em sinh viên được người có tiền bao nuôi thì gọi là “rau sạch”, “sugarbaby”… còn em sinh viên đó được quan chức hoặc đại gia lớn bao nuôi thì được gọi là “kiều nữ”. “Danh xưng” khác nhau, giá cũng khác nhau.
Những năm gần đây, mạng xã hội bỗng xuất hiện “cơn sốt” hàng nội địa. Từ nội địa Ðức, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến Trung Quốc, giá thành đều rẻ hơn rất nhiều so với hàng nhập cảng có tem mác rõ ràng trong các cửa tiệm uy tín, được giới thiệu là bền hơn hàng xuất cảng. Tuy nhiên, lâu lâu lại có các bài báo đưa tin các cửa tiệm bán hàng “nội địa xách tay” ở trên bán toàn đồ Tàu dỏm, bị tháo tem mác và dán vào cái nhãn made in… nước nào đó có vẻ uy tín.
Theo xu hướng, nhiều người khuyến khích nhau dùng hộp giấy, hộp bã mía để bảo vệ môi trường thay vì dùng hộp nilong, hộp xốp (bởi hộp nilong, hộp xốp có thời gian phân hủy hàng trăm/ngàn năm). Nhưng bỗng một ngày, người ta nhận ra, hộp giấy, hộp bã mía để đựng được đồ ăn cũng phải tráng nilong, nếu không sẽ mau bủn rủn khi gặp nước (Nhanh hơn cả khi Du Uyên thấy trai đẹp). Thế là, cũng mất hàng ngàn năm cho một hộp giấy giả danh phân hủy – với chi phí sản xuất cao hơn và giá thành cao hơn. Chiêu bài “bảo vệ môi trường” đúng là chiêu bài kinh doanh của tương lai, khi khắp nơi đều có thiên tai, nhân tai do sự tàn phá môi trường của nhân loài tạo ra. Bởi vậy, nhiều người dự đoán là một hãng xe Việt Nam sắp tới sẽ đổ thừa khách hàng không biết bảo vệ môi trường, khi hãng xe này bán ế xe điện.
Những cái tượng linh vật xấu xí trưng mỗi dịp Tết bị thiên hạ rủa sả chán chê, nào là lãng phí tiền thuế, nào là thiếu thẩm mỹ… Nhưng nếu những cái tượng xấu xí, khó hiểu đó nằm trong một bộ sưu tập cá nhân hay một triển lãm đương đại thì có khi lại khiến nhiều người cảm thấy thật nghệ thuật, tác giả thật táo bạo, tạo hình thật phá cách, thật ấn tượng… khi dám tạo ra mấy con giáp không giống con giáp nào. Có khi nó còn có giá cao hơn giá mà nhà thầu đã nâng khống khi tạc tượng linh vật. Nhiều người bạn tôi là họa sĩ/nhà nghệ thuật thứ thiệt kể, nhiều khi họ cố gắng thức trắng nhiều ngày đêm để tạo ra một tác phẩm, nhưng các nhà sưu tập lại không đánh giá cao nó bằng một tác phẩm qua loa khác, vì họ cảm thấy tính nghệ thuật trong tác phẩm qua loa đó nhiều hơn các tác phẩm được chăm chút.
Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối, và đội giá cũng là một loại nghệ thuật siêu dối lừa. Nhất là các vụ đội giá cấp quốc gia sau đây…
Một que kit test nhập từ Trung Quốc với giá 21,560 VND (giá Việt Á nhập từ hàng triệu cái), được các xe nước mía bán ra với giá 100,000 VND (có thể vốn họ nhập cao hơn Việt Á), nhưng không ai mua, người ta cho đó là đồ dỏm. Thôi thà chịu giá cắt cổ để nhà nước test cúm Vũ Hán, vừa có giấy đi đường hợp lệ, vừa có kết quả chính xác hơn. Vì kit test được sản xuất tại xưởng lớn nhất VN và Ðông Nam Á, công ty sản xuất được huân chương lao động, kit test đó còn được WHO công nhận nữa mà… Có hôm coi tin tức thấy chị kia bị phá cửa, nguyên đám kiêu binh xông vào bẻ quặt tay chị ra sau lưng, hộ tống xuống sân chung cư để… test cúm Vũ Hán. Vừa thương chị vừa thấy chính quyền “có tâm”, “lo” cho từng cái mũi người dân. Ngờ đâu, đùng một cái, kit test giá trên trời nhưng công dụng dưới vực sâu. Hàng Tàu như của bà bán nước mía gần nhà, WHO không công nhận, Huân chương cũng được trao cho vui hoặc được mua để có cơ sở đội giá kit test. Những cái mũi oan khuất, những người bị test ra kết quả sai, họ có ổn không?Xem thêm: Đại dịch chấm dứt?
Tượng linh vật Tết ở Việt Nam hàng năm bị chê thậm tệ, không sao. Nhưng nếu chê xe hơi gắn mác Việt, điện thoại gắn mác Việt (nhưng phụ kiện nhập từ đâu, lắp ráp ở đâu thì không biết) sẽ bị mắng là không yêu nước, không ủng hộ hàng Việt. Dầu mấy món gắn mác Việt Nam này giá luôn cao và công dụng luôn thấp hơn những sản phẩm từ nước khác.
Những chuyến bay bình thường từ Mỹ về Việt Nam, cặp vé khứ hồi hạng ghế phổ thông có giá cao lắm là 1,500 USD, nhiệt tình săn sale thì chưa tới 1000 USD. Nhưng gắn hai chữ “giải cứu” vào, giá lên hàng ngàn USD mỗi chuyến đi hoặc về. Nhiều Việt Kiều đã phải đi bọc qua Cambodia để về Việt Nam với giá hợp lý hơn, dầu vẫn cao hơn bình thường do dịch cúm Vũ Hán. Vậy mà khắp cõi mạng, báo đài kêu gọi ngạo nghễ, buộc người đang bị cắt cổ phải biết ơn “những chuyến bay giải cứu”. Sau khi “vặt lông” sương sương, đùng một cái, mới đây có hàng loạt cán bộ ngoại giao được lên báo vì nhận hối lộ liên quan tới các chuyến bay “giải cứu”. Rồi ai trả… lông (đã bị “vặt”) cho những người dân đã bay các chuyến bay đội giá?
Xuân về, trăm hoa khoe sắc, nhưng người người nhà nhà chỉ bàn luận về hoa hồng của các phi vụ tham nhũng. Vì ai cũng biết, kit test, giá vé máy bay, dụng cụ y tế, những hàng dán nhãn mác “yêu nước”, những kẻ phạm tội ấu dâm/tham nhũng, đường sắt Cát Linh Hà Ðông, cao tốc… đội giá mãi là chuyện thường ở huyện, có nhiều thứ còn nghiêm trọng và sai trái hơn nhưng chúng ta vẫn chưa chạm tới được. Vì gốc rễ vấn đề chưa ai dám chạm tới nói chi là nhổ – hông biết nó có nhọn như gai hoa hồng?