Autumn Spredemann
Phạm vi tiếp cận của Trung Quốc trong khu vực Mỹ Latinh tiếp tục mở rộng vào năm 2021, đẩy mạnh xu hướng 20 năm về tăng trưởng và ảnh hưởng của đại quốc Á Châu này thông qua thương mại.
Từ năm 2000 đến năm 2020, thương mại của [khu vực Mỹ Latinh] với Trung Quốc đã tăng từ 12 tỷ USD lên 315 tỷ USD.
Năm ngoái, trao đổi song phương đã tăng thêm 31.6%.
Dự báo đến năm 2035 [trao đổi thương mại] từ các mối quan hệ kinh doanh của Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh sẽ tăng hơn gấp đôi, chiếm hơn 700 tỷ USD.
Trong khi tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của cường quốc kinh tế này ở Mỹ Latinh không phải là mới, nhưng tốc độ diễn ra thì đang khiến một số chuyên gia phải kinh ngạc.
Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 2 sau Trung Quốc là thị trường xuất cảng chính của Mỹ Latinh tính đến năm 2010.
Phần lớn điều này được cho là do một số nhà ra quyết định trong chính phủ Mỹ thiếu quan tâm đến việc phát triển các mối quan hệ bền chặt hơn trong khu vực.
TNS. Đảng Cộng hòa Mark Rubio nói, “Điều Hoa Kỳ cần là một chiến lược thực sự để tăng cường dân chủ và pháp quyền ở Mỹ Latinh và chống lại ảnh hưởng xấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, nhà phân tích khu vực Fernando Menendez giải thích rằng khi Hoa Kỳ dành nhiều thập niên tập trung vào Trung Đông, Trung Quốc đã lặng lẽ bước vào sân khấu kinh tế của các nước Mỹ Châu này và đã bắt đầu mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh của mình một cách có hệ thống.
Điều này đặc biệt rõ ràng ở Chile, vốn đã từng là một trong những đối tác thương mại mạnh nhất của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.
Đại sứ Chile tại Trung Quốc, ông Luis Schmidt, giải thích rằng trong khi thương mại với các quốc gia khác giảm 10% trong thời gian đại dịch dừng lại vào năm 2020, quan hệ với Trung Quốc đã tăng 12%.
Ông nói thêm rằng 38.2% tổng xuất cảng toàn cầu từ Chile đã đến Trung Quốc và tiếp tục tăng vào năm 2021.
Ông Schmidt cũng chỉ ra rằng đầu tư của Trung Quốc vào Chile thực sự bắt đầu khởi sắc từ năm 2019 và khẳng định quốc gia Á Châu này là đối tác thương mại chính của họ.
Quốc hội Hoa Kỳ đã không chú ý đến kiểu mở rộng này, [dù] đã bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của đối thủ của họ là ĐCSTQ ở Mỹ Latinh.
Một báo cáo của Quốc hội đã đặc biệt lưu ý về việc Trung Quốc thúc đẩy các mục tiêu quân sự trong khu vực.
Bộ trưởng Ngoại thương và Du lịch Peru Roberto Sanchez cũng xác nhận Trung Quốc là đối tác thương mại chính với hoạt động kinh doanh giữa hai nước tăng 63% trong 8 tháng đầu năm 2021. Chủ yếu là do xuất cảng khai thác và đánh bắt cá.
So sánh, quan hệ của Peru với Mỹ chỉ tăng 25% trong cùng năm.
Ông Sanchez lưu ý: “Ngoại thương ngày càng phát triển, chủ yếu là do tăng cường thương mại với các nước Á Châu.”
Tại Bolivia, nhu cầu của Trung Quốc về thịt bò xuất cảng tiếp tục tăng vọt vào năm 2021, một xu hướng được thiết lập dưới thời cựu Tổng thống Evo Morales của quốc gia này vào năm 2019 và tiếp tục diễn ra dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hiện tại.
So sánh giữa tháng 03/2020 và tháng 03/2021 cho thấy kim ngạch xuất cảng bò đạt 15.8 triệu USD.
Argentina chịu thiệt hại lâu dài về kinh tế đã vượt qua Brazil trở thành đối tác thương mại chính của Trung Quốc vào năm 2020 và đã có sự gia tăng mạnh mẽ về nhập cảng từ các quốc gia cộng sản từ năm 2020-2021, lên tới mức tăng 78%.
Trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục lan rộng thông qua thương mại, quốc gia này tiến gần hơn đến việc kiểm soát cả nguồn tài nguyên và đầu vào sản xuất của nhiều hàng hóa trên thế giới.
Và với sức mạnh đó dẫn đến đòn bẩy để ra lệnh cho các quốc gia Mỹ Latinh được làm ăn với ai.
TNS. Rubio gọi việc Nicaragua cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào tháng 12/2-21 là một “sự phát triển đáng lo ngại đối với cả Hoa Kỳ và toàn bộ Tây Bán cầu”, cho thấy nó đóng vai trò như một thước đo cho mức độ quyền lực mà Trung Quốc đang tích lũy gần với biên giới Hoa Kỳ.
Hiện thực hóa cơ hội trong đại dịch
Ông Menendez nói: “Trung Quốc không bao giờ ngừng mua hàng hóa hoặc hối hả xuất cảng hàng hóa được sản xuất [trong thời kỳ đại dịch].”
Và trong số những mặt hàng sản xuất quan trọng mà Trung Quốc gửi đến Mỹ Latinh có vaccine COVID-19.
Trong giai đoạn đầu của đợt triển khai vaccine đại dịch, các nước Trung và Nam Mỹ đã vật lộn để có quyền tiếp cận với các chủng ngừa, tạo ra cái được gọi là “ngoại giao vaccine” ở các quốc gia kinh tế kém phát triển hơn trên thế giới.
Trung Quốc đã nhanh chóng bước vào ánh đèn sân khấu bằng cách bán hàng triệu liều vaccine cho các nước Mỹ Latinh bị bao vây.
Quốc gia của ĐCSTQ này là một trong những quốc gia đầu tiên khai triển chương trình vaccine ở Mỹ Latinh, bán các chế phẩm Sinovac và Sinopharm cho các chính phủ háo hức vào đầu tháng Ba năm 2021. [Còn] các chủng ngừa từ Hoa Kỳ đã không đến khu vực này cho đến tháng Sáu.
Một phân tích cho thấy có tới 42% vaccine COVID-19 của Trung Quốc đã được gửi ra nước ngoài trong khi Hoa Kỳ chỉ xuất cảng 1%.
Và các nhà lãnh đạo của khu vực không quên ai đã hỗ trợ họ trong khi vật lộn với số ca mắc bệnh cao và nhu cầu tiêm chủng của công chúng.
Tháng 8/2021, Ngoại trưởng Bolivia Rogelio Mayta cho biết: “Chúng tôi nhấn mạnh sự hỗ trợ của Trung Quốc và Nga, những quốc gia đã giúp chúng tôi có được vaccine trong cuộc chiến chống lại COVID-19.”
Tổng thống Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador, đã đích thân cảm ơn sự hợp tác của Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch thông qua việc vận chuyển vaccine trong một buổi phát sóng trực tiếp vào tháng 12.
Ông Menendez công nhận việc bán vaccine từ Trung Quốc có mục đích rất chiến lược, “Họ đang cố gắng thu hút bạn bè và ảnh hưởng đến mọi người? Nhất định rồi.”
Bà Autumn là một ký giả ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.
Bình Nguyên biên dịch