Phóng viên Hà Lan bị an ninh Trung Quốc lôi đi khi đang đưa tin về Olympic

Michael Washburn

Một nhân viên an ninh Trung Quốc đứng tại sân vận động Big Air Thủ Cương ở Bắc Kinh hôm 03/02/2022 trước giờ diễn ra Thế vận hội Olympic Mùa Đông Bắc Kinh 2022. (Ảnh: Manan Vatsyayana/AFP/Getty Images)Trung Quốc

Thế vận hội Mùa Đông được nhiều người mong đợi ở Bắc Kinh đã có một khởi đầu khó xử khi một nhân viên lực lượng an ninh địa phương đeo băng tay đỏ lao đến và xô đẩy một phóng viên Hà Lan đang cố gắng đưa tin về sự kiện này.

Vụ việc này là một ví dụ mới nhất về sự không khoan dung của chế độ cộng sản đối với báo chí tự do. Với một số người, sự việc này đại diện cho một mô hình thu nhỏ của các hoạt động đàn áp và lạm dụng chính thức được sử dụng đã khiến Thế vận hội Mùa Đông gây tranh cãi và làm cho một số tổ chức tẩy chay sự kiện này.

Trong một đoạn clip về vụ việc được phát sóng bởi đài truyền hình Hà Lan NOS trên Twitter, vốn đã nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt thích và tweet lại, người xem có thể thấy phóng viên Sjoerd den Daas của NOS đang đứng trước một con phố đông đúc và phía sau là cầu vượt, đúng lúc đang bình luận trên micro thì người bảo vệ này bất ngờ tiến đến và bắt đầu la hét xô đẩy anh một cách hung hãn.

Anh den Daas đã cố gắng phớt lờ người bảo vệ này để tiếp tục với đoạn phóng sự của mình, ánh mắt anh liếc nhìn qua lại giữa máy quay và người bảo vệ đang ngày càng tỏ ra đe dọa, cho đến khi máy quay bị ngắt.

Đoạn tweet của NOS về đoạn clip nói rằng anh den Daas đã có thể tiếp tục phóng sự trực tiếp của mình trong vài phút sau khi người bảo vệ nói chuyện với anh. Nhưng vụ việc đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của quốc tế khi hàng loạt các ấn phẩm phương Tây thi nhau đưa tin về vấn đề này.

Thế vận hội Mùa Đông đã trở thành một nguồn gây tranh cãi quốc tế sôi nổi trong nhiều tháng qua. Năm ngoái (2021), Hoa Kỳ và một loạt các đồng minh phương Tây đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội để phản đối hành động tàn bạo của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các hành vi ngược đãi khác ở những nơi khác.

Trong khi một số nhà quan sát khen ngợi nghĩa cử này, những người khác cho rằng cuộc tẩy chay ngoại giao sẽ là một cử chỉ đa phần mang tính biểu tượng, vì các vận động viên, nhà quảng cáo, giới truyền thông, và du khách từ nhiều quốc gia vẫn sẽ xuất hiện tại sự kiện này.

Một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của một cuộc tẩy chay không có sự tham gia của một liên minh rất lớn gồm các quốc gia như những nước tham gia tẩy chay Thế vận hội Olympic được tổ chức tại Moscow năm 1980, thời điểm một năm sau khi Liên Xô xâm lược Afghanistan.

Bên cạnh việc lạm dụng nhân quyền, Bắc Kinh cũng thu hút sự giám sát chặt chẽ về cách đối đãi của nhà cầm quyền này với ngôi sao quần vợt Bành Soái (Peng Shuai), người đã biến mất khỏi ánh nhìn của công chúng trong vài tuần hồi tháng 11/2021, sau khi cáo buộc trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng cô đã bị một cựu quan chức cao cấp của Trung Quốc tấn công tình dục. Cho dù sau đó cô có xuất hiện trở lại, nhưng lo ngại về sự an nguy và tình trạng sức khỏe tiếp sau của cô vẫn còn đó.

Hồi tháng 12/2021, phản ứng trước vấn đề gây tranh cãi này, Hiệp hội Quần vợt Nữ đã thông báo họ sẽ đình chỉ tất cả các giải đấu ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, thu hút nhiều lời khen ngợi từ nhiều nhân vật khác nhau như bà Billie Jean King, người sáng lập WTA, ngôi sao đã nghỉ hưu Martina Navratilova, và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marsha Blackburn đến từ Tennessee.

Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).

Việt Phương biên dịch

Related posts