Một thời nhạc trẻ Sài Gòn – Lê Văn Nghĩa
The Strawberry Four gồm Tuấn Ngọc (guitar), Đức Huy (guitar), Tiến Chỉnh (bass, trước đó là Billy Shane), Tùng Giang (trống). Đây được xem là ban nhạc “nhà giàu” với những chiếc đàn, ampli Fender làm “lé mắt” dân chơi nhạc. Trên sân khấu, họ toàn bận complet lịch lãm và nhất là tạo được “danh giá” khi The Strawberry Four là ban nhạc VN đầu tiên và duy nhất được lên đài truyền hình Mỹ (phát tại Sài Gòn).
Khi The Strawberry Four tan rã, Đức Huy gặp Thanh Tuyền thành lập song ca Tuyền – Huy. Đức Huy, cử nhân văn khoa, ban sinh ngữ, được xem là kẻ “tô màu” nhiều nhất mỗi khi xuất hiện trên sân khấu: một cái lắc bạc, một bộ vest sọc lớn có cầu vai, cái khăn quàng trên cổ, cây đàn gỗ với dây gân mà phải là của ngoại quốc hay một chiếc harmonica với gọng khóa inox thật sáng trước mặt, một cách cầu kỳ. “Huy hát không hay, giọng đực mà không khan, thiếu sắc hay trừu tượng nhưng bài hát mà Huy lựa chọn thì tuyệt đối làm rung động người nghe tức thì, say đắm như nét mặt của anh, buồn như lúc Huy ngửa mặt và nhắm mắt, lúc solo thì vai rung và dù có thấy giả dối thì vẫn xúc động theo anh” (Trường Kỳ – báo Màn ảnh ra năm 1972).
Bắt đầu đi hát “từ khi chưa biết chữ”, khi Sài Gòn có phong trào thành lập những ban kích động nhạc chơi trong những club Mỹ, Tuấn Ngọc đã hát và đàn trong những ban nhạc The Black Caps, Blue Jays, The Revolution, The Strawberry Four. Thời điểm Thanh Tuyền rã với Đức Huy để theo Trung Nghĩa, Tuấn Ngọc và Đức Huy thành lập ban song ca chuyên hát nhạc country của Mỹ nhưng cũng phải chia tay vì giới trẻ và lính Mỹ chỉ khoái nhạc psychedelic (nhạc phiêu diêu – NV).
Ban nhạc gia đình
The Blue Jets có bảy người. Hoàng Long cùng với ba anh em Robert, Albert và Philippe là nhạc công phối hợp cùng giọng hát của ba anh em Anh Tú, Khánh Hà và bé Thúy. Trước đó, ba anh em Robert, Albert và Philippe tập tễnh bước vào làng nhạc trẻ với tên là The Rocking Stars Brothers (không phải The Rocking Stars với giọng ca Elvis Phương), sau đó lập ban nhạc mang tên The Blue Jets – một ban nhạc nổi bật nhờ thành phần ca sĩ trong gia đình Tuấn Ngọc với Anh Tú, Khánh Hà và bé Thúy.
Anh Tú trước khi được biết đến trong The Blue Jets cũng từng cộng tác với những ban nhạc trẻ khác nhưng âm thầm hoạt động tại các club Mỹ hoặc ở những tỉnh xa. Khánh Hà chỉ mới nổi lên khi ra mắt trong chương trình Hippy a Gogo của Trường Kỳ ở Queen Bee chứ trước đó cũng chỉ được lính Mỹ thấy mặt, nghe giọng hát trong các club Mỹ và bé Thúy – ca sĩ bé tí teo của The Blue Jets là ca sĩ nhỏ tuổi nhất trong các ban nhạc trẻ.
Trường Kỳ đã gọi ban CBC là đệ nhất ban kích động. Đây là một ban nhạc gia đình, nổi tiếng vì chơi loại nhạc psychedelic. Ban CBC ra đời vì một sự tình cờ. Một ca sĩ của ban là Bích Liên được bà chủ nhà hàng Lệ Liễu chọn hát chung với một ca sĩ khác. Nhưng hát hoài Bích Liên cũng chỉ là ca sĩ vô danh. Còn ca sĩ Bích Loan bất mãn thái độ phách lối của một ông chủ night club nên xin nghỉ hát. Tức giận, bà già của các cô bèn lấy tiền mua nhạc khí cho lập ban nhạc vào năm 1962. Thành phần gồm có 4 chị em Bích Linh, Bích Liên, Tùng Vân, Bích Loan với giọng khàn và trầm, hát rất khỏe. Bà cụ ban nhạc được gọi là bà già psychedelic và ban nhạc CBC còn được gọi vui là ban nhạc Con Bà Cụ.
Ban The Dreamers gồm Duy Quang, ba cậu em ruột Duy Minh (trống), Duy Hùng (lead guitar), Duy Cường (organ). Đồng thời có thêm hai chị em ca sĩ nổi tiếng là Julie Quang và Vény. Gương mặt Julie Quang mang nét lai, có quốc tịch Pháp, với tên thật là Angot Rany. Không quá bắt mắt về ngoại hình nhưng Julie Quang có một giọng hát lạ. Julie Quang, gái Việt lai Ấn sinh năm 1951, theo học tại Trường Regina Pacis ở Sài Gòn cho đến năm 16 tuổi thì đứt gánh sách đèn. Trong thời gian học ở trường, nàng cũng tham gia văn nghệ bằng giọng ca bản năng của một cô bé 7, 8 tuổi, sau đó cộng tác với những ban văn nghệ không tên tuổi. Giọng ca này vẫn chưa tìm được chỗ đứng, theo cô do: “Không có thầy dạy nhạc, không “bồ” với bất cứ một nhạc sĩ nào trong bất cứ ban nhạc nào”. Julie chính thức ra mắt giới trẻ vào cuối năm 1967 tại Đại hội nhạc trẻ ở rạp Đại Nam với ban nhạc The Sunshines, sau đó hợp tác với ban Free Ones rồi The Dreamers.
Năm 17 tuổi, Julie gặp Duy Quang với một tình yêu thật êm ả, dịu dàng và say đắm, kết thúc bằng một cuộc hôn nhân. Từng là nữ sinh trường Tây, Julie Quang hát được nhiều loại nhạc, kể cả nhạc nước ngoài và hát nhạc kích động giỏi nhưng chỉ thích nhất là hát nhạc của bố chồng – Phạm Duy cùng một vài nhạc phẩm của Lê Uyên – Phương.
Rất yêu và sợ chồng ghen nhưng rồi trong một phút định mệnh trái ngang không giữ được lòng như trước đó đã vận vào số phận Julie trong bài hát Mùa thu chết, nàng không còn dính đến Duy Quang nữa. Sau đó, người ta nghe được những lời ca da diết của Duy Quang: “Tôi xin người cứ gian dối/Nhưng xin người đừng lìa xa tôi” (Kiếp đam mê).