Nguyên Hương
Thứ Sáu (4/2), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nguyên thủ quốc gia cho biết, họ sẽ đoàn kết chống lại Mỹ và các đồng minh NATO, cường điệu “tình bằng hữu không có giới hạn” và “không thể lay chuyển” của họ khi họ kêu gọi NATO dừng bất kỳ sự mở rộng nào, New York Post cho hay.
Theo New York Post, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trước lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Mùa đông, khi cả hai quốc gia của họ phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng nhiều từ Washington và Nga đang dồn quân dọc biên giới với Ukraine.
Sự hiện diện của Putin ở Trung Quốc khiến ông trở thành khách mời cao cấp nhất tại Thế vận hội Bắc Kinh sau khi Mỹ, Anh và những nước khác quyết định không cử quan chức tới Thế vận hội để phản đối hành động vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nga thay lòng đổi dạ với phương Tây
Theo Nikkei Asia, vào tháng 11/2001, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định với các nhà báo Mỹ rằng, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Moscow và Washington là điều không thể tưởng tượng.
Ông Putin nói: “Nếu ai đó nghĩ rằng Nga lại có thể trở thành kẻ thù của Hoa Kỳ, thì tôi nghĩ những người này không hiểu chuyện gì đã xảy ra trên thế giới và điều gì đã xảy ra với nước Nga”.
Hai thập kỷ trôi qua, giọng điệu của tổng thống Nga đã thay đổi đáng kể. Trong chuyến thăm Bắc Kinh dự Thế vận hội Mùa đông, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một mặt trận thống nhất chống lại Washington. Một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp kéo dài ba giờ đồng hồ của họ phản đối sự mở rộng thêm nữa của NATO, tố cáo liên minh Úc-Anh-Mỹ mới (AUKUS) và cảnh báo Washington không nên triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu hoặc châu Á.
Lên án và đổ lỗi cho Hoa Kỳ, ông Putin và ông Tập nói, chính phủ của họ “vẫn hết sức cảnh giác về các tác động tiêu cực của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đối với hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Ông Putin từng “kết duyên” với phương Tây
Sau khi lên nắm quyền vào năm 1999, cựu sĩ quan KGB nói về mong muốn xây dựng một liên minh kinh tế với Liên minh châu Âu. Ông thậm chí còn đưa ra khả năng một ngày nào đó chính Nga sẽ gia nhập NATO – ban đầu được dự định như một vùng đệm chống lại Liên Xô.
Sau vụ tấn công khủng bố 11/9 năm 2001, Putin đã dồn sức cho “cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ dẫn đầu, ra lệnh cho các cơ quan tình báo của mình chia sẻ thông tin với những người đồng cấp Mỹ và mở cửa không phận Nga cho các máy bay Mỹ chở hàng tiếp tế tới Afghanistan. Ông thậm chí còn tuyên bố rằng Nga không phản đối việc Mỹ thiết lập các căn cứ quân sự ở Trung Á.
Tất cả những điều này của ông Putin đã giành được sự khen ngợi ở Washington. Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush cho biết ông nhận thấy Putin “rất thẳng thắn và đáng tin cậy” và nói một câu nổi tiếng rằng ông “cảm nhận được tâm hồn của ông Putin”. Ông Colin Powell, Ngoại trưởng thời Bush sau đó nói rằng Nga “đóng một vai trò quan trọng trong thành công của chúng tôi ở Afghanistan”.
Vào tháng 5/2002, với tư cách là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Biden tuyên bố rằng, ông Putin đã “gia nhập và ủng hộ phương Tây với ý chí chưa từng thấy kể từ thời Peter Đại đế”, ám chỉ người sáng lập đế chế Nga ở thế kỷ 18.
Tuần trăng mật thật ngắn ngủi
Quan hệ giữa Nga và phương Tây bắt đầu rạn nứt khi NATO kết nạp Estonia, Latvia năm 2004 và đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tại các quốc gia này. Theo đó, NATO tiến đến vị trí cách St.Petersburg 160 km. Căng thẳng gia tăng sau hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 tại Bucharest, nơi khối này hứa rằng sẽ kết nạp Ukraine và Gruzia vào khối” trong tương lai – một cam kết vẫn chưa được thực hiện. Vài tháng sau, diễn ra cuộc chiến tranh Nga-Gruzia kéo dài 5 ngày, trong đó ông Bush cáo buộc Moscow có những hành động “không cân xứng”.
Năm 2012, ông Putin tuyên bố Nga “xoay trục sang châu Á”, với lý do cần phải có những cánh buồm kinh tế của Nga để đón “ngọn gió Trung Quốc”. Cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 chỉ làm tăng thêm tính cấp bách.
Sau cuộc cách mạng thân phương Tây ở Kyiv, triển vọng về việc ban lãnh đạo mới tích cực theo đuổi tư cách thành viên NATO đã cho Điện Kremlin một lý do, hoặc cái cớ để sáp nhập Crimea. Mỹ và châu Âu giáng đòn trừng phạt vào Nga, trong khi Putin đi tìm đồng minh mới.
Nga liên kết với Trung Quốc
Từ một nhà lãnh đạo có vẻ thân phương Tây, ông Putin đã trở thành một trong những đối tác địa chính trị thân cận nhất của Trung Quốc. Giờ đây, với việc Moscow và Washington bị kẹt trong cuộc đối đầu với Ukraine, giới chính khách Nga nói rằng, ông Putin đang trông cậy vào Trung Quốc để giúp ông vượt qua mọi phản ứng dữ dội. Đồng thời, một số chuyên gia cho rằng mối quan hệ này có thể đặt ra những thách thức mới đối với các nhà hoạch định quân sự Mỹ trong bối cảnh Mỹ-Trung đang cạnh tranh giành vị thế siêu cường.
Ông Sergey Karaganov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, đồng thời là cố vấn lâu năm của Điện Kremlin cho biết: “Trung Quốc là bước đệm chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi biết rằng trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, chúng tôi có thể dựa vào đó để được hỗ trợ về quân sự, chính trị và kinh tế”.
Nhu cầu về một chiếc đệm như vậy có thể đang tăng lên từng ngày.
Nga lấy Ukraine làm bàn đạp để ép phương Tây
Kể từ mùa thu năm ngoái, Nga đã triển khai hơn 100.000 quân gần biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xâm lược. Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận việc có các kế hoạch như vậy, đồng thời yêu cầu phương Tây đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý – rằng NATO, liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương nối Mỹ, Canada và châu Âu, sẽ ngừng mở rộng về phía Đông và rút lực lượng về các vị trí của năm 1997. Lính Nga đang tập trận tại Crimea. Nguồn ảnh: GETTY IMAGES
Ông Putin đe dọa, nếu đàm phán ngoại giao Nga-Mỹ thất bại, Nga sẽ có phản ứng “kỹ thuật quân sự”, trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cảnh báo rằng, bất kỳ cuộc xâm lược nào sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt mới đối với nền kinh tế Nga và các quan chức cấp cao, bao gồm cả bản thân ông Putin.
Trung Quốc ủng hộ Nga
Cho đến nay, Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ Nga trong thế bế tắc một cách thận trọng. “Phía Trung Quốc thông cảm và ủng hộ các đề xuất mà Liên bang Nga đưa ra nhằm tạo ra các đảm bảo an ninh ràng buộc pháp lý lâu dài ở châu Âu”, tuyên bố chung của Putin-Tập viết. Tương tự như vậy, trong cuộc điện đàm hồi tháng trước với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởngTrung Quốc Vương Nghị đã thúc giục Washington giải quyết “những lo ngại về an ninh chính đáng của Nga”.
Sau hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Sáu (4/2), Mỹ nói rằng đáng lẽ ông Tập phải thúc giục ông Putin làm dịu căng thẳng ở Ukraine. Trong khi đó, giới chính khách Nga đang khấp khởi trong lòng.
“Đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là người đứng đầu Trung Quốc đã công khai ủng hộ các đề xuất an ninh của Nga”, Thượng nghị sĩ Vladimir Dzhabarov, phó trưởng ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang, nói với tờ Parliamentskaya Gazeta. “Đây là sự hỗ trợ mạnh mẽ, và chúng tôi cảm thấy rằng người bạn của chúng tôi đang ở bên cạnh chúng tôi, sẵn sàng sát cánh cùng chúng tôi”.
Adalbi Shkhagoshev, một thành viên của Ủy ban An ninh và Chống Tham nhũng của Duma Quốc gia, nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng tuyên bố chung Trung-Nga là “trọng pháo chính trị”.
Ở Trung Quốc, cơ quan ngôn luận nhà nước Thời báo Hoàn cầu ca ngợi sự khởi đầu của “kỷ nguyên quan hệ quốc tế mới không do Mỹ xác định”.
Theo Zhang Xin, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Nga tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, việc châu Âu tan vỡ có thể là một may mắn cho Trung Quốc. Ông Zhang nói: “Những gì đang xảy ra ở châu Âu hiện nay là sự cạn kiệt đáng kể nguồn tài nguyên toàn cầu của Hoa Kỳ. Nếu Washington cuối cùng phải huy động hầu hết các nguồn lực của mình tới châu Âu, thì điều đó sẽ hạn chế khả năng tăng cường sự can dự của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương chống lại Trung Quốc”.
Lyle Goldstein, nhà phân tích tại Tổ chức ưu tiên quốc phòng tại Washington và là cựu giáo sư nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, cũng đưa ra quan điểm tương tự. Ông Goldstein cho rằng, nếu Moscow và Bắc Kinh tiếp tục tăng cường hợp tác chính trị và quân sự, Washington sẽ có nguy cơ thâm hụt sức lực một cách nguy hiểm.
Kể từ năm 2019, Nga và Trung Quốc đã cùng nhau thực hiện các cuộc tuần tra hàng năm bằng máy bay ném bom trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông. Vào tháng 10, một nhóm tàu chiến của Nga và Trung Quốc đã lần đầu tiên đi vòng quanh đảo Honshu chính của Nhật Bản. Sau một tháng, Bắc Kinh và Matxcơva đã ký một lộ trình quốc phòng 4 năm với cam kết “tăng cường hợp tác trong các cuộc tập trận chiến lược, tuần tra chung và các lĩnh vực khác”.
Theo ông Goldstein nhận định, Hoa Kỳ “không đủ sức cho chiến tranh ở châu Âu, cũng không ở châu Á. Lực lượng của Hoa Kỳ ở đó là không đủ, thậm chí là còn quá ít”.
Các nhà phân tích khác không đồng ý, nhấn mạnh rằng việc răn đe ở châu Âu và châu Á đòi hỏi các nguồn lực quân sự khác nhau, và một cuộc xâm lược Ukraine có thể củng cố quyết tâm bảo vệ Đài Loan của ông Biden.
Dù thế nào đi nữa, đã có lúc các nhà lãnh đạo phương Tây coi ông Putin không phải là người để răn đe mà là người để hợp tác.
Trung Quốc là lựa chọn hoàn hảo của ông Putin
Theo Andranik Migranyan, giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moscow và là cố vấn không chính thức của chính quyền Putin, Trung Quốc là sự lựa chọn phù hợp do sức mạnh kinh tế và sự quyết đoán ngày càng tăng của chính sách đối ngoại của nước này.
Ông Migranyan lập luận: “Đây là một quyết định được thúc đẩy không phải bởi tình yêu, mà bởi sự cần thiết, bởi vì nếu bạn thấy mình bị bao vây và bị bóp nghẹt về tài chính, thì tất nhiên bạn sẽ tìm kiếm đối tác mà bạn có thể đẩy lùi áp lực này. Lựa chọn hiệu quả và thực tế nhất đối với Nga là Trung Quốc vì đây là quốc gia có tham vọng dẫn đầu toàn cầu nhưng cũng đang chịu áp lực của Mỹ”.
Mặc dù Trung Quốc chưa công nhận việc sáp nhập Crimea, nhưng nước này đã tránh chỉ trích nước láng giềng phương bắc và từ chối tuân thủ các lệnh trừng phạt. Vào năm 2014, một người đánh giá cao Putin nói rằng, “các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn xem xét tình hình ở Ukraine và Crimea có tính đến bối cảnh chính trị và lịch sử đầy đủ”.
Theo số liệu thống kê của Nga, kim ngạch thương mại Trung – Nga kể từ đó đã tăng từ 88,4 tỷ USD năm 2014 lên hơn 125 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021. Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy con số cả năm vượt quá 140 tỷ USD, được thúc đẩy bởi các dự án năng lượng.
Nga đã chào đón những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei Technologies. Nước này cũng đang theo đuổi các dự án với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian, bao gồm cả kế hoạch thành lập một cơ sở nghiên cứu chung trên mặt trăng.
Nhưng triển vọng hợp tác an ninh sâu rộng hơn trên Trái đất đang thu hút sự chú ý nhiều nhất. Trong khi họ không còn liên minh quân sự chính thức, ông Putin và ông Tập cho biết tình bằng hữu của hai quốc gia là “vô biên và không có vùng ‘cấm'”.
Nắn gân phương Tây
Trong một ghi chú được công bố hôm thứ Hai, ông Tom Miller tại Gavekal Research đã viết rằng mối quan hệ Nga-Trung không còn đơn thuần chỉ bị coi là một “trục tiện lợi”.
“Mỹ và các đồng minh của họ theo truyền thống coi Trung Quốc và Nga là những thách thức riêng biệt, làm việc song song thay vì hợp tác. Điều này đang thay đổi”, ông Miller nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gần đây đã nói rằng sự kết hợp Nga-Trung nên được xem như một ” mối đe dọa kết hợp”.
Cũng như Trung Quốc ủng hộ lập trường của Nga đối với NATO, Moscow đã cùng với Bắc Kinh chống lại các liên minh do Mỹ dẫn đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Đối thoại An ninh Tứ giác và đặc biệt là AUKUS.
Ông Fyodor Lukyanov, tổng biên tập của tạp chí có ảnh hưởng Russia in Global Affairs (tạm dịch: Nga trong mối quan hệ toàn cầu) cho biết: “Các liên minh như Quad và AUKUS trước hết là không thể chấp nhận được đối với Nga vì chúng không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc. Chúng tôi nhận thấy sự phối hợp khá quan trọng trong vấn đề này vì Trung Quốc tuyên bố rằng việc mở rộng NATO là sai dù vấn đề không liên quan trực tiếp đến họ. Nga cũng làm như vậy đối với các hiệp ước khác nhau ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Theo Alexey Maslov, giám đốc của Viện Nghiên cứu Châu Á và Châu Phi tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcova, các sáng kiến an ninh của phương Tây như AUKUS đã cung cấp một lá chắn hoàn hảo để Điện Kremlin củng cố mối quan hệ với Trung Quốc và thực hiện ý đồ trở thành nhân tố quan trọng ở châu Á, Một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tham gia cuộc duyệt binh hải quân năm 2019. Theo một nguồn tin, Nga và Trung Quốc có thể hợp tác công nghệ như vậy. Ảnh: Getty Images
Ông Maslov nói, “Điều quan trọng phải chỉ ra rằng Trung Quốc và Nga đang đi chung một hướng bởi vì bản thân Nga không phải là quốc gia có ảnh hưởng lớn ở châu Á”.
Nguyên Hương