Lithuania kêu gọi các đồng minh ‘chống lại sự phá rối’ của Bắc Kinh, Moscow

Daniel Y. Teng

Ngoại trưởng Úc Marise Payne (bên phải) và Ngoại trưởng Litva Gabrielus Landsbergis nói chuyện với giới truyền thông trong một cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, hôm 09/02/2022. (Ảnh: AAP Image/Lukas Coch)

Ngoại trưởng Lithuania kêu gọi các đồng minh dân chủ hợp tác cùng nhau chống lại “những kẻ phá vỡ” trật tự toàn cầu dựa trên các quy tắc, đó là Nga và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis hiện đang có chuyến công du ba ngày tới Úc để tăng cường mối bang giao thương mại và giúp thành lập đại sứ quán của quốc gia Baltic tại nước này.

Cả Úc và Lithuania đều đang hứng chịu các lệnh trừng phạt thương mại sâu rộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì lý do được cho là coi thường Bắc Kinh.

Ông Landsbergis trước đó đã tiết lộ với tờ Australian Financial Review rằng ông đã gặp Ngoại trưởng Úc Marise Payne tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào tháng 09/2021, nơi mà họ “ngay lập tức hiểu” sự cần thiết phải đối thoại nhiều hơn xung quanh các hành động của Bắc Kinh, và quyết định cho một chuyến công du chính thức đã được đưa ra.

“Trong một thời gian dài, Úc là một trong những ví dụ điển hình khi Trung Quốc sử dụng kinh tế và thương mại như một công cụ chính trị hoặc thậm chí quý vị có thể nói là một vũ khí chính trị”, ông Landsbergis nói trong một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Úc tại Canberra hôm 09/02.

Thịt bò Úc được nhìn thấy tại một siêu thị ở Bắc Kinh hôm 12/05/2020 (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

“Bây giờ Lithuania gia nhập câu lạc bộ độc nhất này. Nhưng rõ ràng chúng tôi chắc chắn không phải là những người cuối cùng, đặc biệt nếu những thực tiễn này không được ngăn chặn với các công cụ mà chúng tôi sở hữu,” ông cho biết thêm.

Ông Landsbergis cũng ủng hộ quyết định của chính phủ Morrison tham gia một hoạt động thương mại của Liên minh Âu Châu tại Tổ chức Thương mại Thế giới chống lại Bắc Kinh, thách thức quyết định của ĐCSTQ trong việc chặn hàng hóa của Lithuania thông quan.

Hành động này [của Bắc kinh] được đưa ra nhằm phản ứng lại quyết định của Lithuania cho phép Đài Loan mở một văn phòng ngoại giao tại thủ đô Vilnius của họ sử dụng từ “Đài Loan” thay vì “Đài Bắc” – một thông lệ thường được áp dụng để tránh vi phạm chính sách Một Trung Quốc của ​​Bắc Kinh.

“Tôi nghĩ chúng ta cần nhắc nhở các quốc gia như Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác muốn sử dụng thương mại như một vũ khí, rằng các quốc gia có cùng chí hướng trên toàn cầu có các công cụ và quy định giúp chống lại sự ép buộc và không nhượng bộ các áp lực chính trị và kinh tế,” ông Landsbergis nói.

Bảng tên tại Văn phòng đại diện Đài Loan ở Vilnius, Lithuania, hôm 18/11/2021. (Ảnh: Petras Malukas/AFP/Getty Images)

Ông gọi Nga và Trung Quốc là “những kẻ phá vỡ trật tự toàn cầu dựa trên các quy tắc”.

Ông nói thêm: “Đó không chỉ là một vấn đề khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay vấn đề khu vực Âu Châu. Họ là những quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu đang hành động gây rối.”

“Chúng ta phải yêu cầu, hành động ‘chống lại sự phá rối’— điều đó có nghĩa là tái bảo đảm và củng cố mối quan hệ của chúng ta.”

Vị Ngoại trưởng này cũng đã ủng hộ một thỏa thuận thương mại tự do giữa Úc và Liên minh Âu Châu – một nghị trình đã bị đình trệ vào cuối năm ngoái sau khi các nhà lãnh đạo Pháp phản ứng tiêu cực trước quyết định của Úc về việc ký thỏa thuận AUKUS với Anh Quốc và Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Úc Payne cho biết việc ông Landsbergis tiếp tục chuyến công du đến Úc bất chấp “căng thẳng gia tăng ở Âu Châu” là điều “thực sự quan trọng.”

Bà nói rằng, “Chúng ta ở đây cùng với một ngoại trưởng Âu Châu, người đã thực hiện cuộc hành trình này trong một bối cảnh rất khó khăn, ngày càng khó khăn ở Âu Châu và đó là, theo cách nói chính trị, bày tỏ quan điểm của mình.”

Bà Payne sẽ không cung cấp thông tin về thời điểm hoặc cách thức Úc sẽ phản ứng với bất kỳ sự bùng nổ xung đột nào ở biên giới Ukraine.

“Tôi sẽ không suy đoán về những lằn ranh đỏ là gì — tôi thích giải quyết với thực tế của các sự kiện hơn và tôi hy vọng rằng những điều đó là không đúng,” bà cho biết.

“Tôi hy vọng những nỗ lực ngoại giao đang được thực hiện bởi một số nhà lãnh đạo, trong đó có sự tham gia của Tổng thống Putin và chính phủ Nga, sẽ có thể thuyết phục Nga rằng đây không phải là bước đi mà họ nên thực hiện.”

Ông Landsbergis cho biết ông có “tất cả sự tin tưởng” vào việc Úc sẽ hành động nếu một xung đột xảy ra dọc biên giới Ukraine.

Ông nói: “Các sự kiện gần đây cho thấy tất cả các quốc gia có cùng chí hướng đều có phản ứng tương tự với những gì đang diễn ra ở biên giới Ukraine.”

Đây là cuộc họp đầu tiên trong trọn một tuần của Ngoại trưởng Marise Payne, người sẽ chủ trì cuộc đối thoại Bộ tứ QUAD tại Melbourne trong những ngày tới cùng với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã tới Úc để tham dự các cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc.

Anh Daniel Y. Teng đang sinh sống tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19 và mối bang giao Úc-Trung. Quý vị có thể liên hệ với anh ấy tại daniel.teng@epochtimes.com.au

Nguyễn Lê biên dịch

Related posts