Tin thế giới trưa thứ Sáu: Hoa Kỳ gửi hơn 6.4 tỷ USD viện trợ đại dịch ra ngoại quốc, bao gồm cả Trung Quốc

Quang cảnh Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ nhìn từ phía tây hôm 06/01/2022 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Theo báo cáo của Ủy ban Giải trình về Ứng phó Đại dịch (PRAC) thuộc Văn phòng Tổng thanh tra Hoa Kỳ (OIG), khoảng 2,000 nhà thầu ngoại quốc và tổ chức bất vụ lợi ở 177 quốc gia đã nhận được hơn 6.4 tỷ USD viện trợ để ứng phó với đại dịch từ Hoa Kỳ kể từ mùa xuân năm 2020 đến mùa thu năm 2021.

Hầu hết “những đơn vị tiếp nhận viện trợ chính” đều có trụ sở tại Hoa Kỳ và gửi tiền ra ngoại quốc. Khoản 6.4 tỷ USD tiền gửi ra ngoại quốc này đến từ hai gói cứu trợ đại dịch được Quốc hội thông qua vào tháng 3/2020 và tháng 3/2021 với tổng trị giá 4.1 ngàn tỷ USD.

Những đơn vị nhận tiền chính này là các cơ quan liên bang, bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các tổ chức bất vụ lợi, chẳng hạn như Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế có trụ sở tại North Carolina và Viện Nghiên cứu & Đào tạo JSI có trụ sở tại Boston.

Tính chung từ mùa xuân năm 2020 đến ngày 30/9/2021, các cơ quan liên bang và tổ chức phi lợi nhuận này đã chấp thuận hơn 4,000 hợp đồng và cấp 1,000 khoản tài trợ từ quỹ cứu trợ đại dịch cho “những bên nhận thay” trên toàn cầu, bao gồm cả các nhà thầu ngoại quốc cung cấp dịch vụ cho chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức phát triển và chăm sóc sức khỏe quốc tế.

Theo báo cáo, đơn vị quốc tế nhận tài trợ chính lớn nhất là Liên Hiệp Quốc, đã nhận được 831.4 triệu USD tài trợ trực tiếp cho đại dịch.

Theo báo cáo, Liên Hiệp Quốc, Quỹ Chống AIDS, Lao và Sốt rét Toàn cầu, và Cao ủy Tị nạn của Liên Hiệp Quốc đã nhận được 43% kinh phí cứu trợ đại dịch của Hoa Kỳ gửi ra ngoại quốc.

Chín đơn vị nhận tiền hàng đầu khác đã gửi tiền cứu trợ ra ngoại quốc bao gồm: UNICEF (224 triệu USD); Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế–FHI (99.945 triệu USD); General Dynamics Global Force LLC (96.5 triệu USD); Acrow Global Ltd. có trụ sở tại Anh Quốc (83.5 triệu USD); Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (73.667 triệu USD); Tổ chức Di cư Quốc tế (68.242 triệu USD); JSI (64.32 triệu USD); Mạng lưới Dịch tễ học Thực địa Phi Châu (62.5 triệu USD) và “các nhà thầu ngoại quốc khác” (366.5 triệu USD).

Khoảng 2.132 tỷ USD trong số 6.4 tỷ USD từ quỹ cứu trợ đại dịch của Hoa Kỳ cho quốc tế đã được gửi và phân phối thông qua các ngân hàng ở Thụy Sĩ, do nhiều đơn vị và tổ chức bất vụ lợi quốc tế đều có trụ sở chính tại Geneva.

Theo PRAC, những đơn vị nhận tiền tại Geneva bao gồm Quỹ Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét Toàn cầu (1.5 tỷ USD); Cao Ủy Liên Hiệp Quốc (401 triệu USD); Tổ chức Di cư Quốc tế (87.856 triệu USD); Tổ chức Y tế Thế giới (78.688 triệu USD); và Le Comité International de La Croix-Rouge (Chữ thập đỏ) (61.4 triệu USD).

Những đơn vị nhận tiền thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Ví dụ, những đơn vị nhận thay ở Kuwait nhận được mức phân bổ cao thứ hai theo quốc gia, sau Thụy Sĩ (411 triệu USD), với hầu hết trong số họ cung cấp dịch vụ cho các nhà thầu quốc phòng và công nghệ thông tin của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Vectrus Systems Corp có trụ sở tại Colorado, đã phân bổ 339 triệu USD từ quỹ cứu trợ đại dịch cho các nhà thầu và tổ chức ở Kuwait.

Các quỹ cứu trợ đại dịch đã được trao cho các đơn vị nhận không phải trong nước này đều là khoản thêm hoặc bổ sung vào các chương trình viện trợ ngoại quốc hiện có của Hoa Kỳ, với tổng trị giá 51 tỷ USD nghĩa vụ viện trợ cho 11,000 đơn vị nhận trên toàn cầu vào năm 2020.

Trong năm 2021, trong khi các quỹ viện trợ đại dịch được phân phối thông qua USAID, việc phân bổ trực tiếp đã giảm xuống còn 36 tỷ USD, vốn được cam kết cho 8,000 “hoạt động” ở 181 quốc gia.

Kể từ mùa xuân năm 2020, USAID khẳng định rằng họ đã hỗ trợ “hơn 120 quốc gia trong cuộc chiến ngăn chặn và chống lại virus” bằng cách cung cấp 5.7 tỷ USD cho việc chích ngừa, bao gồm 700 triệu USD để tăng cường các chương trình chích ngừa và mua 1 tỷ liều vắc xin Pfizer để phân phối trên khắp thế giới.

Trong năm tài chính 2022, USAID đã báo cáo rằng họ có 4.7 tỷ USD [thuộc nghĩa vụ] “bắt buộc” – 502 triệu USD theo hợp đồng, 4.2 triệu USD tiền tài trợ – và phân phối 3.1 tỷ USD qua 781 giải thưởng cứu trợ đại dịch cho 287 đơn vị nhận, trong đó có nhiều đơn vị là ở Phi Châu.

Các cuộc điện thoại và email được liệt kê trong danh sách liên lạc với các phương tiện truyền thông của USAID đã không phản hồi trong khoảng thời gian hai tuần.

Ủy ban Giải trình về Ứng phó Đại dịch (PRAC) được thành lập trong Hội đồng Tổng thanh tra về tính Liêm chính và Hiệu quả (CIGIE) trực thuộc OIG vào mùa xuân năm 2020 để theo dõi 2.2 ngàn tỷ USD trong Đạo luật CARES, nhằm phân bổ cho chính quyền tiểu bang và địa phương, các tổ chức bất vụ lợi, nhà thầu, và cá nhân.

Với việc thông qua các gói cứu trợ COVID-19 và gói kích thích bổ sung của liên bang, trong đó có Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ tháng 03/2021, 22 tổng thanh tra của PRAC hiện đang theo dõi hơn 5 ngàn tỷ USD trong việc phân bổ cho đại dịch cấp liên bang và lập tài liệu về những điều được “những đơn vị nhận chính” báo cáo thông qua trang web của họ. Công chúng có thể truy cập [để xem những] tài liệu này trên trang web của ủy ban.

Nhưng khả năng tiếp cận và tính minh bạch không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc tính toán thấu đáo; có tới 21 triệu “hàng” dữ liệu trên một trong các trang tổng quan của PRAC.

Người sáng lập OpenTheBooks.com, ông Adam Andrzejewski, nói với The Epoch Times rằng; trong khi thực hiện một phân tích “sâu” vào tháng 08/2021 về 282.6 tỷ USD được phân phối từ viện trợ ngoại quốc trong giai đoạn 2013-2018, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự khác biệt giữa các con số được đăng bởi PRAC, USAID, Bộ Ngân Khố, Văn phòng Ngân sách Quốc hội, Văn phòng Quản lý và Ngân sách, và Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội.

Có nhiều sai biệt giữa các chương trình theo dõi và giám sát khác nhau có liên hệ với các cơ quan cụ thể báo cáo các yêu cầu, loại đơn vị nhận tiền mà họ làm việc, và có thể kết hợp các khoản phân bổ liên bang hỗn hợp từ các thời điểm khác nhau và các chương trình không liên quan đến việc ứng cứu COVID-19.

Ông Andrzejewski cho biết; việc tìm ra điểm mấu chốt có thể sẽ khó khăn như mò kim đáy bể vậy.

Ông nói; “Việc này đòi hỏi chúng ta phải làm việc cật lực” để tra cứu và hiểu được dữ liệu này. “Họ không làm nó trở nên dễ dàng hơn.”

Theo Bộ Ngân khố, trong năm 2020, Quốc hội đã dành 3.8 tỷ USD cho các nỗ lực cứu trợ COVID-19 quốc tế và đến tháng 04/2021, đã bổ sung thêm 10.8 tỷ USD viện trợ COVID-19 ra ngoại quốc, tổng cộng là 14.6 tỷ USD.

OpenTheBooks xác nhận rằng khoản 6.4 tỷ USD dựa theo PRAC, và thậm chí khoản 14.6 tỷ USD được Bộ Ngân khố đưa ra,  không bao gồm các khoản chi tiêu cho COVID-19 liên quan đến ngoại quốc, chẳng hạn như phân bổ cho chương trình vaccine toàn cầu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, khoản 9.6 tỷ USD trong “tổng nguồn ngân sách COVID-19” dành cho USAID, hoặc các công ty con của các công ty ngoại quốc tại Hoa Kỳ.

Theo OpenTheBooks.com, những công ty này bao gồm 125 công ty Trung Quốc – có “mối quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)” – đã nhận được các khoản vay [có thể không cần hoàn trả] từ Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) trị giá 660 tỷ USD vào năm 2020, cũng không được bao gồm trong chi tiêu viện trợ ngoại quốc.

Báo cáo Chi tiết Giải thưởng của PRAC liệt kê 27 khoản phân bổ với tổng trị giá 14.539 triệu USD hỗ trợ đại dịch trên website của mình cho các nhà thầu ở Trung Quốc thông qua các tổ chức và doanh nghiệp có trụ sở tại Hoa Kỳ với số tiền lớn nhất – 5.18 triệu USD – được DHS phân bổ cho Công ty US Tactical Supply, có trụ sở tại Post Falls, Idaho.

Theo USASpending, khoản phân bổ ngày 18/5/2020 này là dành cho việc thu mua 5.396 triệu chiếc khẩu trang sản xuất tại Trung Quốc của Tactical Supply Hoa Kỳ.

FHI của Durham, N.C., đã phân phối 99.945 triệu USD và Viện Nghiên cứu & Đào tạo JSI, có trụ sở tại Boston, đã phân phối 64.32 triệu USD cho các nhà thầu và tổ chức ở hải ngoại.

Cả hai đều là các tổ chức nghiên cứu và tư vấn quản lý sức khỏe cộng đồng chuyên cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và quản lý cho các chương trình sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới cùng với sự đóng góp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh Châu Âu, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu và các nhà tài trợ doanh nghiệp.

FHI có 4,000 nhân viên trên khắp Hoa Kỳ và tại hơn 60 quốc gia. Viện Nghiên cứu & Đào tạo JSI, một công ty con bất vụ lợi của John Snow International, có 135 nhân viên tham gia 75 dự án ở 40 quốc gia, 7 trung tâm năng lực kỹ thuật cốt lõi và đội ngũ dịch vụ công ty.

Các viên chức tại JSI đã liên tiếp không trả lời email và điện thoại. Một đại diện FHI yêu cầu giấu danh tính giải thích rằng số tiền hỗ trợ COVID-19 đã được các tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Kỳ “chuyển” đến các tổ chức và nhà thầu quốc tế bằng cách sử dụng “phương tiện hợp đồng” và “cơ chế tài trợ” được thiết lập thông qua dự án Kiểm soát Dịch bệnh (EpiC) được Kế hoạch Cứu trợ AIDS Khẩn cấp (PEPFAR) tài trợ.

Bà cho biết; “Khi COVID bùng phát, (chính phủ liên bang) đã sử dụng rất nhiều tổ chức bất vụ lợi” như FHI và JSI, vì “họ đã có kinh nghiệm và đã có sẵn đường dây” để hỗ trợ việc ứng cứu COVID-19 ở các quốc gia “nơi chúng tôi đang làm việc”. Bà cũng cung cấp một bản phác thảo cách FHI phân bổ tiền cứu trợ đại dịch bằng cách sửa đổi dự án EpiC vào đầu năm 2020 để ứng phó với COVID-19 và hỗ trợ các hệ thống y tế ngăn chặn đại dịch.

Tuệ Minh biên dịch

Hoa Kỳ: Lạm phát tháng 01/2022 đạt mức cao nhất trong 40 năm

Tom Ozimek

Người dân mua gà tây đông lạnh tại một cửa hàng tạp hóa ở Mount Prospect, Illinois, hôm 17/11/2021. (Ảnh: Nam Y. Huh/AP Photo)

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Lao động (BLS) công bố, lạm phát ở Hoa Kỳ đã tăng tốc một lần nữa, tăng lên 7.5% hàng năm vào tháng 01/2022, mức cao nhất trong 40 năm và cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.

Áp lực lạm phát cơ bản cũng tăng lên, chỉ ra rằng lạm phát sẽ bị giữ ở mức cao lâu hơn.

Sự tăng tốc của Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022, phản ánh lạm phát từ quan điểm của người tiêu dùng cuối cùng, đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp giá cả tăng nhanh hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái và nhanh hơn tốc độ 7.0% của tháng 12/2021.

Trên cơ sở hàng tháng, tốc độ lạm phát tiêu đề CPI giữ ổn định ở mức 0.6% trong tháng Một, phù hợp với tốc độ của tháng Mười Hai và đưa ra một dấu hiệu mới về lạm phát đang ở mức cao nhất.

Các dự báo đồng thuận dự đoán tỷ lệ CPI hàng năm là 7.3% và chỉ số đo lường hàng tháng là 0.5%.

Rủi ro lạm phát ‘nghiêng về hướng tăng’

Không chỉ tốc độ lạm phát CPI hàng năm của tháng Một là cao nhất kể từ tháng 02/1982, khi ở mức 7.6%, mức lạm phát này còn vượt xa mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang như được phản ánh trong một thước đo lạm phát riêng biệt nhưng có liên quan, gây áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải thắt chặt trạng thái nới lỏng tiền tệ để giảm bớt tình trạng giá cả tăng cao.

Bà Loretta Mester, chủ tịch của Fed Cleveland và là thành viên bỏ phiếu của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cho biết trong một tuyên bố chuẩn bị trước vào thứ Tư (09/02) cho một sự kiện trực tuyến do Trung tâm Kinh tế và Tài chính Âu Châu tổ chức: “Chỉ số lạm phát ở Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm và tiền lương danh nghĩa đang tăng với tốc độ nhanh hơn chúng ta đã chứng kiến trong nhiều thập niên.”

Lưu ý rằng rủi ro lạm phát đang “nghiêng về phía tăng”, bà Mester cho biết bà ủng hộ việc nâng lãi suất chủ chốt của Fed vào tháng Ba.

Bà nói: “Mặc dù biến thể Omicron có thể ảnh hưởng đến hoạt động trong thời gian tới, nhưng mức độ lạm phát cao và sự thắt chặt của thị trường lao động là một lý do thuyết phục để bắt đầu điều chỉnh lại lập trường của chính sách tiền tệ.”

Tiền lương đã tăng vọt ở Hoa Kỳ, làm tăng thêm lo ngại về một vòng xoáy giá tiền lương có thể xảy ra, kiểu lạm phát này đã làm suy yếu nền kinh tế Hoa Kỳ trong những năm 1970. Thu nhập trung bình theo giờ của tất cả nhân viên khu vực tư nhân đã tăng 5.7% hàng năm trong tháng Một, mức cao nhất được ghi nhận, ngoại trừ mức lương tăng mạnh trong một tháng vào tháng 04/2020. Đó là khi hàng triệu người lao động được trả lương tương đối thấp bị mất việc làm trong khi những người được trả lương tương đối cao vẫn làm việc, với sự chuyển dịch cơ cấu trong thành phần việc làm dẫn đến việc tăng lương trung bình.

Trong bài diễn văn của mình, bà Mester đã đề cập đến rủi ro của vòng xoáy giá cả tiền lương, nói rằng nếu kỳ vọng lạm phát dài hạn trở nên mất kiểm soát, thì áp lực giá cả có thể còn tăng cao hơn nữa.

Bà nói, “Việc để lạm phát duy trì ở mức cao có thể khiến các công ty, hộ gia đình và những người tham gia thị trường tài chính kỳ vọng lạm phát cao hơn trong dài hạn. Kỳ vọng lạm phát dài hạn tăng lên sau đó có thể ảnh hưởng đến các động lực thiết lập tiền lương và giá cả, dẫn đến lạm phát thậm chí còn dai dẳng hơn.”

Mặc dù, giống như các nhà hoạch định chính sách khác của Fed, bà Mester dự đoán sẽ có sự cải thiện trong một số chỉ số lạm phát vào cuối năm khi các hạn chế từ phía cung giảm bớt và nhu cầu hạ nhiệt, bà nói rằng có sự không chắc chắn xung quanh thời điểm và mức độ của các dự đoán này.

Các thị trường mong đợi một đợt tăng lãi suất của Fed vào tháng Ba, với công cụ theo dõi Fed Watch của CME cho thấy cơ hội 75% rằng ngân hàng trung ương sẽ công bố mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng Ba của FOMC, và 25% cơ hội cho một mức lớn hơn, tăng 50 điểm cơ bản.

Mặc dù bà Mester cho biết dữ liệu kinh tế không phải là một “lý do thuyết phục” cho việc tăng 50 điểm cơ bản vào tháng Ba, nhưng bà nhấn mạnh rằng đã đến lúc Fed phải thu hồi các chính sách tiền tệ nhằm kích thích kinh tế bằng cách hạ lãi suất một cách mạnh mẽ hơn. Bà nói thêm rằng mỗi cuộc họp của FOMC sẽ “diễn ra” và tốc độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra với lạm phát và nền kinh tế.

Các thị trường đang định giá cho 5 đợt tăng lãi suất cho đến năm 2022.

Áp lực lạm phát cơ bản gia tăng

Trong khi đó, cái gọi là lạm phát CPI lõi, loại bỏ các danh mục dễ biến động của thực phẩm và năng lượng và được coi là thước đo tốt hơn về áp lực lạm phát cơ bản so với con số CPI tiêu đề, cũng tăng tốc trong tháng Một.

Dữ liệu của BLS cho thấy, lạm phát cơ bản đã tăng lên mức 6% hàng năm vào tháng trước, sau tốc độ 5.5% của tháng 12/2021. Lạm phát cơ bản hàng tháng đạt 0.6%, so với tốc độ 0.5% của tháng 12/2021. Dự báo đồng thuận đã đưa ra mức tăng 0.5% trong số liệu hàng tháng và tốc độ lạm phát cơ bản hàng năm là 5.9%.

Nhà Phân tích Tài chính Greg McBride, Giám đốc tài chính của Bankrate, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua email: “Các sức ép về giá đối với những hộ gia đình đơn giản là không chấm dứt.”

Ông nói thêm: “Không chỉ giá nhà đã tăng 20% ​​trong năm qua, mà hiện nay nhiều giá thuê cũng vậy, tăng 0.5% chỉ trong tháng qua. Không có gì bóp chặt ngân sách hộ gia đình hơn mức tăng quá mức mà chúng ta hiện đang chứng kiến về chi phí cư trú và nhà ở.”

Ông McBride cho biết các hành động của Fed nhằm thu hồi các thiết lập tiền tệ nới lỏng sẽ làm nhu cầu quay trở lại bình thường nhưng không làm gì để khắc phục các hạn chế từ phía cung, cho thấy áp lực lạm phát sẽ mất nhiều thời gian hơn để giảm bớt.

Tổng thống Joe Biden, người đã nhiều lần nói rằng ông tin rằng lạm phát sẽ giảm khi tắc nghẽn nguồn cung và các mối bất ổn khác liên quan đến đại dịch giảm bớt, đã lặp lại quan điểm đó trong một tuyên bố phản ứng với dữ liệu hôm thứ Năm về giá cả leo thang.

“Mặc dù báo cáo của ngày hôm nay cho thấy mức lạm phát tăng lên, nhưng các nhà dự báo vẫn tiếp tục dự đoán lạm phát sẽ giảm đáng kể vào cuối năm 2022,” ông Biden nói.

Tổng thống Biden nói thêm rằng chính phủ của ông sẽ làm tất cả những gì có thể để “giành chiến thắng trong cuộc chiến” chống lại giá cả tăng mạnh, lựa chọn các biện pháp như đẩy mạnh chuỗi cung ứng trong nước, thúc đẩy việc mua thuốc theo toa rẻ hơn, và thúc đẩy cạnh tranh thị trường nhiều hơn.

Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’

Lưu Đức biên dịch

TT Biden: ‘Không có kế hoạch chủ động’ cho việc di tản người Mỹ ra khỏi Ukraine

Jack Phillips

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby trình bày trong một cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài hôm 02/02/2022. Tổng thống Joe Biden sẽ gửi khoảng 2,000 binh lính từ Fort Bragg, North Carolina, đến Ba Lan và Đức trong tuần này và gửi một phần của một đại đội bộ binh Stryker khoảng 1,000 quân lính đóng tại Đức đi đến Romania. (Ảnh: AP Photo/Andrew Harnik)

Hôm 09/02, một phát ngôn viên hàng đầu của Ngũ Giác Đài đã xác nhận rằng hiện “không có kế hoạch chủ động nào đang được tiến hành” đối với những người Mỹ sống ở Ukraine trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Nga đang gia tăng.

“Không có kế hoạch chủ động nào đang được tiến hành cho cái mà chúng tôi gọi là di tản không cần chiến đấu bên trong Ukraine. Không có dự định nào để làm điều này vào lúc này,” Tham vụ Báo chí Bộ Quốc phòng John Kirby nói với CNN. “Người Mỹ sống ở Ukraine có nhiều thời gian để rời khỏi Ukraine. Và chắc chắn, Bộ Ngoại giao đã nói rõ rằng họ không muốn người Mỹ đến Ukraine vào lúc này.”

Khi bị gặng hỏi về việc liệu các quan chức Hoa Kỳ có muốn người Mỹ ở quốc gia Đông Âu này rời đi hay không, ông Kirby đã trả lời khẳng định.

“Thực sự đây không phải là thời điểm tốt để công dân Mỹ đến Ukraine và chúng tôi đã tích cực khuyến khích mọi người rời đi,” ông nói. “Bản thân tổng thống đã nói rằng nếu quý vị đang ở Ukraine, thì quý vị nên nghĩ đến việc rời đi, và hiện có rất nhiều phương tiện, xe hơi, và xe vận tải đang có sẵn cho quý vị để thực hiện điều này một cách an toàn ngay bây giờ.”

Hôm 10/02, Nga đã bắt đầu một cuộc tập trận quy mô lớn ở Belarus trên biên giới phía tây với Lithuania và Ba Lan, và dọc theo biên giới phía đông với Ukraine. Khoảng 100,000 quân đã được Moscow khai triển tới khu vực này trong những tuần gần đây.

Nhưng Nga và Belarus đã tuyên bố rằng các cuộc tập trận này, được gọi là United Resolve, được thiết kế để kiểm tra sự sẵn sàng của các lực lượng của họ. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đưa ra thông báo về các cuộc tập trận này hồi tháng 12/2021 trong một cuộc họp chung.

Các quan chức NATO vào tuần trước đã suy đoán cuộc tập trận này sẽ có tới 30,000 binh sĩ tham chiến và mô tả cuộc tập trận này là “đợt khai triển lớn nhất của Nga kể từ thời Chiến Tranh Lạnh.”

Hôm 09/02, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói với các phóng viên rằng các cuộc tập trận này không cho thấy Moscow có mục đích làm giảm căng thẳng.

Bà nói rằng, “Chúng tôi thấy đây chắc chắn là một hành động leo thang hơn chứ không phải là một hành động làm giảm căng thẳng.”

Trong một vòng ngoại giao mới, ngoại trưởng Anh đã nói chuyện công khai với nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tại các cuộc hội đàm ở Moscow, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến thăm trụ sở NATO ở Brussels, và các quan chức từ Nga, Ukraine, Đức, và Pháp sẽ gặp nhau ở Berlin để thảo luận về cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.

“Tôi thành thật không nghĩ rằng Moscow đã đưa ra một quyết định nào đó” về việc có tấn công hay không, ông Johnson nói trong một cuộc họp báo với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels. “Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể có một chuyện vô cùng thảm khốc nào đó có khả năng xảy ra rất sớm.”

“Đây có lẽ là thời điểm nguy hiểm nhất, tôi sẽ nói, trong vài ngày tới, đây là cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất mà Âu Châu phải đối mặt trong nhiều thập niên, và chúng ta phải giải quyết vấn đề đó một cách đúng đắn,” ông nói. “Và tôi nghĩ rằng sự kết hợp của các biện pháp trừng phạt và giải pháp quân sự, cộng với ngoại giao là điều nên làm.”

Những nhận xét trên được đưa ra khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss bị người đồng cấp của bà, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, chỉ trích trong một cuộc họp báo.

“Tôi thực sự thất vọng vì những gì chúng ta đang có là một cuộc trò chuyện giữa một người câm và một người điếc … những lời giải thích chi tiết nhất của chúng tôi đã rơi vào tình trạng không được chuẩn bị từ trước,” ông Lavrov nói với các phóng viên.

Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.

Thanh Tâm biên dịch

Ngoại trưởng Bộ Tứ tìm cách giải quyết ‘sự ép buộc’ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

Thanh Mai

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (ảnh: Youtube/EducationUSA).

Biến đổi khí hậu, COVID-19 và “sự ép buộc” của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ là những vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của các ngoại trưởng nhóm Bộ tứ tại cuộc họp tại Melbourne vào thứ Sáu (11/2).

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Úc trong tuần này. Chính quyền ông Biden muốn cho thế giới thấy rằng trọng tâm chiến lược dài hạn của họ vẫn là khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Phát biểu với nhân viên Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Melbourne hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Blinken cho biết Washington đang làm việc “24/7” về cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng cũng tập trung vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khu vực mà ông cho rằng sẽ là nhân tố định hình phần lớn thế kỷ 21.

Ông nói: “Điều quan trọng là chúng ta phải hiện diện, chúng ta gắn bó và dẫn đầu trong khu vực này”.

Cả Ngoại trưởng Blinken và người đồng cấp Úc Marise Payne đều cho biết vấn đề chính trong cuộc thảo luận của nhóm Bộ Tứ gồm Úc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tập trung vào việc thiết lập một môi trường khu vực không bị “ép buộc”.

Bà Payne nói trong một tuyên bố hôm thứ Năm: “Chúng ta là một mạng lưới quan trọng của các nền dân chủ tự do, cam kết hợp tác thiết thực và bảo đảm tất cả các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dù lớn hay nhỏ, có thể đưa ra các quyết định chiến lược của riêng mình mà không bị ép buộc”.

Phát biểu với các phóng viên trên đường bay Melbourne, ông Blinken mô tả Bộ Tứ là một “cơ chế mạnh mẽ” để cung cấp vắc-xin trên toàn thế giới cũng như đẩy lùi chống lại “sự xâm lược và cưỡng bức” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo Reuters

Related posts