Nga – Belarus tập trận chung, phương Tây cảnh báo thời khắc ‘nguy hiểm’

Huyền Anh

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hoan nghênh Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Minsk, 30/11/2017. (Ảnh Getty Images)

Anh cho biết ‘thời khắc nguy hiểm nhất’ trong cuộc đối đầu của phương Tây với Moscow sắp xảy ra, khi Nga đã xây dựng được lực lượng gần khu vực Ukraine đồng thời tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Belarus và Biển Đen.

Theo tờ Reuters, căng thẳng vẫn ở mức cao khi Ukraine cũng tiến hành tổ chức diễn tập quân sự cùng thời điểm, nhằm đáp trả động thái của Nga và Belarus. Đồng thời, Mỹ kêu gọi những công dân của mình rời khỏi nước này ngay lập tức do các mối đe dọa về hành động quân sự của Nga ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của tất cả các bên đều bày tỏ hy vọng có thể dùng ngoại giao giải quyết “cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất châu Âu trong nhiều thập kỷ” như mô tả của Thủ tướng Anh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh Getty Images)

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuyên bố, quân đội nước này sẽ sử dụng cả máy bay không người lái Bayraktar, các tên lửa chống tăng NLAW và Javelin do các đối tác nước ngoài cung cấp cho các hoạt động tập trận kéo dài đến ngày 20/2.

Trong một nỗ lực ngoại giao mới, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã công du Moscow, cảnh báo người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây nếu Ukraine bị tấn công. Ông Lavrov phản hồi rằng, Moscow ủng hộ ngoại giao để hóa giải căng thẳng, đồng thời khẳng định Nga không có kế hoạch tập kích hay đe dọa bất kỳ nước nào thông qua việc điều động quân bên trong lãnh thổ và tập trận ở Belarus.

Nhà ngoại giao hàng đầu Nga cũng cáo buộc phương Tây đang sử dụng Ukraine như chiêu bài chống Moscow, đồng thời tố cáo Kiev âm mưu viết lại các thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột với các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Trong một vòng ngoại giao mới, ngoại trưởng Anh đã phát biểu công khai với nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tại các cuộc hội đàm ở Moscow, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến thăm trụ sở NATO ở Brussels, và các quan chức từ Nga, Ukraine, Đức, và Pháp sẽ gặp nhau ở Berlin để thảo luận về cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.

“Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng Moscow đã ra một quyết định nào đó về việc có tấn công hay không”, ông Johnson nói trong một cuộc họp báo với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels. “Nhưng điều đó không có nghĩa là không có khả năng xảy ra một chuyện vô cùng thảm khốc trong thời gian ngắn”.

“Đây có lẽ là thời khắc nguy hiểm nhất theo quan điểm của tôi. Trong vài ngày tới, đây là cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất mà Châu Âu phải đối mặt trong nhiều thập niên, và chúng ta phải giải quyết vấn đề đó một cách đúng đắn”, ông nói. “Và tôi nghĩ rằng cần phải kết hợp các biện pháp trừng phạt với giải pháp quân sự và các hoạt động ngoại giao”.

Ông Johnson sau đó nói với các phóng viên ở Ba Lan rằng, con đường phía trước là ngoại giao.

Gần 9 giờ đàm phán giữa Ukraine và Nga hôm thứ Năm đã không đạt được bước đột phá về việc ký kết một văn kiện chung, nhưng cả hai bên đã đồng ý tiếp tục trao đổi, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết sau cuộc hội đàm tại Berlin.

Nga cho biết các cuộc đàm phán với Ukraine, Pháp và Đức về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine không đạt được bất kỳ thỏa thuận mới nào, đồng thời chỉ trích điều mà nước này gọi là lập trường của Ukraine thiếu rõ ràng.

Tình thế có thể xấu đi một cách nhanh chóng

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi người Mỹ ở Ukraine cần rời đi ngay lập tức trước ‘mối đe dọa gia tăng’ bởi các hành động quân sự của Nga.

“Các công dân Mỹ nên rời đi ngay lập tức”, Tổng thống Joe Biden nói với NBC News trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng ta đang đối mặt với một trong những đội quân lớn nhất trên thế giới. Tình thế có thể xấu đi một cách nhanh chóng”.

Khi được hỏi liệu có kịch bản nào khiến ông gửi quân đến giải cứu những người Mỹ đang rời khỏi hay không, ông Biden trả lời: “Không có đâu. Đó sẽ là một cuộc chiến tranh thế giới khi người Mỹ và Nga nổ súng vào nhau. Chúng ta đang ở một thế giới rất khác so với chúng ta” đã từng”.

Nga ví cuộc đàm phán với Anh như ‘nói với người điếc’

Những nhận xét trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss bị người đồng cấp của bà, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, chỉ trích trong một cuộc họp báo.

“Tôi thực sự thất vọng vì cuộc đàm phán của chúng tôi trở nên giống như cuộc nói chuyện ‘của kẻ câm với người điếc’. Chúng tôi trông có vẻ lắng nghe nhưng không vào tai được điều gì”, Guardian dẫn lại lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov hôm 10/2.

Cuộc đàm phán Anh – Nga hôm 10/2 ở Moscow đã phơi bày khoảng cách giữa hai bên về vấn đề Ukraine khi ông Sergei Lavrov cho biết họ tìm thấy rất ít điểm chung.

Ông Lavrov nhận định cuộc đàm phán “không có sự tin tưởng. Chỉ là những khẩu hiệu được hô vang”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Anh Liz Truss (trái). Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga.

Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc các nhà ngoại giao Anh tới Moscow đàm phán “không chuẩn bị gì”.

Ông cho biết Ngoại trưởng Anh Truss đã không thay đổi giọng điệu của bà trong suốt cuộc họp kéo dài hai giờ và phớt lờ những lời giải thích của ông, trong khi lặp lại những tuyên bố và yêu cầu mà Anh đã đưa ra trước đó.

Bà Truss đã thách thức trực tiếp Ngoại trưởng Lavrov, cảnh báo “bất cứ hành động tấn công Ukraine nào của Nga đều phải chịu hậu quả lớn”.

“Tôi không thấy lý do nào khác cho việc Nga điều hơn 100.000 quân tới biên giới, ngoài việc đe dọa Ukraine”, bà nói. “Và nếu Nga nghiêm túc về ngoại giao, họ cần phải loại bỏ các mối đe dọa này”.

Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Lavrov cho biết thêm quan hệ Anh – Nga đang ở “mức thấp nhất trong nhiều năm” và khẳng định Nga sẽ không bị khuất phục trước sức ép từ phương Tây.

Các nỗ lực giảm thang

Các cuộc hội đàm của bà Truss ở Moscow diễn ra theo đường lối ngoại giao con thoi từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã đến thăm Moscow và Kyiv trong tuần này. Trái ngược với các nhà lãnh đạo Mỹ và Anh, Macron đã giảm thiểu khả năng một cuộc xâm lược của Nga.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley là một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm “giảm thiểu khả năng tính toán sai lầm”.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark A. Milley lắng nghe câu hỏi của một thượng nghị sĩ trong phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện về việc kết thúc các hoạt động quân sự ở Afghanistan và kế hoạch cho các hoạt động chống khủng bố trong tương lai trên Đồi Capitol vào ngày 28/9/2021 tại Washington, DC. (Hình ảnh Patrick Semansky-Pool / Getty)

Thúc giục giảm leo thang, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức và các đồng minh đã sẵn sàng đối thoại với Moscow và mong muốn một nền hòa bình.

Tuy nhiên, hành động xâm lược quân sự hơn nữa đối với Ukraine “sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng về chính trị, kinh tế và chiến lược đối với Nga”, ông Scholz nói với các phóng viên tại Berlin.

Moscow đã gây sức ép để tìm kiếm các nhượng bộ an ninh từ phương Tây, bao gồm lời hứa không bao giờ kết nạp Ukraine vào NATO và ngăn chặn sự mở rộng của liên minh quân sự.

Hôm thứ Năm, Liên minh Châu Âu (EU) cho biết họ đã gửi một lá thư duy nhất để đáp lại các đề xuất của Nga về an ninh châu Âu, NATO và Hoa Kỳ trước đó đã miêu tả các yêu cầu chính của Nga là không thể đáp ứng.

Tuần trước, ông Stoltenberg cho biết, sự kiện Quyết tâm đồng minh 2022 diễn ra từ ngày 10 – 20/2. Nga đã điều động khoảng 30.000 binh sĩ, bao gồm cả lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz cùng nhiều khí tài, kể cả các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander, tiêm kích Su-35 và máy bay chiến đấu Su-25SM, đến Belarus để tham gia cuộc tập trận này.

Nga đã tổ chức một cuộc họp giao ban dành cho các tùy viên quân sự chỉ kéo dài 8 phút và đưa ra thông báo về một cuộc tập trận đang được tiến hành, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

“Điều đó hoàn toàn không phù hợp với các thỏa thuận về tính minh bạch cho các cuộc tập trận quân sự lớn ở châu Âu. Đó là tin xấu”, quan chức này nói.

Huyền Anh

Theo Reuters

Related posts