Tạ Duy Anh
Tình cờ đọc báo thấy trong một hội nghị ở đâu đó, có một số nhân vật nào đó ngồi dự, ông tiến sỹ gì đó chém tay một cách rất tư tưởng, rất trang nghiêm (vì thế mà rất tức cười) trách móc rằng đảng cho văn nghệ sỹ “tự do sáng tác”, nhưng sao cứ mãi “vắng bóng” những tác phẩm phản ánh hiện thực đất nước một cách sâu sắc và tầm cỡ.
Bèn nhớ lại chuyện này.
Một hôm Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (trước đó tôi không quen cô) mang bản thảo có tên “VỚI TỚI HIỆN THỰC”, đến Nhà xuất bản Hội nhà văn gặp tôi nhờ đăng ký xin cấp phép và sau đó biên tập để cô xuất bản thành sách. Nhưng ngay từ khâu đăng kí đề tài, Cục xuất bản đã không chấp nhận mà không giải thích.
Biết tin, tác giả bèn đến chất vấn tôi. Tôi biết rõ nguyên nhân vì sao Cục xuất bản bỏ đề tài ấy lại: Một cái tên quá nhiều nghi vấn, (Hiện thực nào? Chỉ có một hiện thực là đảng vĩ đại, chế độ tốt đẹp, nhân dân hạnh phúc…quờ tay là sờ thấy, tha hồ tự do ca ngợi, tại sao phải VỚI (mới) TỚI…?) cứ ngăn chặn mang tính chất phòng ngừa là hơn, kể cả nhầm còn hơn bỏ sót.
Nhưng tôi không nỡ nói hết với tác giả, vì thương cô bé còn trẻ, mà chỉ bảo: “Cháu về đổi tên đi”.
Sau đó vài hôm tác giả hậm hực quay lại, với bản thảo đã đổi tên thành “21 MỐI TÌNH DỞ HƠI”. Nhìn tên sách, tôi phán luôn: “Tên này cũng không ổn”. Tác giả bắt đầu cáu, giọng có phần gắt gỏng: Tại sao? Tôi nhẹ nhàng bảo: “Cháu cứ chờ thì biết”.
Quả nhiên Cục xb cũng vẫn không duyệt đề tài.
Tôi biết rằng khúc mắc chính lần này là ở hai chữ “dở hơi”, vốn cũng nằm trong kho từ vựng không được tin tưởng, ví dụ nó ám chỉ cụ nào đó dở hơi thì tan nghiệp. Cuối cùng theo “tư vấn” của tôi, tác giả bất đắc dĩ đồng ý đổi thành “21 KHÚC BIẾN TẤU” (như trong ảnh). Cục đồng ý tắp lự. Không hề có một thay đổi nhỏ nào về nội dung khi nó mang những cái tên kia.
Sau này khi sách in ra, tác giả cứ hậm hực với cái tên mà cô không muốn, nhưng bày tỏ sự “phục lăn chú Tạ” và hỏi: “Vì sao chú biết trước cái tên thứ hai cũng sẽ không được duyệt?” Tôi nghĩ mãi không biết nên trả lời thế nào, cuối cùng đành bảo:
-Vì chú làm biên tập sách và thích nghiên cứu các vai hề.
P/S: Tôi kể lại chuyện này với một anh bạn, nghe xong anh bảo: “Hiện thực sâu sắc và bi hài nhất của đất nước là đấy chứ phải đào ở đâu”.