Nhà thơ và triết gia Henry David Thoreau – Huỳnh Kim Quang
Ngày 12 tháng 7 năm 2020 là ngày sinh nhật lần thứ 203 của nhà văn, nhà thơ và triết gia người Mỹ Henry David Thoreau.
Henry David Thoreau sinh ngày 12 tháng 7 năm 1817 tại thành phố Concord thuộc tiểu bang Massachusetts trong gia đình di dân trung lưu New England với cha là John Thoreau làm nghề chế tạo cây bút chì, và mẹ là Cynthia Dunbar, theo www.en.wikipedia.org. Ông nội của ông sinh ở Anh Quốc. Bà nội của ông là sinh viên dẫn đầu cuộc “Nổi Loạn Butter” vào năm 1766 tại Đại Học Harvard, là cuộc biểu tình đầu tiên của sinh viên tại thuộc địa Mỹ. Tên David Henry được đặt theo tên của người chú đã mất, David Thoreau. Ông bắt đầu tự gọi mình là Henry David sau khi tốt nghiệp đại học. Ông có 2 người anh chị, Helen và John Jr., và một người em gái, Sophia Thoreau. Không có người nào lập gia đình. Helen (1812-1849) chết lúc 36 tuổi, vì bệnh lao. John Jr. (1815-1842) chết lúc 27 tuổi, vì bệnh phong đòn gánh. Henry David (1817-1862) là Thoreau chết năm 44 tuổi vì bệnh lao. Sophia (1819-1876) sống dai hơn ông 14 năm, chết lúc 57 tuổi cũng bị bệnh lao phổi.
Ông học tại trường Harvard College từ năm 1833 tới 1837. Ông sống ở Hollis Hall và học các môn về cách viết văn, văn chương, triết lý cổ, triết học, toán học, và khoa học. Theo truyền thuyết, ông đã từ chối trả 5 đô la (trị giá $128 tính theo thời giá vào năm 2019) cho cái bằng của trường Harvard. Thực tế, bằng thạc sĩ mà ông từ chối mua không có giá trị học đường: Đại Học Harvard đã trao nó cho sinh viên tốt nghiệp “là người đã chứng minh giá trị vật chất của mình bằng cách sống 3 năm sau khi tốt nghiệp, và tiết kiệm, kiếm tiền, hoặc thừa hưởng tài sản hay điều kiện có 5 Dollars để cho các trường đại học.” Ông nhận xét: “Hãy để mỗi con cừu giữ được làn da của riêng nó,” là câu nói đã trở thành truyền thống sử dụng da cừu làm bằng cấp.
Khi ông hoạt động vào các thập niên 1840s và 1850s, kiến thức của Tây Phương về các tôn giáo ở Ấn Độ hầu như chỉ giới hạn trong Ấn Độ Giáo. Vì lý do này, quan điểm của Thoreau được xem là “Phật tử sơ cơ.” Tuy nhiên, dù không rành về Phật Giáo, vào năm 1839 ông đã viết một cách yêu thích về “Đức Phật của tôi” là người đứng về phía đối nghịch với “Thiên Chúa của họ.” Ông không bác bỏ Thiên Chúa Giáo, nhưng đã sử dụng hình tượng của Đức Phật để tấn công sự bất khoan dung tôn giáo.
Năm năm sau, vào năm 1844, ông đăng bản dịch tiếng Anh một phẩm của Kinh Pháp Hoa. Đây là bản kinh Phật Giáo Đại Thừa đầu tiên xuất hiện trong Anh ngữ. Đặc biệt, bản dịch được xem là Phẩm Thứ Năm của Kinh Pháp Hoa. Phẩm này được dịch sang Hán văn là “Phẩm Dược Thảo Dụ” và trong tiếng Anh nó chỉ được dịch đơn giản là “Plants” [Cây Cỏ]. Phẩm Thứ Năm trong Kinh Pháp Hoa so sánh lời dạy của Đức Phật với cơn mưa rải xuống khắp mọi nơi và so sánh thính chúng của Đức Phật với các hạng thảo mộc lớn, trung bình và nhỏ. Ở đây Thoreau đã tìm thấy giáo lý tôn giáo đã được phô diễn qua việc mô tả về cây và cỏ. Thoreau đã dành 2 năm sau đó để sống độc cư trong rừng hoang cạnh Hồ Walden Pond tại thành phố Concord thuộc tiểu bang Massachusetts. Ở đó ông đã thực hành việc chiêm nghiệm thiên nhiên về điều mà ông đã đọc trong các sách về tôn giáo Ấn Độ — đặc biệt Kinh Pháp Hoa nơi dạy con người ngồi trong rừng để chiêm nghiệm thực tại. Sự miêu tả của ông về thời gian ông sống nơi hoang vu, được phổ biến trong cuốn sách nổi tiếng Walden vào năm 1854, là một trong tác phẩm cổ nhất của văn học Mỹ.
Vào năm cuối đời, 1862, Thoreau đã viết bài tiểu luận nổi tiếng “Walking” [Đi Bộ]. Câu đầu của bài tiểu luận này viết rằng: “Tôi muốn nói một lời cho Thiên Nhiên, cho sự tự do và hoang dã tuyệt đối, khi đối nghịch với tự do và văn hóa dân sự — xem con người là cư dân, hay một phần của Thiên Nhiên, đúng hơn là thành viên của xã hội.”
Tất cả sách, báo, thơ của Thoreau có tổng cộng hơn 20 tác phẩm. Những đóng góp cuối đời của ông là các bài viết về lịch sử thiên nhiên và triết lý, mà trong đó ông dự tri các phương pháp và phát hiện về sinh thái học và lịch sử môi trường, cả hai đều là nguồn cội của chủ nghĩa môi trường hiện đại.
Ông là người suốt đời đòi bãi bỏ chế độ nô lệ, diễn thuyết chỉ trích Luật Nô Lệ Bỏ Trốn trong khi ca ngợi các tác phẩm của Wendell Phillips và bênh vực nhà chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ John Brown. Triết lý của Thoreau về bất tuân dân sự sau đó đã ảnh hưởng đến các tư duy và hành động chính trị gồm những khuôn mặt nổi tiếng như nhà văn Nga Leo Tolstoy, nhà lãnh đạo phong trào bất bạo động đòi độc lập Ấn Độ Mahatma Gandhi, và nhà đấu tranh dân quyền Mỹ Mục Sư Martin Luthter King Jr.
Thoreau bị bệnh lao vào năm 1835 và đau khổ vì nó từ đó về sau. Vào năm 1860, sau một chuyến đi dã ngoại quá khuya để đếm những vòng gốc cây trong cơn mưa bão, ông đã bị viêm cuống phổi. Sức khỏe của ông suy yếu, với thời gian thuyên giảm ngắn, và cuối cùng ông nằm liệt giường. Nhận thức được bản chất tận diệt của căn bệnh của mình, Thoreau đã sử dụng những năm cuối đời để đọc lại và chỉnh sửa các tác phẩm chưa được xuất bản, đặc biệt cuốn “The Maine Woods and Excusions” và thúc đẩy nhà xuất bản in bản sửa của cuốn “A Week and Walden.” Ông vẫn viết các lá thư và bài cho tạp chí cho đến khi không còn viết được nữa vì quá suy yếu. Những người bạn của ông đã cảnh giác vì tướng trạng suy nhược của ông và bị lôi cuốn bởi sự chấp nhận bình an cái chết của ông. Khi bà dì/cô của ông là Louisa hỏi ông trong mấy tuần lễ cuối cùng ông có làm hòa với Thượng Đế không, Thoreau trả lời, “Tôi không biết chúng tôi đã có từng cãi nhau không.”
Tỉnh táo khi hấp hối, những lời sau cùng của Thoreau là “Bây giờ đến lúc dong buồm tốt,” theo sau 2 chữ “con hưu” và “Ấn Độ.” Ông đã qua đời ngày 6 tháng 5 năm 1862, ở tuổi 44. Amos Bronson Alcott tổ chức lễ tang và đọc những trích dẫn từ các tác phẩm của Thoreau, và bạn của ông là William Ellery Channing hát một bản thánh ca. Nhà thơ Emerson viết điếu văn đọc trong tang lễ. Thoreau được chôn trong nghĩa địa gia đình Dunbar. Hài cốt của ông và của những người trong gia đình của ông cuối cùng đã được đem về an tang tại Nghĩa Trang Sleepy Hollow Cemetery tại thành phố Concord thuộc tiểu bang Massachusetts.
Ngày nay, Thoreau được xem là một trong những nhà văn người Mỹ quan trọng nhất, về sự trong sáng hiện đại của thể loại văn xuôi của ông và quan điểm tiên tri của ông về thiên nhiên và chính trị, mà trong đó nổi bật nhất là chủ trương bất tuân dân sự.
NGUỒN: Henry David Thoreau năm 1956.(www.en.wikipedia.org)