Ukraine đáp trả các cuộc tập trận quân sự của Nga ở Belarus bằng cách tự tổ chức tập trận

Naveen Athrappully

Nga và Belarus đã bắt đầu các cuộc tập trận chung gần biên giới của Belarus cạnh Ukraine, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực này và khiến Kyiv phải tiến hành các cuộc tập trận quân sự của riêng mình để đáp trả.

Cuộc diễn tập quân sự Nga-Belarus, bắt đầu vào ngày 10/02, được cho là sẽ kéo dài trong 10 ngày. Moscow đã bố trí 30,000 quân trong khi gần như toàn bộ lực lượng vũ trang của Belarus đang tham gia các cuộc tập trận này.

Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Nga dự kiến ​​sẽ sử dụng lực lượng tác chiến đặc biệt Spetsnaz, hệ thống phòng thủ hỏa tiễn S-400, các chiến đấu cơ SU-35 và hỏa tiễn Iskander có khả năng mang hạt nhân trong cuộc tập trận chung này.

Ukraine đã tiến hành các cuộc tập trận vào thứ Năm (10/02), và sẽ kéo dài đến ngày 20/02. Các lực lượng Ukraine sẽ khai triển vũ khí chống tăng NLAW, hỏa tiễn chống tăng Javelin, và phương tiện bay không người lái Bayraktar cho cuộc tập trận này. Khoảng 10,000 quân nhân đang tham gia cuộc tập trận.

“Các lực lượng vũ trang của Ukraine đã sẵn sàng. Chúng tôi có khả năng và chúng tôi sẽ không từ bỏ một mét đất nào của Ukraine mà không chiến đấu,” Tướng Ukraine Oleksandr Syrskyi nói với Sky News. Việc huấn luyện các lực lượng vũ trang của Ukraine đang được tiến hành gần biên giới, nơi có nhiều khả năng đối phương sẽ tấn công.

Nga cũng đã điều 6 chiến hạm đến Sevastopol ở Crimea mà Moscow đã thôn tính của Ukraine vào năm 2014. Các chiến hạm này sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân sắp tới ở Biển Đen.

Ukraine đã chỉ trích Moscow vì đã phong tỏa các khu vực của Biển Đen, Eo biển Kerch và Biển Azov nhằm chặn các cuộc tập trận hải quân. Bộ ngoại giao Ukraine cho biết những cuộc phong tỏa này sẽ khiến hoạt động hàng hải trên cả hai vùng biển “hầu như không thể diễn ra” và ảnh hưởng tiêu cực đến vận tải biển và thương mại quốc tế.

Bộ này cho biết trong một tuyên bố chính thức hôm 10/02: “Đây là biểu hiện của việc coi thường các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.”

Thủ tướng Anh Quốc Boris Johnson gọi cuộc xâm lược tiềm tàng vào Ukraine là một trong những thời điểm quan trọng đối với Âu Châu trong cuộc họp báo gần đây với ông Stoltenberg. “Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng (Moscow) đã đưa ra quyết định. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể có điều gì đó vô cùng thảm khốc có thể xảy ra rất sớm,” ông Johnson nói.

“Đây có lẽ là thời điểm nguy hiểm nhất, tôi sẽ nói rằng trong vài ngày tới, Âu Châu sẽ phải đối mặt với những gì là cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất trong nhiều thập niên, và chúng ta phải làm đúng.”

Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức chuyên đưa tin về kinh doanh và các vấn đề thời sự thế giới tại The Epoch Times.

An Nhiên biên dịch

Related posts