Điện Kremlin đặt cược rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ khiến Âu Châu tổn thương nhiều hơn Nga

Dominick Sansone

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp lề hội nghị thượng đỉnh BRICS, tại Brasilia, Brazil, hôm 13/11/2019. (Ảnh: Sputnik/Ramil Sitdikov/Điện Kremlin/Reuters)

Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ thất bại vì Trung Quốc.

Trong khi Hoa Kỳ tiếp tục chuẩn bị một cơ chế trừng phạt mạnh mẽ trong trường hợp Nga xâm lược Đông Ukraine, thì hôm 02/02, Moscow thông báo rằng các thỏa thuận khí đốt sẽ là trọng tâm của cuộc gặp sắp tới giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nước đi chiến lược này tái khẳng định mối quan hệ hai mặt Trung-Nga: nó thể hiện mối quan hệ thương mại song phương đang mở rộng nhanh chóng giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng; và hành động này cũng báo hiệu cho Hoa Thịnh Đốn rằng nỗ lực cô lập kinh tế các quốc gia mà họ không đồng thuận có thể bị vượt qua.

Phụ tá Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết: “Các nguồn cung cấp năng lượng cho Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục.” Ông tiếp tục nhắc đến thị trường khí đốt Trung Quốc với tư cách là một trong những thị trường “hứa hẹn và phát triển năng động nhất” trên thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà Điện Kremlin lại chọn thời điểm căng thẳng quốc tế gia tăng ở Đông Âu này để công khai quảng bá hợp tác năng lượng ngày càng tăng với Bắc Kinh. Ông Ushakov đặc biệt đã đề cập đến tầm quan trọng của việc “[giữ] tập trung mạnh mẽ vào việc tạo ra cơ sở hạ tầng tài chính để củng cố mối quan hệ hợp tác Trung-Nga trước áp lực trừng phạt của các nước thứ ba.”

Hành động này của Moscow bề ngoài nhằm chứng tỏ với phương Tây rằng chính Âu Châu, chứ không phải Nga, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ một ​​mối quan hệ ngày càng xấu đi. Châu lục này vẫn rất phụ thuộc vào nhập cảng khí đốt tự nhiên của Nga, ngay cả khi Hoa Kỳ chuyển hướng xuất cảng ngày càng nhiều lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của mình sang Âu Châu.

Giá khí đốt tăng đã khiến một số thành viên của khối 27 quốc gia này phá vỡ hợp tác với Hoa Thịnh Đốn và ưu tiên an ninh năng lượng của họ. Thủ tướng Hungary Viktor Orban gần đây đã có cuộc gặp với ông Putin để bảo đảm việc mở rộng hợp đồng khí đốt kéo dài 15 năm với công ty đa phần thuộc sở hữu nhà nước của Nga là Gazprom.

Sau khi từ chối cam kết theo cơ chế trừng phạt của Hoa Kỳ vào lúc ban đầu, thì chỉ gần đây Đức mới tuyên bố nước này có thể sẽ ngừng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 nếu Nga xâm lược Ukraine. Vẫn còn phải xem liệu Berlin có thực sự giữ lời hay không, vì quốc gia này phụ thuộc nặng nề vào nhập cảng khí đốt của Nga. Sự phụ thuộc này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi Đức có ý định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân của họ vào cuối năm nay.

Một con tàu hoạt động ngoài khơi ở Biển Baltic trên đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 từ Nga đến Đức, hôm 11/11/2018. (Ảnh: Bernd Wuestneck/dpa qua AP)

Rõ ràng là Âu Châu sẽ phải áp dụng các biện pháp thích ứng nếu xung đột kinh tế quy mô lớn với Nga bùng phát từ hành động gây hấn ở Đông Ukraine. Tuy nhiên, ông Putin quyết tâm chứng tỏ rằng ông có các lối thoát kinh tế khác nếu phương Tây quay lưng lại với Nga. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có cùng mục tiêu phá hoại trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo, và do đó muốn cung cấp lối thoát này (cùng với việc Bắc Kinh chắc chắn cần năng lượng xuất cảng của Nga).

Học giả Trung Quốc Vạn Thành Tài (Wan Chengcai) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu Tân Hoa Xã gần đây đã thảo luận về việc Bắc Kinh và Moscow cần phải hợp tác để đối phó với sự đe dọa của Hoa Thịnh Đốn. Ông Vạn mô tả bản chất “vô cùng đan xen” của mối quan hệ Trung-Nga bao gồm bốn lĩnh vực chính: một vấn đề biên giới đã được giải quyết; việc hỗ trợ phát triển kinh tế, vốn có thể tăng cường bằng cách cùng nhau đương đầu với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ; có khái niệm tương đồng về “trật tự thế giới mới”; và cùng nhau hợp tác để chống lại sự bá quyền của Hoa Kỳ và phá vỡ trật tự tự do của Hoa Thịnh Đốn.

Mối quan hệ Trung-Nga đã được làm rõ thêm trong một bài báo gần đây của Tân Hoa Xã, phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc. Bài báo đã ca ngợi thành tích của “Ngoại giao kiểu ông Tập” (Xiplomacy) trong việc xây dựng quan hệ Trung-Nga trước Thế vận hội Mùa Đông.

Trích dẫn lời ông Tập trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga: “Chúng ta có những quan điểm tương đồng về bối cảnh quốc tế và các cách tiếp cận đối với quản trị quốc gia.” Theo lý giải của ông Vạn, thì bối cảnh quốc tế mà ông Tập đang nói đến là bối cảnh mà trong đó Hoa Kỳ là một đối thủ bị lép vế.

Đoạn văn áp chót của bài báo này nói như sau:

“Có lập trường rõ ràng chống lại những nỗ lực của một số quốc gia nhằm kích động xung đột ý thức hệ và các cuộc đối đầu trong các hệ thống xã hội, Trung Quốc và Nga đã đang ủng hộ sự chung sống hài hòa giữa các nhóm dân tộc khác nhau, các hệ thống và các nền văn minh khác nhau.”

Những tuyên bố này cho thấy rõ hai nhà nước chuyên chế quyền lực nhất thế giới đang gia tăng sự ủng hộ lẫn nhau nhằm cản trở chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Thực tế này cũng cho thấy chính sách trừng phạt đang được Hoa Thịnh Đốn đề xướng hiện nay sẽ không đủ sức răn đe đối với hành động xâm lược Ukraine của Nga. Tòa Bạch Ốc đã thừa nhận điều đó, bằng chứng là quyết định tiếp tục tăng cường sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực này.

Ông Dominick Sansone viết về quan hệ quốc tế tập trung vào chính trị so sánh, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, và quan hệ Nga-Trung. Ông từng nhận được học bổng Fulbright ở Bulgaria, ông cũng đã sống ở Bắc Macedonia và Bologna, Ý. Các bài viết của ông được đăng trên National Interest, RealClear Defense, và American Conservative.

Bình Hòa biên dịch

Related posts