Nhà thơ Bích Khê của Quảng Ngãi –Nguyễn Thị Mỹ Hảo
Không để lại quá nhiều tác phẩm và ra đi ở tuổi đời còn rất trẻ, thế nhưng, nhà thơ Bích Khê Quảng Ngãi đã định vị một tiếng thơ riêng, độc đáo và đầy mỹ cảm. Khi đọc thơ Bích Khê, độc giả sẽ được đắm chìm trong thế giới của màu sắc, mùi hương, hình ảnh, âm thanh…
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24.3.1916 (tức ngày 21.2. năm Bính Thìn), tại quê ngoại ở xã Phước Lộc, nay là xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ông lớn lên và sống chủ yếu tại quê nội ở thị trấn Thu Xà, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là một thị trấn cổ, có nhiều Hoa kiều đến sinh cơ lập nghiệp.
Bích Khê xuất thân từ một gia đình Nho học, có truyền thống đấu tranh yêu nước cách mạng. Ông nội nhà thơ là cụ Lê Trọng Khanh đỗ cử nhân năm tự Đức thứ 21 (1868), làm quan đến chức viên ngoại lang Viện cơ mật.
Các anh chị ông đều là những người yêu và đam mê thơ, hay làm thơ. Trong đó, người anh cả Lê Quang Thuần có nhiều bài thơ được đăng báo. Đây cũng chính là môi trường thuận lợi nuôi dưỡng tâm hồn và là tiền đề cho hoạt động sáng tác thơ của Bích Khê.
Cuộc đời ngắn ngủi và đau khổ của nhà thơ Bích Khê
Năm 1929, ông đỗ đầu kỳ thi tiểu học Pháp – Việt tại Đồng Hới, rồi tiếp tục học bậc trung học ở trường dòng Pellerin tại Huế, và chỉ trong ba năm đã hoàn thành chương trình bậc học này. Sau đó, ông ra Hà Nội học ban tú tài, song chỉ được một năm, anh thôi học, và cùng bạn vào Phan Thiết sống trong gia đình người anh trưởng để cùng nhau tiếp tục tự học.
Năm 1934, Bích Khê cùng người bạn mở một trường tư thục đặt tên là Hồng Đức tại Phan Thiết. Vì nhiều lý do, sau một năm học, Bích Khê bỏ trường ra đi, lúc đầu lên sống trong các ngôi chùa tại Phan Thiết, bắt đầu mối duyên nợ với đạo Phật.
Cuối năm 1935, ông về Thu Xà sống với mẹ nhưng không được bao lâu thì ông mắc bệnh lao phổi, một trong tứ chứng nan y lúc bấy giờ. Ông phải đi nằm điều trị tại bệnh viện lao P. Pasquier ở Huế hơn một năm trời.
Trở về nhà một thời gian ngắn, ông lại vào Phan Thiết dạy học ở trường Quảng Thuận do ông Lạc Nhân Nguyễn Quý Hương, người anh rể sau này của ông, đứng ra mở từ niên khóa 1938 – 1939. Chính trong hai năm này, Bích Khê đã dồn sức để hoàn thành tập thơ đầu của mình, và “Tinh Huyết” đã ra đời vào cuối năm 1939.
Về Thu Xà được ít lâu, Bích Khê có vào Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử. Sau đó ông được trường Phú Xuân ở Huế mời ra dạy. Nhưng chỉ được bảy tháng, sức khỏe giảm sút: bệnh lao bước vào thời kỳ thứ hai, ông lại thôi dạy trở về nhà.
Giữa năm 1942, bệnh trở nặng, ông phải vào bệnh viện P. Pasquier lần thứ hai. Được chừng tám tháng, cơ sở điều trị bệnh lao hiện đại vào bậc nhất Đông Dương này cũng đành bó tay, khi bệnh đã bước vào thời kỳ thứ ba. Và đây là lần trở về quê cuối cùng.
Các năm sau đó Bích Khê và gia đình đánh vật với cơn bệnh quái ác, nhưng đành chịu thất bại. Bích Khê đã lặng lẽ ra đi vào ngày 17.01.1946, lúc mới tròn 30 xuân!
Những cuộc tình duyên của nhà thơ Bích Khê
Một trong những yếu tố có tác động mạnh mẽ đến sáng tác của Bích Khê chính là phần đời tình ái của ông. Bích Khê có tất cả 3 người yêu. Song, họ đều lần lượt ra khỏi cuộc đời ông, để lại trong tâm hồn ông những hình bóng sâu đậm, những nỗi đau buồn khôn nguôi.
Mối tình đầu là một học sinh trường Hồng Đức, có bí danh là Song Châu. Tuy nhiên, sau khi ông rời trường thì mối tình này cũng chấm dứt từ đấy. Tuy vậy ông đã dành cho mối tình này cả một chương trong tập “Tinh Huyết” với nhan đề “Châu”.
Người thứ hai là Thanh Thủy, quê ở Quảng Ngãi. Tuy đã quen biết nhau từ hai năm trước ở Mũi Né, nhưng đến năm 1937, khi tác ngộ trên con sông Trà Khúc, tình yêu giữa hai bên mới nảy nở. Tuy nhiên, mối tình này cũng không tồn tại bởi lý do để giữ một thứ “tình yêu thơ mộng, tình yêu thuần khiết”!. Để an ủi Thanh Thủy đang đổ bệnh vì thất vọng, ông gửi tặng bài thơ “Ngón giai nhân”.
Người thứ ba có biệt hiệu là Ngọc Kiều (tên thật là Nhung). Đây là một mối tình nồng nàn, chín chắn. Gia đình Ngọc Kiều từ chối vì chê Bích Khê nghèo. Ngọc Kiều đau khổ đến phát điên khiến gia đình hoảng sợ buộc phải chấp nhận gả con. Nhưng một bất ngờ lớn đã xảy ra: đến lượt Bích Khê từ chối cuộc hôn nhân, vì cảm thấy mình bị xúc phạm danh dự quá lớn.
Ngoài ra, Bích Khê còn có một mối tình đơn phương kín đáo nữa. Đó là một quả phụ còn trẻ rất mực đoan trang, đã từng tham gia dạy học ở trường Quảng Thuận.
Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Bích Khê
Bích Khê bước vào làng thơ rất sớm, khi còn ở tuổi thiếu niên. Từ những năm 1931 – 1932, ông đã có thơ đăng ở báo “Tiếng dân”.
Cuối năm 1936, nhiều bài được sáng tác theo các lối Đường luật, từ khúc và hát nói của ông đều đặn xuất hiện trên mặt báo này, và đăng ở một số báo khác như “Phụ nữ Tân Văn”, “tuần báo Đông Tây” dưới các bút danh Lê Mộng Thu, Bích Khê. “Thơ cũ” của Bích Khê nằm trong xu hướng văn chương “ưu thời mẫn thế” hồi mấy thập kỷ đầu thế kỷ 20.
Giai đoạn “Tinh huyết”
Từ năm 1936, Bích Khê hòa mình vào phong trào Thơ Mới. Điều đó không có gì là lạ trong xu thế đổi mới tất yếu của thơ ca Việt Nam đương thời. Bích Khê đã tìm đến các trường phái thi ca hiện đại của Phương Tây cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20: chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực. Đặc biệt ông chịu ảnh hưởng của mỹ học Baudelaire mà ông tôn làm “Vua thi sĩ” (“Người ăn mày” – “Tinh Huyết”).
Tuy nhiên, trong khi hướng mạnh về phương Tây, Bích Khê vẫn giữ những mối liên hệ mật thiết, bền chặt với các truyền thống văn hóa, văn học Phương Đông và dân tộc. Lý Bạch của Trung Quốc, Hồ Xuân Hương và Tản Đà của Việt Nam vẫn để những dấu vết sâu đậm trong thơ ông. Và nếu Hàn Mặc Tử tìm nguồn cảm hứng trong Thiên Chúa giáo, thì Bích Khê đến với Phật giáo và Đạo giáo.
Nguồn: Topquangngai.vn/ Trang Thơ Bích Khê/ https://nuiansongtra.wordpress.com