Andrew Thornebrooke
Hôm 11/02, Tòa Bạch Ốc đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn được chờ đợi từ lâu của mình, và khái quát về cách thức mà họ dự định sẽ đối phó với chủ nghĩa phiêu lưu ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để bảo đảm an ninh và cải thiện khu vực này tốt hơn cho cộng đồng quốc tế.
Trong một tuyên bố liên quan, Tòa Bạch Ốc nói rằng các đối tác và đồng minh đang bắt đầu dồn sự chú ý đến khu vực này, và nơi đây sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển tương lai của Hoa Kỳ cả về kinh tế lẫn ngoại giao.
“Sự đồng thuận về mặt cam kết đối với khu vực này, trên các đại dương và trên các lập trường của các đảng phái chính trị, đang phản ánh một thực tế không thể phủ nhận: Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất trên thế giới và tương lai của khu vực này sẽ ảnh hưởng đến người dân ở khắp mọi nơi.”
Như vậy, chiến lược này tập trung vào năm khái niệm chính: Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải duy trì tự do cởi mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn, và kiên cường.
Thông qua các khái niệm này, chiến lược cũng vạch ra nhiều hành động rộng lớn khác nhau mà chính phủ TT Biden dự định sẽ thực hiện trong khu vực này, bao gồm nhiều khoản đầu tư vào các thể chế dân chủ ở ngoại quốc và các nỗ lực bảo đảm rằng giao thông đi qua các tài sản chung như bầu trời và vùng biển được định hướng phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chiến lược này tập trung vào ý định của Hoa Kỳ và khả năng tiếp tục tận dụng các mối bang giao với các đối tác và đồng minh trong khu vực của Hoa Kỳ để chống lại chủ nghĩa phiêu lưu ngày càng tăng từ ĐCSTQ.
Đề cập đến tên chính thức của Trung Quốc là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bản chiến lược cho biết, “CHND Trung Hoa đang kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, và công nghệ khi theo đuổi một phạm vi ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tìm cách trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới. Sự ép buộc và gây hấn của CHND Trung Hoa trải dài trên toàn cầu, nhưng diễn ra gay gắt nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
“Những nỗ lực tập thể của chúng tôi trong thập niên tới sẽ quyết định liệu CHND Trung Hoa có thành công trong việc chuyển đổi các quy tắc và chuẩn mực vốn đã mang lại lợi ích cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới hay không.”
Tuyên bố trên có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định rõ ĐCSTQ là thách thức hàng đầu trong khu vực này, và nêu rõ rằng chính phủ Hoa Kỳ coi sự cạnh tranh giữa hai quốc gia không khác gì một trận chiến giữa những tầm nhìn khác nhau về tương lai của trật tự toàn cầu.
“Chúng tôi nhận ra những hạn chế trong khả năng thay đổi Trung Quốc của mình, và do đó tìm cách định hình môi trường chiến lược xung quanh Trung Quốc bằng cách xây dựng thế cân bằng về ảnh hưởng mà sẽ thúc đẩy tương lai mà chúng tôi mong muốn, đồng thời đẩy lùi các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đánh bại các mục tiêu của Hoa Kỳ cũng như các mục tiêu của các đối tác của chúng tôi,” một quan chức chính phủ cao cấp cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới báo chí hôm 11/02.
Tuy nhiên, quan chức này đã chỉ ra rằng tài liệu này không đề cập đến toàn bộ chiến lược Trung Quốc của chính phủ mà chỉ trình bày tầm nhìn của họ về việc bảo đảm an ninh hơn nữa cho khu vực này.
“Đây không phải là chiến lược Trung Quốc của chúng tôi. Điều này — quý vị biết đấy, chúng tôi xác định rất rõ ràng Trung Quốc là một trong những thách thức — mà khu vực này phải đối mặt, đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc và hành vi quyết đoán và hung hăng hơn nhiều của Trung Quốc,” quan chức này cho biết.
“Nhưng quý vị biết đấy, chiến lược Trung Quốc của chúng tôi có phạm vi toàn cầu. Nó công nhận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực cạnh tranh đặc biệt gay gắt.”
Chiến lược này tiếp tục coi mạng lưới liên minh an ninh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ là “sức mạnh không cân xứng lớn nhất duy nhất” của Hoa Kỳ và nói rằng họ sẽ chi ra các khoản đầu tư đáng kể để thúc đẩy cái gọi là kế hoạch Xây dựng lại Thế giới Tốt hơn (Build Back Better World), và mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu của mình.
Quan trọng hơn, chiến lược này cũng xác định cách tiếp cận của chính phủ đối với Đài Loan và cuộc khủng hoảng đang diễn ra với ĐCSTQ về việc hòn đảo này đang tiếp tục độc lập trên thực tế. Về vấn đề này, Hoa Kỳ dường như sẽ duy trì chính sách mơ hồ chiến lược mà họ đã duy trì trong nhiều thập niên. Theo chính sách này, Hoa Thịnh Đốn đang cố tình mơ hồ về việc liệu họ có nên tham gia vào việc bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược hay không.
Bản chiến lược viết rằng, “Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các đối tác trong và ngoài khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, bao gồm cả việc hỗ trợ khả năng tự vệ của Đài Loan, để bảo đảm một môi trường trong đó tương lai của Đài Loan được xác định một cách hòa bình phù hợp với mong muốn và lợi ích tốt nhất của người dân Đài Loan.”
Do đó, mặc dù chính phủ dường như đang muốn tăng cường đầu tư vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên các lĩnh vực an ninh, ngoại giao, và phát triển kinh tế, nhưng họ sẽ không theo đuổi những thay đổi về hiện trạng nào có liên quan đến Đài Loan.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Thanh Tâm biên dịch