Phía sau chính sách zero COVID của Trung Quốc là các nhóm lợi ích của Trung Cộng

Jennifer Bateman

Mọi người xếp hàng chờ lấy mẫu dịch tỵ hầu để xét nghiệm COVID-19 tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, hôm 23/01/2022. (Ảnh: Andy Wong/AP Photo)

Gần đây, một đoạn ghi âm bị rò rỉ về cuộc trò chuyện được cho là với học giả Đại học Harvard Hoàng Vạn Thịnh (Huang Wansheng) trong một buổi gặp gỡ riêng tư hồi tháng Một ở Trung Quốc đã được lan truyền trên internet. Thật không ngờ, ông Hoàng đã tiết lộ rằng ý đồ thực sự của Bắc Kinh trong việc áp dụng chính sách zero COVID (không COVID) là để giúp các nhóm lợi ích [thuộc giới] tinh hoa của nhà cầm quyền này kiếm được nhiều tiền. Ông cũng nói rằng Trung Quốc thua xa Hoa Kỳ về 5G, điện toán lượng tử, và công nghệ gene.

Từ năm 1997, ông Hoàng là một trợ lý cao cấp của Giáo sư Đỗ Duy Minh (Tu Weiming), một giáo sư danh dự và là thành viên cao cấp của Trung tâm Á Châu tại Đại học Harvard. Theo ông Hoàng, hồi tháng 07/2020, sáu tháng sau khi đại dịch bùng phát, các quan chức hàng đầu của Bắc Kinh đã mua một vé một chiều cho ông với giá 170,000 nhân dân tệ (khoảng 27,000 USD) và gấp rút mời ông về lại Trung Quốc để dẫn đầu một dự án mang tên “Kiểm soát Đại dịch Sử dụng Khoa học và Công nghệ,” vốn nằm trực tiếp dưới quyền chỉ huy của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tại sao chính sách “zero COVID” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại dẫn đến tình trạng tồi tệ hiện nay? Câu trả lời của ông Hoàng là việc xét nghiệm PCR hàng loạt, nghiên cứu và phát triển vaccine, cũng như việc chích ngừa hàng loạt, đã bị các nhóm lợi ích thuộc giới tinh hoa của ĐCSTQ sử dụng để trục lợi từ đại dịch này.

Ông Hoàng trích dẫn thông tin mà ông thu thập được gần đây để minh họa cho quan điểm của mình. Một công ty Trung Quốc đã kiếm được 670 tỷ nhân dân tệ (khoảng 105.8 tỷ USD) chỉ từ các xét nghiệm acid nucleic COVID-19. Hồi tháng 12/2020, ông Lý Linh (Li Ling), một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, khoe khoang rằng Trung Quốc đã tạo ra doanh thu 67 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 10.58 ngàn tỷ USD) trong năm 2020 từ việc kiểm soát đại dịch.

Ông Hoàng nhấn mạnh rằng không có quốc gia nào trên thế giới thực hiện kiểm soát đại dịch như Trung Quốc, và các biện pháp ngăn chặn đại dịch của Trung Quốc chỉ đơn giản là để các nhóm lợi ích của ĐCSTQ kiếm lời. Nhiều quan chức hàng đầu của ĐCSTQ và các đại diện doanh nghiệp của họ đều đang nhúng tay vào ngành xét nghiệm PCR. Do đó, các nhà chức trách Trung Quốc thường ra lệnh xét nghiệm hàng loạt cho toàn bộ một quận khi chỉ xác định được một hoặc hai ca nhiễm, bởi vì ngành công nghiệp xét nghiệm kiếm được lợi nhuận kếch xù từ việc bán các bộ kit xét nghiệm với số lượng lớn như vậy.

“Ngay cả những mũi chích thứ ba hay thứ tư đều là bắt buộc. Tất cả những quy định bắt buộc này đều liên quan đến các nhóm lợi ích đứng sau chúng,” ông Hoàng nói. Đúng lúc này, một người khác [trong đoạn ghi âm] được nghe thấy lên tiếng, “Thế thì việc này đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Vấn đề sức khỏe cộng đồng đã biến thành vấn đề chính trị.”

Theo ông Hoàng, Hoa Kỳ và các nước Âu Châu đã nhận ra rằng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron có thể giúp họ đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, nhờ vào các triệu chứng nhẹ của biến thể này và khả năng miễn dịch mà Omicron tạo ra có hiệu quả chống lại các biến thể khác. Ông Hoàng nói đó là lý do tại sao nhiều quốc gia phương Tây đã quyết định chấm dứt các biện pháp kiểm soát đại dịch vào tháng Ba, và đang mong quay trở lại một cuộc sống bình thường sau khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Sự yếu kém trong hệ thống y tế của Trung Quốc

Tại Hoa Kỳ, hàng chục triệu người đã bị nhiễm bệnh trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tại sao không thấy có một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng? Ông Hoàng cho biết ông tin rằng điều này là do hệ thống y tế vượt trội ở Hoa Kỳ vốn có một năng lực cơ sở vững chắc. Ông Hoàng ca ngợi mô hình y tế của Hoa Kỳ, sử dụng cụm từ “Point of Care” (Điểm Chăm sóc) để mô tả mô hình này. Ông nói, ví dụ, một bác sĩ gia đình có khả năng giám sát toàn bộ quá trình điều trị của một bệnh nhân nhất định.

Ông cho rằng tập trung quyền lực dẫn đến tập trung lợi ích. Do đó, ông Hoàng cho biết nguồn lực y tế của Trung Quốc tập trung ở các bệnh viện lớn, điều này khiến họ quá tải. Ông tin rằng đó là một trong những lý do chính khiến Trung Quốc không dám dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, vì hệ thống chăm sóc y tế mỏng manh của nước này không thể giải quyết một lượng lớn bệnh nhân.

Theo ông, việc tập trung quyền lực quá mức đã tạo thành đại nạn đối với sự sinh tồn của người dân Trung Quốc, thể hiện qua việc hệ thống chăm sóc y tế có thể bị sụp đổ trong các thời kỳ khủng hoảng.

Một cuộc xét nghiệm trong phòng thí nghiệm tại công ty công nghệ sinh học Transgene, đang làm việc để phát triển một loại vaccine cho bệnh ung thư có tế bào khối u chứa những kháng nguyên đột biến (neoantigen), ở Illkirch-Graffenstaden, miền đông nước Pháp, hôm 17/11/2021. (Ảnh: Patrick Hertzog/AFP/Getty Images)

Ông Hoàng đã đề cập đến một lý do khác dẫn đến hệ thống y tế yếu kém của Trung Quốc – khả năng nghiên cứu và phát triển rất hạn cuộc. Ông tiết lộ thêm rằng Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào nhập cảng từ ngoại quốc đối với một loạt các sản phẩm y tế quan trọng, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển thuốc, thiết bị y tế, và thuốc thử.

“Hầu hết tất cả các thiết bị y tế chính yếu của Trung Quốc đều được nhập cảng,” ông nói. Cho đến ngày hôm nay, mẫu thiết bị [quét] CT phổ biến nhất được sản xuất tại Trung Quốc vẫn chưa vượt qua bài kiểm tra chất lượng căn bản; và 88% các loại thuốc thử khác nhau được sử dụng trong xét nghiệm y tế đều được nhập cảng.

Máy điện toán lượng tử và công nghệ sinh học

Ông Hoàng cũng đề cập tới công nghệ thông tin (CNTT) của Trung Quốc, bao gồm điện toán lượng tử, cũng như công nghệ gene của Trung Quốc.

Ông cho hay nhân loại vẫn còn cách xa hàng chục ngàn dặm nữa mới thực sự có máy điện toán lượng tử, vì chúng ta vẫn còn cách xa ngay chính bước đầu tiên – có các bit lượng tử ổn định, là điều kiện tiên quyết đầu tiên cho tính toán lượng tử. Ngay cả Hoa Kỳ cũng còn xa mới đạt tới bước này chứ chưa nói đến Trung Quốc.

Ngoài ra, “tất cả các công nghệ internet cốt lõi đều nằm trong tay người Mỹ, từ gốc rễ cho đến các nhu liệu khác nhau. Trung Quốc chỉ là một người sử dụng, người sử dụng lớn nhất của thế giới,” ông Hoàng nói. “Điều đáng buồn nhất về Trung Quốc là cho đến nay họ đã không đóng góp gì cho các thuật toán căn bản của internet. Đối với tất cả các thuật toán căn bản, 90% đến từ Hoa Kỳ và 10% đến từ Liên minh Âu Châu và Nhật Bản. Trung Quốc chỉ tận dụng những thuật toán này để viết các chương trình.”

Ông cũng tiết lộ những gì ông biết về sự phát triển vượt trội của công nghệ gene, đặc biệt là nghiên cứu liên quan đến bệnh tật, ở Hoa Kỳ.

Bằng cách giải mã 8,000 loại protein khác nhau được xác định bên trong tế bào người, “Các nhà y học Mỹ đã tìm ra cơ chế của các bệnh về tim mạch, mạch máu não và bệnh tiểu đường. Vì vậy, Trường Y Harvard đã công bố với thế giới rằng các phương pháp điều trị những căn bệnh này sẽ có trong vòng 5 năm tới,” ông cho hay.

Theo ông Hoàng, các công nghệ liên quan đến khoa học sinh học phức tạp hơn nhiều so với công nghệ CNTT, vì CNTT chủ yếu dựa trên toán học ứng dụng, trong khi công nghệ sinh học dựa trên nghiên cứu căn bản làm nền tảng vững chắc của nó. Ông nói: “Nói cách khác, không cách nào Trung Quốc có thể bắt kịp Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ sinh học được.”

5G của Huawei đã biến thành một vấn đề chính trị

Về 5G, ông Hoàng nói rằng các ứng dụng 5G không dành cho truyền thông dân dụng, vì đối với điện thoại di động thì 4G đã là đủ rồi. Ứng dụng thực sự của 5G nằm trong việc tự động hóa từ xa.

Tuy nhiên, mặc dù đại công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền lớn vào Nghiên cứu & Phát triển (R&D) 5G, nhưng ông Hoàng cho biết mạng này hầu như không có ứng dụng nào trong công nghệ tự động hóa từ xa.

Theo ông Hoàng, Hoa Kỳ phản đối 5G của Huawei vì dải bước sóng mà hãng này sử dụng không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của 5G. “Điều này dẫn đến một độ trễ đáng kể, khoảng 0.8 giây … Nếu một phương tiện [tự động] phải chờ chỉ dẫn, không biết nên thắng phanh hay nên rẽ, thì trong lúc chậm 0.8 giây đó rất có thể sẽ xảy ra tai nạn,” ông Hoàng cho biết.

Do đó, ông kết luận rằng vì những lo ngại về độ an toàn mà chính phủ Hoa Kỳ hy vọng rằng các quốc gia Âu Châu sẽ cấm các ứng dụng 5G của Huawei. Tuy nhiên, các nhà chức trách ĐCSTQ coi 5G là một vấn đề chính trị, khi cho rằng Hoa Kỳ đang cố gắng bóp nghẹt Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ chủ chốt.

Một số người có mặt [trong cuộc nói chuyện] nói rằng suy nghĩ này xuất phát từ tham vọng thống trị thế giới của ông Tập Cận Bình và những người xung quanh ông Tập đã củng cố tâm lý của ông.

Một người đã đặc biệt đề cập rằng ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, người chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa Marx, Chủ nghĩa Lenin, và chủ nghĩa cộng sản, đã liên tục tẩy não ông Tập để củng cố tham vọng của ông ta.

Các chuyên gia về Trung Quốc ở phương Tây cho rằng, ông Vương là một nhân vật chủ chốt trong việc hình thành hệ tư tưởng Trung Quốc ngày nay. Người dẫn chương trình phát thanh Mỹ Hugh Hewitt đã viết một bài bình luận cho Washington Post hồi tháng Mười Hai năm ngoái, mô tả ông Vương là “người đàn ông nguy hiểm nhất trên thế giới”, người chịu trách nhiệm viết ra tương lai của Trung Quốc, và có khả năng thực thi tầm nhìn của ông Tập “vì ảnh hưởng quá lớn của ông ấy với ông Tập”.

Theo thông tin công khai, ông Hoàng tốt nghiệp Học viện Triết học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc vào năm 1981 và từng là giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Triết học So sánh của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải. Từ năm 1997 đến năm 2020, ông là một học giả tại Đại học Harvard, đồng thời là một giáo sư thỉnh giảng tại 5 trường đại học ở Trung Quốc, trong đó có Đại học Thanh Hoa.

Phóng viên của The Epoch Times đã so sánh giọng nói nghe được trong cuộc nói chuyện bị rò rỉ này với một bản ghi âm bài diễn văn của ông Hoàng tại Hội nghị những Nhà tư tưởng trên Internet lần thứ 2 được tổ chức hồi tháng 11/2018. Giọng nói và phong cách nói của hai người này rất giống nhau.

Bà Jennifer Bateman là một phóng viên chuyên đưa tin về Trung Quốc.

An Nhiên biên dịch

Related posts