Văn Thiện
Việc Nga tăng cường lực lượng dọc theo biên giới dài 665 dặm của Belarus với Ukraine là một biểu hiện vật chất cho thấy Moscow quan tâm mãnh liệt đến khu vực. Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, và giờ đây Tổng thống Nga Valdimir Putin dường như có ý định kéo Ukraine về lại dưới ảnh hưởng của Nga và phản đối việc Kyiv có mối quan hệ thân thiết với phương Tây.
Nhưng ngay cả khi Nga tham gia vào cuộc chiến từ những cánh đồng phủ đầy tuyết ở Belarus đến các phòng họp ở Geneva, thì Moscow vẫn đang duy trì một cuộc chiến tranh với Kyiv trên không gian mạng. Nga đã tiến hành cuộc chiến này ít nhất kể từ năm 2014.
Nga đã can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Ukraine, tấn công vào lưới điện của nước này, phá hoại các trang web của chính phủ và phát tán thông tin sai lệch. Về mặt chiến lược, các hoạt động trên không gian mạng của Nga được thiết kế để phá hoại chính phủ Ukraine và các tổ chức khu vực tư nhân. Về mặt chiến thuật, các hoạt động này nhằm gây ảnh hưởng, gây sợ hãi và khuất phục dân chúng Ukraine. Chúng cũng là những điềm báo về một cuộc xâm lược có thể xảy ra.
Phó Giáo sư Maggie Smith, chuyên gia nghiên cứu chính sách công và an ninh mạng tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ West Point, cho rằng, các hoạt động trên không gian mạng của Nga có thể sẽ tiếp tục nhằm làm mất ổn định hơn nữa môi trường chính trị của Ukraine.
Quyền lực quốc gia trên không gian mạng
Cho đến nay, Nga vẫn tỏ ra hung hăng trong các nỗ lực phá hoại chủ quyền của Ukraine. Tuyên truyền của Nga đã vẽ ra cuộc chiến tranh với Ukraine như một cuộc giải phóng. Nhiều câu chuyện sai lệch của Nga mô tả người Ukraine phục tùng và mong muốn thống nhất. Ý định của Nga là gây ra sự hiểu lầm nhằm định hình nhận thức của công chúng về cuộc xung đột và tạo ra ảnh hưởng đến cộng đồng người Nga ở Ukraine.
Nga đã sử dụng một cách khéo léo các hoạt động trên không gian mạng để thể hiện quyền lực quốc gia, đặc biệt là thông qua cơ quan tình báo quân sự GRU. Theo định nghĩa, “các công cụ quyền lực quốc gia” bao gồm ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế – tất cả đều là các cơ chế để tác động đến các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế khác. Không gian mạng là một lĩnh vực chiến tranh đặc biệt vì các hoạt động trên không gian mạng có thể được sử dụng để phục vụ tất cả bốn công cụ của quyền lực quốc gia.
Về mặt ngoại giao, Nga đã cố gắng hình thành các chuẩn mực quốc tế trên không gian mạng bằng cách tác động đến những cuộc thảo luận về các chuẩn mực và hành vi trên không gian mạng. Vào năm 2018, Nga đã đưa ra một nghị quyết với Liên hợp quốc về việc thành lập một nhóm làm việc với các quốc gia cùng chí hướng để xem xét lại và diễn giải lại các quy tắc của Liên hợp quốc về không gian mạng, nhấn mạnh rằng chủ quyền của một quốc gia nên mở rộng sang lĩnh vực này. Một số nhà phân tích cho rằng mục tiêu thực sự của Nga là hợp pháp hóa các chiến thuật giám sát của nhà nước trên Internet dưới chiêu bài chủ quyền quốc gia.
Về mặt kinh tế, cuộc tấn công “NotPetya” của Nga đã làm tê liệt các cảng quốc tế và các tập đoàn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đình trệ một cách hiệu quả nền kinh tế toàn cầu – tất cả chỉ bằng một đoạn mã duy nhất.
Trong lĩnh vực thông tin, Nga đặc biệt thành thạo trong việc gây ảnh hưởng và thao túng thông tin để phù hợp với lợi ích chiến lược của mình. Ví dụ, để chống lại Anh, Nga đã nhắm vào mối quan hệ của nước này với NATO thông qua việc sử dụng bot để lan truyền những câu chuyện sai sự thật về quân đội Anh ở Estonia trong cuộc tập trận của NATO vào năm 2017.
Đáng chú ý, Nga có mô hình lồng ghép hoạt động thông tin với các hoạt động quân sự như một công cụ của quyền lực quốc gia. Trong các cuộc xung đột quân sự trước đây ở miền đông Ukraine, quân đội Nga đã sử dụng khả năng về mạng để gây nhiễu thông tin liên lạc qua vệ tinh, di động và vô tuyến của Ukraine.
Nhìn chung, Nga coi chiến tranh là một chuỗi hoạt động liên tục diễn ra với cường độ khác nhau trên nhiều mặt trận. Nói một cách đơn giản, đối với Nga, chiến tranh không bao giờ dừng lại và không gian mạng là lĩnh vực then chốt trong cuộc xung đột dai dẳng của nước này với Ukraine và phương Tây.
Thăm dò Mỹ, liên tục gây hấn với Ukraine
Ngoài Ukraine, các hoạt động trên không gian mạng của Nga còn nhắm vào các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ và các nước Tây Âu. Nga đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ, đồng thời tiến hành các chiến dịch sai lệch thông tin. Chẳng hạn, cuộc tấn công mạng SolarWinds được cho là do Nga gây ra gần đây hiện vẫn khiến các quan chức Mỹ điều tra mức độ ảnh hưởng của nó. Nhìn chung, họ đã xác định rằng cuộc tấn công đã gây thiệt hại cho các cơ quan liên bang, tòa án, nhiều công ty tư nhân, các chính quyền địa phương và tiểu bang.
Ngoài ra, Nga còn gây ra phá hoại hơn trên sân sau của chính mình. Các cuộc tấn công vào Estonia và Gruzia là những minh họa về cách Nga có thể phá vỡ các chức năng của chính phủ và gây ra sự hỗn loạn khi nước này chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự.
Gần đây nhất, Microsoft đã phát hiện phần mềm độc hại xóa dữ liệu trong hệ thống máy tính của chính phủ Ukraine. Kyiv công khai chỉ đích danh Moscow là thủ phạm và cho rằng phần mềm được thiết kế để phá hủy dữ liệu. Sự hiện diện của phần mềm độc hại này đánh dấu sự leo thang trong cuộc chiến của Nga đối với Ukraine trên không gian mạng. Phần mềm độc hại này, nếu được kích hoạt, sẽ phá hủy hồ sơ của chính phủ Ukraine, làm gián đoạn các dịch vụ trực tuyến và ngăn chính phủ giao tiếp với công dân.
Hành động gây hấn liên tục chống lại Ukraine của Nga được thực hiện theo mô hình là tiến hành chiến tranh mạng trong khi công khai đe dọa và chuẩn bị cho một cuộc xâm lược quân sự. Theo nhiều cách, đối với người Ukraine, viễn cảnh về chiến tranh và một cuộc xâm lược đã trở nên không còn xa lạ.
Hậu quả thảm khốc từ các cuộc tấn công mạng
Trang web bị phá hoại và mất dữ liệu không phải là mối lo ngại duy nhất đối với Ukraine khi Nga tiếp tục điều quân và thiết bị ồ ạt dọc theo biên giới của nước này. Vào mùa đông năm 2015-2016, Nga đã thể hiện sức mạnh trên không gian mạng thông qua cuộc tấn công lưới điện của Ukraine nhằm cắt điện hàng nghìn người dân nước này. Nhiệt độ ở Kyiv vào mùa đông dao động quanh mức nước đóng băng vào ban ngày và trở nên lạnh nguy hiểm vào ban đêm. Do đó, bất kỳ sự cố mất điện nào cũng có thể gây chết người. Thủ đô Kyiv, điểm sáng duy nhất ở giữa trên cùng của bức ảnh chụp từ vệ tinh, là nơi duy nhất của Ukraine có điện sau cuộc tấn công mạng của Nga vào năm 2015. (Ảnh: NASA)
Tương tự, các cuộc tấn công mạng có thể làm gián đoạn nền kinh tế và cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của Ukraine. Một cuộc tấn công vào lĩnh vực tài chính có thể ngăn cản người Ukraine rút tiền hoặc truy cập vào tài khoản ngân hàng của họ. Một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc có thể làm tê liệt quân đội Ukraine và hạn chế khả năng tự vệ của đất nước. Dân thường cũng sẽ mất phương tiện liên lạc và cùng với đó là khả năng tổ chức sơ tán và phối hợp kháng chiến.
Văn Thiện
Theo The Conversation