Tin thế giới sáng thứ Ba: Từ ngày 1-4/9, 171 người thương vong do tai nạn giao thông

Từ ngày 1-4/9, 171 người thương vong do tai nạn giao thông

Trong 4 ngày (1-4/9), đường sắt xảy ra 2 vụ làm 3 người chết. (Ảnh: Hoa Hồng/Facebook)

Trong 4 ngày (1-4/9), lực lượng CSGT cả nước đã xử lý 34.477 trường hợp vi phạm; phạt tiền gần 72 tỷ đồng; tạm giữ 523 xe ôtô, 11.987 xe mô tô và 120 phương tiện khác.

Chiều ngày 4/9, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) cho biết trong 4 ngày (từ ngày 1/9 đến ngày 4/9), Việt Nam đã xảy ra vụ 127 tai nạn giao thông, làm chết 76 người, bị thương 95 người.

Trong đó, đường bộ xảy ra 125 vụ tai nạn giao thông, làm chết 73 người, bị thương 95 người. Đường sắt xảy ra 2 vụ làm 3 người chết.

Lực lượng CSGT cả nước đã xử lý 34.477 trường hợp vi phạm; phạt tiền gần 72 tỷ đồng; tạm giữ 523 xe ôtô, 11.987 xe mô tô và 120 phương tiện khác; tước 7.166 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn các loại.

Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 9.390 trường hợp; vi phạm về tốc độ 6.233 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 332 trường hợp và vi phạm ma túy 20 trường hợp…

Cũng theo Cục CSGT, trong những ngày này, lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao do người dân di chuyển về quê, đi du lịch và ngược lại nên tại Hà Nội, TP.HCM và một số tuyến đường chính đến các địa phương có khu du lịch, các phương tiện di chuyển chậm.

Cụ thể, trong các ngày 31/8 và 3/9, khu vực cửa ngõ phía Nam, phía Bắc TP. Hà Nội; Các tuyến quốc lộ 1, tuyến Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long; Các tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn; Tuyến vành đai 3 trên cao; Khu vực các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình và các địa phương giáp ranh phía Nam, phía Bắc thành phố, mật độ phương tiện lưu thông đông, tăng cao đột biến, có lúc xảy ra ùn ứ cục bộ.

Khu vực cửa ngõ phía Đông và phía Tây TP. Hà Nội, các tuyến quốc lộ 2, quốc lộ 5; Các tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long; Các tuyến dẫn lên sân bay quốc tế Nội Bài; Khu vực bến xe Gia Lâm; nội thành Hà Nội và các địa phương giáp ranh phía Đông, phía Tây thành phố về cơ bản tình hình giao thông ổn định, các phương tiện lưu thông tăng cao, các phương tiện di chuyển chậm.

Tại TP.HCM và các địa phương giáp ranh, trong các ngày 31/8 và 3/9, trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận; Cửa ngõ đi miền Đông, Tuyến Quốc lộ 1, khu vực cầu Rạch Miễu (thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre), lưu lượng phương tiện tăng cao, phương tiện di chuyển chậm, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài.

Trong ngày 3/9, trạm thu phí cầu Rạch Miễu đã tiến hành xả trạm 2 lần.

Minh Long

Hệ thống đèn LED 15 tỷ đồng ở di tích Kỳ Đài Huế bị đập vỡ

Ít nhất 20/32 bộ đèn LED trong hệ thống đèn chiếu pha, tạo hiệu ứng đổi màu ở di tích Kỳ đài Huế bị đập vỡ mặt kính bảo vệ khiến hư hỏng. (Ảnh: vtc.vn)

Ít nhất 20/32 bộ đèn LED trong hệ thống đèn chiếu pha, tạo hiệu ứng đổi màu ở di tích Kỳ đài Huế bị đập vỡ mặt kính bảo vệ khiến hư hỏng.

Thời gian qua, du khách khi tới tham quan tại khu vực Kỳ đài Kinh thành Huế bất ngờ khi phát hiện nhiều bộ đèn chiếu sáng bị đập phá, mặt kính bảo vệ vương vãi khắp nơi.

Theo báo Lao Động, khu vực lối đi 4 phía thuộc tầng 1 của Kỳ đài có toàn bộ 32 bộ đèn LED (nằm dưới nền gạch hướng chiếu lên mặt tường). Trong đó, có 21 bộ đã bị đập vỡ toàn bộ mặt kính, mất khả năng che chắn nước xâm nhập vào bên trong hệ thống mạch điện.

Các dãy đèn LED ở phía mặt tiền và bên trái, bên phải tầng 1 Kỳ đài đều bị phá vỡ lớp kính; còn mặt hậu hư hại 2 bộ đèn.

11 bộ đèn LED còn lại không bị đập phá nhưng có vài bộ đèn bị tác động lực, khiến đèn bị lệch hướng, chiếu sáng không đúng lập trình ban đầu.

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho hay tối ngày 15/8, nhân viên bảo vệ cùng lực lượng công an trực bảo vệ trong khi tuần tra phát hiện một số thanh niên leo barie vào khu vực Kỳ đài nên đã truy đuổi. Đến khuya cùng ngày, lực lượng bảo vệ Kỳ đài phát hiện một số bóng đèn chiếu sáng bị bể.

“Có khả năng nhóm thanh niên này lén lút đập vỡ các bóng đèn. Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan công an để làm rõ; đồng thời, tiến hành sửa chữa lại các bộ đèn bị hư hỏng”, vị này nói.

Kỳ đài (còn gọi là Cột cờ) là di tích kiến trúc thời Nguyễn, được xây dựng năm Gia Long thứ 6 (1807) ở vị trí chính giữa trên mặt Nam của Kinh thành Huế, thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh.

Kỳ đài gồm hai phần: đài cờ và cột cờ. Đài cờ là một cái đài đồ sộ gồm 3 tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5m, tầng giữa cao gần 6m, tầng trên cùng cao hơn 6m. Tổng cộng, 3 tầng đài cao khoảng 17,5m. Xung quanh mỗi tầng đều xây lan can, mặt nền của các tầng đài đều lát gạch Bát Tràng.

Hệ thống đèn LED tại di tích này được lắp đặt, đưa vào vận hành đầu tháng 2/2018 với giá trị hơn 14,6 tỷ đồng. Những bộ đèn này là giải pháp chiếu pha linh hoạt với khả năng tạo ra các hiệu ứng đổi màu năng động trong dải 16 triệu màu sắc ánh sáng. Đèn được thiết kế chắc chắn để có thể vận hành ổn định ngoài trời, có tuổi thọ lên đến 50.000 giờ.

Mới đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã quyết định mở cổng Kỳ đài vào ban ngày để du khách tham quan khi đến Đại nội Huế, còn ban đêm cổng sẽ được đóng lại.

Minh Long

Giá xăng dầu có thể tăng lần thứ 6 liên tiếp sau dịp 2/9

Theo Bộ Tài chính, Petrolimex là doanh nghiệp giữ quỹ bình ổn lớn nhất, chiếm 35% tổng quỹ. (Ảnh minh họa: TK Kurikawa/Shutterstock)

Theo dự báo của doanh nghiệp, trong kỳ điều hành ngày mai (5/9), giá xăng trong nước có thể tăng từ 380 – 490 đồng/lít tùy loại, còn giá dầu có khả năng tăng từ 350 – 650 đồng/lít. Đây có thể là lần thứ 6 tăng liên tiếp của mặt hàng này. Trong khi đó, Quỹ bình ổn xăng dầu đang tồn dư trên 7.400 tỷ đồng nhưng chưa được sử dụng.

Theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, ngày 1/9 là đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo chu kỳ 10 ngày một lần. Nhưng do trùng với ngày nghỉ 2/9 nên việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu sẽ được dời sang ngày đi làm đầu tiên sau kỳ (ngày 5/9).

Theo dự báo, trong kỳ điều hành ngày mai, giá xăng trong nước có thể tăng từ 380-490 đồng/lít tùy loại, còn giá dầu có khả năng tăng từ 350-650 đồng/lít.

Trong trường hợp liên Bộ Công thương – Tài chính trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước vào ngày mai có thể tăng cao hơn.

Nếu đúng như dự báo trên, giá xăng trong nước vào ngày mai sẽ có lần tăng thứ 6 liên tiếp.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 14 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Tính đến ngày 1/7/2023, Quỹ bình ổn xăng dầu đang tồn dư hơn 7.400 tỷ đồng. Tuy vậy liên Bộ đã không chi ra để hạ nhiệt giá xăng dầu, vốn đã tăng 5 lần liên tiếp.

Nhiều lần các Đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế chất vấn về sự minh bạch của Quỹ này, cách thức chi – thu ra sao thì liên Bộ vẫn chưa đưa ra câu trả lời theo yêu cầu “minh bạch”.

Không ít lần các kiến nghị gửi lên với mục tiêu đưa thị trường xăng dầu trong nước phản ánh đúng thực tế của thị trường bằng cách bỏ Quỹ bình ổn.

Chia sẻ với báo Giao Thông, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết Quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động theo cơ chế trích lập trong giá (thu của dân thông qua giá bán mỗt lít xăng dầu) một khoản tiền để hình thành quỹ và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đẩy giá trong nước tăng cao.

Theo ông Thỏa, việc sử dụng quỹ này đã lộ rõ những sai lầm nghiêm trọng trong điều hành.

Trong 2 năm qua, rất nhiều ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề xuất nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo tờ Thanh Niên.

Trong kiến nghị gửi Chính phủ, nhóm 24 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM khẳng định Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang không hỗ trợ nền kinh tế, không có ích cho người tiêu dùng và gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, giữa nhà bán buôn và bán lẻ.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng kiến nghị bỏ quỹ này để xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường.

Đức Minh

Hơn 600ha rừng ở Bình Thuận sắp bị tàn phá để xây hồ thủy lợi 51,2 triệu m3

Bản vẽ mô phỏng hồ thủy lợi Ka Pét. (Ảnh: snnptnt.binhthuan.gov.vn)

Khu rừng sắp bị phá để làm hồ thủy lợi Ka Pét đã tồn tại từ lâu đời, gắn liền với không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua…

Dự án Hồ thủy lợi Ka Pét (do UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án) được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 với tổng mức đầu tư là 585,647 tỷ đồng.

Sau đó, dự án được điều chỉnh mức tổng mức đầu tư là 874,089 tỷ đồng (tăng hơn 288 tỷ đồng), gồm ngân sách Trung ương 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025.

Hồ có sức chứa 51,2 triệu m3 nước (xếp thứ 4/50 hồ thủy lợi của Bình Thuận).

Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II là 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP. Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ cho tỉnh.

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng là hơn 680 ha. Bên cạnh đó, dự án sẽ phải di dời Dinh Cậu và 100 ngôi mộ trong lòng hồ…

Báo Vnexpress cho biết trong số hơn 600 ha rừng tự nhiên sắp bị phá có 137 ha rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Rừng ở đây nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, ít bị con người tác động, trữ lượng gỗ còn rất lớn.

Khu rừng sắp bị cưa hạ tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua.

Khu rừng cũng là nơi sống của nhiều loại thực vật như lim, cẩm, hương, trắc, căm xe, mun, bằng lăng; động vật như nai đỏ, khỉ, voọc, heo rừng, chồn hương, nhím, kỳ đà.

Có những cây gỗ tới 200 tuổi cũng bị cưa hạ để làm hồ thủy lợi…

Khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, tỉnh Bình Thuận phải trồng lại hơn 1.844 ha ở những nơi khác để thay thế diện tích rừng bị mất. Điều này thực hiện theo nguyên tắc rừng thay thế phải được trồng lại gấp ba lần diện tích rừng tự nhiên bị chuyển mục đích sử dụng. Dự kiến tổng kinh phí trồng rừng thay thế khoảng 177 tỷ đồng.

Minh Long

Related posts