Mộc Lan
Trong số các loại “anh hùng mô phạm” khác nhau được ĐCSTQ tuyên truyền, ‘chị Giang’ – hay Giang Trúc Quân, là nhân vật rất nổi tiếng. ‘Chị Giang’ đã được viết thành tiểu thuyết, và cũng đã xuất hiện trong điện ảnh, ca khúc và sách giáo khoa dành cho học sinh. Hôm nay, chúng tôi sẽ kể với bạn về nhân vật này.
>> Xem trọn bộ Trăm năm chân tướng
Chào mừng quý vị độc giả, và hoan nghênh quý vị đến với “Trăm năm chân tướng”!
Năm 2021 đánh dấu 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ, trong các báo cáo liên quan của các phương tiện truyền thông chính thức, Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài báo giới thiệu về một “nữ anh hùng” và là một “nhân vật phong lưu” của thế kỷ trước. Bài báo đã nói, ‘chị Giang’ là một nhân vật trong tiểu thuyết “Hồng nham”, nguyên mẫu là Giang Trúc Quân, sinh tháng 8/1920 trong một gia đình nông dân ở Tự Cống, Tứ Xuyên. Năm 1939, Giang gia nhập ĐCSTQ, và phụ trách một tổ chức đảng ngầm tại trường mà bà ta theo học.
Năm 1943, Giang Trúc Quân theo chỉ lệnh của ĐCSTQ, làm trợ thủ cho Bành Vịnh Ngô, lãnh đạo Thành ủy Trùng Khánh, hai người đóng giả vợ chồng để che đậy công tác triển khai đảng ngầm. Năm sau, bà ta nhận được chỉ thị thi vào Đại học Tứ Xuyên để “lấy thân phận một sinh viên phổ thông để làm công tác đảng”.
Năm 1945, Giang Trúc Quân kết hôn với Bành Vịnh Ngô, sau khi kết hôn phụ trách xử lý các sự vụ trong đảng và công tác liên lạc nội ngoại; Ba năm sau, Bành Vịnh Ngô bị tử hình sau khi tổ chức một cuộc vận động vũ trang, Giang Trúc Quân chủ động tiếp quản công tác của chồng, kết quả bị bắt, bị giam tại nhà tù Tra Chỉ Động ở Trùng Khánh.
Bài báo cho rằng Quốc dân đảng đã “dùng đủ mọi khốc hình tra tấn” để khiến Giang khai ra thông tin tình báo về đảng ngầm, nhưng bà ta “luôn thủy chung, kiên trinh, bất khuất”; còn nói, “Độc hình khảo đá, khảo nghiệm này quá nhỏ. Trúc thiêm tử chỉ là trúc, còn ý chí của đảng viên cộng sản là gang thép!” Ngày 14/11/1949, Giang Trúc Quân chết tại Tra Chỉ Động ở tuổi 29.
Câu chuyện của Nhân dân Nhật báo liệu đúng mấy phần, giả mấy phần? Liệu nó có miêu tả Giang Trúc Quân chân thực không?
Nhận nhiệm vụ vào Đại học Tứ Xuyên
Chúng tôi đã kiểm chứng và phát hiện rằng, thông tin trong bài báo này về bà ta sinh năm nào, ở đâu và làm gì là đúng. Tuy nhiên, điều mà bài báo không cho độc giả biết là Giang rốt cuộc thực hiện “công tác đảng” như thế nào. Ví dụ, trong thời gian ở Đại học Tứ Xuyên, thế nào gọi là “lấy thân phận một sinh viên phổ thông để làm công tác đảng”?
Năm 2011, Giáo sư Nhiếp Thánh Triết, quyền viện trưởng Viện nghiên cứu Tô Châu thuộc Đại học Tứ Xuyên, đã đăng một bài báo trên Weibo. Ông tiết lộ:
“Khi tôi nhập học Đại học Tứ Xuyên năm 1981, tôi nghe hai lão giáo sư ở độ tuổi 80 nói: Tư tưởng của ‘chị Giang’ rất phóng túng, không an phận, rất phong lưu, bà ta mỗi ngày đều lên giường với các bạn nam đồng học, rồi yêu cầu đối phương gia nhập đảng, mưa mưa gió gió náo loạn cả trường. Đương thời hiệu trưởng Đại học Tứ Xuyên nói: Giang Trúc Quân, cô phong lưu một chút là chuyện của cá nhân cô, nhưng cô dùng phương thức này để cưỡng bức tín ngưỡng là không đúng.”
Xem ra, đó chính là nhiệm vụ mà ĐCSTQ đã giao cấp cho bà ta.
Đóng giả làm thật, kết hôn với một người đàn ông đã có gia đình
Chỉ một năm trước đó, chẳng phải Giang Trúc Quân đã đóng giả vợ chồng với Bành Vịnh Ngô, ủy viên Thành ủy Trùng Khánh sao? Việc hai người này ngoại tình cũng gây náo loạn. Bành Vịnh Ngô chính là nguyên mẫu của Bành Tùng Đào trong tiểu thuyết “Hồng nham”, sinh ra ở huyện Vân Dương, Tứ Xuyên vào năm 1915. Ông ta gia nhập ĐCSTQ năm 1938, được lệnh đến Trùng Khánh vào mùa thu năm 1941, lấy thân phận công khai là viên chức của Cục Tín thác Trung ương của Quốc dân đảng.
Ngay từ khi còn ở quê nhà Vân Dương, Bành Vịnh Ngô đã kết hôn và có con. Vợ ông ta, Đàm Chính Luân, đã kết hôn với ông ta ở tuổi 15. Vì tình yêu với chồng, bà cam tâm sống một cuộc sống nghèo khó và đầy sóng gió cùng Bành Vịnh Ngô.
Theo nghiên cứu của Lâm Huy, một tác gia chuyên mục của Epoch Times, sau khi Bành Vịnh Ngô đến Trùng Khánh, ông ta đã viết thư cho Đàm Chính Luân, yêu cầu vợ mang con trai đến đoàn tụ. Lúc đó, con trai họ đang bị bệnh sởi, Đàm liền hồi đáp lại bằng một phong thư, nói rằng chờ một thời gian nữa sẽ đến. Không ngờ, lần trì hoãn này là 6 năm. Sáu năm sau, bà mất hút tin chồng, viết thư, gửi tiền, đều như đá trầm đại hải, chỉ biết một mình ôm con, thấp thỏm mong ngóng ngày chồng về.
Chuyện gì đã xảy ra với sự biến mất tung tích của Bành Vịnh Ngô?
Hóa ra, hồi âm của Đàm Chính Luân đã khiến ĐCSTQ thập phần lo lắng, bởi vì Bành Vịnh Ngô được giới thiệu công khai là đã tốt nghiệp Đại học Trung ương và từng là một viên chức tại Ngân hàng Bắc Kinh. Vân Dương là nơi ông ta phát tác cách mạng trong những năm đầu của mình, rất nhiều người biết thân phận thực sự của ông ta. Nếu bức thư của Đàm Chính Luân từ Vân Dương bị rơi vào tay Quốc dân đảng, thì chẳng phải thân phận thật sự của Bành Vịnh Ngô sẽ bị bại lộ sao? Tình hình đảng ngầm của ĐCSTQ cũng sẽ thập phần nguy hiểm.
Do đó, ĐCSTQ đã yêu cầu Bành Vịnh Ngô ngay lập tức cắt đứt mọi liên lạc với vợ mình, và vào năm 1943, ông ta đã được trang bị cho một người vợ giả: Giang Trúc Quân. Kết quả hai người này, đóng giả làm thật, giữa họ đã phát sinh tư tình, dù Giang lúc đó vẫn thường xuyên lên giường với các nam sinh đại học Tứ Xuyên. Cũng chính là nói, chuyện này rất loạn. Không chỉ như vậy, ĐCSTQ trong tình huống Bành Vịnh Ngô còn chưa ly hôn, đã công nhận quan hệ của hai người này, đến năm 1945 đã phê chuẩn cho họ chính thức kết hôn. Cần biết rằng, ngay từ tháng 4/1934, ĐCSTQ đã ban bố cái gọi là “Luật Hôn nhân của Cộng hòa Xô Viết Trung Hoa”, quy định dưới hình thức pháp luật “thi hành chế độ một vợ một chồng, cấm chỉ một chồng nhiều vợ và một vợ nhiều chồng”. Tại sao ĐCSTQ không tuân thủ chính nó? Có vẻ như trong mắt ĐCSTQ, luật pháp được sử dụng để khống chế người khác, còn bản thân nó nằm ngoài vòng pháp luật.
Về chuyện kết hôn của Bành và Giang, Đàm Chính Luân, người vợ ở quê của Bành, hoàn toàn không biết.
Sau 6 năm xa cách, cuối cùng bà cũng có tin tức về chồng, nhưng, chuyện đã rồi. Người em trai nói với bà rằng Bành Vịnh Ngô đã tái hôn, và có một con trai tên là Bành Vân. Bởi vì Bành và Giang hai người sắp rời Trùng Khánh, không tiện mang theo con nhỏ, vì vậy hy vọng Đàm Chính Luân sẽ “chiếu cố toàn đại cục”, đến Trùng Khánh giúp Bành và Giang chăm con.
Bạn thử nghĩ xem, Đàm Chính Luân tâm tình thế nào khi nghe nó? Tuy nhiên, cuối cùng bà ấy cũng đồng ý. Sau khi đến Trùng Khánh, Đàm Chính Luân không thấy Bành Vịnh Ngô và Giang Trúc Quân đâu, vì họ đã đến những nơi khác để lên kế hoạch bạo động vũ trang. Năm 1948, Bành Vịnh Ngô bị Quốc dân đảng hành quyết sau một cuộc bạo động thất bại; Giang Trúc Quân sau đó cũng bị bắt và bị giết trước khi Quốc dân đảng di tản khỏi Trùng Khánh vào năm 1949.
Có thật là ‘chị Giang’ bị tra tấn khốc hình?
Sau khi Giang Trúc Quân bị bắt, tờ Nhân dân Nhật báo nói rằng Quốc dân đảng đã “dùng hết mọi khốc hình tra tấn” đối với bà ta; Tiểu thuyết “Hồng nham” mô tả rằng “những thanh tre đã được đóng vào đầu ngón tay của ‘chị Giang’”; cũng có một câu nói được lưu truyền rộng rãi, cho rằng “Có 48 bộ hình phạt dành cho “Sở hợp tác Trung-Mỹ” ở Tra Chỉ Động, và tất cả các “nhà cách mạng” của ĐCSTQ bị giam giữ ở Tra Chỉ Động sẽ bị tra tấn…”
Những tuyên bố này có đúng không? Đánh giá từ một số tài liệu lịch sử và chứng ngôn của những người khác, chúng thực sự đều là những chuyện bịa đặt.
Trong số thứ hai của năm 2014, tạp chí “Viêm Hoàng xuân thu” của Hoa lục đã đăng một bài báo có tiêu đề “Khám nghiệm phòng tra tấn ở Tra Chỉ Động”. Bài báo cho biết, khi đó, Tôn Thự, một trinh sát của Bộ Công an thuộc Ủy ban Quân quản ĐCSTQ, phụ trách tiếp quản Cục Bảo mật và Cục Thống kê Trung ương của cơ cấu đặc vụ của Quốc dân đảng ở Tây Nam. Ông xác nhận với tác giả bài báo rằng không có roi da, bàn là, điện hình, ghế đẩu hổ, trúc thiêm tử và các hình cụ tra tấn khác dùng để bức cung.
Theo hồi ức của Tôn Thự, vào khoảng ngày 20/12/1949, ông đến Tra Chỉ Động và được biết nhà tù nam và phòng của lính canh đã bị đốt cháy hai lần, và ông không thấy còn lại các dụng cụ tra tấn. Vào đầu năm 1950, ông đã tiếp quản một số lượng nhỏ súng, còng tay và các vật phẩm khác từ “tổ quản lý công sản” của Ngũ Linh Quan, không xa Bạch Công Quán. Ông ấy còn thu giữ súng lục, vàng miếng, v.v. của Mỹ và xác định “không có bất cứ hình cụ nào”. Cùng năm đó, Trùng Khánh Đại Đồng Lộ Du Nữ sư (nay là Trường Tiểu học Đại Đồng Lộ) đã tổ chức “Triển lãm di vật liệt sĩ bị thảm sát tại Từ Khí Khẩu”, trong đó không hề trưng bày các hình cụ tra tấn mà Quốc dân đảng từng sử dụng.
Vào ngày 10/11/2007, ông Tôn Thư khi đó 76 tuổi lại đến Tra Chỉ Động, trong khi xem, ông không khỏi đặt câu hỏi: Những “hình cụ tra tấn” hiện đang được trưng bày này đến từ đâu? Năm đó, ai đã từng thấy “hình cụ tra tấn”?
Bài báo “Khám nghiệm phòng tra tấn Tra Chỉ Động” cũng đề cập rằng, năm 1963, tại phòng trưng bày của Bảo tàng thành phố Trùng Khánh, một nhân viên họ Trương đã tham gia vào công tác phục nguyên hiện vật, nhiệm vụ cụ thể là phục chế “hình cụ”, chính là chế tác “hình cụ tra tấn trúc thiêm tử để đóng đinh đầu móng tay” – đó là do chính ông ta làm ra.
Nhiều thập kỷ sau, ông Trương kể với một đồng nghiệp: Năm đó, để phục nguyên lại phòng tra tấn là rất khó, vì không có tư liệu chuẩn xác, cũng không có ai nhìn thấy phòng tra tấn và các hình cụ tra tấn. Cấp trên chỉ nói đại khái: Theo hồi ức của một số đồng chí lão thành và nội dung miêu tả của “Hồng nham” thì “những thanh tre trúc thiêm tử đã đóng đinh vào đầu ngón tay của chị Giang”. Nhưng không ai thân chinh tận mắt chứng kiến quá trình này.
Nhân viên họ Trương rất phân vân không biết phải làm sao nên “tất cả chỉ dựa vào tưởng tượng”. Ông ta nghĩ, thanh tre này chỉ có thể là một đoạn tre rất mỏng, không thể có cách nào dùng trúc thiêm tử “đóng đinh” ngón tay được. Cuối cùng, ông ta lấy một vài chiếc đũa tre, chẻ chúng ra và tự nghĩ: “Chắc là thế này!”
Tác giả bài báo, Tôn Đan Niên cho biết, năm 1964, khi đang học lớp 4 tiểu học, cô khá sợ hãi khi đọc cuốn tiểu thuyết “Hồng nham”. Khi đến thăm quan Tra Chỉ Động, cô cẩn thận tìm kiếm “trúc thiêm tử”, nhưng không thấy, nhưng lại nhớ đến “đôi đũa tre” dày, xù xì, màu đen xám đó, nhưng dù cô có tưởng tượng như thế nào đi chăng nữa thì cũng khó mà ghim được vào đầu ngón tay; rất nhiều bạn đồng học của cô đều thắc mắc như vậy.
Theo báo cáo, các “hình cụ tra tấn” hiện đang được trưng bày tại Tra Chỉ Động và địa điểm cũ của Bạch Công Quán chủ yếu được thu thập từ nhiều nơi khác nhau từ năm 1960 và được các nhân viên công tác phỏng chế. Và tất cả điều này đều là để phối hợp với tuyên truyền của ĐCSTQ.
La Quảng Bân, người sáng tạo tiểu thuyết “Hồng nham” bị bức tự sát trong Cách mạng Văn hóa
Những điều này, ở Trung Quốc ngày nay, rất ít người biết. Nhờ “sự tích anh hùng” của ‘chị Giang’, ĐCSTQ đã thành công trong việc kích động lòng thù hận của bách tính đối với Quốc dân đảng. Trong quá trình này, cuốn tiểu thuyết “Hồng nham” đã đóng một vai trò không thể xem thường. Tuy nhiên, La Quảng Bân, tác giả chính của “Hồng nham”, người đã giúp đỡ cưu mang ĐCSTQ rất nhiều, cũng không thoát khỏi kiếp nạn của Cách mạng Văn hóa. Ông ta bị đả thành “kẻ phản đồ”, và sau khi sỉ nhục và bị bức cung, ông ta đã chọn cách nhảy lầu tự sát.
Trong các tài liệu về Cách mạng Văn hóa, có một bức ảnh chụp sau khi La Quảng Bân qua đời, cho thấy nửa đầu bên phải của ông ta bị vỡ nát, trên mặt có một vết nứt lớn, từ sau gáy đến đầu mũi, dài 27.7cm, chỉ còn một mắt trái mở trừng trừng, tình trạng cực kỳ ám ảnh.
Năm 2008, “Cục lưu trữ Văn thư Trung Quốc Đại Quang” đăng một bài báo nói rằng vợ của La Quảng Bân là Hồ Thục Hưng đã vội vã đến hiện trường sau khi nhận được tin chồng qua đời. Kỳ lạ là bà chỉ được phép nhìn từ xa, không được lại gần. Bà yêu cầu không được hỏa táng thi thể cho đến khi giám định thi thể và đưa ra kết luận. Nhưng những người đó hoàn toàn không nghe lời bà, và họ không cho phép bà đi theo, mà gửi thi thể chồng bà trực tiếp đến lò hỏa táng.
Từ khi ĐCSTQ thành lập chính quyền đến nay, câu chuyện của ‘chị Giang’ đã lừa dối rất nhiều người Trung Quốc, và La Quảng Bân, kẻ đã tiếp tay cho sự dối trá, cuối cùng đã phải bước vào con đường tự sát. Ông ta trong thời khắc cuối cùng của sinh mệnh, liệu có hối tiếc điều gì chăng?
Theo “Trăm năm chân tướng” của Epoch Times
Mộc Lan biên dịch