Nguyên Vũ
Thể thao là một phạm trù thuộc về văn hóa và tỉ thí trong thể thao là sự tỉ thí về cả thể chất và tinh thần. Dù nhân loại có ở thời đại nào, thì người ta vẫn ca ngợi tinh thần cao thượng trong thi đấu thể thao. Nếu như người xưa đề cao chữ “Lễ”, đề cao “tinh thần thượng võ” (khí phách, lòng hào hiệp, phong độ), thì người hiện đại cũng có khái niệm “fair play” – chơi đẹp.
Thế Vận Hội Mùa Đông tại Bắc Kinh năm 2022 có lẽ là một trong vài Olympic gây tranh cãi nhất trong lịch sử. Các quốc gia văn minh tẩy chay nó từ trước khi diễn ra vì tình trạng nhân quyền tệ hại của nước chủ nhà Trung Quốc. Liên tiếp có những vấn đề về tổ chức, về điều kiện thi đấu và quy định thi đấu đáng ngờ, dường như chỉ có lợi thế cho các vận động viên (VĐV) nước chủ nhà. Có vẻ như chính quyền Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang làm bất cứ điều gì để có thành tích thi đấu vượt trội so với ngoại giới.
Đã có người so sánh Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 với Thế Vận Hội Mùa Hè năm 1936 được tổ chức tại Berlin dưới thời chính quyền Đức Quốc Xã của Adolf Hitler, vốn cũng bị nhiều nước tẩy chay vì chủ trương bài Do Thái, bài người da đen… và nhấn mạnh sự ưu việt của chủng tộc Aryan thượng đẳng dưới sự cầm quyền của thủ tướng Adolf Hitler và Đảng Quốc Xã Đức.
Ngẫm ra, dường như hai sự kiện này cũng “đại đồng tiểu dị”. Tuy vậy, ĐCSTQ có một đặc điểm là khi nó làm bất cứ điều gì thì mục đích cao nhất chính là để bảo vệ cho sự tiếp tục tồn tại của chính nó. Kỳ Olympic này cũng không ngoại lệ.
Thành tích thể thao – một công cụ để ĐCSTQ đạt được tính chính danh
Từ lịch sử, chúng ta biết ĐCSTQ chưa bao giờ có tính hợp pháp, đó không phải là một đảng cầm quyền do nhân dân Trung Quốc bầu lên, bản thân đảng ấy đã từng thú nhận “cướp chính quyền”. Nên “chính danh” là một điều mà ĐCSTQ luôn luôn thèm khát, đặc biệt là sau những thất bại và tai họa trùng trùng nó đã gây ra cho nhân dân và đất nước Trung Quốc trong suốt gần một thế kỷ qua.
Khi không có tính chính danh, ĐCSTQ luôn lo sợ cho sự tồn tại của chính nó. Từ khi Đặng Tiểu Bình “lên ngôi” với chủ trương “mèo trắng mèo đen, miễn là bắt được chuột”, tổ chức này lấy tăng trưởng kinh tế làm lý do chính đáng để độc chiếm quyền bính chính trị. Nhưng hiện nay, ngay cả điều ấy cũng không đạt được. Bởi vậy, ĐCSTQ tận dụng bất cứ cơ hội nào để vớt vát tính chính danh. Và Olympic Mùa Đông 2022 được coi như một cơ hội vàng để ĐCSTQ “giương đao lập uy”. Chính là nhắm vào mấy chữ “thể diện quốc gia”.
Cái “thể diện quốc gia” ấy dưới chiêu bài tuyên truyền của Trung Nam Hải, đã bị cướp mất trong cả trăm năm chịu nhục với phương Tây và Nhật Bản (1840 – 1945), còn gọi là “bách niên quốc sỉ”. Chính Đặng Tiểu Bình và các thế hệ lãnh đạo về sau đã đưa nó vào sách giáo khoa, trở thành hạt nhân tinh thần cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc hiện đại, và hạt giống cho “Trung Hoa mộng” của tổng bí thư Tập Cận Bình. ĐCSTQ xảo quyệt xoay chuyển lòng căm phẫn của dân chúng đối với chế độ hiện tại, nhắm nó vào kẻ thù Nhật Bản và phương Tây, muốn “ăn miếng trả miếng” cho những sự việc kết thúc ngót 100 năm trước.
Bởi thế, những cuộc biểu tình bạo lực nhằm vào các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc lại được chính quyền giật dây hoặc chí ít nhắm mắt làm ngơ, đó là dạng biểu tình duy nhất của dân chúng được chính quyền ĐCSTQ cho phép ở trên đất nước này. Đại diện cho người Trung Quốc để đòi lại danh dự dân tộc từ nước Nhật, nước Mỹ và phương Tây thù địch… có vẻ như là một thủ đoạn ĐCSTQ thi triển rất thiện nghệ, hòng tiếp tục tại vị, tại vị để tiếp tục gây họa, và lại càng khao khát chính danh.
Hỏi sao mà nhiều người phương Tây có vẻ hết sức lạ lẫm trước sự ăn thua bằng mọi giá trong thi đấu thể thao của đoàn Trung Quốc ở Thế Vận Hội. Vốn dĩ với nhiều quốc gia văn minh, thi đấu Olympic chỉ là thể hiện tinh thần thể thao, nỗ lực vượt qua chính mình, nó không được gói ghém nhiều ý nghĩa chính trị đến thế. Nhưng đối với chính quyền Trung Quốc, kết quả chiến thắng là trên hết. VĐV bị buộc phải thắng. Thắng được đưa lên mây, sơ sẩy bị đạp xuống bùn.
Thắng, thì như Cốc Ái Lăng (Eileen Gu) – VĐV trượt băng nghệ thuật tự do giành được huy chương vàng đầu tiên tại Thế vận hội Bắc Kinh. 90,000 bình luận dành cho cô trong vòng 30 phút trên mạng xã hội Weibo với những lời tâng bốc quá đà như “Công chúa tuyết”, “thiên tài”, “tạo nên lịch sử”… Ngược lại, nếu có bất cứ sơ sót nào, giống như Chu Dị – một đồng đội của Cốc Ái Lăng, thì sẽ bị chỉ trích không thương tiếc mọi khía cạnh không liên quan gì đến chuyên môn. Chủ đề “sai sót của Chu Dị” trên mạng xã hội Weibo Trung Quốc đã thu hút 200 triệu lượt xem chỉ sau vài giờ. Những áp lực kinh khủng từ dư luận khiến cô gái trẻ mất tinh thần và tiếp tục phạm sai sót.
Dư luận, là sản phẩm của sự tuyên truyền giáo dục nhiều năm của ĐCSTQ. Còn VĐV cũng là một dạng công cụ khác để tổ chức này thao khống dư luận – vốn đang rất mong chờ một thắng lợi tinh thần để xoa dịu tự ái dân tộc và quên đi tình cảnh bi đát của xứ sở Thần Châu sau hơn bảy chục năm cai trị của ĐCSTQ.
Số phận của VĐV Trung Quốc – công cụ của chính quyền ĐCSTQ
Đức Khổng Tử có câu: “quân tử bất khí”, tạm hiểu là “người quân tử không phải là công cụ”. Nhưng các VĐV Trung Quốc đang được sử dụng như một công cụ – không giới hạn trong lĩnh vực thể thao, chứ nào phải chỉ để giành vinh quang về cho “tổ quốc” – một khái niệm vốn đã bị ĐCSTQ đồng nhất với Đảng. Những biểu hiện của nó thế nào?
Để đạt được thành tích cao, tàn bạo, độc đoán cũng chẳng sao.
Ví như trong video dưới đây.
Trong video có đoạn: “Để tạo ra các VĐV Olympic, chính phủ Trung Quốc cam kết đào tạo ngay từ khi còn nhỏ. Nhiều trẻ em được tuyển chọn khi mới 6 tuổi và tham gia các khóa học thể dục dụng cụ trong hơn 9 năm tại các trường thể thao do chính phủ xây dựng”.
Những đứa trẻ này bị giam trong các trường thể thao suốt ngày và bị áp dụng những biện pháp huấn luyện giống như tra tấn, để cố gắng vượt qua giới hạn của cơ thể, hết lần này đến lần khác.
Trong một video khác có đoạn huấn luyện viên ngồi trên chân cô gái nhỏ để giúp cô kéo căng cơ, khuôn mặt cô lộ vẻ đau đớn khó chịu đựng nổi, người xem chỉ cần nhìn thôi cũng thấy đau rồi, nhưng dù đau đớn đến mấy cô bé vẫn phải chịu đựng, ngày này qua ngày khác.
Trong quá trình đào tạo, các em nhỏ thương tích đầy mình. Ở những môn thi đấu như cử tạ, lại càng nhiều chấn thương, đến mức nhiều người bị dị tật.
Trung Quốc trở thành một cường quốc thể dục dụng cụ bằng cách coi VĐV như dụng cụ.
Tiến sĩ Doecke cũng là một Huấn luyện viên lặn, vào năm 2008-2009, bà đã cố vấn cho VĐV lặn Trung Quốc là Chen Ni. Tiến sĩ Doecke nhấn mạnh một thực tế rằng, nếu các VĐV từ chối làm theo yêu cầu của huấn luyện viên, họ sẽ bị “trừng phạt” hoặc “bị tát”, đó là một hệ thống đào tạo rất “tàn bạo”. Một đồng nghiệp của bà đã chứng kiến những VĐV Trung Quốc bị chấn thương nghiêm trọng nhưng vẫn phải tiếp tục tập luyện – khi lẽ ra, với những chấn thương như thế họ phải nằm trong phòng cấp cứu. Các VĐV được cho uống nhỏ giọt steroid (thuốc tăng cơ) và thuốc giảm đau. Họ không có hoặc có rất ít cơ hội được tiếp cận với giáo dục. Sống trong một điều kiện tồi tệ, không khó để bắt gặp cảnh 5, 6 VĐV bị dồn vào một phòng ngủ dành cho 2 người, để ngủ và nghỉ ngơi.
Có những VĐV còn bị ngược đãi. Vào tháng 3/2021, tờ Tân Hoa Xã đưa tin hai VĐV 15 tuổi đã ngược đãi năm VĐV 10 tuổi ở cùng trung tâm. Tờ Beijing News còn đăng tải thêm clip một em bị tạt nước sôi vào người, gây bỏng nặng. Trước đó em đã bị hai VĐV 15 tuổi kia nhét lòng đỏ trứng vào mũi và dùng bật lửa đốt mông. Sự việc này càng khiến sự luận dậy sóng vì làng thể thao Trung Quốc vốn đã “nổi tiếng” với những biện pháp ép trẻ tập luyện đến mức cực đoan, khắc nghiệt.
VĐV bị lợi dụng làm công cụ nịnh hót lãnh tụ và chế độ
Ngày 27/1, tờ JBpress của Nhật Bản đưa tin rằng, vào khoảng 7 giờ 26 phút ngày 25/1, hơn 100 VĐV và huấn luyện viên đại diện cho đoàn thể thao Trung Quốc tại Olympic Bắc Kinh, đã tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn, giương cao lá cờ 5 sao và hô các khẩu hiệu: “Xông lên vì tổ quốc, không cô phụ nhân dân, báo đáp lãnh tụ bằng mọi giá, mãi đấu tranh cho vị trí số 1, theo chân tổng bí thư cùng hướng đến tương lai!”. Nhiệt độ ở Bắc Kinh vào thời điểm đó là -7 độ C. Đó được gọi là “tuyên thệ Thiên An Môn”.
Người ta băn khoăn những VĐV này sắp tham gia thi đấu thể thao hay tuyên thệ quyết tử nơi tiền tuyến? Và nếu là thi đấu thể thao, thì liên quan gì đến “báo đáp lãnh tụ”, hay “theo chân tổng bí thư”? Đoạn video clip khiến người xem liên tưởng đến động tác đưa cánh tay phải cùng bàn tay duỗi thẳng hơi chếch lên phía trước, miệng hô: “Heil Hitler!” (Hitler muôn năm!),”Heil, mein Führer!” (Muôn năm, lãnh tụ của tôi!), hay “Sieg Heil!” (Chiến thắng muôn năm!)… của những người dân chế độ Quốc Xã của Adolf Hitler thập niên 1930. Hay gần hơn, người ta nhớ đến hành động của những người “tay nâng Hồng bảo thư”, “nhảy múa vũ điệu trung thành”, “học thuộc Lão tam thiên”. v.v dưới thời Cách mạng Văn hóa.
Ngày 2/8/2021, trong Thế Vận Hội mùa hè Nhật Bản, sau khi giành chiến thắng ở nội dung đua xe đạp nước rút dành cho nữ, 2 nhà vô địch Trung Quốc Bào San Cúc (Bao Shanju) và Chung Thiên Sử (Zhong Tianshi) đã đeo huy hiệu Mao Trạch Đông lên bục nhận giải tại Olympic. Đây là một hành vi “phổ biến” ở Trung Quốc Đại lục, nhưng nó lại thu hút sự chú ý của quốc tế vì có thể đã vi phạm Điều 50 của Hiến chương Olympic. Hôm 3/8/2021, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết đang tiến hành “điều tra vụ việc này”. Theo Điều 50 của Hiến chương Olympic, không được phép tuyên truyền quan điểm chính trị, tôn giáo hoặc chủng tộc trong các địa điểm Olympic, khu vực địa điểm thi đấu hoặc các địa điểm khác. “Không một hình thức tuyên truyền chính trị nào được xuất hiện trên trang phục, phụ kiện, hoặc quần áo, trang thiết bị của VĐV…”
VĐV bị lợi dụng để “tô son trát phấn” cho các công ty và chính quyền, nhưng thực ra là “một vốn bốn lời”
Toàn Hồng Thuyên là VĐV giành Huy Chương Vàng Olympic Mùa Hè 2020, nội dung nhảy cầu 10m. Sau khi cô gái nghèo đoạt giải, trở thành một hiện tượng, bỗng nhiên gia đình cô đầy ắp người thân từ khắp nơi. Các công ty, các ban ngành thi nhau trao tặng quà cho cô, nhưng lợi ích mà họ có được từ quảng cáo dựa trên danh tiếng của cô thì nhiều gấp bội giá trị quà tặng.
VĐV bị “vắt chanh bỏ vỏ”
Những VĐV như Toàn Hồng Thuyên vẫn còn giá trị lợi dụng khi còn gặt hái huy chương vàng. Một khi họ mất khả năng thi đấu, hoặc khả năng cạnh tranh đoạt huy chương, sẽ bị thải ra ngoài xã hội không thương tiếc. Những VĐV này thường là con nhà nghèo, trong quá trình huấn luyện thể thao họ không được giáo dục văn hóa, không có trình độ và kiến thức, kỹ năng duy nhất họ được trang bị là thi đấu thể thao – giờ đã mất, lại phải vật lộn với những chấn thương mãn tính. Khả năng tồn tại được ở ngoài xã hội của họ là rất thấp.
Một VĐV cử tạ nữ từng là cựu vô địch quốc gia “nghèo đến mức sau khi giải nghệ, cô ấy phải sống trong nhà tắm công cộng” – cuộc đời cô đã được mô tả trong một tác phẩm của nhà báo Hanna Beech như thế. Theo Beech, người phụ nữ tội nghiệp này còn để cả râu.
Một VĐV khác: Trương Thượng Vũ – cựu vô địch thể dục dụng cụ Trung Quốc giờ phải đi ăn xin.
Bức ảnh cho thấy, anh mặc đồng phục thể thao của đội tuyển quốc gia Trung Quốc, tay cầm một tấm biển có tên mình và đang ăn xin trong một toa tàu điện ngầm. Năm 2001, anh đã giành chức vô địch thể dục dụng cụ vòng treo của Đại hội Thể thao Sinh viên Thế giới lần thứ 21 tại Bắc Kinh và chức vô địch đồng đội thể dục dụng cụ nam. Tháng 6/2005, anh giải nghệ do đứt gân gót chân. Sau khi giải nghệ, vì không có nguồn thu nhập ổn định, anh từng ba lần bị bỏ tù vì tội ăn cắp, từng biểu diễn xiếc nghệ thuật đường phố ở Thiên Tân, Bắc Kinh v.v. để kiếm sống, và phải bán huy chương vàng, đến khi không còn cách nào sống nổi, anh phải đi ăn xin.
Đằng sau vinh quang giả tạo của ĐCSTQ là những số phận bất hạnh, bạc bẽo của bao VĐV đã hết giá trị lợi dụng, bị ĐCSTQ tàn nhẫn quăng bỏ bên lề, chìm vào quên lãng. Quả thực, giống như là người xưa đã có câu “nhất tướng công thành, vạn cốt khô”.(1)
VĐV bị đối xử như tội đồ khi thua cuộc
Thế giới đã chứng kiến màn tra tấn tinh thần với cô gái nhỏ 19 tuổi – VĐV trượt băng nghệ thuật Chu Dị, người từ bỏ Mỹ quốc trở về thi đấu cho Trung Quốc. Trong khi dư luận ở “cố hương” đay nghiến cô, thì chính đồng đội Cốc Ái Lăng – một cô gái được sinh ra và lớn lên ở nước Mỹ giống như Chu Dị – đã an ủi cô: “Tôi nghĩ cô ấy thực sự tuyệt vời. Chỉ cần được đến Olympic đã là điều thực sự ấn tượng. Đối mặt thất bại hoặc áp lực là một phần của thể thao. Nhiều người khác cũng ngã, hôm nay mọi người đã thấy đó… Tất nhiên mọi người đều hy vọng cô ấy có thể đạt kết quả tốt hơn, nhưng cô ấy mới là người khao khát thành tích tốt nhất hơn ai hết. Vì vậy, tôi hy vọng mọi người có thể thấu hiểu hơn tình huống của cô ấy”.
VĐV không được giáo dục đạo đức, truyền thống và cách ứng xử văn minh
Ngày 27/7/2021, ở nội dung đôi nữ môn cầu lông Olympic Tokyo, đội tuyển Trung Quốc với Trần Thanh Thần và Giả Nhất Phàm đã đánh bại đôi nữ Hàn Quốc là Kim So Young và Kong Xi Rong để tiến vào tứ kết. Nhưng trong lúc thi đấu, Trần Thanh Thần liên tục chửi thề, điều đáng ngạc nhiên là không một ai trong ban huấn luyện nhắc nhở cô…
Từ ngữ chửi thề cô dùng có tên viết tắt là ‘WC’ (Ngọa tào – 臥槽, đọc gần giống WǒCào, một câu chửi rất thô tục). Những từ ngữ này được âm lượng lớn, tần số cao của cô truyền đi khắp nhà thi đấu, theo phương tiện truyền thông tỏa đi khắp năm châu. Mỗi lần giành được điểm, cô lại hét lên.
Khi cô Trần bị chỉ trích vì làm mất hình tượng “lễ nghi chi bang” (vùng đất lễ nghi) của Trung Quốc, rất nhiều tiểu phấn hồng bắt đầu thanh minh cho cô Trần. Họ nói đây là “quốc hồn quốc túy ưu mỹ của dân tộc”, là “năng lượng tích cực”, những lời của Trần Thanh Thần “không phải là chửi thề mà là bản Sonata của chim sơn ca”, “chỉ cần thắng thì nói thế nào cũng được” v.v.
Còn bản thân Trần Thanh Thần cũng đã lên tiếng trên Weibo rằng, tiếng hét của cô chỉ là “một sự khích lệ cho động lực chiến thắng, có thể do phát âm chưa chuẩn nên mọi người hiểu lầm. Tôi sẽ cố gắng điều chỉnh cách phát âm của mình, sẽ luyện tập chăm chỉ cho trận đấu tiếp theo…”
Hành vi thô tục được sửa chữa bằng lời dối trá và lấp liếm, quả là sai lầm nối tiếp sai lầm.
Nhưng nếu biết rằng, đó là cái văn hóa duy nhất mà ĐCSTQ dung dưỡng trong một xã hội mà họ hoàn toàn thao túng, thì điều này không còn đáng ngạc nhiên nữa. Các VĐV cũng là nạn nhân trong bầu không khí văn hóa độc địa này.
Những VĐV phần lớn có gia cảnh nghèo, được lôi vào lò đào tạo từ nhỏ, không được giáo dục bất cứ điều gì về văn hóa truyền thống, đạo đức, cách ứng xử văn minh… chỉ được “chế tạo” để trở thành một “cỗ máy giành huy chương”, thì đó là sản phẩm tất yếu.
Đây có lẽ là tội ác lớn nhất của chính quyền ĐCSTQ đối với người dân của mình. Chúng ta đã nhắc đến “lễ nghi chi bang”, vậy người Trung Hoa xưa ứng xử ra sao trong thi đấu thể thao? Chửi tục trong thi đấu có phải là “quốc hồn quốc túy ưu mỹ của dân tộc” hay không?
“Người quân tử không tranh” và tinh thần Olympic hiện đại
Trong sách “Luận ngữ” có câu: “Người quân tử không việc gì phải tranh, nếu buộc phải kể sự tranh, thì chỉ có ở cuộc thi bắn tên, trước hết vái chào, nhường nhau mà lên thềm, bắn xong thì đi xuống và uống rượu, ấy là sự tranh của người quân tử”.
Người quân tử chú trọng đức hạnh, lấy khiêm cung làm chỗ kết giao với thiên hạ, tranh đấu là điều hết sức phải tránh. Nếu như có lúc buộc phải tranh, thì đó là khi tỉ thí bắn tên. Nhưng tranh cũng phải dùng lễ mà hành. Thông thường hai người tỉ thí sẽ cùng lên lễ đài, gặp mặt nhau sẽ hành lễ mời nhau đi trước. Tỉ thí chắc chắn sẽ có kẻ thắng người thua. Nhưng sau khi tỉ thí, thì đến màn hai bên “bước xuống và uống rượu”, mà phải để người thua uống trước, biểu thị rằng điều quan trọng là đã có cơ hội so tài với nhau, chứ không phải vì để tranh danh đoạt lợi gì cả. Thậm chí, người thắng còn khiêm tốn nói: “đã nhường, đã nhường”, biểu thị rằng người kia đã nhường cho họ phần thắng.
Nếu e rằng “Luận Ngữ” xa xôi, thì hãy nói chuyện gần hơn về chữ “Lễ” trong kiếm đạo Nhật Bản (Kendo), thực chất cũng là học tập từ tinh thần của “Luận Ngữ” trong các thời kỳ văn hóa truyền thống Trung Hoa thâm nhập và ảnh hưởng xã hội Nhật Bản. Trong cuộc đấu kiếm đạo, hai đối thủ gặp nhau bắt đầu bằng chữ “Lễ” và kết thúc cũng bằng chữ “Lễ”, Lễ nghi có thể thấy qua cách chào nhau, qua từng nếp Hakama (võ phục), qua ánh mắt của kiếm thủ. Lễ nghi là một phần không thể thiếu của kiếm đạo, phản ánh tầm quan trọng trong phép xã giao. Vừa tôn trọng đối thủ mọi lúc, vừa nỗ lực rèn luyện bản thân mọi nơi, tinh thần ấy cho phép một cá thể phát triển thái độ khiêm tốn cả trong lẫn ngoài Kiếm đạo. “Giao kiếm tri ái (交剣知愛)” là lý tưởng đạt được sự hiểu biết lẫn nhau về văn minh của nhân loại thông qua kiếm đạo, và cũng là cốt lõi của trong việc thực hành tất cả các bộ môn nghệ thuật.
Rõ ràng trong văn hóa truyền thống, thắng về kết quả mà thua về “Lễ” thì vẫn là thất bại, là thất bại tuyệt đối về phong phạm quân tử và cảnh giới tinh thần.
Nếu đã nhắc đến tinh thần, thì hãy nhắc đến tinh thần Olympic hiện đại cho trọn vẹn và có tính nhắm thẳng. Đó là: “xây dựng một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn trong Tinh thần Olympic, đòi hỏi sự hiểu biết lẫn nhau với tinh thần hữu nghị, đoàn kết và chơi công bằng – Tinh thần Olympic luôn cố gắng truyền cảm hứng và thúc đẩy thanh niên trên thế giới trở nên mức tốt đẹp nhất họ có thể đạt đến. Có thể thông qua các thử thách tương tác mang tính giáo dục và giải trí. Tinh thần Olympic tìm cách thấm nhuần và phát triển các giá trị và lý tưởng của triết lý các môn thi Olympic, trong những người tham dự và người thúc đẩy lòng khoan dung và sự hiểu biết trong thời kỳ ngày càng khó khăn mà chúng ta đang sống, để làm cho thế giới của chúng ta trở thành một nơi hòa bình hơn.” (trích Wikipedia)
Con đường chính danh là con đường trở về truyền thống
Thể thao là một phạm trù thuộc về văn hóa và tỉ thí trong thể thao là sự tỉ thí về cả thể chất và tinh thần. Dù nhân loại có ở thời đại nào, thì người ta vẫn ca ngợi tinh thần cao thượng trong thi đấu thể thao. Nếu như người xưa đề cao chữ “Lễ”, đề cao “tinh thần thượng võ” (khí phách, lòng hào hiệp, phong độ), thì người hiện đại cũng có khái niệm “fair play” – chơi đẹp.
Thể thao không phải là công cụ theo đuổi mù quáng thành tích bất hảo, để thực hiện “nhiệm vụ chính trị” hay tạo vỏ bọc đẹp đẽ nhằm đoạt được tính chính danh của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào.
Người Trung Quốc có tiềm năng vượt trội về thể thao thế giới hay không? Hoàn toàn có thể, nếu dựa vào dân số, quốc lực và đặc biệt là từ vốn liếng lịch sử, văn hóa truyền thống của tổ tiên họ. Một dân tộc đã sản sinh ra những mãnh tướng lừng danh thiên cổ, võ nghệ siêu quần như Dưỡng Do Cơ, Hạng Vũ, Quan Công, Trương Phi, Tiết Nhân Quý, Dương Tái Hưng v.v. chắc chắn có tiềm năng rất lớn về thể thao, nhưng tài năng đích thực bao giờ cũng song hành với phẩm chất đạo đức và một nền tảng giáo dưỡng về truyền thống.
Con đường mà ĐCSTQ đang đi là con đường sai lầm, không chỉ trong lĩnh vực thể thao mà cái triết lý “Giả – Ác – Đấu” họ áp dụng trong mọi mặt của đời sống xã hội sẽ kéo họ xuống vực thẳm diệt vong, dẫu có đạt được thành tích nhất thời, cũng là ở trong ánh mắt nghi ngại và khinh miệt của thế giới văn minh mà thôi.
Những nhân sĩ lĩnh hội văn hóa truyền thống, có tầm nhìn, thấu hiểu sự khác biệt giữa một “thượng quốc chi bang” khi xưa với Trung Quốc hiện đại dưới chính quyền ĐCSTQ. Họ hiểu rằng một Trung Hoa lễ nghĩa, đạo đức, truyền thống mới là một Trung Hoa có phúc khí, đem lại an bình và thịnh vượng cho nhân dân Trung Hoa và thiên hạ năm châu. Nhà thơ Lưu Quang Vũ lúc sinh thời sáng tác thi phẩm “Trung Hoa” trong đó có đoạn:
“Trung Hoa đói rách
Xác người chết trận trắng xương phơi.
Trung Hoa tuổi thơ tôi
Đâu phải chỉ bầy ngựa dữ
Đêm lửa đuốc Chi Lăng
Gò Đống Đa vùi xác vạn quân Thanh
Những Mã Viện, Liễu Thăng, Sầm Nghi Đống
Không ngăn nổi lòng tôi yêu bác Võ Tòng.
Cố cung xưa bao đảo lộn kinh hoàng
Như sóng biển không ngừng một phút
Dưới liễu xanh, lũ quỷ đổi thay màu
Tiếng chiêng trống, tiếng loa gào thét (2)
Chín trăm triệu người ồn ào mà nín lặng
Trung Hoa muốn gì?
Nhân dân đi về đâu?
…
Trung Hoa khổng lồ, Trung Hoa đau thương
Mai tan hết mây mù mưa xám
Trung Hoa Võ Tòng, Trung Hoa Lý Bạch
Lại là Trung Hoa từ tuổi nhỏ ta yêu…”
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)
Nguyên Vũ
Chú thích:
(1): Câu thơ trong bài Đường thi “Kỷ Hợi tuế nhị thủ” của Tài Tùng, ý rằng: “vinh quang của vua chúa, tướng lãnh được xây trên xương cốt của hàng vạn binh lính.
(2): “Tiếng chiêng trống, tiếng loa gào thét” – ý nói tới cảnh tượng đội quân Hồng vệ binh hung hăng đấu tố người tốt trong cuộc Đại Cách mạng văn hóa (1966 – 1976).