Ngày 12/2, tờ CNN đăng bài viết về căng thẳng Ukraine, trong đó có bản đồ mô tả quân Nga bố trí binh lực khắp 3 mặt bắc, đông và nam Ukraine.
Trên mạng, người dân Belarus (phía bắc Ukraine) đăng video máy bay quân sự Nga phủ rợp trời vùng biên giới giáp Ukraine.
Dựa vào lực lượng quân sự 2 bên Nga – Ukraine, một số nhà quân sự tính toán: nếu chiến tranh xảy ra, quân đội Nga chỉ mất 4 tiếng để chiếm được Kiev – thủ đô Ukraine.
Ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi công dân Mỹ hãy nhanh chóng rời khỏi Ukraine.
Những tin tức trên làm cho người ta cảm giác, chỉ cần một lệnh của Putin là chiến tranh nổ ra.
Nhưng các chính trị gia không nhìn nhận vấn đề như vậy. Trong cuốn ‘On war’ (Bàn về chiến tranh), nhà lý luận quân sự Clausewitz viết rằng: “Chiến tranh là sự tiếp diễn của chính trị”, nghĩa là ngoài các tính toán quân sự, những nhà chính trị phải tính toán ‘chi phí’ về chính trị, thậm chí kinh tế, các bên tham gia được gì và mất gì khi chiến tranh xảy ra…
Vậy thì nhìn vào tình huống hiện nay, khủng hoảng Ukraine sẽ ảnh hưởng đến Nga, Mỹ, NATO, thậm chí Đài Loan và ĐCSTQ như thế nào? So sánh giữa được và mất thì liệu Nga có dám tấn công Ukraine? Nếu không dám tấn công thì Nga gửi quân ồ ạt đến biên giới Ukraine là muốn gửi tín hiệu gì cho thế giới?
Là người có am hiểu sâu sắc về chính trị thế giới – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 13/2 đã dựa vào ‘nhận thức thông thường’ rồi nhận định rằng: Nga không dám xâm lược Ukraine, và các bên đều được lợi từ cuộc khủng hoảng này trừ… ĐCSTQ.
Rốt cuộc sự thể ra làm sao, Giáo sư Chương đã phân tích như sau.
Cách nhìn nhận và phân tích vấn đề
Giáo sư Chương đánh giá, chiến tranh Ukraine khó có thể xảy ra và luôn giữ quan điểm như vậy, không phải đến bây giờ mà là từ chương trình ‘Thiên Lượng luận chính‘ đăng ngày 24/1. Vì sao?
Giáo sư Chương giải thích rằng, Clausewitz – một nhà lý luận quân sự rất nổi tiếng về chiến tranh đã viết một cuốn sách tên là ‘On war’, trong đó có câu nói nổi tiếng là: “Chiến tranh là sự tiếp diễn của chính trị”.
Vì chiến tranh là sự tiếp nối của chính trị, nên chúng ta phải phân tích cục diện hiện nay đối với lợi ích các bên như: Nga, Mỹ và NATO… họ được gì và mất gì về mặt chính trị.
Về phía Nga, Nga được gì và mất gì nếu xâm lược hoặc không xâm lược Ukraine. Giáo sư Chương cho rằng đây là điểm vô cùng then chốt.
Còn về phía Mỹ, liệu họ có hy vọng chiến tranh xảy ra, hoặc là họ sẽ ngăn cản cuộc chiến như thế nào.
Nói cách khác, vì chiến tranh xảy ra không phải là vô duyên vô cớ, nên các bên phải cân nhắc mình được gì và mất gì từ cuộc chiến. Nếu nhìn nhận rõ những vấn đề này, mọi người sẽ biết liệu chiến tranh có xảy ra hay không.
Nga không muốn Ukraine gia nhập NATO để tránh xung đột trực tiếp với tổ chức này
Trên thực tế, yêu cầu của Nga rất rõ ràng, đó là NATO không được kết nạp Ukraine.
Nhìn từ bản đồ, phía tây của Ukraine là các nước như Ba Lan, Áo, Romania vốn thuộc NATO, giữa Nga và NATO có 2 quốc gia đệm là Belarus và Ukraine.
Belarus là một đồng minh thân thiết của Nga, còn Ukraine hơi lưỡng lự trong việc chọn bên. Nếu NATO mở rộng về phía đông kết nạp Ukraine vào hệ thống, NATO sẽ giáp trực tiếp biên giới với Nga.
Phía Nga cho rằng Ukraine nên tồn tại như một vùng đệm hoặc ‘khu phi quân sự’ – DMZ (Demilitarized Zone), do đó tín hiệu của Nga rất rõ ràng đó là: NATO không được kết nạp Ukraine.
Nga muốn Ukraine thành vùng đệm, vậy thì nếu Nga thôn tính Ukraine, chẳng phải họ cũng trực tiếp giáp biên giới với Ba Lan và Romania vốn là các nước thuộc NATO.
Giáo sư Chương đánh giá, điều này khiến NATO rất lo lắng. Bởi vì trong Thế chiến 2, khi Hitler xâm lược Ba Lan vào ngày 1/9/1939, lúc đó Hitler đánh Ba Lan ở phía tây, Liên Xô cũng đánh Ba Lan ở phía đông. Ngoài Hitler, Liên Xô cũng là kẻ xâm lược Ba Lan vào thời điểm đó, cho nên mối quan hệ giữa Ba Lan và Nga rất tệ.
Nếu bây giờ Nga thôn tính Ukraine sẽ giáp trực tiếp biên giới với Ba Lan khiến nước này và cả khối NATO rất lo lắng, cũng đồng nghĩa với việc gia tăng sự thù địch của NATO đối với Nga. Nga muốn tránh đụng độ trực tiếp với NATO, nên việc xâm lược Ukraine là không cần thiết.
Do đó, Putin không ngừng nói rằng: không muốn leo thang căng thẳng.
Ngày 7/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm kéo dài 5 giờ đồng hồ với Putin. Trong cuộc họp báo sau đó, ông Macron nói với các phóng viên rằng, thứ nhất ông Putin sẽ không leo thang căng thẳng thêm nữa trong cuộc khủng hoảng Ukraine, thứ hai Nga sẽ không đóng quân vĩnh viễn ở Belarus. Bởi nếu quân đội Nga được triển khai ở đây, thì tương đương Nga tiếp giáp với Ba Lan – thành viên NATO.
Giáo sư Chương nhận định rằng, Putin không muốn có xung đột trực tiếp với NATO, hoặc ít nhất là ông ấy không muốn NATO nâng cao thái độ thù địch hoặc đánh giá sai về mình. Do đó, yêu cầu lớn nhất của Puitn là Ukraine không được gia nhập NATO. Việc Nga ồ ạt kéo binh đến biên giới Ukraine là một tín hiệu để nói lên yêu cầu phía mình.
Đối với Mỹ, khủng hoảng để chuyển hướng chú ý về năng lực Biden
Thái độ của Mỹ rất quan trọng, bởi vì Nga là một cường quốc quân sự, chỉ có Mỹ mới đủ sức thể kiềm chế Nga về phương diện này.
Cánh tả ở Mỹ luôn coi Nga là ‘đại địch’ (kẻ địch lớn). Mọi người còn nhớ sau khi Trump tranh cử và đắc cử năm 2016, một trong những lý do quan trọng khiến cánh tả tấn công Trump chính là họ nói Trump thông đồng với Nga. Do đó, nếu mô tả nước Nga càng xấu xa, nguy hiểm, thì nó càng phù hợp với cách kể chuyện của cánh tả, hoặc những gì cánh tả muốn xem. Nói về mối đe dọa từ Nga cũng là một cách để đánh vào chiến dịch tranh cử của Trump trong tương lai.
Tiếp theo, việc thổi phồng cuộc khủng hoảng biên giới Nga – Ukraine có thể khiến người Mỹ chuyển hướng chú ý khỏi… năng lực của Biden.
Biden đã rơi vào thế khó kể từ thất bại trong việc rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái, cộng với lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm là 7,5%, giá năng lượng chạm mức cao nhất trong 8 năm. Là một người ở Mỹ, Giáo sư Chương cảm nhận được giá xăng dầu đang tăng rất nhanh, đồng thời vấn đề căng thẳng trong chuỗi cung ứng vẫn chưa được giải quyết.
Biden gần đây đã gặp phải một số thất bại lớn. Ông muốn thông qua ‘Đạo luật BBB’ (Build Back Better) nhưng không thành công; muốn thông qua ‘Đạo luật vì nhân dân’ (For the People Act) với mục đích giao quyền biểu quyết về Chính phủ Liên bang, nhưng không thành công; muốn thông qua Thượng viện để bãi bỏ Thủ tục Filibuster (biện luận không giới hạn, làm chậm quá trình lập pháp thông qua các cuộc tranh luận kéo dài) cũng đã thất bại.
Vì không có cái nào thành công nên mức độ tín nhiệm của Biden hiện đã giảm xuống dưới 40% và Đảng Dân chủ có nguy cơ mất Lưỡng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 10 năm nay.
Trong trường hợp này, một mặt tạo ra cuộc khủng hoảng là cách tốt để chuyển hướng sự chú ý. Mặt khác, các tổng thống thời chiến có tỷ lệ ủng hộ cao hơn, cho nên Biden có thể cho rằng xung đột giữa Nga với Ukraine có chỗ tốt cho ông và Đảng Dân chủ. Tốt về mặt chính trị chứ không phải về mặt đạo đức, Giáo sư Chương đánh giá.
Ngoài ra, vì cánh tả Mỹ luôn coi Nga là ‘đại địch’, nên Biden không thể quá mềm lòng với Nga trong vấn đề này. Nếu Nga xâm lược Ukraine, Biden phải có biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga. Đây là một vấn đề.
Còn một vấn đề khác, mối quan hệ giữa Biden và Ukraine không rõ ràng. Đảng Cộng hòa nhất mực muốn điều tra con trai của Biden là Hunter Biden, họ nói rằng Hunter Biden đã nhận tiền từ các công ty dầu mỏ Ukraine. Ngoại giới ước tính rằng, Ukraine có rất nhiều bằng chứng liên quan nên Biden không muốn Ukraine bị Nga chiếm đóng. Bởi vì nếu như thế các bằng chứng liên quan sẽ rơi vào tay Nga. Do đó thái độ của Biden sẽ rất cứng rắn.
Giáo sư Chương đánh giá thêm, trong trường hợp này, nếu Nga rút lui sẽ là một thành tích đối với Biden. Nếu trước đây càng thổi phồng về khủng hoàng Ukraine, khi khủng hoảng được giải quyết thì Biden sẽ có được thêm tín nhiệm.
Giáo sư Chương cho rằng, trong quá trình diễn ra trò chơi này, Mỹ hy vọng xảy ra khủng hoảng để chuyển hướng sự chú ý về năng lực của Biden, nhưng họ cũng hy vọng cuộc khủng hoảng có thể được kiểm soát để Biden sẽ ghi điểm. Đây là tâm lý của Mỹ đối với Nga.
NATO và Nga có có hiệp ước ngầm
Giáo sư Chương thấy rằng, giữa Nga và NATO đã có một giao ước ngầm, đó là Nga nói rằng ‘NATO không nên kết nạp Ukraine’, còn NATO nói rằng ‘chúng không thể đáp ứng Nga’.
Là người am hiểu hệ thống diễn ngôn phức tạp trong chính trị, Giáo sư Chương giải thích ý của NATO là ‘dưới sự thúc ép của bạn, chúng tôi không thể nói: liệu có kết nạp thêm quốc gia nào không. Vì muốn kết nạp ai là quyền của chúng tôi’. Nói cách khác, khi ấy 2 bên đều rất rõ ràng ý định của nhau: NATO biết rằng, một khi kết nạp Ukraine đồng nghĩa với nguy cơ chiến tranh leo thang, cho nên NATO cũng chưa chấp nhận Ukraine. Nhưng một khối quân sự lớn như vậy không thể nói thẳng, nói vậy nghe có vẻ ‘nhát’ quá, nên NATO mới nói ‘không vì chuyện bị Nga ép buộc mà kết nạp Ukraine’. Đây là cách nói giữ thể diện.
Trên thực tế, cả 2 bên ngầm hiểu rằng, Ukraine sẽ không được kết nạp vào NATO ở thời điểm hiện nay.
Đến ngày 14/2, Reuters dẫn báo cáo của BBC phỏng vấn Đại sứ Ukraine ở Anh là Vadym Prystaiko, trong đó ông Prystaiko nói rằng sẽ ‘linh hoạt’ về mục tiêu gia nhập NATO. Ý tứ là Ukraine có thể gia nhập NATO nhưng có thể lùi lại thời gian.
Hướng đi nào cho Ukraine
Là một người có am hiểu sâu sắc về chính trị, Giáo sư Chương nhìn nhận, sở dĩ hôm nay Ukraine không tự quyết cho số phận của mình là vì thiếu tầm nhìn trong việc hoạch định chiến lược.
Chúng ta biết rằng, trước khi giải thể, Liên Xô đã bố trí ở Ukraine rất nhiều vũ khí hạt nhân, bao gồm cả 780 nghìn quân, 6500 xe tăng, 7150 xe bọc thép, 350 tàu chiến, 1272 đầu đạn hạt nhân ICBM.
Lúc đó Ukraine là cường quốc hạt nhân đứng thứ 3 sau Mỹ và Nga. Ukraine có hơn 1000 đầu đạn hạt nhân chiến lược, do đó nếu Ukraine giữ số đầu đạn hạt nhân đó, thì Nga sẽ không dám uy hiếp.
Nhưng Ukraine đã có một quyết định sai lầm. Ukraine cho rằng toàn bộ vũ khí hạt nhân chiến lược hoặc hệ thống chỉ huy dẫn đường thực sự nằm trong tầm kiểm soát của Nga, ngoài ra Mỹ và NATO cũng muốn Ukraine giải giáp vũ khí hạt nhân và hứa sẽ viện trợ tài chính. Mỹ và NATO thật sự đã viện trợ rất nhiều tiền giúp Ukraine giải trừ những vũ khí đó.
Nền kinh tế của Ukraine lúc đó không tốt lắm, họ nghĩ rằng mình không đủ tiền để duy trì vũ khí hạt nhân này, một điều nữa là họ cho rằng nó không thực sự có ích, vì vậy đã giải trừ số vũ khí hạt nhân này từ đó đến năm 2006.
Nhưng khi Ukraine giải trừ vũ khí hạt nhân, nó giống như việc một binh sĩ cởi giáp hoặc con hổ mất răng, họ không còn vũ khí mạnh nhất nữa. Lúc đó Nga nghĩ rằng, nếu đánh Ukraine sẽ không có hậu quả gì, bởi vì với vũ khí thông thường, Ukraine không đánh được Nga. Ukraine có vũ khí hạt nhân thì Nga mới e ngại.
Vậy thì Ukraine đi đến bước này thì nên làm gì? Giáo sư Chương cho rằng, sách lược tốt nhất của Ukraine bây giờ là đàm phán với Mỹ và Nga, mong muốn làm khu phi quân sự, làm vùng đệm giữa NATO và Nga. Sự an toàn của Ukraine còn phải thông qua một hiệp ước an ninh với Mỹ hoặc NATO, giống như Hiệp ước An ninh mà Nhật Bản đã ký với Hoa Kỳ (nếu có vấn đề gì thì Mỹ có thể bảo vệ Nhật).
Nếu Ukraine ký hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ, nói rằng ‘tôi là khu phi quân sự, sẽ không gây nguy hiểm cho Nga, nhưng Nga không được đánh tôi bởi vì sau tôi là anh lớn Hoa Kỳ hoặc NATO’, như vậy Nga sẽ không cảm thấy bị uy hiếp.
Giáo sư Chương đánh giá, nếu Ukraine giải giáp vũ khí hạt nhân vào thời điểm năm 2006, sau đó đi theo con đường phi quân sự hoá, yêu cầu thêm châu Âu hoặc Hoa Kỳ đảm bảo an ninh, thì có lẽ đã không ‘lưỡng lự’ và không tự quyết được cho số phận của mình như hôm nay.
Các bên đều được lợi trừ… ĐCSTQ
Giáo sư Chương cho rằng, Biden có thể đạt được một số điểm tích cực theo kiểu ‘mối đe dọa từ nước Nga lớn như vậy, cuối cùng cuộc khủng hoảng vẫn không nổ ra chính là do những câu nói cứng rắn của tôi’. Biden có thể nhận được điểm tích cực, do đó Mỹ có chút lợi.
Nga cũng có lợi. Tuy Nga không chiếm được Ukraine, nhưng lại được sự hỗ trợ từ ĐCSTQ. Sau khi Nga leo thang khủng hoảng, cảm giác Nga có xung đột với NATO nên Putin đã đến Bắc Kinh để nhận được lợi ích từ Tập Cận Bình.
Nga ký được Hiệp định năng lượng, ĐCSTQ sẽ tiếp tục mua năng lượng từ Nga. Nga là nước giàu tài nguyên dựa vào xuất khẩu năng lượng để duy trì nền kinh tế. Giá năng lượng của Nga cao hơn giá thị trường rất nhiều nhưng ĐCSTQ vẫn mua, do đó Nga được lợi.
ĐCSTQ tuyên bố không ủng hộ sự mở rộng về phía đông của NATO, tương đương với việc ĐCSTQ và Nga đứng cùng nhau để chống lại sự bành trướng về phía đông của NATO. Điều này khiến ĐCSTQ đặt mình vào phía đối lập với Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, do đó ĐCSTQ đã chịu thiệt.
ĐCSTQ muốn liên thủ với Nga để thiết lập một trật tự quốc tế mới, nhưng tất nhiên họ không có sức mạnh kinh tế và quân sự như vậy. Nhưng để kiềm chế và chỉnh trị ĐCSTQ, Mỹ ngay lập tức tuyên bố sẽ tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan.
Ngày 7/2, phía Mỹ thông báo Bộ Ngoại giao đã phê chuẩn gói bán vũ khí cho Đài Loan với giá 100 triệu đô-la Mỹ (gần 2300 tỷ đồng) trong Kế hoạch Dịch vụ Kỹ thuật Hệ thống Patriot (tên lửa đất đối không MIM – 104) kéo dài 5 năm. Vì vậy Đài Loan cũng được lợi.
Trong khủng hoảng Ukraine, Biden được điểm tín nhiệm, Nga và Đài Loan được lợi, chỉ có ĐCSTQ không được hưởng lợi vì phải mua dầu và khí đốt tự nhiên của Nga với giá đắt hơn thị trường, đồng thời đặt mình vào phía đối lập với Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu.
3 hậu quả nếu Nga xâm lược Ukraine
Chúng ta biết rằng đô-la Mỹ là đồng tiền ‘mạnh’ nhất thế giới, các đồng khác như: Euro, Yen Nhật, đô-la Úc… đều không thể sánh bằng. 40% quyết toán giao dịch toàn cầu là thông qua đô-la Mỹ. Hơn nữa Mỹ kim lấy ‘uy tín quốc gia’ (tín dụng quốc gia) để hậu thuẫn, do đó đây được gọi là ‘tiền tệ tín dụng có chủ quyền’.
Tiếp đến, nếu 2 quốc gia làm ăn, họ dùng đô-la Mỹ để thanh toán thì phải thông qua ‘trung tâm thanh toán’ đặt tại Mỹ. Còn có một luật bất thành văn là giao dịch dầu mỏ phải dùng đô-la Mỹ. Mỹ kim ‘gắn chặt’ với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ – OPEC, đô-la tăng thì giá dầu giảm, đô-la giảm thì giá dầu tăng.
Với ưu thế như vậy, nếu nước Mỹ muốn trừng phạt quốc gia/cá nhân nào, họ chỉ cần cấm người đó sử dụng đô-la Mỹ.
Còn nhớ vào năm 2014, Nga xâm lược Crimea, sau đó nhận phải chế tài của Mỹ. Chúng ta biết rằng, kinh tế Nga chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ. Do đó Nga nhận phải lệnh trừng phạt này chỉ biết đứng chôn chân. Năm 2013 (trước khi xâm lược Crimea), GDP của Nga khoảng 2300 tỷ đô-la Mỹ. Nhưng đến năm 2016, GDP chỉ còn 1285 tỷ đô-la Mỹ, tức là giảm gần một nửa.
Hiện nay, Nga cũng thấy rất rõ tình huống này, nếu Nga thực sự gây chiến với NATO thì ĐCSTQ sẽ không có bất kỳ sự giúp đỡ đáng kể nào đối với Nga, và Mỹ chắc chắn sẽ đuổi Nga ra khỏi hệ thống sử dụng đồng đô-la và SWIFT (1).
Bằng cách này, mọi hoạt động ngoại thương, buôn bán dầu mỏ của Nga sẽ ngừng lại và kết thúc. Hơn nữa, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia làm ăn với Nga, nghĩa là nếu ĐCSTQ tiếp tục mua khí đốt tự nhiên của Nga, cả ĐCSTQ cũng bị trừng phạt.
Ukraine là một quốc gia rất rộng lớn với diện tích khoảng 600 nghìn km2 (gần gấp đôi Việt Nam, 20 lần Đài Loan); dân số 42 triệu người, gấp đôi Đài Loan. Thời còn Liên bang Xô viết, Ukraine là nước lớn thứ hai sau Nga. Nếu Nga chiếm được Ukraine cũng rất khó khống chế được cục diện.
Tuy dân số của Nga là 150 triệu, lớn hơn nhiều so với Ukraine, nhưng Nga cần bao nhiêu quân mới có thể khống chế được Ukraine? Cho dù Nga xây dựng chính phủ bù nhìn sẽ sớm bị đầu phiếu phổ thông (bầu cử dân chủ) lật đổ. Điều này không giống như ĐCSTQ khống chế Hồng Kông, các Đặc khu trưởng là do Bắc Kinh xếp đặt. Ngay cả khi Nga chiếm được Ukraine thì chi phí chính trị và kinh tế đều vô cùng cao.
Nhìn chung, nếu Nga xâm lược Ukraine có sẽ 3 hậu quả lớn:
+ Thứ nhất sẽ gia tăng thái độ thù địch với NATO.
+ Thứ hai sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc
+ Thứ ba là vấp phải sự phản kháng của 42 triệu dân Ukraine, ngay cả khi chiếm được cũng không khống chế được cục diện.
Với những biến số khó lường như vậy, Putin sẽ không dám mạo hiểm vì còn liên quan đến việc tái đắc cử của ông.
Nhân đây Giáo sư Chương nói thêm, thị trường chứng khoán Mỹ không giảm mạnh vì khủng hoảng Ukraine. Nếu cuộc khủng hoảng này thật sự nghiêm trọng, các nhà đầu tư sẽ tháo chạy khỏi thị trường, bởi vì họ sợ sợ nhất sự bất ổn định. Hễ chiến tranh xảy ra, sẽ không biết kéo dài bao lâu, giá năng lượng và lạm phát tăng cao, kinh tế thế giới sụt giảm v.v. nhưng tới hiện nay vẫn chưa có điều gì bất thường xảy ra.
Từ những phân tích trên Giáo sư Chương đánh giá, việc Nga xâm lược Ukraine ‘nguy hiểm lớn, lợi ích nhỏ’, Nga không dám và cũng không cần làm việc đó, còn kết quả thật sự thì sau 20/2 – ngày kết thúc cuộc tập trận giữa Nga và Belarus sẽ có kết quả rõ ràng.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) NATO là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, mục đích ban đầu để đối phó với Liên Xô. Trong đó có một điều khoản là: nếu bất cứ thành viên nào bị tấn công, thì các thành viên còn lại sẽ thực hiện các cuộc tấn công quân sự đáp trả. Nếu Nga giáp trực tiếp với NATO, nhỡ xảy ra xung đột gì thì toàn khối NATO sẽ đáp trả lại Nga. Do đó Nga rất ngại xung đột trực tiếp hoặc tiếp giáp quá gần NATO.
(1) Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication – Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế.