Ông Nguyễn Hoài Nam (SN 1973, ngụ quận 12, TP.HCM, là nhà báo) vừa bị Viện KSND TP.HCM truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015 sau 10 tháng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Theo nội dung cáo trạng, năm 2018, ông Nguyễn Hoài Nam (lúc này là phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM) có loạt bài về những sai phạm tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, được Ban biên tập duyệt đăng trên Báo Pháp luật TP.HCM. Các bài viết gồm: “Nghi vấn quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa” đăng ngày 1/8/2018; “Nghi vấn quỹ đen ở Cục Đường thủy: Buổi chia chác tiền tỷ” đăng ngày 2/8/2018 và “Cục trưởng Nguyễn Hồng Giang nói gì về quỹ đen” đăng ngày 3/8/2018.
Sau đó, Bộ GTVT thành lập tổ xác minh đến Báo Pháp luật TP.HCM để xác minh. Ngày 14/8/2018, đại diện Báo Pháp luật TP.HCM đã cung cấp tài liệu cho tổ xác minh của Bộ GTVT.
Ngày 8/10/2018, ông Nam đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an làm việc và cung cấp các tài liệu, dữ liệu điện tử và tài liệu khác cho Cơ quan CSĐT.
Đầu tháng 10/2018, ông Trần Văn Vệ, lúc này là Chánh Văn phòng, Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT Bộ Công an, được phân công chỉ đạo, điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Ngày 27/6/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 3 bị can gồm: Phạm Văn Thông (Giám đốc Ban quản lý dự án), Vũ Mạnh Hùng (Trưởng phòng Kế hoạch – đầu tư, cùng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) và Trần Đức Hải (Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, 14 cá nhân đại diện cho 16 nhà thầu đưa hối lộ cho Phạm Văn Thông có dấu hiệu của tội đưa hối lộ, nhưng bản thân họ chính là nạn nhân của tệ nạn tham nhũng trong xã hội hiện nay. Họ bị các công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước nhũng nhiễu và đều mong muốn có công ăn việc làm cho người lao động nên không đặt vấn đề xử lý hình sự với 14 cá nhân này.
Vẫn theo kết luận điều tra, hành vi của ông Hoàng Hồng Giang (Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Nhưng ông Giang có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong quản lý, điều hành tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị. Ngoài ra, chưa đủ tài liệu chứng minh ông Giang biết và chỉ đạo thu, nhận tiền của 14 cá nhân đại diện 16 nhà thầu và nhận 5.000 USD do Thông đưa cho.
Không đồng tình với kết luận điều tra vụ án và bản án xét xử các bị can, ông Nam liên tiếp có đơn gửi các cơ quan chức năng và đăng tải trên tài khoản trang mạng Facebook cá nhân tố cáo Trung tướng Trần Văn Vệ và một số điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT Bộ Công an có hành vi bao che, bỏ lọt tội phạm đối với ông Giang và 14 cá nhân nêu trên.
Ngày 20/1/2020, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành Quyết định giải quyết tố cáo số 01/QĐ-VPCQCSĐT-P5 kết luận: Ông Nguyễn Hoài Nam tố cáo trung tướng Trần Văn Vệ và một số điều tra viên Cơ quan CSĐT Bộ Công an là tố cáo sai. Ngày 21/2/2020, Viện KSND tối cao ra công văn xác nhận quyết định trên của Cơ quan CSĐT Bộ Công an là “đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục pháp luật”.
Ông Nam tiếp tục gửi đơn thư và đăng tải các bài viết tố cáo ông Trần Văn Vệ và các điều tra viên thụ lý vụ án với nội dung: “Tướng Vệ cùng thuộc cấp bắt tay nhau bỏ lọt Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa trong vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam năm 2018″,…
Kết luận điều tra cho rằng “các bài viết trên có nhiều bình luận và chia sẻ với những từ ngữ thô tục, thiếu văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân ông Trần Văn Vệ cũng như uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật”.
Tháng 12/2020, ông Trần Văn Vệ (nguyên Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT Bộ Công an) và ông Trần Văn Quân (điều tra viên thuộc Cục C01) có đơn tố giác về tội phạm gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an tố cáo ông Nguyễn Hoài Nam. Tới ngày 3/4/2021, ông Nam bị khởi tố, bắt tạm giam.
Vụ bắt giữ diễn ra bất ngờ khi trước đó 17 giờ, các tài khoản Facebook cá nhân của ông Nam (“Phóng viên Hoài Nam”, “Nhà báo Hoài Nam”, “Nguyễn Hoài Nam”, “Hoài Nam”) vẫn đăng dòng trạng thái về vụ việc hai thiếu niên bị bảo vệ dân phố hành hung tại trường THCS Nguyễn Văn Tố (phường 14, quận 10).
Trong bài đăng “Vì sao C01 không chịu nhận sai?” ngày 26/2/2021, ông Nam cho biết sau khi đưa ra chứng cứ khẳng định C01 bỏ lọt 15 tội phạm trong một vụ án tham nhũng, ông đã gặp ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, đưa chứng cứ cũng như viện dẫn các điều luật hình sự, tố tụng hình sự, trình bày cả một bản thuyết trình bỏ lọt tội phạm. Ông Nam cho biết ông Nhưỡng với kiến thức luật của mình đồng tình rằng việc ông Nam tố cáo hàng loạt cán bộ C01 và vụ 5 Viện KSND tối cao bỏ lọt tội phạm là đúng pháp luật.
Ông Nam cho hay: “Thứ nhất: Tôi tố cáo Trung tướng Trần Văn Vệ, Thượng tá Trần Việt Dũng lợi dụng chức vụ quyền hạn để bỏ lọt 15 tội phạm, trong đó có 14 đối tượng đưa hối lộ gần 5 tỷ đồng cho bị can Phạm Văn Thông, họ phải bị xử hình sự theo điều 364 Bộ Luật hình sự 2015. Không có điều khoản nào trong Bộ luật hình sự 2015 quy định người đưa hối lộ được miễn trách nhiệm hình sự vì họ là nạn nhân của tệ nạn tham nhũng. Nên Quyết định giải quyết tố cáo của Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng tôi tố cáo sai là trái pháp luật.
Thứ hai: Tôi tố cáo trung tướng Vệ, thượng tá Dũng và đại úy Nguyễn Xuân Tráng bỏ lọt tội phạm thuộc nhóm tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp, không thuộc thẩm quyền giải quyết của BCA. Việc C01 thụ lý sau đó kết luận trái pháp luật là không đúng thẩm quyền. Lẽ ra Bộ Công an phải chuyển vụ việc này sang cơ quan điều tra Viện KSND tối cao. Đặc biệt, trước khi Thượng tướng Vương ký Quyết định giải quyết tố cáo, tôi có gửi văn bản đề nghị chuyển vụ việc sang Cơ quan Điều tra Viện KSNDTC, vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của BCA, nhưng thượng tướng Vương và C01 vẫn giữ lại để giải quyết và kết luận là sai, đồng nghĩa Quyết định giải quyết tố cáo đó không có giá trị pháp lý.
Tôi không muốn đưa vụ việc này lên mạng xã hội, tôi tha thiết được gặp Thượng tướng Vương. Thậm chí văn bản làm việc với tôi ngày 10/12/2020, tôi đề nghị được gặp Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành (Chánh văn phòng C01) để trình bày và đưa chứng cứ, tôi cam kết gặp xong tôi sẽ xóa toàn bộ các bài viết liên quan đến C01 bỏ lọt tội phạm. Nhưng cả Thượng tướng Vương và Thiếu tướng Hoành vẫn không chịu gặp tôi. Ngược lại, muốn triệt hạ tôi bằng cách gửi văn bản cho công an nhiều tỉnh, thành đề nghị rà soát xem tôi phối hợp, tố giác tội phạm có tiêu cực không.”
Ông Nguyễn Hoài Nam, bút danh “Hoài Nam”, là nhà báo điều tra, tác giả của nhiều tuyến bài điều tra quan trọng, gây sức ảnh hưởng lớn như: Người ghi hình lâm tặc phá rừng (2008), Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái (2009), Nạo vét sông Thị Vải – Sự mờ ám kinh tởm (2013), Đường dây rút ruột xăng E5 quy mô lớn (2018), Nghi vấn quỹ đen ở cục Đường thủy nội địa (2018)…
Ông Nam từng công tác hoặc làm cộng tác viên tại nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau. Ngày 31/12/2020, ông Nam viết trên trang cá nhân, rằng “Năm 2020 một năm “bão lửa”, chia sẻ về những xung đột gặp phải khi bảo vệ thành quả điều tra thực hiện gần 2 năm (từ tháng 11/2016 đến tháng 7/2018), khi ông cho rằng các cơ quan điều tra của Bộ Công an, Viện KSND tối cao đã bỏ lọt 15 tội phạm trong một vụ án tham nhũng ngân sách của nhà nước xảy ra tại Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam.
Xuân Tường