Thủ tướng Úc Scott Morrison đã cáo buộc Trung Quốc “hành động bắt nạt” sau khi một tàu chiến của chế độ Bắc Kinh tuần trước đã chiếu tia laser vào một máy bay trinh sát quân sự của quân đội Úc.
Bộ Quốc phòng Úc cho biết chiếc máy bay tuần duyên P-8A Poseidon của quân đội Úc hôm thứ Năm tuần trước (17/2) khi đang bay trên vùng trời phía bắc Úc đã bị một tàu chiến của Hải quân Trung Quốc chiếu tia laser gây nguy hiểm trực tiếp cho phi hành đoàn.
Thủ tướng Morrison cho biết chính phủ của ông sẽ yêu cầu Bắc Kinh giải thích về hành vi nêu trên.
“Tôi có thể thấy [hành động đó] không gì khác hơn là hành động bắt nạt, vô cơ và phi pháp”, ông Morrison nói trong một buổi họp báo hôm 20/2. “Úc sẽ không bao giờ chấp nhận những hành động bắt nạt như vậy”, ông Morrison khẳng định.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton đã gọi vụ việc nêu trên là “hành động rất gây hấn” diễn ra ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Úc.
“Tôi nghĩ chính quyền Trung Quốc đang hy vọng rằng không ai nói về những hành động bắt nạt hung hăng này”, ông Dutton nói trên kênh truyền hình Sky News. “Chúng ta đang chứng kiến những dạng khác của [hành vi bắt nạt đó] diễn ra ở khắp khu vực và nhiều nơi trên thế giới”.
Theo Bộ Quốc phòng Úc, tàu Trung Quốc đang di chuyển qua Biển Arafura tiến về phía đông cùng với một tàu hải quân khác của quân đội Trung Quốc vào thời điểm xảy ra sự vụ chiếu tia laser vào máy bay quân sự Úc. Biển Arafura nằm giữa bờ biển phía Bắc của Úc và bờ biển phía Nam của New Guinea.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Úc, nhưng quan hệ giữa hai nước đã ngày càng xấu trong những năm gần đây sau một loạt các chính sách chống Trung của Canberra.
Năm 2018, Úc đã cấm công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Huawei Technologies tham gia vào xây dựng mạng 5G tại Úc. Canberra sau đó cũng đã ban hành nhiều luật chống lại can thiệp chính trị từ bên ngoài, chủ yếu nhằm ngăn chặn Trung Quốc gây ảnh hưởng tại Úc.
Chính quyền của Thủ tướng Morrison cũng đi đầu trong việc kêu gọi quốc tế tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona gây bệnh COVID-19, vốn bùng phát lần đầu tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Đức Thiện (Theo Reuters)