Cựu lãnh đạo MI6: Bắc Kinh nhắm vào tài nguyên và sự giàu có của Úc

Victoria Kelly-Clark

Ảnh tư liệu về một tấm biển kêu gọi chấm dứt hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) ở Melbourne, Úc, hôm 30/09/2018. (Ảnh: Leigh Smith/Facebook)

Bắc Kinh đã hướng cặp mắt “săn mồi” của mình đến sự giàu có và đất đai của Úc, người từng đứng đầu cơ quan tình báo MI6 của Anh, ông Richard Dearlove cảnh báo.

Ông Dearlove, người điều hành cơ quan gián điệp này từ năm 1999 đến năm 2004, cho biết sự giàu có và tài nguyên chưa được khai thác của Úc rất hấp dẫn đối với Bắc Kinh.

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang để mắt đến lục địa này theo kiểu săn mồi,” ông Dearlove nói trên podcast One Decision hôm 14/02. “Và khi bản thân chúng tôi không thực sự chú ý, [Trung Quốc] đã chú ý, đã đặt sự chú ý rất lớn về mặt chiến lược và chính trị lên Úc.”

Ông nói, điều khiến Úc trở nên có ý nghĩa chiến lược là vị trí địa lý, vùng đất giàu tài nguyên, và ngoài ra là sự đóng góp quý giá của nước này vào khả năng tình báo của thế giới phương Tây thông qua chuyên môn của Úc trong việc giám sát và chặn thông tin liên lạc của các quốc gia như Trung Quốc và Nga.

Ông Richard Dearlove, cựu lãnh đạo MI6, rời Tối cao Pháp viện sau khi làm chứng trong một phiên điều trần ở London, Vương quốc Anh, hôm 20/02/2008. (Ảnh: Cate Gillon/Getty Images)

Ông Dearlove cho biết người Úc không chỉ dựa vào các lực lượng tình báo của Hoa Kỳ và đã phát triển hoạt động tình báo “tinh vi” của riêng họ trong cộng đồng an ninh.

“Vì vậy, không chỉ thông qua địa lý, quý vị biết đấy, họ đã trở thành nhân tố đóng góp quan trọng khi cộng đồng của họ trưởng thành và phát triển, và cũng rất quan trọng trong chỉnh thể khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông cho hay.

Nhận xét từ ông Dearlove được đưa ra bên lề một cuộc phỏng vấn với cựu ngoại trưởng Úc, bà Julie Bishop, người đã lưu ý rằng các nước phương Tây đã sai lầm trong những đánh giá trước đây của họ về mối đe dọa của Trung Cộng đối với thế giới.

“Khi quý vị nhớ lại hồi năm 2001 khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, đó là một cột mốc quan trọng, nhưng đó cũng là thời điểm mà tôi nghĩ, nhìn chung là các nền dân chủ tự do phương Tây tin rằng Trung Quốc đang trở nên giống như họ. Rằng Trung Quốc đang mở cửa thị trường của mình và do đó, mở cửa nền kinh tế và cải cách chính trị sẽ theo sau,” bà Bishop nói.

“Nhưng trong suốt quãng thời gian đó, Trung Quốc ngày càng trở nên hùng mạnh hơn về kinh tế và ít cởi mở hơn về mặt chính trị. Ý tôi là, Trung Quốc đang rời bỏ bất kỳ cải cách dân chủ nào, chứ không phải là đang tiến tới đó,” bà nói.

Bà Bishop cũng chỉ trích Bắc Kinh và Moscow vì thiếu trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop trình bày trong một cuộc họp báo tại Hội nghị Tham vấn cấp Bộ trưởng Úc-Hoa Kỳ (AUSMIN) tại Viện Hoover trong khuôn viên Đại học Stanford ở Stanford, California, hôm 24/07/2018. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

“Tôi luôn thấy điều đó thật mỉa mai vì Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà tôi tin rằng, có trách nhiệm đặc biệt phải tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực và quy định của Liên Hiệp Quốc. Nhưng dù sao thì, họ đã từ chối,” bà nói.

“Tôi thường xuyên nêu lên quan điểm với những người đồng cấp của mình ở cả Trung Quốc và Nga rằng với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, họ có trách nhiệm đặc biệt là duy trì hòa bình, ổn định, và an ninh trên toàn thế giới, và điều đó có nghĩa là cam kết tuân theo và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Nhưng có vẻ như, trong cả hai trường hợp của cả Nga và Trung Quốc, họ tự chọn lấy hai bổn phận mà họ muốn làm theo.”

Trong khi đó, ông Dearlove ca ngợi nỗ lực của chính phủ Thủ tướng Morrison trong việc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của COVID-19, mà ông tin rằng là kết quả của một thí nghiệm tăng chức năng đã xảy ra sai sót.

“Tôi nghĩ rằng nỗ lực của họ (của Úc) đã đúng khi đòi hỏi, quý vị biết đấy, phải có một cuộc điều tra quốc tế, nhưng tất nhiên, sau đó họ đã phải trả một cái giá chính trị rất cao cho điều đó khi Trung Quốc phản lại và thực sự cố gắng hạ gục họ theo phương thức đáng hổ thẹn nhất,” ông nói. “Trung Quốc đã thực sự tháo găng tay ra để đáp trả Úc và đe dọa họ theo một cách khá bất thường.”

Sau khi chính phủ Thủ tướng Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế, Bắc Kinh đã nhắm vào Úc với một loạt biện pháp cưỡng chế, đặt lệnh cấm vận đối với hàng hóa buôn bán với Trung Quốc bao gồm rượu, bia, bông, thịt bò, mật ong, gỗ và thịt cừu, như một hình phạt cho cuộc điều tra này.

Chính quyền Trung Quốc cũng đưa ra danh sách 14 điều bất mãn cho một tờ báo của Úc, những điều mà họ nói rằng Úc sẽ phải giải quyết trước khi quan hệ ngoại giao có thể được bình thường hóa.

Vào thời điểm danh sách đó được công bố, Thủ tướng Scott Morrison đã tuyên bố Úc ban hành luật pháp phù hợp với lợi ích và giá trị của mình và “không theo lệnh của bất kỳ quốc gia nào khác.”

Ông Dearlove cho biết ông nghĩ rằng chính sách ngoại giao chiến lang của Bắc Kinh đã hoàn toàn phản tác dụng với chế độ cộng sản này.

“Tôi không nghĩ rằng điều đó nhất thiết có tác dụng cho lợi ích của Trung Quốc vì đối với tôi, dường như họ đã từ bỏ cách thức mà trước đây họ được hưởng lợi từ quyền lực mềm,” ông nói.

Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc chuyên về chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.

Thiện Lan biên dịch

Related posts