Vụ ‘bà mẹ 8 con Từ Châu’ – Chính quyền Trung Quốc đang điều tra sự thật hay là duy trì ổn định?

Đông Phương

Bức ảnh so sánh đặc điểm khuôn mặt của Lý Oánh (bên trái, cô gái người Tứ Xuyên bị mất tích năm 12 tuổi) và bà mẹ 8 con bị xích cổ ở Từ Châu (bên phải, người được phần lớn cư dân mạng cho là Lý Oánh). (Ảnh từ Weibo)

Hôm 17/2, tỉnh Giang Tô chính thức thành lập tổ điều tra vụ việc “bà mẹ 8 con bị xích cổ ở Từ Châu”. Tuy nhiên sau đó cư dân mạng phát hiện rằng có rất nhiều bài đăng trên Internet liên quan đến vụ việc này đã bị xóa, mức độ phổ biến của chủ đề ‘người phụ nữ bị xích cổ’ trên Weibo cũng giảm đáng kể. Có dấu hiệu cho thấy chính quyền đang yêu cầu tăng cường kiểm soát ngôn luận về vụ việc.

Vụ bà mẹ 8 con bị xích cổ ở Từ Châu bị phanh phui vào cuối tháng Một năm nay. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại hoàn toàn im lặng. Từ ngày 28/1 đến 10/2, chính quyền địa phương đã đưa ra 4 thông báo không nhất quán khiến nghi vấn trong lòng người dân càng tăng cao. Đây là một sự kiện hiếm hoi khi mà lượng lớn người dân Trung Quốc dám lên tiếng và tham gia vào làn sóng yêu cầu giải trình về vụ việc “người phụ nữ bị xích cổ”.

Cho đến khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh bế mạc, danh tính của “người phụ nữ bị xích cổ” ở Từ Châu vẫn là một ẩn số trong suốt hơn 20 ngày qua. Các tổ chức nhân quyền và các kênh truyền thông lớn trên thế giới đang theo dõi động thái của chính quyền, nạn bắt cóc buôn bán phụ nữ ở Trung Quốc một lần nữa bị lên án mạnh mẽ, và các quan chức địa phương bị nghi là kẻ đồng phạm. Đáng chú ý là trong thời gian này, mạng Internet của chính quyền Trung Quốc – vốn kiểm duyệt rất chặt chẽ – lại không hoàn toàn dập tắt tiếng nói của cư dân mạng.

Đến ngày 17/2, tỉnh Giang Tô thông báo thành lập đội điều tra về sự việc của người phụ nữ 8 con ở huyện Phong. Chính quyền tuyên bố sẽ tìm ra sự thật, nhưng các dấu hiệu sau đó lại làm dấy lên nghi ngờ rằng họ đang duy trì ổn định toàn diện.

Trước đây, cuốn sách có tên “Tội ác trường kỳ – Tường thuật về nạn buôn bán phụ nữ ở Trung Quốc”, xuất bản năm 1989, từng xuất hiện trên nhiều trang web. Nhưng hiện không thể tìm thấy trên các hiệu sách trực tuyến của Trung Quốc như dangdang.com, jd.com hay kongfz.com.

Hiện tại, không có chủ đề nào liên quan đến huyện Phong, Từ Châu trong danh sách tìm kiếm nóng của Weibo. Mức độ phổ biến của Từ Châu trên Weibo đã “rơi xuống đáy vực”. 

Truyền hình vệ tinh Thâm Quyến là kênh truyền thông duy nhất đưa tin hoàn chỉnh về vụ việc “người phụ nữ bị xích cổ” trên chương trình “Chính Ngọ 30 Phút” vào ngày 18/2. Nhưng ảnh chụp màn hình lan truyền trên Internet cho thấy họ đã bị cấm đăng lại video đó.

Ảnh chụp màn hình lan truyền trên Internet cho thấy, Truyền hình vệ tinh Thâm Quyến bị cấm đăng lại tập phát sóng ngày 18/2 của chương trình “Chính Ngọ 30 Phút” về “người phụ nữ 8 con ở huyện Phong”.

Ngoài ra còn có một bức ảnh chụp màn hình đoạn chat cho thấy, một trường đại học ở Nam Kinh ra lệnh nghiêm cấm Thích (Like), Chia sẻ (Share) và Bình luận (Comment) về vụ người phụ nữ bị xích cổ. Cư dân mạng đăng tải bức ảnh cho biết, vì sợ bị lưu lại bằng chứng nên không lâu sau khi gửi đi, đầu bên kia đã thu hồi tin nhắn. 

Ảnh chụp màn hình đoạn chat cho thấy, một trường đại học ở Nam Kinh ra lệnh nghiêm cấm Thích (Like), Chia sẻ (Share) và Bình luận (Comment) về vụ người phụ nữ bị xích cổ.

Tài khoản WeChat “F Jiang Lijun” đã đăng trên Moments (tương tự như các bài đăng trên Facebook), nói rằng ông chính là người đã tìm thấy bức ảnh giấy đăng ký kết hôn của đương sự trong vụ án bà mẹ 8 con Từ Châu trên trang web chính thức của Cục Dân chính huyện Phong, rồi lưu truyền ra ngoài. Bức ảnh giấy kết hôn được cư dân mạng dùng làm bằng chứng chứng minh rằng “người phụ nữ bị xích cổ” và “Tiểu Hoa Mai” mà chính quyền công bố không phải là cùng một người. Điều này khiến dư luận càng đặt nghi vấn hơn về các quan chức Từ Châu, và phần lớn nghi ngờ rằng người phụ nữ bị xích cổ chính là Lý Oánh (Li Ying), một cô gái bị mất tích ở Tứ Xuyên năm 12 tuổi. Nhưng chính quyền liên tục phủ nhận.

Vẻ ngoài của “người phụ nữ bị xích ở Từ Châu” được cho là rất giống với Lý Oánh. Một đạo diễn đến từ huyện Phong từng tiết lộ trên Weibo rằng, người dân địa phương đều biết “bà mẹ 8 con” là Lý Oánh, nhưng vì cha của Lý Oánh là một quân nhân, nếu nói ra sẽ gây ảnh hưởng không tốt, vậy nên không thể thừa nhận rằng cô ấy là Lý Oánh. Sau đó, ông cho biết đã nhận được cuộc gọi từ chính quyền yêu cầu không được nói về chuyện này, chính quyền còn nhờ một số “người thân ở huyện Phong” thuyết phục ông xóa bài đăng.

Mới đây, một tài khoản chuyên về công nghệ đã đăng một đoạn video lên Weibo, nói rằng đã dùng phần mềm máy tính để so sánh các bức ảnh của “người phụ nữ bị xích ở Từ Châu” và Lý Oánh, và nhận thấy sự giống nhau đến kinh ngạc. Nhưng chính quyền đã ngay lập tức khóa tài khoản Weibo này.

Theo tài khoản WeChat “F Jiang Lijun”, để đối phó với vụ việc này, toàn Trung Quốc đang triển khai hoạt động “dập tắt tiếng nói”. “Một ngày sau khi thành lập nhóm điều tra, các nhà hoạt động trên khắp Trung Quốc đã nhận được cuộc gọi từ đồn cảnh sát, yêu cầu xóa tất cả các bài đăng, hình ảnh và video về người phụ nữ bị xích cổ. Đồng thời phải rút lại lời kêu gọi và hủy chữ ký ủng hộ của họ, nếu không sẽ phải tự chịu hậu quả”.

“F Jiang Lijun” đăng trên WeChat nói rằng, toàn Trung Quốc đang triển khai hoạt động dập tắt tiếng nói về vụ người phụ nữ bị xích ở Từ Châu. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, theo các video được đăng lại trên Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác, trong hai ngày qua các phóng viên ở Hồ Nam muốn vào làng Đổng Tập, huyện Phong, Từ Châu – nơi xảy ra vụ việc, nhưng tất cả các lối vào làng đều có bảo vệ, và họ bắt buộc phải có dân làng ra đón nếu muốn vào làng. Khi phóng viên hỏi nguyên nhân lập chốt chặn, người canh gác nói rằng do dịch bệnh.

Ông Quan Quân (Guan Jun), một cựu nhân viên truyền thông, đã đăng bài viết có tiêu đề “Xử lý vụ việc huyện Phong, xin đừng bỏ qua chu kỳ Olympic” trên WeChat vào ngày 17/2. Ông chỉ ra rằng, khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội lần đầu tiên vào năm 2008 đã gặp phải “sự cố sữa bột nhiễm độc melamine”. Đến năm 2022 khi tổ chức Thế vận hội Mùa đông lại gặp phải sự cố “người phụ nữ bị xích cổ ở Từ Châu”. “Có lẽ hoàn toàn là ngẫu nhiên, hoặc có lẽ thế gian này thực sự tồn tại một sức mạnh cân bằng và âm thanh cảnh báo nào đó, nhắc nhở mọi người nhận ra sự phức tạp và bản chất, sự thực của hiện tượng”.

Bài viết này cũng đã bị gỡ bỏ.

Nhà bình luận: Bắc Kinh đang chuẩn bị để phát hành kịch bản duy trì ổn định

Nhà bình luận các vấn đề thời sự gốc Hoa, ông Hách Bình (Hao Ping) cho biết trên The Epoch Times rằng, chính quyền Trung Quốc đang khẩn trương diễn tập vở kịch này trước khi phát hành. Tiếp theo đây, chúng ta sẽ thấy được kịch bản duy trì sự ổn định của Bắc Kinh. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ “bào chế” ra một cái gọi là báo cáo điều tra, và công bố kết quả rằng “người phụ nữ bị xích cổ” không phải là Lý Oánh. Khi công chúng đặt câu hỏi một lần nữa, các kênh truyền thông chính thức và đội quân Internet sẽ dốc toàn lực để dẫn hướng dư luận và tóm gọn những người bất đồng ý kiến. Từ Châu, huyện Phong, rồi thị trấn Hoan Khẩu, nơi xảy ra vụ việc “bà mẹ 8 con”, sẽ đẩy một số quan chức ra gánh tội, quan càng nhỏ thì tội càng lớn. Những kẻ buôn người sẽ bị tóm “gọn gàng” và các kênh truyền thông lớn sẽ dàn trận đấu tố họ … Đây không phải là tán chuyện giật gân.

Bài báo nói rằng, nếu ĐCSTQ thực sự muốn hoàn lương, thực sự muốn quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, thực sự muốn xây dựng sự nghiệp nhân quyền, thì đầu tiên nó phải dỡ bỏ hết các trại tập trung ở Tân Cương, trả lại tự do cho Hong Kong, tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo, và trả tự do vô điều kiện cho toàn bộ học viên Pháp Luân Công đang bị bức hại.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

Related posts