Việc làm cho thanh niên đã nổi lên như một trong những thách thức cấp bách nhất của Bắc Kinh — với hơn 10 triệu sinh viên mới tốt nghiệp dự kiến sẽ gia nhập thị trường lao động trong năm nay — trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái, khu vực bất động sản sụt giảm, và những khó khăn khác.
Đối mặt với kỷ lục 10,76 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học sẽ tham gia thị trường việc làm đầy cạnh tranh vào mùa hè này, vào ngày 11/2/2022, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã công bố các ưu đãi tài chính để thúc giục các công ty nhỏ thuê sinh viên mới tốt nghiệp, và để hỗ trợ đặc biệt cho những người trẻ khởi nghiệp.
Kênh truyền thông nhà nước Nhật báo Quang Minh đưa tin, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp được các công ty tuyển dụng giảm xuống còn 32% vào năm 2021, trích dẫn một cuộc khảo sát tại 34 trường đại học trên khắp đất nước do Đại học Bắc Kinh thực hiện.
Ngoài ra, một cuộc khảo sát do Đại học Nhân dân Trung Quốc thực hiện cho thấy, 61% các công ty sử dụng “lao động linh hoạt” vào năm 2021.
Số liệu của chính phủ chỉ ra rằng, hơn 200 triệu người lao động đã có “việc làm linh hoạt” vào năm ngoái, tờ Nhật báo Nhân dân đưa tin, trích dẫn số liệu từ Trung tâm Tư vấn Nghề nghiệp và Thông tin Sinh viên Đại học Quốc gia. Con số này là gần 1/4 lực lượng lao động của Trung Quốc.
Dữ liệu trên không chỉ đại diện cho những thay đổi cơ bản xảy ra trong nền kinh tế Trung Quốc, do sự xuất hiện của nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế nền tảng, mà còn phản ánh bức tranh xấu đi của thị trường việc làm.
Tờ Nhật báo Nhân dân cho biết thêm rằng, cứ 6 sinh viên mới tốt nghiệp thì có 1 người trở thành người lao động linh hoạt trong cả năm 2020 và 2021.
Ở Trung Quốc, “việc làm linh hoạt” chính thức dùng để chỉ nhiều loại nhân công tạm thời, bao gồm tài xế giao hàng, chủ tiệm internet, quản gia, tài xế các dịch vụ gọi xe, và những người khác nữa. Tuy nhiên, một số người tin rằng, thuật ngữ này chỉ là một cách gọi khác của “thất nghiệp”.
Tờ Nhật báo Kinh tế của nhà nước Trung Quốc đưa tin, nhóm việc làm linh hoạt phải đối mặt với những trở ngại như thu nhập bấp bênh, quyền và lợi ích của người lao động được bảo vệ không đầy đủ, và triển vọng việc làm không chắc chắn.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, tỉ lệ thất nghiệp của người Trung Quốc trong độ tuổi 16 – 24 là 14,3% vào tháng 12. Tuy nhiên, tỉ lệ này ở thanh niên từ 20 – 24 tuổi lên đến hơn 20%, theo như ông Lý Dương — Tổng giám đốc Viện Tài chính và Ngân hàng thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc — cho biết.
Hầu hết các nhà kinh tế tin rằng, các số liệu chính thức của Trung Quốc đánh giá thấp tình trạng thất nghiệp, vì họ loại trừ 149 triệu chủ doanh nghiệp tự kinh doanh và khoảng 300 triệu lao động nhập cư, theo tờ South China Morning Post đưa tin.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm còn 4% vào quý 4 năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, do sự bùng phát trở lại của COVID-19 và khủng hoảng bất động sản, cùng với các vấn đề khác, kết hợp làm giảm động lực kinh tế.
Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ Tianyancha — chuyên theo dõi thông tin đăng ký doanh nghiệp công khai — và cho hay, khoảng 4,4 triệu doanh nghiệp nhỏ đã bị hủy đăng ký trong 11 tháng đầu năm 2021. Con số này gấp hơn 3 lần số lượng các công ty nhỏ và siêu nhỏ mới được thành lập trong cùng khoảng thời gian ấy.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc chiếm hơn 80% việc làm ở thành thị.
Dữ liệu cho thấy, vào năm 2020, hơn 6 triệu doanh nghiệp nhỏ được thành lập.
Cạnh tranh việc làm ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi việc sa thải nhân viên do chính sách đàn áp của Bắc Kinh đối với một loạt lĩnh vực, bao gồm công nghệ tài chính, giáo dục và dạy thêm, bất động sản và các nhà máy phát thải cao — tất cả đều chứng kiến cơ hội việc làm nhanh chóng bị thu hẹp.
Ví dụ, một phân tích cho thấy, nỗ lực thắt chặt các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh dạy thêm của Bắc Kinh vào năm ngoái có thể đẩy hơn 3 triệu việc làm vào tình trạng hiểm nghèo, cho dù là do người lao động bị sa thải, buộc phải thay đổi công việc, hay chuyển sang các bộ phận khác.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, thanh niên có trình độ học vấn của Trung Quốc không có động cơ kết hôn hoặc xây dựng gia đình do triển vọng việc làm không chắc chắn; do đó, độ tuổi kết hôn sẽ bị trì hoãn hơn nữa, trong khi tỉ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm. Đây là một sự phát triển đáng lo ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Cao Dương
Theo The Epoch Times