Hiện đại hóa quân đội Trung Quốc: Khai thác công nghệ cao trong dân sự

Richard A.Bitzinger

Một nữ quân nhân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia huấn luyện quân sự tại Dãy núi Pamir ở Kashgar, vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc hôm 04/01/2021. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Trung Quốc đã đưa hoạt động “hợp nhất phát triển công nghệ dân sự và quốc phòng” trở thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia.

Quân đội Trung Quốc đang theo đuổi chiến tranh “thông minh hóa” (hay “thông minh”). Đối với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), điều này đòi hỏi phải tạo ra “vũ khí thông minh”. Điều này bao gồm các loại vũ khí như thiết bị bay không người lái tự động, có khả năng tự hành mà không cần sự điều khiển của con người. Việc này cũng đòi hỏi các hệ thống tự động để thu thập và xử lý thông tin tình báo — cả chiến lược và chiến thuật — để sử dụng trong quân sự.

Những khả năng này chủ yếu dựa vào cái gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay Công nghiệp 4.0, viết tắt là 4IR), chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, dữ liệu lớn, điện toán lượng tử, v.v.

Trung Quốc đặc biệt coi trọng AI như một công nghệ chủ chốt có thể chứng minh là trọng yếu trong sự cạnh tranh chiến lược của họ với Hoa Kỳ. PLA tin rằng AI có thể sẽ là chìa khóa để vượt qua quân đội Hoa Kỳ với tư cách là lực lượng vũ trang có năng lực nhất thế giới.

Sự nhấn mạnh vào bản chất cách mạng và tính đột phá của các công nghệ 4IR này khi nói đến lợi thế quân sự trong tương lai có nghĩa là việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng gắn liền với đổi mới công nghệ dân sự, vì hầu hết các đột phá của 4IR — đặc biệt là trong các lĩnh vực AI — lại đang diễn ra trong lĩnh vực thương mại.

Sự phụ thuộc vào các công nghệ thương mại này đổi lại đã cho thấy tầm quan trọng của việc “kết hợp quân sự-dân sự” (MCF). Điều này đã trở thành một thành phần thiết yếu trong nỗ lực chiến lược dài hạn của Bắc Kinh nhằm biến Trung Quốc thành một siêu cường công nghệ, trên cả khía cạnh quân sự và dân sự.

Bắc Kinh đang theo đuổi cách tiếp cận đổi mới theo hai hướng đối với MCF, trước tiên, bằng cách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ 4IR thương mại trọng yếu, rồi tiếp đến là thúc đẩy việc thương mại hóa những công nghệ này vào trong lĩnh vực quân sự.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy rằng MCF đã đan xen hiện đại hóa quân sự với đổi mới công nghệ dân sự trong một số lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng chính yếu, bao gồm hàng không vũ trụ, sản xuất thiết bị tân tiến, AI, và các nguồn năng lượng thay thế.

MCF cũng “liên quan đến sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa quản lý quân sự và dân sự ở tất cả các cấp chính phủ: trong việc huy động quốc phòng, quản lý không phận và phòng không dân sự, lực lượng trừ bị và dân quân, cũng như phòng thủ vùng biên giới và miền duyên hải,” theo một báo cáo của Quỹ Jamestown.

Các tàu Trung Quốc, được cho là do dân quân hàng hải Trung Quốc điều khiển, được nhìn thấy tại Bãi đá ngầm Whitsun, Biển Đông, vào ngày 27/03/2021.

Năm 2017, Bắc Kinh đã thành lập Ủy ban Trung ương về Phát triển Quân-Dân Kết hợp, một cơ quan quyền lực mới giám sát chiến lược MCF và việc thực hiện [chiến lược này].

Cùng năm đó, Trung Quốc đã ban hành “Kế hoạch Đặc biệt Năm năm lần thứ 13 đối với Phát triển Khoa học và Công nghệ MCF”, thiết lập một hệ thống tích hợp để tiến hành hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) căn bản đi đầu trong các công nghệ — chẳng hạn như AI, điện tử tiên tiến, điện toán lượng tử, và mạng 5G— để nắm bắt “những đỉnh cao quyền lực” trong cuộc cạnh tranh quốc tế.

Trung Quốc đã đặt ra một chương trình đặc biệt đầy tham vọng để nước này dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030. Hồi tháng 07/2017, Bắc Kinh đã công bố “Kế hoạch Phát triển Trí tuệ Nhân tạo Thế hệ Mới”. Kế hoạch này có ba mục tiêu chiến lược chính: thứ nhất, đưa lĩnh vực AI của Trung Quốc lên mức hiện đại nhất trên toàn cầu; thứ hai, đạt được những đột phá lớn về lý thuyết AI căn bản vào năm 2025; và thứ ba, vào năm 2030, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về lý thuyết, công nghệ và ứng dụng AI, cũng như là trung tâm đổi mới AI chủ đạo của thế giới.

Ngoài ra, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã thành lập một Ủy ban Chỉ đạo Nghiên cứu Khoa học, vốn hoạt động chủ yếu tương tự như Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Cơ quan này chịu trách nhiệm thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển các công nghệ tiên tiến có thể có các ứng dụng quân sự. Ủy ban Ủy ban Chỉ đạo Nghiên cứu Khoa học là một phần của “‘kiến trúc thượng tầng’ mới của hệ thống đổi mới công nghệ quân sự của Trung Quốc.”

Hơn nữa, Bắc Kinh đã mở rộng rất nhiều nguồn tài trợ cho khoa học và công nghệ liên quan đến công nghệ 4IR, đặc biệt là AI. Trung Quốc đang xây dựng và đào tạo một thế hệ kỹ sư AI mới tại các trung tâm AI mới, đặc biệt thông qua sự hỗ trợ của các “nhà vô địch quốc gia” như Huawei, Baidu, và Alibaba. Cuối cùng, họ đang thực hiện một “kế hoạch có hệ thống được chỉ thị tập trung” để moi móc kiến ​​thức về 4IR (đặc biệt là AI) từ ngoại quốc thông qua tuyển dụng nhân tài, chuyển giao công nghệ, đầu tư, và thậm chí là hoạt động gián điệp.

Những sáng kiến ​​và tổ chức mới này có mối liên hệ chặt chẽ với việc hiện đại hóa PLA và cuối cùng là khả năng làm chủ chiến tranh thông minh hóa của PLA. Đặc biệt, AI được liên kết rõ ràng với khả năng xây dựng quốc phòng, khả năng đánh giá an ninh, và khả năng kiểm soát. Cuối cùng, mục đích là để “cài AI” vào gần như mọi khía cạnh của bảng thiết bị và bảng kiểm kê các hệ thống hoạt động của PLA.

Trung Quốc mới chỉ ở giai đoạn đầu của một nỗ lực gian khổ, kéo dài nhiều năm (thậm chí là nhiều thập niên) nhằm khai thác các công nghệ cao trong hoạt động thương mại cho sự tiến bộ công nghệ của PLA. Các rào cản đối với sự phát triển rộng rãi và phổ biến của nhiều công nghệ 4IR đối với lĩnh vực quân sự vẫn còn cao. Không có gì chắc chắn rằng các sáng kiến ​​MCF của ông Tập Cận Bình sẽ hoạt động tốt hơn những nỗ lực hợp nhất quân sự-dân sự (CMI) sơ khởi.

Tuy nhiên, khó có khả năng ông Tập, Đảng Cộng sản Trung Quốc và PLA sẽ sớm rời bỏ 4IR hoặc MCF, ngay cả khi họ gặp phải những thất bại. Bắc Kinh đặc biệt tin tưởng rằng những tiến bộ trong AI về căn bản sẽ định hình lại sự cạnh tranh kinh tế và quân sự trong những thập niên tới, và họ đang định hình các kế hoạch dài hạn của mình cho phù hợp. Đặc biệt, họ đang cung cấp các khoản trợ cấp “đáng kể” của chính phủ cho các công ty công nghệ và các tổ chức học thuật tham gia vào nghiên cứu AI tiên tiến.

Hơn nữa, “tính chính danh cá nhân” của ông Tập ngày càng gắn liền với sự thành công hay thất bại của MCF. Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, sự hợp nhất quân sự-dân sự là một phần của gần như mọi sáng kiến ​​chiến lược lớn. MCF gắn liền với “kế hoạch dài hạn của Đảng” và “sự đồng thuận của Đảng”, và bất kỳ hành động nào nhằm “giảm tốc độ” MCF sẽ làm tổn hại lớn đến quyền lực của ông Tập.

Do đó, không nên đánh giá thấp tham vọng dài hạn của Bắc Kinh trong việc khai thác công nghệ cao dân sự và việc ủng hộ MCF sau đó sẽ tiếp tục đóng vai trò là kim chỉ nam cho chiến lược dài hạn của nước này là phát triển kinh tế song song với hiện đại hóa quân đội.

Ông Richard A. Bitzinger là một nhà phân tích bảo mật quốc tế độc lập. Trước đây ông là thành viên cao cấp của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, và ông từng đảm nhiệm các công việc trong chính phủ Hoa Kỳ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng liên quan đến khu vực  Á Châu-Thái Bình Dương, bao gồm cả sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc quân sự, hiện đại hóa quân đội và phổ biến vũ khí trong khu vực.

An Nhiên biên dịch

Related posts