Mới đây, Trung Quốc đã bác bỏ việc gọi các hành động của Nga đối với Ukraine là “cuộc xâm lược” và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Thậm chí họ khuyên công dân Trung Quốc tại Ukraine nên ở nhà hoặc khi cần lái xe ra ngoài hãy đề phòng bằng cách treo cờ Trung Quốc.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt cái mà ông Putin gọi là một chiến dịch quân sự đặc biệt ở phía Đông, các lực lượng quân đội của Nga đã khai hỏa một số tên lửa vào các thành phố của Ukraine và đổ bộ lên bờ biển của quốc gia này, các quan chức Nga và truyền thông cho biết.
“Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình mới nhất. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế để ngăn chặn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”, bà Hoa Xuân Oánh – Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Tại một cuộc họp báo hằng ngày ở Bắc Kinh, bà Oánh đã chỉ trích sự mô tả của các nhà báo về hành động của Nga.
“Đây có lẽ là một sự khác biệt giữa Trung Quốc và những người phương Tây. Chúng tôi sẽ không vội vàng đưa ra kết luận”, bà Oánh nói.
“Về định nghĩa của một cuộc xâm lược, tôi nghĩ chúng ta nên quay trở lại cách nhìn nhận tình hình hiện tại ở Ukraine. Vấn đề của người dân Ukraine có lịch sử rất phức tạp vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Đó có thể không phải là điều mà mọi người đều muốn thấy”.
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine diễn ra vài tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trước Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh. Hai bên đã công bố một quan hệ đối tác chiến lược nhằm chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ và nói rằng họ sẽ “không có lĩnh vực hợp tác nào ‘bị ngăn cản’”.
Ông Tập và ông Putin đã phát triển mối quan hệ đối tác chặt chẽ trong những năm qua, nhưng các hành động của Nga ở Ukraine đã đặt Trung Quốc vào một vị trí khó xử. Trung Quốc được biết đến là quốc gia có nguyên tắc chính sách đối ngoại không can thiệp, các chuyên gia cho biết.
Khi được hỏi liệu ông Putin có nói với Trung Quốc rằng ông đang có kế hoạch xâm lược Ukraine hay không, bà Oánh nói Nga, với tư cách là một cường quốc độc lập, Nga không cần phải tìm kiếm sự đồng thuận của Trung Quốc.
“Nga quyết định một cách độc lập, thực hiện ngoại giao và chiến lược của riêng mình theo sự phán đoán chiến lược và lợi ích chiến lược của riêng mình”, bà Oánh nói.
“Và tôi cũng muốn nói thêm rằng mỗi khi các nguyên thủ quốc gia gặp nhau, tất nhiên họ sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm”.
Trung Quốc dự kiến sẽ ủng hộ Nga về mặt ngoại giao và có lẽ về mặt kinh tế trong trường hợp xâm lược Ukraine, nhưng không phải về mặt quân sự. Trả lời câu hỏi hôm thứ Năm, bà Oánh nói rằng Trung Quốc đã không cung cấp cho Nga bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cam kết đưa ra “những trừng phạt nghiêm khắc” để đáp trả cuộc tấn công của Nga, và cho biết ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo G7 khác để thảo luận về vấn đề này.
“Một số quốc gia đã theo chân Hoa Kỳ trong việc thổi bùng ngọn lửa”, bà Oánh nói, “Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động nào thổi phồng chiến tranh.”
Bà cũng kêu gọi châu Âu suy nghĩ về cách họ có thể bảo vệ hòa bình tốt hơn.
“Ở giai đoạn hiện tại, chúng ta nên xem xét liệu chúng ta đã làm đủ trong hòa giải hay chưa”, bà Oánh gợi ý cho châu Âu.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Kiev cảnh báo rằng tình hình ở Ukraine đã xấu đi nghiêm trọng và rủi ro an ninh đã tăng lên, với trật tự xã hội có khả năng rơi vào những hỗn loạn.
“Lá cờ Trung Quốc có thể được gắn vào một vị trí rõ ràng trên thân xe”, Đại sứ quán Trung Quốc đưa ra lời khuyên cho bất kỳ công dân nào quyết định mạo hiểm ra ngoài.
Trong cuộc xung đột quân sự giữa Lebanon và Do Thái năm 2006, các nhân viên ngoại giao Trung Quốc và gia đình của họ sơ tán Đại sứ quán ở Beirut, đã treo cờ quốc gia Trung Quốc để tránh bị nhắm mục tiêu ngẫu nhiên.
Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa nói với công dân của mình xem xét rời khỏi Ukraine. Một khuyến cáo an ninh do Đại sứ quán Trung Quốc đưa ra hồi đầu tuần này đã cảnh báo công dân Trung Quốc dự trữ các nhu yếu phẩm hàng ngày như thực phẩm và nước uống.
Quang Minh (Theo Reuters)