Sự kiểm duyệt của Twitter giống hệt Trung Quốc cộng sản

John Mac Ghlionn

Hình ảnh minh họa của Twitter. (Ảnh: Kacper Pempel/Illustration/Reuters)

Hôm 21/03/2006, có ai đó đã quyết định gửi một thứ gì đó gọi là tweet. Một thông điệp khá tầm thường, nó bao gồm năm từ sau: “just setting up my twttr.” (chỉ đang cài đặt twttr của tôi). Người chịu trách nhiệm về dòng tweet này là ông Jack Dorsey, người đồng sáng lập Twitter.

Trong gần 16 năm kể từ khi dòng Tweet đó được gửi đi, trang tiểu blog này từ một nơi từng rất hiếu khách — nơi mà mọi người được tự do chia sẻ ý tưởng — thành một trang không còn hiếu khách nữa.

Hồi tháng Mười Một, ông Dorsey đã nộp đơn từ chức với lý do chính đáng. Twitter đã trở thành một cỗ máy kiểm duyệt – một nơi mà những quan điểm bất đồng và những ý kiến không tuân thủ bị nhắm hạ. Theo nhiều cách, sự kiểm duyệt của Twitter giờ giống hệt như chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc cộng sản.

Là một người sống ở Trung Quốc cho đến rất gần đây, tôi đã đích thân trải nghiệm về tình trạng kiểm duyệt. Bây giờ, trước khi tôi bị buộc tội là phóng đại, hãy để tôi nêu rõ những điều sau: những gì tôi đang thảo luận ở đây là một cách tiếp cận đối với vấn đề kiểm duyệt, và những cách mà những người đi lệch khỏi kịch bản có sẵn tự thấy mình bị trừng phạt – một cách nhanh chóng và nghiêm trọng.

Trên Twitter, không hiếm người bị tạm ngưng tài khoản. Tương tự như vậy, ở Trung Quốc, việc mọi người bị “tạm ngưng tài khoản” cũng không phải là hiếm. Hồi tháng 10/2020, ngay sau khi chỉ trích các thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tỷ phú Jack Ma đã biến mất một cách bí ẩn. Ba tháng sau, người đồng sáng lập và cựu chủ tịch điều hành của Tập đoàn Alibaba này đã xuất hiện trở lại. “Tài khoản” của ông ấy đã được kích hoạt lại. ĐCSTQ đã cho phép ông Ma tái hòa nhập xã hội.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nhiều người không may mắn như ông Ma. Họ biến mất khỏi tầm mắt — không bao giờ được nhìn thấy nữa. Nói như Twitter, nghe có vẻ thô thiển, là tài khoản của họ bị “tạm ngưng vĩnh viễn.”

Điều này đưa chúng ta đến với Dân biểu Marjorie Taylor Greene. Đối với một số người, vị đảng viên Cộng Hòa này là một anh hùng, một cá nhân dũng cảm, người tin vào việc bảo vệ Tu chính án Thứ nhất (và thứ hai). Tuy nhiên, đối với những người khác, thì bà là mối nguy cho xã hội và là người phải chịu trách nhiệm vì đã truyền bá “thông tin sai lệch” nguy hiểm — một từ đã trở thành vũ khí được những người cầm quyền sử dụng.

Hôm 02/01, Twitter đã chọn đình chỉ vĩnh viễn tài khoản của vị nữ dân biểu Hoa Kỳ này với lý do phát tán thông tin sai lệch về COVID-19. Bà Greene đáp lại bằng cách gọi Twitter là “kẻ thù của nước Mỹ,” một công ty mà đơn giản là “không thể chịu đựng được sự thật. “Điều đó ổn thôi,” bà cảnh báo, “Tôi sẽ cho nước Mỹ thấy rằng chúng ta không cần họ và đã đến lúc phải đánh bại kẻ thù của chúng ta.”

Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) diễn thuyết trong một cuộc họp báo tại Điện Capitol ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 05/02/2021. (Ảnh” AP/Susan Walsh)

Bà Greene có đúng không? Twitter có phải là “kẻ thù” của người dân không? Thực ra, không phải tất cả mọi người.

Theo các báo cáo đáng tin cậy, hồi tháng Tám năm ngoái, trong một nỗ lực ngăn chặn các chiến dịch “thông tin sai lệch”, Twitter đã hợp tác với Reuters và Associated Press, hai hãng thông tấn có lịch sử mờ ám trong việc hợp tác chặt chẽ với các chính phủ trên thế giới.

Cả Twitter và Reuters, như tôi đã thảo luận trước đó, đều là một phần của Trusted News Initiative (TNI), một chương trình được thành lập hồi năm 2019 để lấy cớ ngăn chặn “tin tức giả”. Các thành viên khác của TNI bao gồm Facebook, một kênh dẫn thông tin sai lệch mà ai cũng biết, và The Washington Post, một hãng thông tấn đã xuất bản một số bài báo khá thiếu tính thuyết phục trong thời gian gần đây.

Các thành viên của TNI, bao gồm cả Twitter, đã làm việc không mệt mỏi để ngăn chặn “thông tin sai lệch” về vaccine. Thuật ngữ “thông tin sai lệch” là một từ thú vị, bởi vì nó dường như được những người nắm quyền sử dụng để chỉ bất cứ điều gì mà họ cho là nguy hiểm — ngay cả khi “thông tin sai lệch” trên thực tế là thông tin chính xác. Ngày nay, thuật ngữ này thường được sử dụng để làm mất uy tín của những người đặt nghi vấn về tính hiệu quả của việc phong tỏa, khẩu trang, vaccine, v.v. Thuật ngữ “thông tin sai lệch” được sử dụng một cách bừa bãi.

Mặc dù tôi không đủ chuyên môn để nói về hiệu quả thực tế của các loại vaccine khác nhau, nhưng người ta không cần phải sở hữu nhiều hơn một vài tế bào thần kinh hoạt động để thấy rằng những người và những công ty chịu trách nhiệm giải quyết “thông tin sai lệch” rất có khả năng đã bị mua chuộc rồi.

Có lẽ điều này giải thích tại sao gần đây Tiến sĩ Robert Malone đã bị đình chỉ tài khoản Twitter của mình. Tội của ông ấy là gì? Chỉ trích vaccine Pfizer. Với những ai chưa biết, thì ông Malone là một nhà virus học và nhà miễn dịch học. Ông có đủ tư cách duy nhất để bình luận về hiệu quả của vaccine — không giống như ông Bill Gates, một người luôn thảo luận về sự cần thiết phải đưa mọi người đi chích ngừa, mặc dù ông ấy không có bằng cấp gì (trừ khi việc sở hữu một tài khoản ngân hàng kếch xù được coi là một bằng cấp).

Ông Malone đã cống hiến toàn bộ sự nghiệp của mình cho sự phát triển của công nghệ vaccine. Nhưng một khi ông cả gan dám chỉ trích Pfizer – một công ty có lịch sử thao túng dữ liệu trong các nghiên cứu khoa học – ông thấy mình bị khóa tài khoản trên Twitter, một nền tảng vô cùng phổ biến với hơn 37 triệu người dùng chỉ riêng ở Hoa Kỳ.

Kết luận

Bà Marjorie Taylor Greene có đáng bị hủy tài khoản của mình không? Tôi sẽ để cho quý vị quyết định. Còn Tiến sĩ Robert Malone thì sao? Một lần nữa, quý vị có thể tự do đưa ra kết luận của riêng mình.

Trước khi rời đi, hãy để tôi kết thúc bằng cách hỏi thêm một câu hỏi nữa: những người đưa ra các quyết định đó của Twitter có đáng tin cậy không? Hãy nhớ rằng nền tảng này là một phần của chương trình TNI có khả năng cao đã bị mua chuộc. Việc đàn áp những người rất cụ thể với những mối quan tâm rất cụ thể đáng phải kiểm tra chi tiết hơn. Việc ngăn chặn ông Malone rất có thể được chứng minh là một giọt nước tràn ly — khi hàng triệu người trên khắp thế giới đang thức tỉnh trước thực tế tương tự ngay trước mắt chúng ta.

Các Công ty Đại công nghệ và Chính phủ lớn không phải là bạn của người dân thường. Họ là bạn của những người cầm quyền — những người có nghị trình cụ thể và hệ tư tưởng cụ thể. Chúng đã trở thành công cụ để bảo tồn nguyên trạng — không phải là cải thiện nhân loại.

Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi các hãng tin như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những hãng tin danh tiếng khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến chuyên đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.

Tịnh Nhi biên dịch

Related posts