Dinesh D`Souza
Quý vị còn nhớ ông Richard Gere không? Tôi chắc chắn là có. Ông là một ngôi sao nổi tiếng trong những năm 1990, ông đã đóng những vai diễn đáng nhớ trong các bộ phim như “Pretty Woman,” (“Người đàn bà đẹp”) “American Gigolo,” và cuối cùng bộ phim mà tôi nhớ là “Unfaithful” (“Không chung thủy”). Sau đó, ông Gere gần như biến mất. Tôi phát hiện ra điều này, nhưng không bao giờ tự hỏi tại sao như vậy. Bây giờ thì tôi đã biết rồi. Ông Gere đã bị Hollywood tẩy chay vì những lời chỉ trích của ông về sự chuyên quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Câu chuyện về việc tẩy chay của ông Gere được kể trong một cuốn sách mới của tác giả Erich Schwartzel, có nhan đề “Red Carpet: Hollywood, China and the Global Battle for Cultural Supremacy.” (Thảm Đỏ: Hollywood, Trung Quốc và Cuộc Chiến Toàn Cầu Vì Sự Độc Tôn Văn Hóa). Ông Schwartzel lồng ghép câu chuyện của ông Gere vào một đề tài rộng hơn về một kế hoạch kinh doanh lớn hơn của Hollywood với Trung Quốc. Bài học từ cuốn sách của ông Schwartzel là khi quý vị muốn tiếp cận một thị trường do những người cộng sản Trung Quốc kiểm soát, thì điều quan trọng là quý vị phải thực hiện mệnh lệnh của họ.
Sự chống đối của ông Gere đối với chính quyền Trung Quốc chắc chắn không phải do ông Gere là một người nghiêng về phía cánh hữu hay vì ông hiểu rằng lợi ích của Trung Quốc trái ngược với lợi ích của quốc gia mình. Không phải như thế. Đúng hơn là, ông Gere là một Phật tử và vì vậy, ông là một người ngưỡng mộ và ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma, người mà các quan chức Trung Quốc coi là kẻ địch của nhà nước Trung Quốc.
Hồi năm 1993, thay vì nói về giải thưởng định hướng nghệ thuật, ông Gere đã chuyển hướng sang lên án về “tình trạng nhân quyền khủng khiếp ở Trung Quốc, không chỉ đối với người dân của họ, mà còn đối với cả Tây Tạng.” Nhưng lỗi lớn của ông Gere là vào năm 1997 khi ông tham gia bộ phim “Red Corner” (Miền Đất Đỏ), kể câu chuyện về một luật sư Hoa Kỳ bị mắc bẫy và trải qua sự nghiệt ngã của hệ thống tư pháp hình sự Trung Quốc.
“Red Corner” không phải là một bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất; năm đó, những bộ phim đình đám như “Men in Black” và “My Best Friend’s Wedding” đã làm lu mờ Red Corner. Vì vậy, người Trung Quốc đã không quan tâm đến bộ phim này về khía cạnh nó được rất nhiều người xem. Điều họ quan tâm là ông Gere đã vượt xa khỏi việc diễn xuất trong bộ phim. Ông cũng đấu tranh cho bộ phim này như một điều chính nghĩa
Trong khi MGM coi Red Corner chỉ là một câu chuyện ly kỳ, thì ông Gere khẳng định bộ phim này có thể là một “chất xúc tác cho sự thay đổi trên thế giới,” bởi vì nó phơi bày sự khủng khiếp của chủ nghĩa toàn trị Trung Quốc. Điều thú vị là chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã đến thăm Mỹ cùng thời điểm đó, để tìm kiếm thêm các thỏa thuận thương mại và quan hệ ngoại giao chặt chẽ hơn với chính phủ cựu Tổng thống Clinton. Trong khi cựu Tổng thống Bill Clinton tổ chức một buổi quốc yến (state dinner) để chiêu đãi ông Giang, thì ông Gere đã tổ chức một “bữa tiệc phi quốc tịch” (stateless dinner) trên tầng thượng của một khách sạn sang trọng ở bên kia đường, ông mời những người nổi tiếng như nữ diễn viên Uma Thurman và nữ diễn viên Sharon Stone
Ông Schwartzel viết lại rằng khi ông Gere tiếp tục đấu tranh cho chính nghĩa vì Tây Tạng, và buộc tội Trung Quốc vì các vi phạm nhân quyền, thì Hollywood ngày càng trở nên khó chịu hơn với sự ủng hộ tích cực công khai của ông. Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 tương ứng với một thời kỳ mà thị trường điện ảnh Mỹ đang suy thoái và các hãng phim Hollywood ngày càng muốn mở rộng sang Trung Quốc.
Rốt cuộc thì Trung Quốc cũng có hơn một tỷ người. Điều này không tránh khỏi sự chú ý của các giám đốc điều hành hãng phim ở California khi hàng chục triệu người Trung Quốc đang di chuyển từ các vùng nông thôn đến thành thị và họ đang trở thành những người tiêu dùng cuồng nhiệt các sản phẩm phương Tây. Hollywood rất thèm khát trước triển vọng khai thác thị trường này dành cho các bộ phim Mỹ.
Tất nhiên, các nhà điều hành Hollywood hiểu rằng họ đang đối phó với một chế độ cộng sản không ngần ngại kiểm duyệt những bộ phim được phép chiếu tại Trung Quốc. Họ khá sẵn lòng dàn xếp với người Trung Quốc về điểm này. Ông Schwartzel chỉ ra rằng trong năm 2006, bộ phim “Mission: Impossible 3” đã chỉnh sửa những cảnh mà người Trung Quốc không chấp thuận, và hồi năm 2012, các nhà sản xuất của bộ phim James Bond “Skyfall” đã phải loại bỏ một cảnh liên quan đến việc sát hại một nhân viên an ninh Trung Quốc, vì các nhà kiểm duyệt Trung Quốc cảm thấy điều đó khiến người Trung Quốc trở nên yếu đuối.
Trong hoàn cảnh khi Hollywood đang tìm cách lấy lòng chế độ cộng sản Trung Quốc, ông Schwartzel cho hay “ông Gere là diễn viên quá rủi ro để thuê.” Chỉ sự hiện diện của ông ấy trong phần danh sách những người tham gia có thể đồng nghĩa với việc bộ phim đó sẽ không được chấp thuận để công chiếu ở Trung Quốc. Tại thời điểm này, ông Gere đã trở thành một người không được đón nhận, ít nhất là theo như các hãng phim lớn lo ngại. Ông ấy sẽ chỉ có thể hài lòng với việc xuất hiện trong các bộ phim độc lập, kinh phí khiêm tốn như “Arbitrage” và “The Second Best Exotic Marigold Hotel.”
Trong những năm 1950, Hollywood đã duy trì một danh sách đen những diễn viên được cho là có liên đới với cộng sản và do đó bị coi là quá dễ gây tranh cãi khi đóng trong các bộ phim lớn. Thật trớ trêu khi ngày nay, một lần nữa, Hollywood lại duy trì một danh sách đen, chỉ là lần này là những kẻ bội đạo như ông Richard Gere, những người dường như không đủ thân thiện và tôn trọng chế độ cộng sản Trung Quốc.
Ông Gere đã im lặng một cách đáng ngạc nhiên về việc mình bị liệt vào danh sách đen. Tuy nhiên, hồi tháng 06/2020, ông Gere đã làm chứng trước Quốc hội (pdf) ủng hộ một dự luật cho phép Hoa Kỳ tiếp cận tốt hơn với thị trường cashmere ở Mông Cổ. Ông Gere lập luận rằng dự luật này sẽ thúc đẩy nền kinh tế của Mông Cổ và khiến nước này ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, vì sự phụ thuộc trong khu vực đó nhanh chóng chuyển thành sự kiểm soát của Trung Quốc.
Có lúc ông Gere đề cập tới bộ phim dường như đã đưa ông ra khỏi danh sách hạng A của Hollywood, “Red Corner.” Ông Gere đã suy đoán về việc ngày nay liệu Hollywood có làm một bộ phim như vậy hay không.
“Đơn giản là điều đó sẽ không xảy ra,” ông thú nhận.
Việc tẩy chay một ngôi sao tầm cỡ như ông Gere cho thấy vấn đề này tệ hại ra sao, mức độ ngày nay Hollywood hợp tác với những đối tác bất hảo ở phương Đông nhiều cỡ nào.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Dinesh D’Souza là một tác giả, nhà làm phim, và người dẫn chương trình hàng ngày của chương trình podcast Dinesh D’Souza.
Tịnh Nhi biên dịch