Nicole Hao
Hôm 26/02, năm nhà sử học nổi tiếng từ năm trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đã cùng đăng tải một bài viết phản đối việc Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, chỉ một giờ rưỡi đồng hồ sau, tuyên bố này đã bị xóa, đồng thời tất cả các bài đăng của tài khoản mạng xã hội đăng lại bài viết đó cũng đã không còn tồn tại.
Trong vài ngày qua, ngày càng có nhiều học giả Trung Quốc đăng lại những lời hứa mà chính quyền Trung Cộng đã đưa ra với Ukraine trong vài năm qua, trong đó Bắc Kinh cam kết bảo vệ Kyiv vì Ukraine đã ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh cũng như các dự án khác mà nhà cầm quyền này đã khởi xướng trên toàn cầu.
Một số học giả khác kêu gọi nhà cầm quyền giải thích rõ ràng lập trường về cuộc chiến Nga-Ukraine của mình, sau khi các sinh viên Trung Quốc ở Ukraine đặt nghi vấn liệu Bắc Kinh có đang ủng hộ cuộc xâm lược của Moscow hay không.
Tuy nhiên, hầu hết các bài đăng này và các bài khác có liên quan cũng đã bị gỡ bỏ, có lẽ là do nhà cầm quyền tích cực kiểm duyệt. Giới lãnh đạo Trung Cộng cũng đã không giải đáp những nghi vấn này cho công chúng.
Sự im lặng trước cuộc xâm lược của Nga
Hôm 25/02, trong cuộc họp báo thường nhật ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã liên tục được hỏi về thái độ của Bắc Kinh trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Ông Uông đã phúc đáp tất cả các câu hỏi với chỉ một câu trả lời, đó là “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần phải được tôn trọng và gìn giữ.” Ông từ chối thừa nhận rằng xung đột hiện thời này được châm ngòi bởi cuộc xâm lược của Nga, cũng như không đưa ra bất kỳ lời lẽ ủng hộ nào cho Ukraine. Ông không chỉ trích hành động của Nga cũng không nói rằng Trung Quốc đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra.
Hôm 26/02, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đã cảnh báo tất cả người Hoa ở nước này ở yên trong nhà. Đại sứ quán mô tả cuộc giao tranh giữa người Nga và người Ukraine trên đường phố là “những người hành xử cực đoan”, đồng thời nói rằng mọi người đang nhạo báng và bắn nhau do quá kích động.
Trái ngược với những bình luận từ chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, đại sứ quán cho biết họ đang trong quá trình bố trí các chuyến bay khẩn cấp để di tản người Hoa ở Kyiv vì tình hình ở đó đã “xấu đi rõ rệt”.
Hai ngày trước đó, đại sứ quán đã đề nghị người Hoa ở Ukraine là họ hãy “cầm cờ Trung Quốc khi lái xe hơi của mình”, khẳng định binh lính sẽ không tấn công họ nếu nhìn thấy cờ [Trung Quốc].
Người Trung Quốc còn ở Ukraine sau đó đã phản ứng trước những lời đề nghị này trên Twitter rằng họ thực sự không dám để người khác biết mình là người Trung Quốc, họ có xu hướng tự nhận mình là người Nhật Bản hoặc Hàn Quốc khi được hỏi. Một tài khoản Twitter của Ngô Bội Huân (Peishiun Wu) đã chia sẻ một đoạn video, trong đó một sinh viên Trung Quốc giải thích rằng một số lượng lớn người Trung Quốc đại lục đã đăng trên mạng xã hội Trung Quốc rằng họ muốn đàn ông Ukraine bị sát hại để họ có thể kết hôn với phụ nữ Ukraine. Các bài đăng này được thông tấn Ukraine đưa tin, khiến người dân Ukraine tức giận, dẫn đến căng thẳng đối với một số người Trung Quốc ở Ukraine.
Hỗ trợ Ukraine
Lúc 6:01 tối hôm 26/02, giáo sư sử học Tôn Giang (Sun Jiang) của Đại học Nam Kinh, giáo sư sử học Vương Lập Tân (Wang Lixin) của Đại học Bắc Kinh; giáo sư sử học Từ Quốc Kỳ (Xu Guoqi) của Đại học Hồng Kông; giáo sư sử học Trọng Vĩ Dân (Zhong Weimin) của Đại học Thanh Hoa; và giáo sư sử học Trần Nhạn (Chen Yan) của Đại học Phúc Đán cùng nhau công bố một bài viết trên tài khoản WeChat của sử gia Tôn Giang.
“Là một thành viên thường trực của Liên Hiệp Quốc, một đại quốc sở hữu vũ khí nguyên tử, vậy mà lại ra tay tấn công quốc gia anh em yếu ớt của mình!” Các nhà sử học cho biết trong bài viết trên, ý nói tới cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine. “Chúng tôi cảm thấy vô cùng đau đớn khi chứng kiến những vết thương của Ukraine.”
Năm nhà sử học này nói rằng các chuyên gia trên khắp thế giới, người dân Ukraine, và người dân Nga đều phản đối cuộc chiến này, và cũng phản đối cuộc xâm lược này. Họ nói rằng người dân Trung Quốc đã từng phải chịu nhiều đau khổ từ chiến tranh, nên họ “cũng có cảm giác đau đớn giống như người dân Ukraine vậy.”
Họ chỉ trích Nga vì vi phạm các quy tắc quốc tế và xâm lược một quốc gia có chủ quyền. Họ bày tỏ sự ủng hộ hành động bảo vệ quê hương đất nước của người dân Ukraine, và lo ngại rằng cuộc xâm lược của Nga sẽ gây ra thảm họa nhân đạo trên một khu vực rộng lớn, không chỉ giới hạn ở Ukraine hay Âu Châu.
Các nhà sử học nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi mạnh mẽ chính phủ Nga và Tổng thống Vladimir Putin hãy ngừng cuộc chiến này lại, và giải quyết tranh chấp giữa hai nước bằng đàm phán.”
Tuy nhiên, tất cả những bài đăng của ông Tôn đều biến mất lúc 7:30 tối cùng ngày. Kể từ đó, ông Tôn và các giáo sư khác đã không bình luận về sự biến mất của các bài đăng này.
Trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, hầu như tất cả các bài đăng liên quan đến cuộc chiến Nga-Ukraine hôm 26/02 đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Nga, chỉ có một số ít bài đăng của người Nga biểu tình trên đường phố phản đối cuộc xâm lược này.
The Epoch Times không thể xác minh liệu Trung Cộng có đang kiểm duyệt các bài đăng chống Nga hay không.
Hôm 26/02, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh cho biết “phản ứng đầu tiên của Trung Cộng khi phủ nhận có một cuộc xâm lược làm cho chúng tôi không khỏi bàng hoàng … Nó hoàn toàn trái ngược với lập trường lâu đời về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và không can thiệp của họ.”
Theo Reuters, nhà ngoại giao này từ chối công khai danh tính vì đây là một vấn đề nhạy cảm.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Thiện Lan biên dịch