Nicole Hao
Ukraine đã buộc phải tạm ngưng hoạt động vận chuyển thương mại tại các cảng của họ hôm 24/02 khi các hỏa tiễn của Nga dội xuống đất nước này. Là nước xuất cảng ngô và lúa mì lớn, tình hình của Ukraine đã gây bất ổn cho thị trường ngũ cốc toàn cầu và sẽ nhiều khả năng các nước như Trung Quốc cần phải chi tiêu nhiều hơn để bảo đảm nguồn cung cấp ngũ cốc nếu như các tàu tiếp tục không thể khởi hành trong vài tuần hoặc vài tháng tới.
Vài giờ trước đó, các quan chức Nga cho biết Moscow cũng đã ngừng các hoạt động tàu thương mại của họ ở Biển Azov, nhưng các hoạt động vận chuyển chính của Nga tại các cảng ở Biển Đen vẫn đang được duy trì.
Sáng sớm hôm thứ Năm (24/02), các lực lượng Nga đã phát động một cuộc tấn công lớn vào Ukraine từ phía bắc, phía đông, và phía nam, đây được coi là cuộc tấn công lớn nhất của một quốc gia chống lại một quốc gia khác ở Âu Châu kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.
Ở phía bên kia của Âu-Á, Trung Quốc là nước nhập cảng ngũ cốc lớn của Ukraine.
“Ukraine là nguồn nhập cảng chính của Trung Quốc về ngô, lúa mạch, bột hướng dương, và các loại thức ăn từ ngũ cốc khác,” Đại sứ Trung Quốc tại Ukraine Phan Hiển Vinh (Fan Xianrong) nói với tờ báo nhà nước Trung Quốc Nhân dân Nhật báo hồi tháng Năm năm ngoái (2021).
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), trong năm 2021 Trung Quốc đã trao đổi 124.8 tỷ nhân dân tệ (19.72 tỷ USD) hàng hóa với Ukraine. Trong đó, 64 tỷ nhân dân tệ (10.11 tỷ USD) là hàng hóa nhập cảng từ Ukraine, phần lớn là ngũ cốc. So với năm 2020, thương mại tăng 21% và nhập cảng của Trung Quốc tăng 15.5%.
Theo GAC, Trung Quốc đã nhập cảng 8.24 triệu tấn ngô từ Ukraine vào năm 2021, chiếm 29.07% tổng lượng ngô nhập cảng của Trung Quốc. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin hôm 24/02 rằng nhập cảng ngô Ukraine chủ yếu được vận chuyển từ Kyiv đến các cảng khác nhau trên khắp Trung Quốc. Kyiv bị các lực lượng Nga tấn công hôm 24/02 và vẫn đang bị tấn công.
Trung Quốc dựa vào ngô nhập cảng để làm thức ăn cho heo, gia cầm, và các loại gia súc khác. Theo Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, năm 2021 Trung Quốc đã sản xuất 52.96 triệu tấn thịt heo — hơn 671 triệu con heo. Tính đến cuối năm ngoái, quốc gia này có 43.29 triệu con heo nái đang sinh sản.
Tổ chức nhà nước của Trung Quốc là Mạng lưới Doanh nghiệp Trung Quốc (CBN) hôm 24/02 đã dẫn lời ông Cố Kiện (Gu Jian), một nhà nghiên cứu tại Viện Tư vấn Nông nghiệp Bric của nhà nước, nói rằng thị trường Trung Quốc lo lắng về nguồn cung bổ sung ngô do chiến tranh Nga-Ukraine.
Ông Cố nói, “Vì căng thẳng giữa Nga và Ukraine, mà giá ngô của Trung Quốc đã không ngừng tăng lên. Ukraine từng là nhà xuất cảng ngô chính của Trung Quốc. Khoảng 70 đến 80% ngô nhập cảng là từ Ukraine. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nhập cảng nhiều hơn từ Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, ông nói, Ukraine vẫn là nhà xuất cảng chính và chủ chốt đối với hoạt động kinh doanh ngô của Trung Quốc.
Ngoài ra, giá đậu nành và lúa mì của Trung Quốc đã tăng sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, mặc dù Trung Quốc nhập cảng không nhiều những loại ngũ cốc này từ Nga hoặc Ukraine.
Trong báo cáo đó, CBN dẫn lời ông Tào Huy (Cao Hui), trưởng nhóm phân tích thị trường lúa mì tại Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, nói rằng giá lúa mì toàn cầu tăng do cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất cảng lúa mì lớn. Ông cho biết giá lúa mì trên thị trường toàn cầu tăng có nghĩa là Trung Quốc không còn có thể mua lúa mì giá rẻ từ bất kỳ quốc gia nào.
Hôm 23/02, GAC thông báo rằng chính quyền này đang cho phép nhập cảng lúa mì của Nga, nhưng loại lúa mì này phải đến từ các khu vực không bị nấm Tilletia Contraversa.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Nhật Thăng biên dịch