Giới tinh hoa chính trị Mỹ đang giúp ĐCSTQ định hình nhận thức của công chúng về Trung Quốc

Michael Washburn

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lưu Hạc (bên trái) chụp ảnh chung với cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Henry Paulson (bên phải) cùng các thành viên của phái đoàn từ Diễn đàn Kinh tế Mới 2019 trước cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 22/11/2019. (Ảnh: Jason Lee/Pool/Getty Images)

Các chuyên gia cho biết tại một sự kiện do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức hôm 23/02 rằng giới tinh hoa chính trị ở Hoa Kỳ, những người định hình nhận thức của công chúng về Trung Quốc có mối liên hệ sâu sắc và bền chặt với cộng đồng doanh nghiệp ở quốc gia này. Họ nói những mối quan hệ đó thường khiến họ từ bỏ tính minh bạch và sự cởi mở trong các cuộc thảo luận về Trung Quốc.

Sự kiện một phần trực tuyến và một phần trực tiếp, “America Second: How America’s Elites Are Making China Stronger” (“Nước Mỹ Thứ Hai: Cách Giới Tinh Hoa Mỹ Đang Khiến Trung Quốc Mạnh Hơn”), lấy tựa đề từ một cuốn sách mới của ông Isaac Stone Fish, người đã nói về cách ông viết cuốn sách này như thế nào.

Ông Stone Fish, giám đốc điều hành đồng thời là nhà sáng lập công ty nghiên cứu Strategy Risks (Rủi Ro Chiến Lược) nói, “Cuốn sách xuất phát từ cảm giác thất vọng khi tôi trở về từ Bắc Kinh, nơi mà tôi đã sống từ năm 2006 đến năm 2011, và tôi bắt đầu nghe người Mỹ nói về Trung Quốc theo cách mà Đảng [Cộng sản Trung Quốc] muốn họ nói.”

Lợi ích thiết thân

Ông Stone Fish nói rằng những người mà ông gặp khi trở lại Hoa Kỳ có xu hướng lặp lại các loại cụm từ được tìm thấy trong các tuyên truyền chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chẳng hạn như ĐCSTQ đã đưa người dân thoát khỏi đói nghèo. Ông nói, điều khiến ông quan tâm hơn hết không phải là tính trung thực của những tuyên bố như vậy mà là mức độ mà họ ngụy biện cho những lời tuyên truyền của ĐCSTQ. Trong khi nhiều hạn chế về quyền tự do ngôn luận đang được áp đặt ở Trung Quốc, ông Stone Fish cho biết ông không thấy lý do nào khiến cuộc thảo luận công khai về Trung Quốc ở Hoa Kỳ lại diễn ra một chiều như vậy.

Ông Stone Fish nói, “Sau đó, tôi nhận thấy sự kết hợp mạnh mẽ giữa các mối quan hệ kinh doanh và chính sách giữa những người lớn tuổi trong giới tinh hoa đã giao dịch với Trung Quốc. Tất cả những người này đều đã kinh doanh với các công ty Hoa Kỳ đang cố gắng thâm nhập và phát triển mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc.” 

Do đó, rõ ràng là đối với ông thì giới tinh hoa đang bị nghi vấn là nhận được lợi ích thiết thân từ việc nới lỏng đường đi cho các công ty đó bằng cách cung cấp cho họ, và cho công chúng, quan điểm về Trung Quốc thân thiện với ĐCSTQ hơn là sát với thực tế cuộc sống mà người dân Trung Quốc đang phải đối mặt.

Ông Stone Fish nêu tên cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, cùng với hai ông Brent Scowcroft và Alexander Haig quá cố, là những chính khách lớn tuổi của Hoa Kỳ, những người được cho là “hiểu rõ về Trung Quốc” và đã được đưa vào với tư cách là chuyên gia mà các công ty và công chúng nên tìm kiếm sự hướng dẫn về bất cứ điều gì liên quan đến Trung Quốc và hoạt động kinh doanh ở đó. Nhưng những đánh giá như vậy là sai lầm, ông Stone Fish cảnh báo.

“Tất cả chúng ta đều đã hiểu lầm ông Kissinger trong lĩnh vực Trung Quốc, tất cả đều đặt quá nhiều tín nhiệm lên ông ấy như một nhà tư tưởng chiến lược lỗi lạc. Chúng ta phải cẩn thận khi vờ như ông ấy là một nhà tư tưởng độc lập vĩ đại, trong khi thực sự ông ấy là một doanh nhân,” ông Stone Fish nói.

Theo quan điểm của ông Stone Fish, ông Kissinger đã không ngại đặt vấn đề xoay quanh các chủ đề địa chính trị. Tác giả này đã thẳng thắn nói về những gì ông coi là khuynh hướng của ông Kissinger trong vai trò là một chuyên gia được trọng vọng và một cựu công chức bình luận về các vấn đề thời sự thế giới.

“Ông Kissinger thật xuất sắc trong việc thao túng giới truyền thông và những người xung quanh để tạo ra một quy tắc im lặng về những gì ông ấy đã làm,” ông Stone Fish nói khi đề cập đến vai trò của ông Kissinger, trong suốt và từ chuyến thăm năm 1971 của ông ấy, với tư cách là người thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và phương Tây.

Mặc dù tác giả đánh giá cao sự đa dạng về quan điểm đối với Trung Quốc trong giới chính trị, ngoại giao, và báo chí ở Hoa Thịnh Đốn, nhưng tính minh bạch hơn về các vấn đề Trung Quốc đòi hỏi luật pháp phải chặt chẽ hơn liên quan đến hoạt động vận động hành lang mà một số cựu quan chức chính phủ tham gia, ông Stone Fish nói.

The Epoch Times đã liên lạc với ông Kissinger để yêu cầu bình luận.

‘Bằng hữu’

Thành viên ủy ban hội thảo Jacqueline Deal, giám đốc điều hành của Nhóm Chiến Lược Dài Hạn (Long Term Strategy Group), một công ty tư vấn quốc phòng có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cũng đồng ý với quan điểm được đưa ra trong cuốn sách của ông Stone Fish, rằng việc nâng cao tính minh bạch xung quanh các vấn đề Trung Quốc đòi hỏi phải giáo dục công chúng đặc biệt về việc lạm dụng cụm từ “bằng hữu” trong ngôn ngữ của ĐCSTQ.

Khi người dân ở phương Tây nghe đến thuật ngữ “bằng hữu”, họ nghĩ về một người nào đó là đối tác trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Nhưng theo ý định và mục đích của ĐCSTQ, từ “bằng hữu” này được hiểu đúng hơn là “đầy tớ”, “quân tốt”, “bạn đồng hành” hoặc “tên ngốc hữu dụng”, bà Deal nói.

“Vai trò của ‘bằng hữu’ ở Trung Quốc là ngăn cản những người ở Hoa Thịnh Đốn xác định đúng đặc tính của cuộc cạnh tranh rất quan trọng đối với chiến lược của ĐCSTQ. Nó khiến chúng ta không nhận ra rằng chúng ta không chỉ đang đối phó với một đối tác thương mại khác ở Trung Quốc, mà chúng ta còn đang đối phó với một đối thủ địa chính trị,” bà Deal nói.

Đối thủ địa chính trị đó quan tâm đến việc kiểm soát dòng chảy của công nghệ, tài sản trí tuệ, và “các bằng hữu”, hay “những quân tốt” này trong kinh doanh và các vòng tròn chính trị của phương Tây rất hữu ích cho ĐCSTQ nhìn từ góc độ này, bà cho biết thêm.

Mặt trận Thống nhất

Các nhà phân tích cho biết, công chúng Hoa Kỳ không hiểu rõ về chiến lược của ĐCSTQ hoặc sự phụ thuộc của ĐCSTQ vào thiện chí giả định giữa Trung Quốc và các đối thủ của nước này.

Ông Stone Fish đã trích dẫn ví dụ về các hoạt động “Mặt trận Thống nhất” của ĐCSTQ ở Hoa Kỳ. Đảng có một cơ quan quyền lực gọi là Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) có nhiệm vụ đặc biệt là củng cố bằng hữu của Đảng và làm suy yếu kẻ thù của nhà cầm quyền này ở các quốc gia trên thế giới. Trong khi nhiều người biết đến sự tồn tại của các “thành phố kết nghĩa” ở Hoa Kỳ, mà có thể hiểu là “có họ hàng” với một thành phố ở Trung Quốc, nhưng không phải ai cũng nhận thức được vai trò của UFWD trong việc hình thành và chấp thuận các mối quan hệ giữa các thành phố kết nghĩa. Ông nói, những gì có vẻ giống như một ràng buộc văn hóa và kinh tế vô hại giữa một thành phố Mỹ và một thành phố Trung Quốc lại là một mối quan hệ lợi người hại mình.

Bà Deal nói các chiến thuật như vậy là một phần và cốt lõi trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng số lượng người ở Hoa Kỳ ủng hộ ĐCSTQ, đồng thời thu hẹp hàng ngũ những người ủng hộ chính sách ngoại giao diều hâu vốn bày tỏ lo ngại về ĐCSTQ. Bà mô tả UFWD là một tổ chức có nhiều “xúc tu”, hoạt động tích cực trong các lĩnh vực quân sự, dân sự, và thương mại, và được trang bị nhiều công cụ hướng đến việc thâm nhập các mục tiêu dễ dàng ở Mỹ.

“Thông qua Mặt trận Thống nhất, ĐCSTQ có nhiều xúc tu trong dữ liệu của chúng tôi ở đây, và vì vậy, tôi nghĩ rằng việc hiểu về chiến lược này có thể giúp chúng ta quan tâm nhiều hơn về những gì chúng ta cần làm để bảo vệ mình tại quê nhà,” bà Deal nói.

Ông Stone Fish nhấn mạnh sự cần thiết của cuộc tranh luận và thảo luận cởi mở ở Mỹ về tất cả những điều liên quan đến Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy trao đổi tự do như vậy có thể đòi hỏi những điều chỉnh nhất định cho sinh viên Trung Quốc đăng ký nhập học tại các trường đại học ở đây.

Ông Stone Fish nói: “Chúng ta không muốn sinh viên Trung Quốc đến đây, tweet điều gì đó về ông Tập Cận Bình và sau đó bị bắt khi họ trở lại. Chúng ta muốn tìm ra một cách mà mọi người có thể có những cuộc tranh luận cởi mở.”

Ông Stone Fish ca ngợi những sáng kiến gần đây tại Đại học Princeton, khi trường cho phép sinh viên Trung Quốc bày tỏ quan điểm về một số chủ đề nhất định mà không cần tiết lộ danh tính.

Thành viên ủy ban hội thảo Jennifer Hong, giám đốc cao cấp tại Viện Dự Án 2049, đã ca ngợi tầm ảnh hưởng mà cô tin rằng cuốn sách của ông Stone Fish sẽ mang lại đối với môi trường học thuật.

Cô nói, “Khi các trường đại học đang suy nghĩ về mong muốn thúc đẩy nghiên cứu về ngôn ngữ của Trung Quốc cũng như nền văn hóa và lịch sử phong phú của Trung Quốc, cuốn sách này sẽ giúp họ nghĩ về việc một quan hệ đối tác ít lệch lạc hơn, dựa trên tính minh bạch nhiều hơn sẽ là như thế nào.” 

Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).

Thảo Loan biên dịch

Related posts