Frank Fang
ĐÀI BẮC, Đài Loan – Hôm 01/03, Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) cho biết Đài Loan sẽ làm việc với các nước phương Tây trong việc loại bỏ các ngân hàng Nga được chỉ định khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Hôm 26/02, lệnh cấm SWIFT đã được Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Canada, Pháp, Đức, Ý, và Anh công bố nhằm đáp trả cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine.
Ông Tô nói với các phóng viên rằng Đài Loan đã lên án Nga vì xâm lược Ukraine và cho biết hòn đảo tự quản này “đồng hành” với các đối tác dân chủ về kế hoạch trừng phạt của họ. Đối với lệnh cấm SWIFT, ông Tô cho biết chính phủ Đài Loan sẽ “hợp tác” với bất kỳ quyết định nào liên quan đến lệnh cấm này.
Hiện tại, không có nhiều giao thương giữa Đài Loan và Nga. Theo dữ liệu từ Bộ Kinh tế Đài Loan, Đài Loan đã xuất cảng hàng hóa trị giá 1.3 tỷ USD sang Nga vào năm 2021, trong khi nhập cảng 5 tỷ USD các sản phẩm của Nga. Trong khi đó, thương mại của Đài Loan với Nga chỉ chiếm 0.76% tổng thương mại của hòn đảo này.
Hôm 25/02, chính phủ Đài Loan thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì hành động xâm lược Ukraine.
Hôm thứ Ba (01/03), bà Vương Mỹ Hoa (Wang Mei-hua), Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan, cho biết hòn đảo này sẽ “đánh giá nghiêm ngặt” các sản phẩm xuất cảng sang Nga theo Thỏa thuận Wassenaar, một thỏa thuận đa phương nhằm điều chỉnh việc xuất cảng vũ khí và hàng hóa lưỡng dụng và các công nghệ nhạy cảm.
Bà nói thêm rằng Bộ của bà đã liên lạc với các công ty địa phương, bao gồm cả những công ty trong lĩnh vực chất bán dẫn, và xác nhận rằng họ sẽ tuân thủ việc kiểm soát xuất cảng sang Nga.
Đài Loan là một nước xuất cảng chất bán dẫn lớn, vốn là những vi mạch bán dẫn nhỏ cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ máy điện toán, xe điện, đến chiến đấu cơ và hệ thống hỏa tiễn. Hòn đảo này là nơi đặt nhà sản xuất vi mạch bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC.
Hôm 25/02, TSMC nói với Hãng Thông tấn Trung ương do chính phủ Đài Loan điều hành rằng họ hầu như không xuất cảng gì sang Nga vào lúc này. Năm 2021, có đến 65% vi mạch bán dẫn của TSMC đến khu vực Bắc Mỹ, tiếp theo là khu vực Á Châu–Thái Bình Dương với 14%, Trung Quốc là 10%, và Nhật Bản là 5%.
Ngoài ra, hôm 01/03, Bộ Ngoại giao Đài Loan thông báo rằng họ đã gửi một lô hàng 27 tấn thuốc và vật tư y tế đến Ukraine để cứu trợ nhân đạo.
Hôm 27/02, ông Janez Lenarcic, ủy viên Âu Châu về quản lý khủng hoảng, nói trong một cuộc họp báo rằng khoảng 18 triệu người Ukraine “sẽ bị ảnh hưởng về mặt nhân đạo” ở Ukraine và các nước láng giềng.
Hôm thứ Hai (28/02), Cơ quan Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc cho biết rằng ít nhất 520,000 người tị nạn từ Ukraine đã chạy sang các nước láng giềng giữa cuộc tấn công của Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu), trong một bài đăng trên Twitter cho thấy hình ảnh của chuyến hàng viện trợ này, đã tuyên bố rằng Đài Loan sát cánh cùng Ukraine.
Ông Ngô viết: “Trong khi #China đứng về phía #Russia trong một ‘liên minh không có giới hạn,’ thì #Taiwan ủng hộ quyền tự do và dân chủ sẽ chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa độc tài. Tôi có niềm tin: Nền dân chủ sẽ thắng thế.”
Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể được khuyến khích và quyết định xâm lược Đài Loan, một quốc gia độc lập trên thực tế mà chế độ cộng sản coi là một phần lãnh thổ của mình.
Vào tháng Mười năm ngoái (2021), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thề rằng “việc thống nhất” Đài Loan với Trung Quốc sẽ “chắc chắn được thực hiện.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Thanh Tâm biên dịch