Dưới đây là tổng hợp những tin tức mới nhất về tình hình chiến sự Nga và Ukraine hôm nay, ngày 3/3/2022:
Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân
- Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu áp đảo về nghị quyết kêu gọi Nga rút quân ngay lập tức khỏi Ukraine.
- Trong phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ, 141 trong số 193 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, 35 phiếu trắng và 5 nước bỏ phiếu chống.
- Nghị quyết, được 94 quốc gia đồng bảo trợ, nói rằng Liên Hợp Quốc “sử dụng những điều khoản mạnh mẽ nhất về hành động gây hấn của Liên bang Nga đối với Ukraine”. Nghị quyết yêu cầu “Liên bang Nga ngay lập tức ngừng sử dụng vũ lực chống lại Ukraine” và “ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện rút lui tất cả các lực lượng quân sự”.
- Nghị quyết không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng là sự thể hiện quan điểm của tư cách thành viên LHQ, nhằm gia tăng sức ép đối với Moscow và đồng minh Belarus.
- Tuần trước, Nga là nước duy nhất bỏ phiếu chống lại một nghị quyết tương tự của Hội đồng Bảo an LHQ. Vì Nga là một trong năm cường quốc có quyền phủ quyết nên nghị quyết của Hội đồng Bảo an không được thông qua. Vì vậy các đồng minh của Ukraine đã chuyển vấn đề này lên Đại hội đồng LHQ.
- Đây là lần đầu tiên sau 40 năm, Hội đồng Bảo an phải đưa một cuộc khủng hoảng lên Đại hội đồng. Kể từ năm 1950 đến nay, đây là lần thứ 11 một phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc được triệu tập.
Nga thông báo gần 500 binh lính đã thiệt mạng
- Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga cho biết 498 binh sĩ Nga đã thiệt mạng ở Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine .
- Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết cho đến nay đã có 1.597 người Nga bị thương. Đây là lần đầu tiên Moscow công bố số liệu về thương vong trong cuộc chiến ở Ukraine.
- Theo Interfax, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết có hơn 2.870 binh sĩ Ukraine và “những người theo chủ nghĩa dân tộc” đã thiệt mạng và khoảng 3.700 người bị thương.
Hiện nay số liệu này chưa được xác minh và chưa có bình luận từ phía Ukraine.
Tiếp tục đàm phán Nga – Ukraine
Một nhà đàm phán Nga cho biết một lệnh ngừng bắn đang nằm trong chương trình nghị sự của cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga, theo AFP đưa tin.
Nga dự kiến các quan chức Ukraine sẽ đến Belarus để tiến hành vòng đàm phán hòa bình tiếp theo vào sáng thứ Năm. Nguồn tin từ các hãng thông tấn Nga dẫn lời nhà đàm phán của Moscow, Vladimir Medinsky cho biết.
Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass dẫn lời ông Medinsky cho biết, quân đội Nga đang cung cấp hành lang an ninh cho phái đoàn Ukraine.
Diễn biến tình hình chiến tranh Nga – Ukraine ngày 2/3 (tính đến tối hôm qua giờ Sydney):
Tình hình thiệt hại của Nga và Ukraine
- Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết có gần 6.000 người Nga đã thiệt mạng trong 6 ngày đầu tiên của chiến sự. Ông cũng nói rằng Điện Kremlin sẽ không thể tấn công Ukraine bằng bom và các cuộc không kích.
- Theo Bộ Nội vụ Ukraine, ít nhất 5 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương khi khu vực xung quanh tháp truyền hình Kiev bị tấn công vào ngày 1/3.
- Liên Hợp Quốc cho biết, ít nhất 136 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc chiến Nga – Ukraine, mặc dù con số thực có khả năng cao hơn nhiều.
- Theo Liên Hiệp Quốc, đã có 677.000 người chạy khỏi Ukraine sang các nước láng giềng lánh nạn kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, với số lượng người tị nạn tiếp tục tăng nhanh chóng.
Diễn biến đàm phán giữa Nga và Ukraine
- Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời một cố vấn trong Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra trong ngày 2/3. Một nguồn thạo tin cho biết vòng đàm phán mới sẽ diễn ra tại Belovezhskaya Pushcha của Belarus.
- Phát biểu với báo giới ngày 2/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine và hy vọng phái đoàn Ukraine sẽ tham gia đàm phán.
- Trả lời phỏng vấn của CNN ngày 1/3, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố ông sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Nga Putin. Trước đó, Tổng thống Zelensky cho rằng một lệnh ngừng bắn hoàn toàn là điều kiện cần để tổ chức các cuộc đàm phán chính thức giữa Nga và Ukraine.
Tình hình tiến quân của Nga và Ukraine
- Quân đội Nga được cho là đã đổ bộ vào Kharkiv , thành phố đông dân thứ hai của Ukraine, theo cơ quan an ninh Ukraine. Nhà chức trách Ukraine cho biết lính dù Nga đổ bộ vào khoảng 3h sáng giờ địa phương và giao tranh ác liệt với lực lượng Ukraine.
- Giới chức Ukraine cho biết một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào khoảng 8h10 sáng đã bắn trúng một tòa nhà cảnh sát và một trường đại học ở Kharkiv vào sáng nay.
- Cơ quan cấp cứu địa phương và thị trưởng Ihor Terekhov cho biết thêm 4 người thiệt mạng và 9 người bị thương khi hàng loạt các cuộc không kích và tên lửa của Nga tấn công thành phố Kharkiv.
- Tin tức cho biết một đám cháy tại một bệnh viện ở Kharkiv đã bùng phát. Theo một cảnh báo từ cơ quan truyền thông của Ukraine, các binh sĩ Nga đã tấn công một bệnh viện trung tâm y tế quân sự ở phía bắc thành phố.
- Nga tuyên bố đã chiếm giữ Kherson trên Biển Đen ở miền nam Ukraine. Tuy nhiên, thông tin vẫn chưa được xác nhận vì thị trưởng thành phố cho đến nay chỉ nói rằng các lực lượng Nga đã nắm quyền kiểm soát nhà ga và bến cảng.
- Theo hãng tin Tass, ngày 1/3, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo lực lượng Nga sẽ tấn công các mục tiêu thuộc Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và Trung tâm Các chiến dịch thông tin và tâm lý (PSO) số 72 ở thủ đô Kiev, Ukraine.
“Để ngăn chặn các cuộc tấn công thông tin chống lại Nga, lực lượng Nga sẽ tấn công các mục tiêu công nghệ thuộc SBU và Trung tâm PSO số 72 ở Kiev” – Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đồng thời kêu gọi người dân sống gần đó rời khỏi nhà cửa. - Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, Ukraine sẽ nhận được nhiều tên lửa Stinger và Javelin từ nước ngoài, cũng như một lô hàng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ.
Phản ứng của Mỹ và các nước
- Trong Thông điệp Liên bang 2022 được trình bày trước hai viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Joe Biden nhắc lại rằng Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine sau chiến dịch quân sự của Nga, đồng thời nhấn mạnh quân đội Mỹ được triển khai đến châu Âu không phải để chiến đấu ở Ukraine, mà để bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
- Bộ Giao thông vận tải và Cơ quan Hàng không dân dụng liên bang Mỹ đã chính thức thông báo quyết định cấm các máy bay và hãng hàng không Nga bay vào không phận nước này. Quyết định trên sẽ có hiệu lực vào cuối ngày 2/3.
- Các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus vì hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine, theo Chủ tịch EU xác nhận. Các nhà ngoại giao EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với chính phủ Belarus có vai trò trong các cuộc tấn công vào Ukraine, theo hãng Reuters đưa tin.
- Ủy ban châu Âu đề xuất biện pháp bảo vệ tạm thời cho những người chạy khỏi cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm giấy phép cư trú, tiếp cận việc làm và phúc lợi xã hội.
- Ngày 1/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết quân đội Anh sẽ không đối đầu trực tiếp với các lực lượng Nga ở Ukraine.
- Cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc đã thông báo Bắc Kinh sẽ không tham gia cùng Mỹ và châu Âu trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga.
Những ảnh hưởng về kinh tế
- Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/3 đã công bố danh sách 07 ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT – hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu – nhằm trừng phạt việc Nga tấn công Ukraine. Các ngân hàng bị EU loại khỏi SWIFT gồm: VTB, Bank Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Bank Rossiya, Sovcombank và VEB.
- Ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga, Sberbank, đang rời thị trường châu Âu khi các công ty con của họ phải đối mặt với việc rút tiền và các mối đe dọa đối với sự an toàn của nhân viên và tài sản.
- Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm người Nga xuất cảnh mang theo hơn 10.000 USD, hãng tin TASS của Nga. Theo đó, các giao dịch tiền mặt hoặc tài sản bằng ngoại tệ trên 10.000 USD sẽ bị cấm từ ngày 2/3.
- Ngày 1/3, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự thảo nghị, trong đó đề nghị Liên minh châu Âu (EU) hạn chế nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, cấm các khoản đầu tư mới của EU vào Nga, loại tất cả ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính châu Âu cũng như hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Tuy nhiên, nghị quyết này chỉ mang tính chất tham vấn và không có ý nghĩa ràng buộc. - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã thông báo về gói hỗ trợ trị giá 3 tỉ USD của WB cho Ukraine. Trong khi đó, IMF sẽ sớm xem xét các đề xuất viện trợ khẩn cấp.
- Ngày 1/3, Nhà Trắng và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thông báo Mỹ và các đồng minh đã nhất trí “xả” 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ của họ, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo tìm cách giảm nhẹ tác động của chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine lên giá xăng dầu thế giới. Một nửa số dầu này – 30 triệu thùng – đến từ kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ, một nửa còn lại đến từ các đồng minh ở châu Âu và châu Á.