Tin thế giới trưa thứ Ba

Hai nhà hoạt động đối lập ở Belarus bị bắt

Giới chức Belarus đã bắt giữ hai nhà lãnh đạo đối lập hôm thứ Hai (24/8) trong bối cảnh các cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức đã bước sang tuần thứ ba, theo The Guardian.

Cảnh sát đã bắt giữ Sergei Dylevsky, một nhà lãnh đạo đình công nổi tiếng, và Olga Kovalkova, phụ tá của bà Svetlana Tikhanovskaya, chính trị gia đối lập đã cạnh tranh với ông Lukashenko trong cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng nhưng đã bị buộc phải sống lưu vong sau khi thất bại trong cuộc tổng tuyển cử bị cáo buộc gian lận.

Cả Dylevsky và Kovalkova đều nằm trong ban lãnh đạo gồm 7 người của một “hội đồng điều phối” do phe đối lập thành lập để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển giao quyền lực trong nước. Hội đồng cũng bao gồm nhà đoạt giải Nobel Svetlana Alexievich.

Các công tố viên đã khởi tố vụ án hình sự chống lại hội đồng này, tuyên bố rằng đây là một nỗ lực bất hợp pháp để tranh giành quyền lực. Ông Lukashenko cũng đã thề sẽ thực hiện “các biện pháp thích hợp” để chống lại nó.

Iran công bố dữ liệu hộp đen máy bay Ukraine bị bắn nhầm hồi tháng 1

Iran công bố dữ liệu hộp đen máy bay Ukraine bị bắn nhầm hồi tháng 1
(Ảnh chụp màn hình Youtube/BBC)

Kết quả phân tích hộp đen chiếc máy bay chở khách Ukraine bị bắn hạ tại Iran hồi tháng 1 cho thấy nó đã bị trúng hai quả tên lửa cách nhau 25 giây, và hành khách vẫn còn sống một thời gian sau tác động của vụ nổ đầu tiên, Iran cho biết hôm Chủ nhật, theo Reuters.

Thông báo của người đứng đầu Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran Touraj Dehghani-Zanganeh là báo cáo chính thức đầu tiên về nội dung trong bản ghi âm dữ liệu và giọng nói buồng lái (hộp đen), được gửi tới Pháp phân tích hồi tháng Bảy.

Tehran cho biết họ đã vô tình bắn hạ chiếc máy bay Ukraine hồi tháng 1 vào thời điểm căng thẳng tột độ với Mỹ. Tất cả 176 người trên máy bay đều thiệt mạng.

Tên lửa thứ hai đã bắn trúng máy bay 25 giây sau quả đầu tiên, nhưng chỉ 19 giây được ghi lại trọn vẹn trên các đoạn ghi hình do bị tên lửa đầu tiên làm hư hại, truyền thông nhà nước Iran trích lời ông Touraj Dehghani-Zanganeh cho biết.

“Mười chín giây sau khi quả tên lửa đầu tiên bắn trúng máy bay, giọng nói của các phi công bên trong buồng lái cho biết các hành khách vẫn còn sống … nhưng 25 giây sau máy bay tiếp tục hứng quả tên lửa thứ hai”, ông nói.

“Do đó, không có phân tích nào về hiệu suất và tác dụng của quả tên lửa thứ hai được thu thập từ hộp đen máy bay”.

Tổ bay của máy bay — hai phi công và một hướng dẫn viên — đã cố gắng nắm quyền điều khiển máy bay cho đến phút cuối cùng, ông Zanganeh nói.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bắn hạ chuyến bay của Hãng hàng không quốc tế Ukraine bằng tên lửa đất đối không ngày 8/1 năm nay, ngay sau khi máy bay cất cánh từ Tehran, điều mà Tehran sau đó thừa nhận là “sai lầm tai hại” của quân đội trong bối cảnh nâng cao cảnh giác cao độ trong cuộc đối đầu với Mỹ. 

Iran đã đàm phán với Ukraine, Canada và các quốc gia khác có công dân đi trên chiếc máy bay bị bắn rơi, và họ đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ việc.

Các quan chức Iran và Ukraine cũng đã có các buổi thảo luận về việc bồi thường cho gia đình nạn nhân. Một vòng đàm phán khác sẽ được lên lịch cho tháng 10.

Cuộc điều tra của Iran cũng đang được tiến hành theo các quy tắc hàng không của Liên Hợp Quốc, kêu gọi tiến hành cuộc thăm dò chỉ nhằm mục đích ngăn ngừa các tai nạn tương tự xảy ra trong tương lai, độc lập với bất kỳ quy trình xét xử nào. Nhưng cuộc điều tra đã bị cuốn vào những căng thẳng trong nước và khu vực.

“Việc phân tích dữ liệu từ các hộp đen không nên bị chính trị hóa”, ông Zanganeh nói. Tại Iran, hơn 20 người đã bị kết án tù với mức án lên đến 20 năm vì tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối vụ bắn rơi máy bay.

Một số người Iran đã lên Twitter hôm Chủ nhật để bày tỏ sự tức giận. Một người dùng đã viết “Họ vẫn còn sống trong 19 giây… đúng là một thảm kịch”.

Thủ tướng Anh kêu gọi đưa trẻ trở lại trường học

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi các bậc phụ huynh cho con em của họ trở lại trường học vào tháng tới, khi các trường học mở cửa trở lại sau thời gian cách ly xã hội để phòng dịch, Fox News đưa tin hôm thứ Hai.

Ông Johnson cho rằng, việc để học sinh quay lại trường học là điều cấp thiết, vì nó là điều cần thiết cho việc giáo dục, cho quyền lợi, cho thể chất và tinh thần của con trẻ. Thủ tướng Anh cũng cho rằng nguy cơ trẻ bị nhiễm virus Vũ Hán ở trường học là “rất rất nhỏ”, vì thế các bậc phụ huynh nên mạnh dạn đưa con tới trường.

Ông Johnson lặp lại lời khuyên từ các chuyên gia y tế Anh cho rằng trẻ em có nhiều khả năng bị tổn hại nếu không được tới trường, và ông cho rằng việc tái mở cửa các trường học là một “nghĩa vụ đạo đức”.

Đức yêu cầu Nga điều tra vụ ông Navalny nghi bị đầu độc

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Hai đã kêu gọi chính phủ Nga điều tra vụ chính trị gia đối lập Alexei Navalny nghi bị đầu độc sau khi các bác sĩ Đức đã tìm thấy chất độc trong cơ thể của ông Navalny, theo Reuters.

Ông Navalny, nhân vật thường có các phát ngôn chỉ trích kịch liệt Tổng thống Putin, đã rơi vào trạng thái hôn mê sau khi uống một tách trà trên đường từ Siberia trở về Moscow hôm thứ Năm (20/8). Sau đó ông đã được đưa tới Đức để điều trị vào thứ Bảy.

Điện Kremlin tuyên bố không rõ nguyên nhân khiến ông Navalny đổ bệnh, và các xét nghiệm ban đầu không cho thấy ông bị đầu độc như các phụ tá của ông cáo buộc. Nhưng các bác sĩ người Đức điều trị cho ông Navalny tại một bệnh viện ở Berlin hôm thứ Hai cho biết các cuộc kiểm tra y tế cho thấy ông bị ngộ độc với một số loại chất ức chế cholinesterase.

Bắc Kinh lập 600 trạm tuyển dụng nhân tài toàn cầu nhằm đánh cắp công nghệ tối tân

Bắc Kinh lập 600 trạm tuyển dụng nhân tài toàn cầu nhằm đánh cắp công nghệ tối tân
(Ảnh chụp màn hình Youtube/Sky News Australia)

ĐCSTQ đã xây dựng một mạng lưới toàn cầu gồm ít nhất 600 trạm tuyển dụng trên khắp thế giới nhằm chiêu mộ những chuyên gia và nhà khoa học hải ngoại để thu thập các công nghệ tối tân.

Việc chính quyền ĐCSTQ sử dụng dự án “Nghìn nhân tài” để đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ kinh doanh của Mỹ không phải là điều bí mật. Tuy nhiên, một báo cáo của Viện chính sách Chiến thuật Australia (ASPI) gần đây đã tiết lộ, chương trình “Nghìn nhân tài” chỉ là một trong số hơn 200 dự án tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ. Để chiêu mộ nhân tài khoa học và công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, ĐCSTQ đã xây dựng một mạng lưới tinh vi gồm ít nhất 600 trạm tuyển dụng nhân tài trên khắp thế giới, và hiện quy mô vẫn đang được tiếp tục mở rộng.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) ngày 20/8 cho hay: Các trạm tuyển dụng này được phân bổ nhiều nhất ở Hoa Kỳ với 146 trạm, tiếp theo là Đức và Úc với 57 trạm mỗi nước, Anh là 49 trạm, Canada 47 trạm, Nhật Bản 46 trạm, Pháp 46 trạm. Ngoài ra, các trạm này cũng xuất hiện ở các quốc gia xa xôi như New Zealand và Thụy Điển.

Các trạm tuyển dụng này được thành lập lần đầu vào năm 2006, và số lượng chúng đã gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Tính riêng trong năm 2018, đã có tới hơn 115 trạm được thành lập. Các trạm tuyển dụng này đại diện cho chính phủ Trung Quốc trong việc mở rộng  và chiêu mộ nhân tài ở nước ngoài.

Các quan chức ĐCSTQ thường ký hợp đồng vận hành các địa điểm này với các đoàn thể địa phương, chẳng hạn như: Hiệp hội đồng hương; hiệp hội doanh nghiệp; hiệp hội nghề nghiệp và hiệp hội cựu sinh viên; các công ty công nghệ và giáo dục; hiệp hội sinh viên và học giả Trung Quốc tại các trường đại học ở nước ngoài.

Mức phí mà Bắc Kinh trả cho các đoàn thể này tương đương 29.000 USD cho mỗi người họ tuyển dụng được. Ngoài ra, chi phí hoạt động chung lên đến 22.000 USD mỗi năm.

Trạm tuyển dụng ở nước ngoài sẽ tổ chức cho các nhà khoa học ở hải ngoại đến Trung Quốc phỏng vấn. Họ thường phối hợp hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề chuyên gia nước ngoài của ĐCSTQ và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ đã liên hệ với hàng nghìn tổ chức nước ngoài để thu thập thông tin tình báo, khuyến khích chuyển giao công nghệ và chống lại các hoạt động bất đồng chính kiến, đồng thời ra sức thực hiện các mục tiêu khác của Bắc Kinh.

Kể từ năm 2018, chính phủ Hoa Kỳ đã chú ý đến chương trình “Nghìn nhân tài” của Trung Quốc, và có động thái chống lại chiến dịch thu hút chất xám này. Theo đó, chính quyền ĐCSTQ bắt đầu xóa thông tin về kế hoạch “Nghìn nhân tài” khỏi mạng lưới Internet và ra lệnh cho các tổ chức sử dụng nhiều phương pháp tuyển dụng bí mật hơn.

Một chỉ thị liên quan bị rò rỉ đính kèm báo cáo trên được ban hành ngày 29/9/2018 đề “Nhóm đánh giá dự án thanh niên “Nghìn nhân tài, Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia thuộc Cục Kế hoạch Trung Quốc” nêu rõ:

“Để tiếp tục đảm bảo sự an toàn cho các các nhân tài ở nước ngoài, đề nghị tất cả các đơn vị không sử dụng email trong quá trình phỏng vấn. Mà nên sử dụng điện thoại, fax … để thông báo dưới danh nghĩa mời trở lại Trung Quốc để tham gia các hội nghị học thuật, diễn đàn, v.v., Trong các thông báo bằng văn bản, không được có chữ “kế hoạch nghìn nhân tài”.

Mạng lưới khổng lồ này cũng trợ giúp quân đội ĐCSTQ tuyển dụng nhân tài.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng tất cả các tỉnh, thành phố và chính quyền cấp huyện của ĐCSTQ cũng đóng vai trò hàng đầu trong mạng lưới tuyển dụng nhân tài này. Hơn nữa, các kế hoạch tuyển dụng ngoài cấp quốc gia chiếm hơn 80%, số lượng các nhà khoa học được thu hút nhiều gấp bảy lần so với các chương trình cấp quốc gia.

Related posts